Nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Tự tứ trong đạo Phật
Lễ Tự tứ là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, nhằm đúng dịp Vu Lan báo hiếu, đánh dấu sự kết thúc của ba tháng An cư. Dưới đây là nguồn gốc, ý nghĩa, cách thức Tự tứ đúng Pháp, quý Phật tử có thể tham khảo.
Nguồn gốc của Lễ Tự tứ
Trong đạo Phật, lễ Tự tứ được tổ chức vào dịp Vu Lan báo hiếu rằm tháng 7 âm lịch. Đây là ngày lễ truyền thống trọng đại của cả dân tộc, là dịp để mọi người báo đáp 4 ân sâu nặng. Các vị xuất gia được thêm một tuổi đạo, gọi là tuổi hạ.
Về nguồn gốc của Lễ Tự tứ, xuất phát từ câu chuyện được ghi chép lại về lòng hiếu thảo của tôn giả Mục Kiền Liên. Năm xưa, tôn giả Mục Kiền Liên sau khi xuất gia tu học theo Phật đắc pháp lục thông, vì muốn biết mẹ mình sau khi chết đang ở đâu, nên ngài dùng thiên nhãn tìm kiếm. Tôn giả thấy mẹ mình đang bị đọa trong đường ngạ quỷ, không được uống ăn nên thân thể héo gầy.
Tôn giả vì thương mẹ nên dùng thần lực đem cơm dâng mẹ, nhưng bi đát thay, mẹ ngài, dù đọa lạc trong cảnh giới khổ đau mà lòng bỏn sẻn chưa dứt, nên bát cơm nhận được liền biến thành than lửa không ăn được.
Dù đã tu hành đắc đạo vẫn không thể cứu mẹ, Mục Kiền Liên bèn trở về xin Phật chỉ bày phương pháp. Phật dạy, muốn cứu mẹ phải cần đến nguồn năng lượng tươi mát từ bi hỷ xả của mười phương Tăng. Nguồn năng lượng ấy được tập hợp thành năng lực mạnh mẽ nhất là vào ngày chư Tăng ngồi lại với nhau để nói lên lời xin lỗi, xin người khác chỉ lỗi và tha lỗi cho nhau, để cùng nhau sách tấn tu học. Ngày ấy gọi là ngày Tăng Tự tứ.
Về mặt từ vựng, Tự tứ chữ Phạn là Pravàrana, phiên âm là Bát-hòa-la. Tự tứ còn được dịch là tùy ý, thỉnh thỉnh. Theo nghi thức của lễ Tự tứ, sau khi kết thúc an cư mỗi Tỳ kheo phải tự nguyện đưa mình ra trước đại chúng, nhờ các vị đồng phạm hạnh, nếu thấy hoặc nghe, hoặc nghi ta phạm lỗi họ sẽ vui lòng chỉ bảo, để cho ta biết mà sám hối sửa đổi những lỗi lầm.
Các vị đồng phẩm hạnh khi đứng ra cử tội phải hội đủ 5 đức tính:
- Nói đúng lúc, không nói phi thời;
- Nói thành thật, không nói giả dối;
- Vì lợi ích, không phải vì tổn hại;
- Vì từ tâm, chứ không có ác ý;
- Nói năng nhã nhặn, không nói thô lỗ.
Đồng thời vị đồng phẩm hạnh này cũng phải hội tụ 5 đức tính:
- Không thiên vị;
- Không giận dữ;
- Không si mê;
- Không khiếp sợ;
- Biết ai Tự tứ rồi, ai chưa Tự tứ.
Để đảm bảo cho lễ Tự tứ đạt đến kết quả tốt nhất cần tuân theo những điều kiện, nguyên tắc trên. Ngoài ra, còn một số điều luật quy định khác trong Luật Tứ Phần, quyển 38, Điều 22.
Ý nghĩa của Lễ Tự tứ
Lễ Tự tứ có ý nghĩa xây dựng tăng đoàn có một đời sống cao khiết, thanh tịnh và an lạc thực sự. Bởi vì tăng đoàn là một tập thể sống hòa hợp, vô ngã, đeo đuổi một mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát. Muốn thực sự giải thoát và giác ngộ thì phải nỗ lực đoạn trừ tận gốc ngã chấp và ba độc tham, sân si. Vậy nên 3 tháng an cư là khoảng thời gian lý tưởng nhất để tu tập dẹp trừ các chướng ngại ấy.
Bên cạnh đó, thực hiện lễ Tự tứ còn có ý nghĩa khích lệ, cổ vũ và thông cảm hơn là nhằm mục đích trách phạt hay chế tài. Đặc tính của Tăng đoàn là nhất trí, thanh tịnh và hòa hợp thế nên người xuất gia ngoài trách nhiệm nỗ lực tu học, hoàn chỉnh nhân cách của mình còn có trách nhiệm bảo vệ thanh danh cho tập thể, trong tinh thần xây dựng, thương yêu, nâng đỡ.
Lễ Tự tứ rất quan trọng trong Phật giáo, chính Đức Thế Tôn cũng thực hiện nghi thức Tự tứ.
Kinh Tăng nhất A-hàm, ghi: “Bấy giờ, đến ngày rằm tháng Bảy, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, các Tỳ-kheo trước sau vây quanh. Phật liền bảo A-nan hãy mau đánh kiền chùy, vì hôm nay rằm tháng Bảy là ngày thọ tuế.
A-nan hỏi thọ tuế là thế nào? Phật dạy, thọ tuế là làm sạch ba nghiệp của thân, miệng, ý. Cứ mỗi 2 vị Tỳ-kheo đối diện với nhau mà tự trình bày nhược điểm, sai trái của bản thân mình, đồng thời tự xưng pháp danh của mình và nói rằng, hôm nay Tăng chúng thọ tuế, tôi cũng muốn thanh tịnh nên thọ tuế, xin tha thứ cho lỗi lầm của tôi.
Tôn giả A-nan lại hỏi, việc này là pháp của chư Phật hay chỉ Đức Thế Tôn có? Đức Thế Tôn nói, quá khứ vị lai hằng sa chư Phật đều có, như Ta có ngày nay. Tôn giả A-nan hoan hỷ hết sức, tức thì lên giảng đường đánh kiền chùy mà nói, tôi đánh lên hiệu lệnh của Như Lai, đệ tử của Ngài xin tập họp lại!
Tăng chúng tập họp cả rồi, Đức Thế Tôn nhìn mà nói, hôm nay Tôi thọ tuế: Tôi có lỗi với ai không? Thân, miệng, ý của Tôi có phạm lỗi gì không? Đức Thế Tôn nói đến 3 lần như vậy, rằng hôm nay Tôi muốn thọ tuế: Tôi có lỗi gì với Tăng chúng không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đứng dậy bạch Đức Thế Tôn: Tăng chúng quan sát Như Lai, không thấy có lỗi gì về thân, miệng, ý. Như Lai cũng không có lỗi gì với ai. Còn phần con, con xin hướng về Như Lai mà tự trình bày: Con có lỗi gì với Như Lai và Tăng chúng không?
Đức Thế Tôn bảo, Xá-lợi-phất, Tôn giả không có hành động gì phi chánh pháp nơi thân, miệng, ý. Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa, bạch Đức Thế Tôn, tất cả Tỳ-kheo Tăng đây cũng muốn thọ tuế: Tất cả Tỳ-kheo Tăng đây có lỗi gì đối với Như Lai không? Đức Thế Tôn dạy, Không!”.
Kinh Tạp A-hàm cũng ghi: “Hôm ấy ngày rằm, vào giờ Tự tứ, Thế Tôn trải tòa ngồi trước đại chúng, rồi bảo rằng, Ta là người mang thân sau cùng, đã đắc Bát-niết-bàn, như Đại y sư, có thể nhổ bạt những gai nhọn phiền não đã đâm vào chư vị. Quý thầy là những người con từ miệng Ta sinh ra, từ Pháp hóa sinh, được gia tài Pháp. Ta nay muốn Tự tứ, quý thầy hãy soi sáng cho Ta, chớ để cho thân, khẩu, ý của Ta có điều đáng hiềm trách. Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất ở giữa đại chúng đứng dậy, cung kính thưa rằng, bạch Thế Tôn, chúng con không thấy thân, khẩu và tâm ý của Thế Tôn có điều gì đáng hiềm trách. Nay đối trước Thế Tôn, xin chỉ cho con các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách?
Phật dạy, Ta không thấy ông có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách. Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa, nếu con không có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách; vậy thì năm trăm Tỳ-kheo này có không các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách? Đức Phật bảo, đối với năm trăm Tỳ-kheo này, Ta cũng không thấy các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách”.
Như chúng ta đều biết, Đức Phật có mười tám pháp đặc thù, gọi là Thập bát bất cộng pháp, trong đó có thân vô thất, tức là thân Như Lai không bao giờ có lỗi lầm, bởi từ vô lượng kiếp đến nay, Phật thường lấy giới, định, tuệ, từ bi… để tu tập trang nghiêm thân mình, tất cả mọi công đức đều viên mãn, tất cả mọi phiền não đều đã diệt hết.
Miệng Như Lai cũng không có lỗi lầm (khẩu vô thất), nghĩa là, Phật có đầy đủ vô lượng trí tuệ biện tài, thuyết pháp tùy theo căn cơ của chúng sanh, khiến cho tất cả đều được chứng ngộ.
Ý của Như Lai lại càng không có lỗi lầm (niệm vô thất), bởi Phật tu các thiền định thâm sâu, tâm không tán loạn, đối với các pháp tâm không còn vướng mắc, đắc an ổn đệ nhất nghĩa.
Nói tóm lại là ba nghiệp thân, khẩu, ý của Như Lai không bao giờ có lỗi lầm. Thế nhưng, sau ba tháng an cư cùng với đại chúng, Đức Phật vẫn thực hiện nghi thức Tự tứ, vẫn tác bạch rằng: “Ta nay muốn Tự tứ, quý thầy hãy soi sáng cho Ta, chớ để cho thân, khẩu, ý của Ta có điều đáng hiềm trách”.
Đây là một minh chứng sống động cho sự thân giáo nhiệm màu của Đức Phật, đồng thời nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình nhằm mục đích thanh tịnh hóa đoàn thể tu học, mà pháp Tự tứ là cách thức để thể hiện tinh thần ấy.
Tứ phần luật hành sự sao, quyển thượng, giải thích: “Sau chín tuần tu học, tinh luyện thân tâm, cũng có người không tự thấy lỗi mình, vì vậy mới cầu xin đại chúng thương xót, từ bi chỉ lỗi cho mình, để mà sám hối. Một khi đã tự thấy lỗi của mình, hoặc được đại chúng chỉ cho thấy, thì bên trong không có gì che giấu, bên ngoài hiển rõ khuyết điểm, thân khẩu đều nhờ người khác, nên gọi là Tự tứ”.
Ngày Tự tứ là biểu hiện sự thanh tịnh và hòa hiệp của chư Tăng - yếu tố sống còn của Phật pháp - là ngày biểu hiện uy lực, sức mạnh của đại chúng. Uy lực ấy phát sinh từ uy đức, tức từ đời sống phạm hạnh thanh tịnh, từ sự nỗ lực hành trì giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, là cái thế của sức mạnh tinh thần uy nghiêm, hay sức mạnh công đức rất uy nghiêm và khó lường. Uy lực, sức mạnh này là căn bản của năng lực cứu độ trong lễ Vu Lan. Bởi chính uy lực hàm đủ chất lượng các công đức này mới có thể cứu khổ, mới diệt được nghiệp và nghiệp báo, hay nói cách khác chính uy lực này mới thắng nổi nghiệp lực.
Lễ Vu Lan nương nhờ thần lực hay sức mạnh tâm linh của ngày lễ Tự tứ, tức là ngày tha thứ giữa những người còn sống với nhau, là ngày mà mọi người biết cởi bỏ hận thù ràng buộc, biết buông bỏ lỗi lầm, biết lắng nghe và soi sáng cho nhau để sống vui an lạc.
Vu Lan là ngày giải tỏa oan khiên treo ngược tội nhân trên rừng đao, biển lửa. Những tội nhân ấy biết đâu chừng là cha, là mẹ, là anh em… nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta, những người đã tận tụy một đời vì miếng cơm, manh áo, lo toan vì hạnh phúc, tương lai cho con, cho cháu mà vất vả hy sinh, bất chấp mọi công việc, dù khó khăn, cơ cực đến đâu cũng cam chịu để lo cho con cháu lớn khôn thành người, để rồi khi về bên kia thế giới lại phải gánh chịu những nghiệp quả mà mình đã gây tạo.
Rằm tháng Bảy là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục như trời cao, biển rộng của ông bà tổ tiên, thiết lễ Vu Lan, cúng dường Tăng Tự tứ, nguyện nhờ thần lực Tam bảo nhiệm mầu mà hóa giải nghiệp chướng sâu dày khiến tổ tiên ông bà được siêu sinh.
Cách thức Tự tứ đúng pháp
Về số lượng
Để thực hiện nghi lễ Tự tứ phải có ít nhất 5 vị Tỳ-kheo. Vì khi một Tỳ-kheo bạch Tự tứ, tức vị ấy nhờ Tăng chỉ cho mình những khiếm khuyết trong thời gian sống chung 3 tháng an cư; vì là Tăng nên túc số phải 4 vị Tỳ-kheo.
Trường hợp chỉ có từ 2 - 4 vị Tỳ-kheo có mặt buổi tự tứ ấy, thì chỉ được phép đối thú Tự tứ. Hoặc nếu chỉ có 1 vị Tỳ-kheo thì chỉ được thực hiện tâm niệm Tự tứ.
Như vậy trường hợp khi Tự tứ có từ 4 vị trở xuống thì không tác pháp tiền phương tiện, chỉ hướng vào nhau đối thú Tự tứ hoặc tâm niệm Tự tứ bằng cách nói 3 lần: “Hôm nay chúng Tăng Tự tứ, con Tỳ-kheo tên là… cũng thanh tịnh Tự tứ”.
Trường hợp túc số Tăng đủ 5 vị trở lên thì phải tác pháp tiền phương tiện, tức Tăng tác pháp yết-ma Tự tứ. Sau khi tác pháp tiền phương tiện thì việc Tự tứ cũng chia thành hai trường hợp: cá nhân Tự tứ và tập thể Tự tứ. Điều này giống như tác pháp thọ an cư là Thượng tọa Tự tứ và Đại chúng Tự tứ.
Về thứ tự
Trong luật Tứ phần có đề cập, vì một số các Tỳ-kheo nghĩ Đức Phật cho phép Tự tứ nên các vị ấy đồng loạt Tự tứ, gây nên sự ồn ào. Việc này trình lên Đức Phật. Ngài dạy không nên đồng loạt Tự tứ, chỉ nên Tự tứ từng người một. Và thứ lớp Tự tứ phải thực hiện bắt đầu từ hàng thượng tọa dần xuống tới hàng hạ tọa. Đây là trường hợp cá nhân Tự tứ.
Với Tự tứ tập thể là mỗi một lần 3 vị Tỳ-kheo tác bạch Tự tứ. Không được vượt qua con số này, chỉ giới hạn 3 người, vì Tăng Tự tứ với Tăng không được coi là đúng pháp. Trường hợp thọ Tự tứ tập thể, Tăng có thể sai nhiều Tỳ-kheo bậc Thượng tọa làm “Tự tứ nhân”, người nhận Tự tứ. Các vị Thượng tọa Tự tứ cá nhân trước, sau đó làm người nhận Tự tứ cho tập thể đại chúng.
Trong trường hợp nạn duyên bức bách - những điều kiện xã hội bắt buộc ngoài ý muốn, không đủ thời gian để cho số đông Tự tứ thì có thể Tự tứ bằng cách bạch vắn tắt, tức là thay vì bạch 3 lần thì chỉ bạch 1-2 lần. Tuy nhiên, theo luật ghi nhận, điều này chỉ được áp dụng khi có nạn duyên bức bách và phải cân nhắc khi thực hiện, không thể tùy tiện khai triển.
Đối tượng hướng đến Tự tứ phải là cùng chúng. Tỳ-kheo đối trước Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đối trước Tỳ-kheo-ni. Không được có sự lẫn lộn.
Về thời gian
Trong luật Ngũ phần, Đức Phật có nói về thời gian Tự tứ: chúng Tỳ-kheo được Phật cho phépTự tứ nên ngày nào cũng Tự tứ. Hoặc hai ngày, ba ngày cho đến năm, bảy ngày một lần Tự tứ. Phật dạy, không nên Tự tứ như vậy; chỉ nên Tự tứ một lần vào ngày cuối cùng của 3 tháng hạ.
Theo luật, mỗi Tỳ-kheo phải tự mình đối trước Tăng để thỉnh cầu Tăng chỉ dạy cho những khiếm khuyết mà có thể trong 3 tháng an cư mình đã phạm. Hầu hết các bộ luật truyền đến Trung Hoa đều thống nhất việc sai người nhận Tự tứ. Đây là người được Tăng sai làm người nhận Tự tứ để chỉ những lỗi cho các Tỳ-kheo.
Theo như Đức Phật dạy về pháp thức Tự tứ thì các Thượng tọa lớn tác pháp Tự tứ trước, theo thứ lớp từ lớn đến nhỏ tính theo hạ lạp (hoặc thời gian thọ giới). Tiếp đến Yết-ma sai Tự tứ nhân (người nhận Tự tứ), rồi đại chúng Tự tứ. Theo truyền thống Bắc tông thì đại chúng Tự tứ thường mỗi lần 3 vị cho một lần tác pháp. Điều này cũng giống như tác pháp thọ an cư.
Khi bạch Tự tứ, hàng Thượng tọa có thể đứng hoặc quỳ. Nếu Thượng tọa là người nhận Tự tứ đứng thì đại chúng có thể đứng hoặc quỳ; nhưng nếu Thượng tọa quỳ thì tất cả đại chúng phải quỳ để tác phápTự tứ.
+ Trường hợp thay đổi thời gian
Theo nguyên tắc, sau thời gian an cư 3 tháng thì đại chúng Tỳ-kheo hòa hợp tác pháp Tự tứ. Tuy nhiên nếu có duyên sự đặc biệt cần thay đổi thời gian Tự tứ hay đình chỉ Tự tứ, thì phải tập hợp chư Tăng để tác pháp Yết-ma thay đổi hay đình chỉ Tự tứ.
Có hai trường hợp thay đổi, đình chỉ Tự tứ: đại chúng an cư đang có nhiều lợi lạc và muốn kéo dài sự lợi lạc đó thêm một thời gian, tối đa không quá 1 tháng; hoặc Tăng chưa được thanh tịnh và hòa hợp, có thể do tranh chấp giữa những vị trong cùng trú xứ an cư, do có khách Tăng đến trú xứ an cư. Đây là hai trường hợp trong luật gọi là Triển hạn Tự tứ để tiến tu và Triển hạn Tự tứ do phá Tăng.
Với trường hợp Triển hạn Tự tứ do phá Tăng, nếu đến ngày cuối của thời hạn dời ngày Tự tứ là 1 tháng mà vẫn chưa thể Tự tứ thì có thể dời thời hạn thêm 15 ngày nữa. Nếu sau thời hạn đó mà Tăng vẫn chưa hòa hợp hay Tỳ-kheo khách chưa đi thì phải y theo luật cưỡng bức những Tỳ-kheo ưa tranh cãi, thiếu sự hòa hợp Tự tứ. Nếu không cưỡng bức các Tỳ-kheo đó thì đại chúng Tỳ-kheo thanh tịnh phải ra khỏi cương giới của trú xứ an cư, kết tiểu giới để Tự tứ.
+Trường hợp Tỳ-kheo không đến được
Trường hợp khi Tự tứ sắp diễn ra mà có Tỳ-kheo bệnh, không đến được thì Đức Phật “cho phép gửi Tự tứ, cho phép chúc thọ Tự tứ”. Người bệnh chỉ cần nói với một Tỳ-kheo khác: “Tôi gửi Tự tứ cho thầy” hoặc “Xin thầy nói Tự tứ giùm tôi”. Nếu không nói được thì có thể ra dấu hiệu.
4 phận sự của Tăng
Sau khi An cư và Tự tứ xong, theo luật thì Tăng có 4 phận sự phải làm:
- Giải cương giới an cư,
- Kết lại cương giới cũ cho trú xứ
- Thọ y công đức (thọ y Kathina)
- Phân chia bình đẳng lợi dưỡng
Về phân chia lợi dưỡng
Với việc phân chia lợi dưỡng luật quy định các Tỳ-kheo dù tiền an cư hay hậu an cư, Tỳ-kheo hay Sa-di tập sự đều được phân chia lợi dưỡng đồng đều và bình đẳng như nhau. Chỉ có Tỳ-kheo phá hạ không như pháp thì không được hưởng quyền lợi bình đẳng trong sự phân chia lợi dưỡng.
Xem thêm: Sai đệ tử đi lấy nước, Đức Phật dạy bài học về sự bình tĩnh trong cuộc đời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận