Ăn chay như thế nào để tốt sức khỏe?
Nhiều phật tử ăn chay như cách để tu dưỡng nhằm tích phúc báo. Ăn chay mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu bữa ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ý nghĩa của việc ăn chay
Theo lời kinh Phật, để giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, khổ đau, đem niềm vui lại để bớt khổ cho mọi người, yêu thương mọi loại thú cầm, cùng nhau chung sống trong hòa bình và an vui.
Do đó, đức Phật dạy Phật tử phải ăn chay để tránh quả báo xấu, để tăng trưởng lòng từ, để mọi người và thú cầm cũng cùng nhau chung sống trong hòa bình, an vui.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Chúng tôi đã ngừng sử dụng thực phẩm không thuần chay trong tu viện Tây Tạng. Chúng ta phải tôn trọng tất cả các dạng của sự sống”.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Ấn Độ đã truyền sang nhiều quốc gia lân cận, ra khu vực Á Đông và lan sang hàng trăm quốc gia trên thế giới. Sự phát triển này đi theo 2 hướng về phương Bắc gọi là Phật giáo Bắc Tông (mang tư tưởng Đại thừa). Còn về phương Nam thì gọi là Phật giáo Nam Tông (mang tư tưởng Tiểu Thừa).
Người Phật giáo tu theo hệ Phật giáo Bắc Tông ăn chay trường nghiêm túc nhưng ăn rất cầu kỳ. Còn tu theo Phật giáo Nam Tông, người xuất gia được phép thọ dụng các thức ăn từ động vật như thịt, cá... do cúng dường (gọi là tam tịnh nhục - không thấy, không nghe, không nghi).
Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, người xuất gia không được ăn mặn, cho dù những loại thịt đó là tam tịnh nhục.
Tại Việt Nam có 3 truyền thống Phật giáo chính là Nam Tông, Bắc Tông và Khất Sĩ. Trong đó, Bắc Tông và Khất Sĩ thì ăn chay còn chư Tăng ni của Nam Tông thì dùng thực mặn.
Các hình thức ăn chay
Người ta chia ăn chay làm hai loại: Ăn chay trường và ăn chay kỳ.
Ăn chay trường: Là ngày nào cũng ăn chay.
Ăn chay kỳ: Có nhiều cách:
* Nhị trai: Mỗi tháng ăn 2 ngày là Mồng Một và ngày Rằm. Ngày xưa không có lịch để xem ngày tốt xấu, nên đặt ra cách ăn 2 ngày vào ngày trăng tròn (ngày Vọng: ngày Rằm) và ngày không trăng (ngày Sóc: mồng một).
* Tứ trai: Mỗi tháng ăn 4 ngày là Mồng Một, 14, Rằm, 30 (tháng thiếu 29).
* Lục trai: Mỗi tháng ăn 6 ngày là Mồng Một, 8, 14, Rằm, 23, 30 (tháng thiếu 29).
* Thập trai: Mỗi tháng ăn 10 ngày là Mồng Một, 8, 14, Rằm, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29).
* Nhất nguyệt trai: Ăn chay trọn tháng Giêng hay tháng Bảy.
* Tam nguyệt trai: Ăn chay trọn tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười.
Những lưu ý quan trọng người ăn chay cần biết
Các chuyên gia về sức khỏe đã khẳng định ăn chay mang lại nhiều lợi ích nếu bữa ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Lời khuyên dành cho người ăn chay đó là hạn chế ăn đồ chay làm sẵn. Những đồ này thường nhiều gia vị, chất béo bão hòa. Các loại rau củ sấy khô tốt hơn loại qua chế biến nhiều dầu và gia vị nhưng lại có thể có nhiều chất bảo quản.
Dưới đây là một số lưu ý giúp người mới ăn chay đảm bảo được sức khỏe và cảm thấy việc ăn chay dễ dàng hơn:
Ăn đa dạng các loại thực phẩm
Người ăn chay nên ăn đa dạng các thực phẩm để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Chẳng hạn, các loại cây họ đâu chứa nhiều chất đạm và chất xơ; các loại rau có lá màu xanh đậm chứa các vitamin A, C, K...
Thực đơn nhiều rau củ quả
Rau củ quả chứa nhiều các vitamin (A và K), các khoáng chất (như potassium) giúp ổn định lượng calo hấp thụ vào và giàu chất xơ nên tạo cảm giác no lâu.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt hoặc gạo lứt có chứa sắt, vitamin B, chất xơ giúp no lâu và giảm cân.
Bổ sung đạm
Theo khuyến nghị, mỗi ngày người nữ cần hấp thụ khoảng 46g đạm và người nam cần 56g.
Đạm từ nguồn gốc thực vật rất phong phú và có lợi cho sức khỏe.
Các thực phẩm chứa nhiều đạm như đậu hũ, đậu nành, đậu lăng, đậu ngựa,… Hay, các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt óc chó, hạt hướng dương, hạt bí.
Theo ước tính, nửa cốc ngũ cốc các loại chứa 5g đạm, 2 muỗng bơ đậu phộng chứa 8g đạm, nửa cốc đậu hũ chứa 10g đạm, nửa cốc đậu lăng nấu chín chứa 9g protein.
Omega-3 từ thực vật
2 loại omega-3 axit béo tốt là DHA và EPA, tốt cho mắt, não bộ và tim mạch; có trong hạt lanh, hạt dẻ, đậu nành.
Vitamin D
Mỗi ngày cơ thể cần từ 600-1.500 IU vitamin D. Người ăn chay có thể bổ sung vitamin D thông qua các thực phẩm như đậu nành, hạt hạnh nhân, nấm và nước cam.
Chất sắt
Chất sắt có trong đậu hạt, cây họ đậu và rau cải có lá xanh. Kết hợp các thực phẩm giàu sắt và vitamin C để tăng cường hấp thụ sắt. Tránh ăn các thực phẩm giàu canxi đồng thời với các thực phẩm có chứa sắt vì sẽ làm giảm hấp thụ sắt.
Vitamin B12
Vitamin B12 giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng trong cơ thể, giúp ích cho chức năng não bộ, có trong ngũ cốc. Khi cần bổ sung vitamin B phải hỏi ý kiến bác sĩ. Lượng vitamin B12 cần mỗi ngày với người trưởng thành là 2,4 microgram.
Những điều cần tránh khi ăn chay
Tâm thế chủ động
Khi thực hiện ăn chay cần lưu ý ăn cho đủ chất dinh dưỡng, nhất là nên ăn các thứ rau, đậu, giá, đậu hũ và mì căng. Người ăn chay không nên quá kiêng khem, chẳng hạn khi đi máy bay, lúc mua vé hãy bảo cho họ biết mình ăn chay, họ sẽ lo thức ăn chay cho mình.
Tránh kiêu ngạo
Ý nghĩa của việc ăn chay vì lòng từ với chúng sinh, để tránh nghiệp xấu. Cho nên, người ăn chay nên hiểu rõ đây là duyên lành, không nên cho là ta giỏi hơn mà coi thường người chưa ăn chay. Sự kiêu ngạo không chỉ gây ác cảm đối với người khác mà còn làm tổn tại phúc báo của bản thân.
Không nên giả mặn
Lưu ý khi làm đồ ăn chay, tránh làm những món ăn như nắn thành hình con chim, gà, vịt hay thịt bò, thịt heo... Làm như vậy chẳng khác nào gợi cho người ta nhớ món ăn mặn.
Không gây khó cho người khác
Khi đến nhà người khác hay đi dự tiệc, nếu gia chủ không biết trước để chuẩn bị món ăn chay, thì bạn cứ ăn tạm với những thức ăn có thể ăn được như rau cải, dưa leo, nước tương... Tránh việc làm cho gia chủ thấy khó nghĩ vì không tiếp đãi được mình như ý muốn.
Xem thêm: Lời Phật dạy: Biết chịu thiệt cũng là một loại phúc báo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận