Lễ độ giúp giữ gìn phúc đức đến nhiều kiếp sau
Lễ độ nghĩa là bày tỏ sự tôn trọng với người trên qua lời nói, cử chỉ, thái độ, và cả trong ý nghĩ. Mỗi dân tộc vùng miền sẽ có cách riêng của mình để bày tỏ sự tôn trọng đó. Nhưng tất cả đều giống nhau ở cử chỉ cúi đầu, ở từ ngữ vâng dạ, ở nét mặt thành kính.
Con người đối xử với nhau có mấy cấp độ tình cảm, hay gọi là mấy cung bậc tình cảm cũng được. Cấp độ tình cảm Âm nghĩa là các tình cảm tiêu cực như thù ghét, khinh bỉ, lạnh nhạt... Bỏ tình cảm tiêu cực đó để tăng lên dần đến zero, chẳng quan tâm để ý gì. Từ mức tình cảm zero tăng dần lên là những tình cảm tích cực gồm có: có thiện cảm nhẹ, đến ưa thích, yêu mến, kính trọng, tôn sùng...
Các loại tình cảm tiêu cực thì gây bất ổn cho xã hội và chính cuộc đời ta. Ai hay khởi lên các tình cảm tiêu cực thì dễ mang tội, hao tổn phần phước. Khinh người, ghét người thì luật Nhân quả cũng sẽ bắt mình trả giá. Nhẹ thì mất hết tài năng, nặng thì mất hết nhân cách, nặng nữa thì điên loạn. Khinh ghét người bình thường cũng làm ta mang tội. Khinh ghét bậc thánh đáng kính thì làm ta tan vỡ mọi duyên phúc đã vất vả gây tạo từ lâu.
Còn tình cảm tích cực thì dễ làm ta có phúc. Thương người, kính trọng người, đời ta cứ thăng tiến dần.
Có một biến dạng của tình cảm tích cực như hâm mộ cuồng nhiệt (fan cuồng gây rối), hoặc tình yêu nam nữ (có liên quan đến bản năng tính dục) thì đã đi qua nhánh khác không nói ở đây.
Mỗi loại tình cảm đều làm tiêu hao năng lượng của thân và tâm ta. Ghét người cũng làm ta mệt, thương người cũng làm ta mệt. Mệt thì làm không nổi, hay phải nghỉ ngơi lấy lại năng lượng cái đã. Các cặp tình nhân hay vợ chồng yêu nhau say đắm rồi cũng có lúc trơ trơ vì năng lượng cạn cần được sạc lại. Nếu không hiểu quy luật cạn năng lượng trong tình yêu, người ta sẽ trách móc rồi đổ vỡ.
Tâm kính trọng tiêu hao rất nhiều năng lượng hơn các tình cảm khác. Ai "khỏe" lắm mới thường xuyên kính trọng được các bậc trưởng thượng. Đó là lý do các đứa trẻ khi đến tuổi chớm lớn liền tránh né bày tỏ kính trọng người trên, vì mệt đủ rồi. Nhưng đó là tai họa. Không kính trọng được người trên thì nội tâm yếu dần, mất sức đề kháng, dễ bị sa ngã hư hỏng.
Đứa trẻ nào thông minh mạnh mẽ mới tiếp tục ngoan ngoãn lễ độ để đi qua hết tuổi thiếu niên cho đến trưởng thành.
Trong tôn giáo, các tín đồ, các tu sĩ được rèn luyện cái tâm kính trọng tột cùng, nên họ cũng có sức mạnh nội tâm đáng kể. Đó là lý do họ có sức cuốn hút mạnh đối với quần chúng hơn người thường. Chỉ vì tâm họ mạnh quá.
Tâm kính trọng bậc thánh hiền, tâm kính trọng bậc trưởng thượng, tâm kính trọng người trên, là loại tâm tình cảm tích cực nhất, hao tốn năng lượng nhất, nhưng cũng đem lại phúc đức nhiều nhất. Đứa trẻ nào sớm biết kính trọng người trên, ta yên chí đứa trẻ đó sẽ đạt nhiều thành công ở mai sau.
Còn nếu ai kính trọng tột độ các bậc thánh thì họ sẽ đủ sức mạnh nội tâm để trở thành một vị thánh trong tương lai. Trở thành thánh nghĩa là phải rất thông minh, rất đạo đức, có rất nhiều cống hiến cho cuộc đời.
Nếu có tâm kính trọng thì tâm đó sẽ được bày tỏ ra bằng lời nói lễ phép, bày tỏ ra bằng cử chỉ khiêm cung, bày tỏ ra bằng thái độ thành kính. Tất cả sự bày tỏ đó gọi là Lễ Độ.
Gia đình nào trang bị cho các trẻ biết lễ độ tức là biết trang bị cho các em cả một gia tài lớn lao ở mai sau. Người nào giữ gìn văn hóa lễ độ cho mình tức là biết giữ gìn phúc đức đến nhiều kiếp sau.
Vì thế, hãy cùng nhau biết cúi chào, biết dạ thưa, biết ngoan ngoãn, biết thành kính, thậm chí khi cần thì ta sẽ quỳ xuống trước điều cao thượng thiêng liêng.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận