Vì sao người "ở hiền" nhưng không "gặp lành"?
Có người ăn ở rất hiền lành, suốt đời làm những việc tốt nhưng số họ lận đận, xui xẻo; còn người xấu làm điều ác thì lại hay gặp may và sống vui vẻ. Hãy đọc bài viết để hiểu nguyên nhân vì sao bạn nhé.

Nghiệp duyên từ kiếp trước
Luật nhân quả là một trong các nguyên lý cơ bản của giáo lý Phật giáo. Theo luật nhân quả trong nhà Phật thì “ở hiền gặp lành”, “ở ác gặp ác”, “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”.
Nhưng thực tế cuộc sống lại có thể xảy ra điều trái ngược, có người ăn ở rất hiền lành, suốt đời làm những việc tốt nhưng số họ lận đận, xui xẻo; còn người xấu làm điều ác nhưng lại thấy họ rất hay gặp may và sống vui vẻ.
Chính vì điều này khiến không ít người hoang mang, ngoài nghi về sự công bằng, về luật nhân quả. Lý giải điều này, nhà Phật cho rằng, sự “bất công” mà người phàm nhìn thấy thật ra là rất công bằng theo luật nhân quả. Và điều này liên quan trực tiếp đến nghiệp từ tiền kiếp.

Phật có dạy trong kinh nhân quả rằng: Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại; muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại là vì vậy.
Nhiều người không tin rằng mình sống ở đời này nhưng đã trải qua vô lượng kiếp khác trong quá khứ. Song, đây là điều đã được Phật Thích Ca nhìn thấy rõ sau khi chứng đạo quả. Những nghiệp báo mà con người tạo ra ở những kiếp cứ chất chồng theo năm tháng và theo họ từ vô thỉ kiếp cho đến nay.
Ở kiếp hiện tại, con người không những bị nghiệp mới tạo ra chi phối mà họ còn phải trả nghiệp duyên của những kiếp trước mà họ còn đang “nợ”.
Cũng chính vì thế mà trong kiếp này có người “ở hiền”, sống tốt đẹp nhưng chưa được quả báo tốt tức là do họ đang “trả” những thứ mà chính họ đã đi “vay” ở những kiếp trước. Và ngược lại, những người có phước dày từ kiếp trước thì kiếp này sung sướng.

Nhân quả báo ứng chỉ là sớm hay muộn
Đại đức Thích Đạt Ma Phổ Giác nói rằng: “Sống ở đời, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù khôn hay dại, dù tốt hay xấu, ai ai cũng muốn được sống sung sướng hạnh phúc. Quả thì ai cũng muốn được tốt đẹp nhưng mà nhân thì chúng ta không chịu gieo. Hoặc đã gieo nhân ác mà cứ muốn quả lành trái ngọt, thật là vô lý”.
Người cũng lý giải rằng, chúng ta tìm kiếm hạnh phúc mãi mà không thấy, chỉ thấy toàn phiền muộn khổ đau. Khổ quá chúng ta bèn tìm đến các chùa, tìm người cầu chỉ dạy. Ðạo Phật dạy gì cho chúng ta? Trước tiên dạy luật nhân quả, để chúng ta biết làm lành hướng phước tốt đẹp và tránh xa nhân xấu ác làm tổn hại người khác, vì gieo nhân nào thì gặt quả nấy.
“Con người khi gặp quả báo xấu mới than trời trách đất đổ thừa tại thì là... mà không chịu gieo nhân lành ngay nơi hiện tại. Nhiều người đã phạm tội nhưng chưa bị phát hiện bởi nhân xấu chưa kết thành quả, thì họ vẫn cứ ung dung hưởng thụ, thản nhiên như người vô tội, thậm chí còn phỉ báng luật nhân quả nữa. Đến khi phước hết họa đến chịu quả khổ đau không có ngày thôi dứt”, Đại đức Thích Đạt Ma Phổ Giác nhìn nhận.
Tu dưỡng thế nào để chuyển hóa nghiệp dữ?
Nhiều người nghĩ rằng nghiệp là điều gì đó khủng khiếp, do đáng siêu nhiên giáng xuống cuộc đời mà không biết rằng, nghiệp chỉ đơn giản là một thói quen.
Vì là thói quen nên mỗi người hoàn toàn có quyền lựa chọn và sửa đổi theo ý mình. Những suy nghĩ tiêu cực lâu ngày, chúng ta đã có những hành động xấu, lời nói xấu và ý nghĩ xấu. Ðiều này tạo nên những nghiệp bất thiện…
Thói quen xấu tạo nghiệp ác, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hóa nghiệp bất thiện bằng việc thay đổi dần những thói quen. Việc tu dưỡng của mỗi người nên bắt đầu từ lời nói, hành động và tâm ý của mình. Chẳng hạn, thay đổi lời nói dối trá thành lời chân thật, lời dua nịnh thành lời ngay thẳng; chuyển đổi những hành động xấu như trộm cướp thành hành động tốt như bố thí, giúp người…

Đặc biệt nhất, chúng ta phải tập thay đổi những suy nghĩ xấu, tiêu cực thành những ý nghĩ tích cực - những thiện ý. Do ý là cái chủ động, thân và khẩu chỉ là thừa hành, cho nên khi chuyển đổi được cái chủ động thì có thể đi đến chấm dứt các nghiệp xấu.
Nếu thường xuyên thực hành những điều này thì chúng ta sẽ tạo thành những thói quen tốt, tức là ta đã chuyển đổi từ nghiệp dữ quá khứ thành nghiệp lành rồi.
Tuy nhiên có một điều phải nói rõ rằng, những nghiệp (thiện và ác) mà con người tạo ra trong kiếp này không phải vì nghiệp quá khứ mà mất đi; mà đến một lúc nào đó nhân duyên hội tụ đủ đầy, thì nghiệp đó sẽ chuyển thành quả.
Trong kinh Pháp Cú, Phật Thích Ca cũng nói rất rõ điều này qua các bài kệ rằng: "Người gieo thiện, quả lành chưa có. Chính là do giờ trổ còn xa. Đủ duyên, cây thiện trổ hoa. Ở hiền gặt phúc hẳn là lý chân” (Pháp Cú số 120).
“Kẻ làm ác quả sầu chưa trổ. Chẳng phải do nhân quả không thiêng. Đến khi quả xấu kề bên. Ác thời gặp ác, khổ phiền ngày đêm” (Pháp Cú 119).
Hiểu lời Phật dạy, chúng ta cần cố gắng tu tập thêm để sớm chuyển hóa những nghiệp dữ quá khứ và tạo những nhân tốt đẹp cho mai sau.
Xem thêm: Ở đời bạn có thể 'lách' được tất cả các loại luật nhưng chắc chắn không thể lách được luật nhân quả
Đọc thêm
Đã bao giờ bạn dự đám tang mà nhìn thấy toàn bộ gương trong nhà gia chủ đều được che phủ bằng vải hay báo chưa? Tại sao nhà có người mất phải che toàn bộ gương?
Đến cầu Nại Hà, linh hồn phải uống canh Mạnh Bà. Canh Mạnh Bà là thứ canh lãng quên, xóa bỏ mọi hỷ - nộ - ái - ố ở cõi nhân gian.
Những lời Phật dạy về lòng tham và quả báo từ lòng tham sẽ giúp cho những người con Phật biết tu dưỡng để tránh được nghiệp duyên oan nghiệt trong tương lai.
Tin liên quan
Những lời Phật dạy ngắn gọn, ý nghĩa và sâu sắc giúp mỗi người luôn biết tu dưỡng bản thân để có cuộc sống vui vẻ, bình an, kéo dài tuổi thọ.
Đức Phật dạy, ở đời có luật nhân quả, bạn làm chuyện hại người thì sẽ có người hãm hại lại bạn. Bạn lừa dối người khác cũng có người khác lừa dối bạn. Ở đời có những nghề kiếm bạc tỷ nhưng không có hậu, nên tránh xa.
Đức Phật từng dạy rằng: “Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung”, đúng vậy, tha thứ cho người khác cũng là tạo phúc cho chính mình.