Sai đệ tử đi lấy nước, Đức Phật dạy bài học về sự bình tĩnh trong cuộc đời

Thông qua việc sai đệ tử đi lấy nước, Đức Phật đã chỉ dạy bài học về sự bình tĩnh, không nóng vội trong cuộc sống. Lắng nghe lời Phật dạy, khi tâm trí con người bình yên như hồ nước phẳng lặng, tự khắc mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Loan Nguyễn
11:10 15/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chuyện khát nước của Đức Phật và bài học đáng suy ngẫm về sự bình tĩnh

Một lần, Đức Phật cùng vài đệ tử của mình đi bộ từ một ngôi làng sang ngôi làng khác. Họ lần đầu tiên đặt chân đến nơi này nên mọi thứ vốn xa lạ. Giữa đường thấy có một giếng nước, Đức Phật bảo các đệ tử dừng lại nghỉ chân.

Ngài nói với một đệ tử: “Ta khát nước quá, con hãy đi lấy một ít nước dưới hồ lên cho ta uống”.

Đệ tử nghe lời Đức Phật vội chạy đến chỗ hồ nước. Lúc này, có rất nhiều người đang giặt quần áo dưới hồ. Thậm chí, có chiếc xe bò băng qua hồ nên nước trong hồ đục ngầu, rất bẩn.

Người đệ tử nghĩ rằng, nước bẩn như vậy thì không thể nào đem cho Đức Phật uống được nên anh ta quay về chỗ cả đoàn đang nghỉ ngơi. Anh ta nói với Đức Phật: “Thưa Ngài, nước trong hồ rất bẩn và đục. Con nghĩ nó không uống được đâu”.

Nghe đệ tử nói vậy, Đức Phật từ tốn nói: Vậy thì chúng ta hãy nghỉ ngơi ở đây một lát, dưới lùm cây này. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, Đức Phật lại yêu cầu người đệ tử ban nãy quay lại hồ và lấy nước về uống.

Lần này, người đệ tử chạy lại chỗ hồ nước thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy nước trong hồ đã sạch sẽ và trong veo, bùn bẩn đã lắng xuống, nước hoàn toàn có thể uống được. Anh ta múc nước vào bình rồi mang lại chỗ Đức Phật.

Đức Phật nhìn vào nước trong bình, sau đó nhìn vào người đệ tử và nói: “Các con hãy nhìn xem, nếu các con cứ để nước yên bình ở đó thì bùn sẽ tự lắng xuống. Con sẽ có nước sạch để uống mà không cần đến bất cứ nỗ lực hay khó khăn nào cả”.

duc-phat-sai-de-tu-di-lay-nuoc-va-day-bai-hoc-ve-su-binh-tinh-1

Vậy là thông qua việc sai đệ tử đi lấy nước, Đức Phật đã chỉ dạy bài học về sự bình tĩnh, không nóng vội trong cuộc sống.

Tâm trí của chúng ta quả thật cũng như hồ nước. Nếu cảm thấy tâm trí bị khuấy động, hãy để nó được nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, hãy tĩnh lặng, dành chút thời gian không suy nghĩ gì. Chắc chắn, tâm trí của chúng ta sẽ tự ổn định trở lại. Khi đạt được trạng thái tĩnh lặng trong tâm trí, chúng ta có thể tự nhìn nhận, đánh giá và đưa ra những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời.

Đừng vì sự nóng vội của bản thân để rồi mất bình tĩnh, miễn cưỡng đưa ra những quyết định vội vàng. Cũng đừng để tâm trí phải suy nghĩ những điều mà chính bạn cũng không biết gọi tên là gì. Những quyết định nóng vội được đưa ra trong lúc bạn mất bình tĩnh sẽ khiến bạn phải nuối tiếc.

Cách giúp tĩnh tâm giữa cuộc đời đầy biến động

Sau những sai lầm do sự nóng vội, mất bình tĩnh gây nên, chúng ta phải nhận ra và thay đổi, biết khống chế, kìm hãm sự nóng nảy của mình. Khi tâm trí con người bình yên như hồ nước phẳng lặng, tự khắc mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Dưới đây là những cách giúp chúng ta luôn giữ được sự tĩnh tâm giữa cuộc đời nhiều khó khăn và thử thách, đầy biến động:

Lòng nhẫn nại

Đức Phật dạy rằng lòng nhẫn nại là nguồn gốc các pháp lành. Đứng trước những lời vu oan, giá họa, đứng trước những lời bêu rếu bịa đặt, hay đứng trước những thách thức, khó khăn trong cuộc sống, hãy học cách nhẫn nại. 

Nhờ có lòng nhẫn nại, chúng ta có thể học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm kiến thức, để sau này đứng trước những thử thách của cuộc đời, không còn cảm thấy bối rối, lúng túng và căng thẳng nữa. Nhẫn nại giúp con người sống tốt hơn trong từng khoảnh khắc, để mỗi giây phút trong cuộc đời trôi qua đều có ý nghĩa.

Ngồi thiền

Cách để giữ tâm trí tĩnh lặng giữa dòng đời đầy biến động đó là hãy ngồi thiền. Mỗi ngày, bạn nên gác lại tất cả những muộn phiền, mệt mỏi, và ngồi thiền trong vòng 15-30 phút. 

duc-phat-sai-de-tu-di-lay-nuoc-va-day-bai-hoc-ve-su-binh-tinh-2

Khi ta ngồi thiền, ở trạng thái giữa thức và ngủ, sẽ giúp ức chế đồng đều các tế bào thần kinh, cảm giác và mọi vận động sẽ đều tập trung ở phần vỏ não. Điều này sẽ khiến bạn lấy lại bình lặng, yên tĩnh, tìm được cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái trước những áp lực, căng thẳng.

Luôn tự đặt câu hỏi

Việc đặt câu hỏi cho bản thân về từng vấn đề riêng biệt giúp xử lý tốt những việc còn tồn đọng. Sau khi phân tích nguyên nhân, lý do, diễn biến và kết quả, để tìm ra sự chưa hợp lý, hoặc mâu thuẫn trong trình tự thực hiện, chúng ta sẽ có điều chỉnh phù hợp hơn. Như vậy, bạn sẽ lấy lại cảm giác tự tin, đúc rút thêm được những kinh nghiệm quý báu.

Hít thở sâu

Mỗi khi bạn cảm thấy mất bình tĩnh, hãy hít thở thật sâu. Thực hiện hít vào - thở ra khoảng 5-10 lần, nhắm mắt lại và để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Việc hít thở sâu sẽ giúp bạn kìm nén được những tức giận, căng thẳng, cáu gắt đang chực trào, giúp bạn có một tinh thần thoải mái hơn, dễ chịu hơn để đối diện với thách thức đang chờ bạn giải quyết.

Thả lỏng cơ thể

Mỗi khoảnh khắc căng thẳng và mất kiểm soát, hãy tập thả lỏng cơ thể. Thông qua đó, bạn sẽ có thói quen điều tiết cảm xúc.

duc-phat-sai-de-tu-di-lay-nuoc-va-day-bai-hoc-ve-su-binh-tinh-3

Bạn có thể mát xa nhẹ nhàng hai bên thái dương, phần đầu và phần cơ thể khiến bạn có cảm giác đau nhức, uể oải, kèm theo một trí tưởng tượng rằng bạn đang ở hồ bơi, một bãi biển, một con đường quê thanh bình hay một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất bạn đã từng đi qua.

Hóa giải sân hận

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật có dạy: “Khi bị kẻ xấu quấy phá, nhục mạ hãy cố nín lặng như người đem lễ vật biếu người khác, họ không nhận, thì lễ vật ấy được trả lại. Cũng như người ngửa mặt nhổ bọt lên trời, bọt chẳng tới trời, trái lại rơi vào mặt mình…”.

Việc bạn mất bình tĩnh có thể xuất phát từ sự tức giận khi bị người khác chê bai, chỉ trích, lừa dối, vu oan... Theo đạo Phật đó chính là những sân hận. Đây là bản chất tự nhiên của con người và chúng ta có cách chuyển hóa sân hận khác nhau, người biết kiềm chế, người lại để bộc phát dẫn đến hành động bạo lực.

Với những căng thẳng xuất phát từ cảm giác sân hận, thay vì giải quyết bằng cách bộc lộ cơn giận, sử dụng bạo lực, hãy thuần hóa tâm thức để có một cảm giác nền móng kiềm chế và điều tiết khi nào cơn giận nên phát tác, khi nào nên ghìm lại hoặc lúc nào thì nên im lặng đối diện và tha thứ.

Học cách im lặng

Khi sự mất bình tĩnh xuất phát từ sự tức giận, hãy học cách im lặng. Đây mới là cách cư xử của người khôn ngoan. 

Đối mặt với những căng thẳng, tức giận, bạn nên im lặng lắng nghe, xem xét, tự nhìn nhận lại mình, đừng vội vàng nổi giận, tìm mọi cách để trả thù. Thông qua đó, bạn sẽ biết sửa đổi những điểm chưa thực sự tốt, để trở thành một người hoàn hảo nhất có thể.

duc-phat-sai-de-tu-di-lay-nuoc-va-day-bai-hoc-ve-su-binh-tinh-4

Tìm hiểu nguyên nhân của sự việc

Mọi việc xảy ra ở đời đều có nguyên do của nó. Đức Phật dạy rằng, đứng trước mỗi sư việc không như mình muốn, chúng ta phải đi sâu hơn, sâu hơn và sâu hơn nữa, để tìm cho ra nguyên nhân sâu xa nhất đang gây ra các vấn đề này cho chúng ta.

Tìm hiểu nguyên nhân, nền tảng phát sinh vấn đề đang khiến bạn căng thẳng, mất bình tĩnh, bạn sẽ dễ dàng có một chiến lược, một phương hướng giải quyết hợp lý, hợp tình.

Chăm chỉ làm việc

Nếu cảm thấy cuộc sống có quá nhiều mối lo lắng, phiền muộn, hãy thử làm việc chăm chỉ, say mê, hăng hái hơn, để không còn thời gian để tâm đến cảm giác căng thẳng, không còn khoảng trống cho sự mất bình tĩnh len lỏi.

Luôn tập trung, chú ý làm việc cũng là một cách thức khá quan trọng đề rèn luyện cho bạn sự bình tĩnh trước mọi vấn đề, mọi biến cố.

Sống lạc quan tích cực

Cuộc đời vốn ngắn ngủi, dù bạn vui hay buồn thì thời gian vẫn cứ thế trôi qua mỗi ngày. Vậy thì hãy nên trân trọng cuộc sống, để mỗi giây phút đều ý nghĩa.

Suy nghĩ lạc quan, tích cực sẽ giúp bạn lấy lại cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều. Trước một vấn đề khó khăn hay thách thức, thay vì nghĩ “mình không làm được, mình sẽ thất bại”, hãy nghĩ “mình sẽ làm được, vấn đề này không khó”.

Làm những điều bạn muốn

Cách để giải tỏa những áp lực, căng thẳng, không có gì tốt hơn là làm những điều bạn thực sự muốn, thích thú và thấy cần thiết.

duc-phat-sai-de-tu-di-lay-nuoc-va-day-bai-hoc-ve-su-binh-tinh-5

Bạn có thể là nghỉ ngơi, thư giãn, cho bản thân một khoảng thời gian để cưng chiều chính mình, nhờ đó, bạn sẽ lấy lại được sự bình tâm, suy nghĩ mọi việc thấu đáo.

Dành sự quan tâm cho điều quan trọng

Khi bạn căng thẳng, bộ não vì thế cũng ở trong trạng thái rối bời, khủng hoảng và mơ hồ. Do đó, lúc này đừng quá tham lam hy vọng giải quyết được tất cả, cùng lúc mọi sự việc còn dang dở, hoặc đang gây khó khăn. Hãy ưu tiên cho những điều bạn nghĩ là quan trọng cần giải quyết nhất tại thời điểm này, và xử lý vấn đề thật hoàn hảo.

Hài lòng với chính bản thân mình

Sự hoàn hảo trong cuộc sống này đều là giả dối và mang tính chất tương đối. Không có thước đo chuẩn mực nào cho sự hoàn hảo, và con người ai cũng có những nhược điểm riêng.

Khi chúng ta biết hài lòng với bản thân mình, với những gì mình đang có, những gì mình đang nỗ lực, cố gắng và hài lòng với những thành tựu mình đang làm được, chúng ta sẽ sống vui vẻ, an nhiên. Sự hài lòng với bản thân mình trong thời khắc hiện tại sẽ giúp giảm bớt căng thẳng, áp lực.

Xem thêm: Người thường xuyên nóng giận hãy lắng nghe lời Phật dạy để tu tập

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận