Lời Phật dạy: Anh em sống hòa hợp là nền tảng của gia đình hưng thịnh
Trong một dòng tộc, nhất là anh em, nếu biết sống hòa hợp thì đó chính là dấu hiệu của một gia đình, dòng tộc hưng thịnh.
Tình cảm anh em trong gia đình là thứ tình cảm cao quý đáng trân trọng. Chính vì thế, người xưa có câu ca dao "Anh em là đạo cánh tay". Hiểu là: Tay áo đứt có thể nối lại được, còn cánh tay một khi đã dứt lìa thì khó có thể hàn gắn. Tình cảm anh em cao quý như vậy nên mỗi người hãy biết nâng niu, anh nhường nhịn em, em trân trọng anh thì trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hòa.
Chuyện thu hoạch lúa thấu tình anh em
Chuyện kể rằng, vào thời vua Salomon, có hai anh em nhà kia thu hoạch lúa trên cánh đồng thuộc vùng Zion.
Một đêm lúc trời không có trăng, người anh lấy trong phần lúa của mình một ít, bó lại rồi bỏ qua ruộng của người em. Vừa thực hiện, người anh vừa tự nhủ trong lòng: “Em ta có đến bảy đứa con, phải nuôi nhiều miệng ăn, ta chia phần của ta cho em”. Xong việc, người anh đi về nhà.
Sáng hôm sau, người em thu hoạch lúa, thấy được nhiều lúa hơn dự tính nên đang đem số lúa dư sang ruộng của người anh. Người em nghĩ trong lòng: “Anh của ta sống có một mình không ai đỡ đần. Thôi ta chia bớt lúa cho anh ấy”.
Đến khi mặt trời mọc, cả hai anh em đều ngạc nhiên thấy mình có nhiều lúa hơn trước.
Đêm hôm sau, họ lại mang trả lúa cho nhau nhưng vẫn thấy kho lúa của mình không hề vơi đi. Nhưng, đến đêm thứ ba, cả hai chạm mặt khi cùng mang lúa cho nhau. Hai anh em đã ôm lấy nhau mà khóc, vui mừng vì thấy lòng tốt của nhau.
Câu chuyện về lòng yêu thương của hai anh em khiến vua Salomon vô cùng xúc động. Vua đã ban thưởng cho hai anh em và cho tạc tượng họ ngay trên ngôi làng họ đã sống và thể hiện tình anh em cao đẹp ấy để làm gương tốt cho mọi người.
Đức Phật là tấm gương về tình anh em
Nhiều người hiểu sai rằng đi tu là để xa lánh, trốn tránh cuộc sống hiện tại. Trong khi đó, Đức Phật vẫn luôn có mối quan tâm đặc biệt đối với dòng tộc, anh em của mình.
Khi có lời thỉnh cầu từ vua Suddhodana và hai bên nội ngoại, Đức Phật đã thân hành về lại quê nhà. Không những thế, sau này Ngài đã trở về quê hương hai lần nữa để cuối cùng, đã có một sự chuyển hóa mạnh mẽ trong toàn bộ thân tộc Thích Ca.
Khi thấy sự bất hòa giữa hai bên nội, ngoại, Đức Phật đã giảng giải cho mọi người hiểu về sự tạm bợ của vật chất, của phương tiện sinh nhai và chỉ ra cái cao quý của sinh mạng, của phẩm vị con người, của tình đoàn kết.
Đặc biệt, với những người trong thân tộc họ hàng, thì yếu tố đoàn kết có vai trò quan trọng. Vì khi đoàn kết, không ai có thể tìm ra lỗ hổng để tấn công cả, nhưng khi chúng đã tranh chấp lẫn nhau, thì một kẻ đi săn nào đó cũng tàn phá chúng và tiêu diệt chúng. Nhờ đó mà Ngài tìm ra giải pháp để hai bên hòa giải thích hợp.
Xuất phát từ sự nhận thức sai lầm và do nội kết quyện chặt từ nhiều đời giữa dòng họ Thích Ca và vua Tỳ Lưu Ly, vua Tỳ Lưu Ly đã nhiều lần khởi binh tiến đánh bộ tộc Thích Ca. Đức Phật đã hơn một lần đứng ra ngăn cản vua Tỳ Lưu Ly sát hại dòng tộc Thích Ca. Nhưng vì nghiệp này quá nặng, cuối cùng Tỳ Lưu Ly đã tàn sát gần như diệt vong dòng họ Thích Ca.
Giữa tình cảm anh em, không chỉ có tình thương mà còn phải nghiêm khắc với tất cả những sai trái của những người thân. Đề Bà Đạt Đa là anh em bà con với Đức Phật đã cầu thỉnh năm việc cũng như một số yêu cầu không hợp lý khác đã không được Đức Phật đáp ứng. Ngài thẳng thắn từ chối và khiến người này tức giận, nhiều lần mưu hại Đức Phật nhưng không thành.
Lời Phật dạy về tình anh em
Từ trước đến nay, chúng ta từng chứng kiến cảnh tượng đau lòng khi có khá nhiều anh chị em trong nhà oán hận không nhìn mặt nhau, mưu hại nhau và thậm chí là chém giết lẫn nhau vì lợi ích cá nhân.
Những lời Phật dạy dưới đây sẽ giúp mỗi người trong chúng ta có dịp nhìn nhận lại bản thân mình và tình cảm với anh em mình.
Đoàn kết
Theo lời Đức Phật dạy, sự đoàn kết làm cho những cá thể hợp thành một khối và sẽ tạo nên sức mạnh tổng hòa. Với sức mạnh đó, có thể thực hiện được nhiều việc tốt cho bản thân và cho tha nhân, cho cộng đồng.
Sự khẳng định của Đức Thế Tôn: các bà con không nên tranh cãi nhau. Tranh cãi là nguồn gốc diệt vong còn có ý nghĩa thời sự trong thời đại ngày nay.
Biểu hiện của sự đoàn kết đó là hạ thấp cái tôi giúp con người ta dễ dàng chấp nhận nhau, hoan hỷ và có thể đến với nhau trong tập thể lớn. Trong kinh Tiểu bộ, có câu chuyện về đàn chim cùng đoàn kết bay lên, kéo theo cả tấm lưới của người thợ săn, là minh chứng sống động về sức mạnh đoàn kết.
Trong một dòng tộc, nhất là anh em, nếu biết sống hòa hợp thì đó chính là dấu hiệu của một gia đình, dòng tộc hưng thịnh.
Tự chủ
Một số người luôn mang trong mình thái độ ỷ lại, chẳng hạn suy nghĩ ai là anh cả sẽ phải lo hết cho các em trong nhà, phải lo cho cha mẹ... Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Đạo Phật đề cao việc người thân và anh em có sự liên hệ tương hỗ đến nhau, tuy nhiên luôn bình đẳng trước nghiệp nhân mà mình đã gây tạo.
Tuy nhiên, Phật giáo hướng con người tìm về vô ngã, không bao giờ đồng tình với việc ỷ lại, dựa dẫm người thân. Đôi khi việc mình giúp đỡ ai đó đem lại hiệu quả tốt nhưng cũng có khi mình phải chịu đau khổ, thiệt thòi. Đây là cách hành xử chưa đúng trong quan hệ thân tộc, anh em.
Nếu anh em trong nhà mà so bì hơn thua thì chỉ khiến cho cha mẹ khổ tâm, đau buồn. Nếu anh em biết tương trợ giúp đỡ, thương yêu lẫn nhau, đó gọi là thuận theo đạo, vốn cũng là một yếu tố nằm trong đạo hiếu.
Giữ gìn nếp nhà
Nếp nhà được hiểu là truyền thống đạo đức của gia đình, của dòng tộc, là những giá trị tinh thần được thiết lập và củng cố từ nhiều thế hệ trước đó. Tuy nhiên, mỗi người phải đủ trí tuệ để phân định và nhận ra không hẳn mọi giá trị được định hình từ truyền thống là tốt nếu bản chất của nó là bất lạc, là khổ đau.
Đức Phật dạy về điều này như sau: Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng…
Cần phải có một thái độ thẩm sát tỉnh táo, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc” thì hãy tuân thủ và thực hành.
Kính trọng
Thương nhau nhưng phải kính trọng nhau, đó là nguyên tắc chung trong mọi mối quan hệ xã hội, bao gồm cả quan hệ anh em, thân tộc.
Lời Phật dạy:
Với mẹ và với cha
Với anh nhiều tuổi hơn
Với thầy là thứ tư
Không nên sanh kiêu mạn
Nên kính trọng vị ấy
Nên tôn kính vị ấy
Cúng dường họ, tốt lành.
Là anh em trong nhà, là người thân thì phải thương nhau, lo lắng cho nhau, chia sẻ công việc, giúp đỡ nhau.
Đôi khi, không thể tránh khỏi sự tranh cãi hay va chạm giữa anh em, thân tộc, nhưng nhờ sự tương kính và nhường nhịn, mọi chuyện dễ dàng được tha thứ và mối quan hệ nhanh chóng được hàn gắn. Trong quan hệ sống chung giữa anh em thân thích thì sự quan tâm hỗ tương, san sẻ cho nhau từ sự nghiệp, cơ hội làm ăn cho đến giúp nhau trong những việc vặt giữa đời thường, cũng là những đức tính được Phật ca ngợi và tán thán.
Xem thêm: Lời Phật dạy: Lúa chín cúi đầu, người càng khiêm tốn càng nhiều phúc báo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận