Đạo diễn trẻ Trịnh Hoàng Xuân Phúc chia sẻ cách vượt qua khó khăn nhờ niệm mẹ hiền Quán Thế Âm
Không theo con đường nghệ thuật bình thường như tiền bối khác, anh chọn cho mình hướng đi thiên về Phật giáo. Anh là Trịnh Hoàng Xuân Phúc, một đạo diễn trẻ nhưng lại có nhiều tác phẩm nghệ thuật ca cổ, cải lương liên quan đến Phật giáo.
Xem đức Quán Thế Âm như mẹ hiền
Với một gia đình có truyền thống thờ kính Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng – PV), ngay từ nhỏ Trịnh Hoàng Xuân Phúc đã thích tìm đến cảnh chùa.
Anh quy y đạo Phật vào năm 10 tuổi với pháp danh là Hải Trí. Do thường lui tới và gần gũi với quý Ni trưởng gần nhà nên từ khi quy y, Phúc đã được dạy thực hành những thời khóa công phu cũng như những lời Phật dạy, làm lành lánh dữ, tam quy ngũ giới v.v…
Nói về việc hướng đến đạo Phật, Phúc cho rằng: “Niềm tin với Phật giáo của mình rất lớn, tin vào sự nhiệm mầu của đức Phật A Di Đà và đức Quán Thế Âm Bồ tát. Chính nhờ vào sự gia hộ của quý Ngài nên những lúc khó khăn hay vướng mắc trong công việc, Phúc đã có thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua".
Những lúc bế tắc, khó khăn, Phúc đều thầm niệm kêu cứu đức Quán Thế Âm, nhiều lần như vậy Phúc mới hiểu vì sao có rất nhiều Phật tử gọi Ngài là “Mẹ”.
Do có niềm tin với đạo Phật nên anh thực hiện khá nhiều tác phẩm liên quan đến Phật giáo. Tác phẩm của Phúc đạo diễn phần nhiều là các DVD ca cổ, cải lương Phật giáo với các tên tuổi nghệ sĩ gạo cội trong làng sân khấu cải lương Việt Nam, như NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Phượng Loan v.v…
Nói về lần đầu tiên thực hiện tác phẩm về Phật giáo vào năm 2007, Phúc cười nói: “Lúc đó mình mới chỉ 20 tuổi, có rất nhiều ý tưởng nhưng khi thực hiện mới thấy xuất hiện nhiều khó khăn. Lúc đó Phúc run lắm, sợ nói không ai nghe vì còn nhỏ tuổi. Nhưng nhờ sự gia hộ của Đức Mẹ Quán Thế Âm và sự hỗ trợ của các cô chú như cô Lệ Thủy, chú Thành Điền… nên tác phẩm đã thành công.”
Mỗi ngày đều là ngày tu
Là một đạo diễn, có tấm lòng với Phật giáo nên dù bận rộn anh vẫn cân đối công việc và tu tập của mình. Ngày nào Phúc cũng từ 1-2h sáng mới nhắm mắt và dậy khoảng 4h30 hay 5h sáng. Thức dậy việc đầu tiên của anh là nhớ tới một người đó là Bồ tát Quán Thế Âm.
Sau đó anh đi công phu sáng gồm niệm chú Đại Bi và phẩm Phổ Môn. Ngay cả khi Phúc đi du học ở Úc, dù ở với một bạn người nước ngoài không thể đặt bàn thờ nhưng lúc rảnh là anh lại tự ngồi niệm Bồ tát Quán Thế Âm.
7h sáng Phúc đi làm, xử lý kịch bản, đọc sách, xem các thể loại phim, buổi trưa thì nghe cải lương và online, buổi chiều Phúc vừa đi dạo vừa niệm Phật. Khi về nhà buổi tối thì Phúc kiểm tra và trả lời mail, trước khi ngủ thì dành 10 – 15 phúc ngồi tĩnh tâm ôn lại những gì đã làm và chưa làm được của một ngày và niệm Quán Âm rồi ngũ.
Nói về các tác phẩm mình thực hiện, anh nhớ nhất là vỡ cải lương Nỗi niềm hối hận. Tác phẩm này do Đại đức Thích Giác Thiện, trụ trì chùa Từ Quang chỉ đạo thực hiện với sự tham gia của nhiều gương mặt diễn viên cải lương như: NSƯT Phượng Loan, Hoàng Nhất, Hữu Tài, Bích Thủy, Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Kiều Mai Lý.
Nội dung thể hiện về việc "sống thử" của một cặp bạn trẻ, dẫn đến việc người yêu phải phá thai. Sau khi buộc người yêu phá bỏ thai nhi, dòng đời đưa đẩy người thanh niên phải vào chùa nương nhờ cửa Phật. Tại đây, anh gặp lại đứa con thơ do người yêu bỏ lại chùa.
“Nội dung vở diễn này không nhằm lên án đả kích bạn trẻ mà thay vào đó là sự chia sẻ cảm thông với những hoàn cảnh bất khả kháng. Từ đó tôi hy vọng góp một tiếng nói thức tỉnh giới thanh thiếu niên, những người có lối suy nghĩ 'thoáng' trong tình yêu và quan hệ nam nữ như hiện nay. Đặc biệt là đưa ánh sáng từ bi của đạo Phật để định hướng các bạn trẻ sống tốt hơn” Xuân Phúc cười nói.
Xem thêm: Á hậu Trương Thị May: Sống hiếu thảo với mẹ để làm gương cho các em
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận