Giải mã bí ẩn con số 3 trong Phật giáo

Con số 3 là số xuất hiện phổ biến trong Phật giáo. Số 3 có ý nghĩa như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Loan Nguyễn
09:00 06/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Số 3 - con số đầy huyền bí

Trong thần thoại Hy Lạp, The Big Three là từ dùng để chỉ ba vị thần cai quan bầu trời, biển cả và địa ngục gồm Zeus, Poseidon và Hades. Trong thần thoại Hy Lạp, Bắc Âu và Slavic đều có ba nữ thần mệnh. Thần thoại Ấn Độ có ba vị thần tối cao là Brahma, Vishnu và Shiva.

Trong danh tác “Tam quốc diễn nghĩa”, không chỉ tiêu đề đã bao gồm chữ số 3, mà con số này còn xuất hiện trở lại trong rất nhiều chương hồi của tác phẩm. Ví dụ như:

• Hồi thứ nhất: “Tam hào kiệt kết nghĩa hội đào viên”.

• Hồi thứ 5: “Phá cửa quan, ba anh hùng đánh Lữ Bố”.

• Hồi thứ 12: “Đào Cung Tổ ba lần nhượng Từ Châu”.

• Hồi thứ 17: “Tào Mạnh Đức tụ họp ba tướng”.

• Hồi thứ 22: “Viên, Tào đều cất ba quân mã bộ”.

• Hồi thứ 25: “Đóng thổ sơn, Quan Công giao ước ba việc”.

• Hồi thứ 37: “Lưu Huyền Đức ba lượt tới lều tranh”.

• Hồi thứ 38: “Long Trung quyết kế, thiên hạ chia ba”.

• Hồi thứ 39: “Thành Kinh Châu, công tử ba lần cầu kế”.

• Hồi thứ 56: “Khổng Minh ba lần trêu tức Chu Du”.

• Hồi thứ 88: “Biết trá hàng, Mạnh Hoạch ba phen bị bắt”.

• Hồi thứ 92: “Gia Cát Lượng dùng mẹo đoạt ba thành”.

• Hồi thứ 120: “Bắt Tôn Hạo, tam phân lại hợp nhất”.

Kết cấu trung tâm của “Tam quốc diễn nghĩa” là các câu chuyện xoay quanh ba trận chiến lớn: Một là trận Quan Độ giữa Tào Tháo và Viên Thiệu, diễn ra vào năm 200 tại Quan Độ thuộc bờ nam Hoàng Hà. Hai là trận Xích Bích giữa Tôn Quyền, Lưu Bị và Tào Tháo. Ba là trận Di Lăng giữa Thục Hán và Đông Ngô.

Trong “Thủy Hử”, rất nhiều chiến dịch lớn cũng đều có liên quan với con số 3, như: “Ba lần công đánh Chúc Gia Trang”, "Họp tam sơn, đánh phủ Thanh Châu”, và “Ba lần đánh bại Cao Cầu”... Ngoài ra còn có “Lỗ Trí Thâm ba quyền đánh chết Trấn Quan Tây”. Võ Tòng trước khi đánh chết hổ đã uống liên tục 15 chén rượu ở một quán rượu dưới núi Cảnh Dương, trên quán đề dòng chữ: “Đã uống ba chén rượu thì đừng qua núi Cảnh Dương”.

giai-ma-bi-an-con-so-3-trong-phat-giao-1

Trong “Tây Du Ký” có các tình tiết nổi tiếng như: “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” và “Tôn Ngộ Không ba lần hỏi mượn quạt Ba Tiêu”. Trong “Hồng Lâu Mộng” cũng có tình tiết về con số 3 như: “Già Lưu ba lần vào Vinh Quốc phủ” và “Kim Uyên Ương tách ba con bài”.

Đó là những con số 3 trong Tứ đại danh tác. Đây cũng là con số thường thấy trong tôn giáo, đặc biệt là ‘Tam giáo’: Nho – Phật – Đạo.

Trong Đạo giáo, số 3 là số sinh, những số khác đều từ đó mà sinh ra. Vì vậy 3 là số lớn nhất: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Ba vị Thần tiên tối cao trong Đạo giáo được gọi là Tam Thanh, gồm có: Ngọc Thanh, Thượng Thanh, và Thái Thanh.

Đối với các tôn giáo khác, số 3 được sử dụng để đại diện cho các tầng trời.  Số 3 cũng có ý nghĩa được nhắc đến không chỉ trong Ba ngôi nhất thể, mà còn trong Ba nhà thông thái và trong kiến trúc nhà thờ. Trong Kito giáo, số 3 đại diện cho Thiên Chúa Ba Ngôi - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thành Thần.

Bí ẩn con số 3 trong đạo Phật

Theo quan niệm của người Việt Nam, số 3 là số tài. Trong Phật giáo, con số 3 gắn liền với 3 giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của chúng sinh. Tuy thường nói sinh lão bệnh tử chứ thật ra chỉ có 3 là Sinh-Lão-Tử vì bệnh lão hay lão bệnh tuy 2 chỉ là 1.

Trong Phật giáo có:

• Tam bảo: Phật, Pháp, tăng.

• Tam quy y: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng.

• Tam giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

• Tam học: Giới, định, huệ.

• Tam tư lương: Tín, nguyện, hạnh.

• Tam phúc: Nhân thiên phúc, nhị thừa phúc, đại thừa phúc.

• Tam tạng: Kinh tạng, luật tạng, luận tạng.

• Tam pháp ấn: Chư hành vô thường ấn, chư pháp vô ngã ấn, niết bàn tịch tịnh ấn.

• Tam nghiệp: Thân, khẩu, ý.

Tam bảo (3 ngôi báu)

Với người Phật tử thì chỉ có Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi báu, ba viên ngọc quí nhất trên đời.

PHẬT: Phật là bậc đã đạt được thành quả giác ngộ trọn vẹn, là người có nếp sống tỉnh thức thường trực, và là người đưa đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời.

Đức Thích Ca Mâu Ni, vị khai sáng ra đạo Phật cách đây 26 thế kỉ, trước hết là một con người, nhưng đó là một người đã phát huy đầy đủ khả năng giác ngộ (Phật tính) để đạt đến địa vị của một đức Phật. Ngài đã giác ngộ chân lí của cuộc sống (tự giác); rồi đem chân lí ấy truyền bá, chỉ dạy, giúp cho mọi người cùng được giác ngộ (giác tha); và như vậy tức là sự nghiệp giác ngộ của Ngài đã được thành tựu trọn vẹn (giác hạnh viên mãn).

Khả năng giác ngộ của Phật gồm có ba đức:

Đức TRÍ: là khả năng trí tuệ đưa đến sự giác ngộ cùng tột đối với tất cả những hiện tượng riêng biệt cùng tính cách duyên sinh của vạn hữu.

Đức BI: là tình thương rộng lớn thúc đẩy cho việc hóa độ một cách bình đẳng và bao quát tất cả mọi người, mọi loài, khiến cho bỏ ác làm lành, chuyển mê thành ngộ, dứt đau khổ được an vui.

Đức DŨNG: là ý chí mạnh mẽ để diệt trừ tất cả những động lực tiềm tàng ở bên trong cũng như những hiện tượng phát hiện ra bên ngoài của các phiền não tham, sân, si – tức là những nọc độc ghê gớm nhất gây ra tham tàn, thù hận, lừa đảo, mù quáng, giết chóc v.v... DŨNG cũng là ý chí mạnh mẽ, nhờ đó mà trí tuệ và tình thương được sử dụng triệt để trong công cuộc độ sinh, khiến cho những cực khổ, gian nguy, cám dỗ, chướng ngại đều bị khắc phục. PHÁP: Pháp là đạo tỉnh thức, là con đường của tình thương, hiểu biết và cởi mở. Con đường ấy đã do đức Phật mở lối, chỉ dạy. Phật đã chứng ngộ và truyền dạy những giáo lí thích hợp với những điều kiện về sinh hoạt, tâm lí, kinh tế, chính trị và xã hội của thời đại Ngài. Rồi trong quá trình phát triển của đạo Phật, nhiều hệ thống cấp tiến như Thiền, Duy Thức, Tịnh Độ, v.v... được xuất hiện. Những hệ thống giáo lí này cũng dung hợp những điều kiện về sinh hoạt, tâm lí, kinh tế, chính trị và xã hội của con người đương thời, và ở bất cứ nơi nào chúng được truyền tới.

Bởi vậy, giáo lí của Phật đã được gọi là giáo lí khế cơ. Điều đó chứng tỏ rằng giáo lí của đạo Phật không phải là một thứ giáo lí bảo thủ, giáo điều, cứng ngắc, đóng khung, mà trái lại, nó luôn luôn cởi mở, khai phóng và tiến bộ để mở rộng chân trời tương lai. Tuy cởi mở, khai phóng, tiến bộ, nhưng những hệ thống giáo lí của đạo Phật trải qua bao đời, ở mọi nơi chốn, vẫn không bị lạc gốc, vẫn luôn luôn phù hợp với chân lí, vẫn giữ đúng các đặc tính căn bản, và tiếp nối được truyền thống từ bi, trí tuệ, hùng lực, bình đẳng và giải thoát nguyên thỉ của đạo Phật; cho nên giáo lí của Phật còn được gọi là giáo lí khế lí.

TĂNG: Tăng là đại chúng, là đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Tăng bao gồm tất cả những đoàn thể đang tu học, hành trì hoặc hướng dẫn người khác tu học theo giáo pháp của Phật. Họ nguyện cùng nhau làm kẻ đồng hành trên con đường của hiểu biết, tình thương và cởi mở – tức là con đường giác ngộ. Đó là đoàn thể của các vị Bồ-tát; đoàn thể của những vị xuất gia; đoàn thể của những người cư sĩ tại gia. Lại nữa, trong cái ý nghĩa là đoàn thể, TĂNG cũng còn bao hàm cái ý nghĩa hòa hợp – tức là mọi người trong đoàn thể ấy phải cùng nhau công nhận và tôn trọng những nguyên tắc sống hòa hợp để ai ai cũng hưởng được cái không khí hòa thuận, thoải mái, an lạc. Có như thế thì sự tu học và hoằng dương đạo pháp mới có kết quả tốt đẹp.

Theo lịch sử thì sau khi chứng đắc đạo quả giác ngộ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đến vườn Nai (Lộc-uyển) dạy bài pháp đầu tiên (chuyển pháp luân) về đạo lí Bốn Sự Thật (tứ đế) để khai ngộ cho năm người bạn đồng tu của Ngài lúc trước. Năm vị này do sa môn Kiều Trần Như lãnh đạo, đã được Phật thâu nhận làm đệ tử xuất gia đầu tiên và làm thành tăng đoàn đầu tiên của Ngài. Chính lúc đó mà Ba Ngôi Báu (Tam Bảo) lần đầu tiên xuất hiện ở thế gian này.

Nhưng theo cái nhìn siêu lịch sử thì trong khoảng không gian vô biên và thời gian vô tận, không phải chỉ có một đức Phật mà có vô lượng vô số đức Phật; mỗi đức Phật lại có đủ ba thân (pháp thân, báo thân, hóa thân), cho nên số lượng chư Phật trong mười phương không thể nào dùng trí tưởng của con người mà biết được. Đó là Ngôi Báu Thứ Nhất (Phật Bảo). Giáo pháp của Phật cũng không phải chỉ có Bốn Sự Thật, Mười Hai Nhân Duyên, hay Sáu Phép Qua Bờ (lục độ), mà thật rộng lớn như biển cả (pháp hải) – thường được diễn tả bằng con số “tám vạn bốn ngàn pháp môn” (nghĩa là rất nhiều pháp môn).

Không phải chỉ có đức Thích Ca Mâu Ni nói ra giáo pháp ấy mà vô lượng vô số Phật trong mười phương cũng đều nói giáo pháp như vậy; cho nên sự rộng lớn của Phật pháp cũng không thể dùng trí tưởng của con người mà biết được. Đó là Ngôi Báu Thứ Hai (Pháp Bảo). Đoàn thể của những người tu học, nguyện cùng nhau làm kẻ đồng hành trên đường giác ngộ cũng có rất nhiều: đoàn thể của các chúng Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, Tì-kheo, Tì-kheo-ni, Sa- di, Sa-di-ni, Cư-sĩ v.v... Một đức Phật làm giáo chủ của một giáo hội gồm có các chúng như vậy, thì vô lượng vô số chư Phật trong mười phương cũng vậy; cho nên số lượng các tăng thân cũng không thể nào dùng trí tưởng của con người mà biết được.

Đó là Ngôi Báu Thứ Ba (Tăng Bảo). Như vậy thì sự hiện hữu của Ba Ngôi Báu không phải chỉ hạn hẹp ở một quốc độ, một thời kì, mà ở khắp ba ngàn đại thiên thế giới, trải khắp quá khứ, hiện tại, vị lai; không chỗ nào, không thời nào mà không có sự hiện hữu của Ba Ngôi Báu.

Thực ra thì sự phân biệt có ba ngôi báu khác nhau như trên chỉ nói lên được sự thật tương đối mà thôi. Người tu học Phật pháp – nhất là tu theo pháp môn thiền quán – cần phải thường xuyên quán chiếu để thấy rằng PHẬT, PHÁP, TĂNG chỉ là một. Tất cả mọi loài đều có khả năng giác ngộ (Phật tính), vậy Phật và chúng sinh (Tăng) là một. Phật pháp không thể tách rời vũ trụ vạn hữu mà có. Giác ngộ là giác ngộ cái chân lí của vũ trụ vạn hữu. Nhưng người giác ngộ và chân lí cũng không thể tách rời nhau, vì cả hai không phải là hai sự kiện độc lập với nhau, mà chỉ là một.

Cho nên có Phật tức là có Pháp và Tăng; có Pháp tức là có Phật và Tăng; có Tăng thì cùng lúc cũng có Phật và có Pháp. Kinh Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Phật, Pháp và Tăng không có gì khác biệt”. Vậy thì Ba Ngôi Báu không phải tìm cầu ở nơi xa xôi nào mà vốn đã có đầy đủ trong tự thân của mỗi người. Nhưng muốn thấy (thực chứng) được điều đó, người tu học phải thường xuyên sống trong tỉnh thức và tinh cần trong công phu thiền quán. Trong nếp sống quên lãng, buông trôi sẽ không thấy được gì cả.

Dù sao thì hình tướng vẫn rất cần thiết cho người mới nhập vào nếp sống tu học. Hình tướng là phương tiện dẫn dắt bước đầu để Phật tử chúng ta đi dần vào nếp sống tỉnh thức. Do đó, một niệm Phật đường, một ngôi chùa, hay một tu viện sẽ trở nên rất hữu ích cho chúng ta; vì ở những nơi đó luôn luôn có đầy đủ biểu tượng của Ba Ngôi Báu: Phật được biểu hiện qua các ảnh, tượng; Pháp được chứa đựng trong ba tạng kinh điển, các sách báo, câu đối, bích chương...; và Tăng là các chúng xuất gia và tại gia đang tu học và thực hiện mọi công tác Phật sự có ích lợi cho chúng sinh.

giai-ma-bi-an-con-so-3-trong-phat-giao-2

Tam quy y (3 nơi quay về nương tựa)

Sở dĩ có sự quay về là vì từ trước chúng ta đã bị bao nhiêu thứ mê hoặc làm cho sai đường, lạc lối. Chúng ta đã quen nếp sống quên lãng, tâm trí cứ luôn bị níu kéo về những hình ảnh quá khứ hoặc buông trôi theo những ảo tưởng tương lai. Vì vậy, “quay về” có nghĩa là ý thức phải được thắp sáng, từ bỏ nếp sống buông trôi, quên lãng, để sống trong tỉnh thức, nhìn rõ chân lí của thực tại vạn hữu. Muốn quay về thì phải có chỗ để quay về; và cái chỗ để quay về đó cũng đồng thời là nơi cho chúng ta nương tựa để sống. Có ba căn cứ vô cùng vững chắc để cho chúng ta quay về và nương tựa: đó là Ba Ngôi Báu (Tam Bảo) vừa được trình bày ở trên.

Quay về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời.

Quay về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Quay về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.

Nhưng, như trong mục “Ba Ngôi Báu” ở trên đã nói, Phật - Pháp - Tăng vốn có đầy đủ nơi tự thân của mỗi người, vì vậy, quay về và nương tựa ở đây không có gì khác hơn là quay về và nương tựa nơi chính tự tính giác ngộ của chúng ta.

Tam pháp ấn (3 con dấu)

Con dấu dùng để chứng nhận một sự việc là thật, chắc chắn, đáng tin tưởng. Vậy từ ngữ “con dấu” (ấn) ở đây có nghĩa là chân lí, là điều chân thật được chứng ngộ và nói ra bởi bậc Giác Ngộ (Phật) mà người học trò của Phật phải tin tưởng, phải thường quán niệm để có được một nhận thức sáng tỏ về thực tại. Tất cả giáo lí nào phát biểu đúng với nội dung ba con dấu này đều là Phật pháp. Tất cả mọi nhận thức không phù hợp với ba con dấu này đều là sai lạc, tà ngụy.

Trong các kinh luận, ba con dấu thường được nói tới là:

Tất cả mọi sự vật đều biến đổi không ngừng (chư hành vô thường).

Tất cả mọi sự vật đều không có bản ngã chân thật (chư pháp vô ngã).

Bản thể của vạn hữu là vô phân biệt, lìa khỏi mọi hình tướng, mọi tri kiến, mọi khái niệm (niết bàn tịch tịnh).

Con dấu 1 và con dấu 2 (vô thường và vô ngã) nói lên tướng trạng của vạn hữu, và con dấu 3 (niết bàn) nói lên bản thể của vạn hữu.

Mặt khác, theo kinh Pháp Ấn thì ba con dấu này như sau:

Không. Bản thể của mọi sự vật là không. “Không” ở đây có nghĩa là mọi sự vật đều hiện hữu theo nguyên lí duyên sinh, không có tự ngã.

Vô tướng. Vì là không cho nên bản thể của vạn hữu là vô niệm – tức là không thể dùng nhận thức phân biệt và khái niệm để nhận biết, mà phải dùng trí bình đẳng, vô phân biệt mới thấy rõ được.

Vô tác (cũng gọi là vô nguyện, hay vô khởi). Trong nhận thức bình đẳng, vô phân biệt (tức trí tuệ giác ngộ) đó, sẽ không còn có sự phân biệt về chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, về chủ thể chứng đắc và đối tượng chứng đắc; không có tạo tác; không có sinh khởi; không có sự mong cầu cũng không có cái gì để mong cầu.

“Không - vô tướng - vô tác” là ba giai đoạn liên tục, toàn vẹn của công phu thiền quán. Đó là giáo lí căn bản của Phật giáo, Kinh Pháp Ấn nói: “Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào cảnh giới giải thoát, là giáo lí căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi, về của chư Phật.”

Tam tạng (3 tạng)

Chữ “tạng” nghĩa là cái kho chứa; ở đây có ý nói là cái kho chứa giữ tất cả giáo pháp cần phải biết – tức thâu gồm tất cả thánh điển của Phật giáo. Tất cả thánh điển này được chia làm ba loại, mỗi loại là một cái kho; có ba cái kho, cho nên gọi là “ba tạng”: đó là tạng Kinh, tạng Luật và tạng Luận.

Tạng KINH (Tu-đa-la tạng): bao gồm tất cả yếu nghĩa giáo thuyết của đức Phật. Kinh, nói đủ là “Khế Kinh”. Chữ “khế” nghĩa là phù hợp, khế hợp. Tất cả những lời dạy của đức Phật vừa khế hợp với chân lí của vũ trụ (khế lí), vừa khế hợp với từng loại căn cơ của chúng sinh (khế cơ), cho nên gọi là “Khế Kinh” – nói tắt là “Kinh”.

Tạng LUẬT (Tì-nại-da tạng): bao gồm tất cả những qui điều, phép tắc sinh hoạt áp dụng cho toàn thể giáo đoàn (xuất gia lẫn tại gia), do đức Phật chế định. Ý nghĩa của chữ “luật” là điều phục. Tất cả những luật nghi do đức Phật chế định có thể đối trị những ác nghiệp của chúng sinh, điều phục tâm tính của chúng sinh, cho nên gọi là “Luật”.

Tạng LUẬN (A-tì-đạt-ma tạng): bao gồm tất cả những lời bàn luận, lí giải, làm cho tỏ rõ ý nghĩa kinh điển, xác minh tánh tướng của vạn pháp. Từ những giáo thuyết nguyên thỉ của đức Phật, các vị Bồ-tát và các bậc Thánh tăng dùng trí tuệ thù thắng của mình để giải thích, nghị luận, phân tích, hệ thống hóa, làm tỏ rõ ý tứ cô đọng trong Kinh Luật, làm nổi bật các yếu nghĩa, giải đáp các nghi hoặc, v.v... đều gọi là “Luận”.

Nói đến “Ba Tạng” là nói đến phần nội dung của giáo điển; nhưng muốn nói đến sự tu tập để tiến đến giác ngộ giải thoát thì phải nói đến “Ba Pháp Học” (Tam Học hay Tam Vô Lậu Học) là Giới, Định và Tuệ. Nếu xét kĩ, chúng ta sẽ thấy rõ, tự thân ba tạng Kinh Luật Luận đã nói lên đầy đủ cả lí (lí thuyết) và sự (thực hành) của ba pháp học Giới Định Tuệ. Tất cả những gì Phật dạy trong KINH đều nhằm để nhiếp niệm, an tâm, định ý, cho nên KINH tạng chính là cái kho bảo vật của ĐỊNH học. Tất cả những luật nghi do Phật chế định đều nhằm phòng hộ thân miệng ý, ngăn ngừa các hành động tội lỗi, cho nên LUẬT tạng chính là cái kho bảo vật của GIỚI học. Tất cả những minh giải, biện luận, phân tích, giải hoặc, v.v... đối với kinh điển, đều nhằm phát triển trí tuệ đến chỗ siêu việt để thành tựu đạo quả giác ngộ, cho nên LUẬN tạng chính là cái kho bảo vật của TUỆ học. Như vậy là Kinh tạng thông với Định học; Luật tạng thông với Giới học; và Luận tạng thông với Tuệ học. Nhưng đó chỉ là cái nhìn giới hạn, thực ra, với cái nhìn thấu đáo, thì trong tạng Kinh không những chứa đựng đầy đủ tinh yếu của Định học, mà còn chứa đựng tất cả những yếu nghĩa của Giới và Tuệ học. Cho nên có thể nói, Kinh tạng đã bao hàm cả ba pháp học Giới, Định và Tuệ; trong khi đó, Luật tạng bao hàm cả Giới và Định học, còn Luận tạng thì chỉ bao hàm Tuệ học mà thôi.

Các vị cao tăng tinh thông cả ba tạng Kinh Luật Luận thì được tôn xưng là “tam tạng pháp sư”. Tôn hiệu này vốn đã được Phật giáo Ấn-độ dùng từ lâu, để chỉ cho những vị cao tăng thông hiểu cả ba tạng và thuyết giảng cho đồ chúng. Phật giáo Trung-quốc dùng tôn hiệu ấy để chuyên gọi các vị cao tăng tinh thông ba tạng và tùng sự phiên dịch Kinh Luật Luận từ Phạn văn ra Hán văn. Đặc biệt, chỉ một mình pháp sư Huyền Trang ở đời Đường đã được người đời gọi là “Đường Tam Tạng” (tức là chỉ có tên triều đại ghép với từ “tam tạng”, là thành tên ngài Huyền Trang). Ngoài ra, những vị cao tăng chỉ chuyên về Kinh tạng thì gọi là “kinh sư”; chỉ chuyên về Luật tạng thì gọi là “luật sư”; chỉ chuyên về Luận tạng thì gọi là “luận sư”.

Ba tạng Kinh Luật Luận được hình thành sơ khởi trong kì kết tập kinh điển lần thứ nhất, 3 tháng sau ngày Phật nhập diệt. Bởi vậy, ở buổi đầu, nói đến “Ba Tạng” là nói đến thánh điển của Phật giáo Nguyên thỉ và Phật giáo Bộ phái, cũng tức là “ba tạng giáo” của tiểu thừa. Về sau, khi Phật giáo đại thừa phát triển, thì Ba Tạng được phân làm hai loại: Ba Tạng hạ thừa (Thanh-văn thừa) và Ba Tạng thượng thừa (Bồ-tát thừa) – hợp tất cả lại thành ra “Sáu Tạng”. Ngày nay, Ba Tạng hiện lưu hành gồm có hai hệ: 1) Tạng Bắc-truyền, điển hình là Hán Tạng, bao gồm tất cả các Kinh, Luật và Luận của đại thừa lẫn tiểu thừa, và được gọi là “Đại Tạng Kinh”; 2) Tạng Nam-truyền, điển hình là Tạng Ba-li, chỉ gồm có Kinh, Luật và Luận của tiểu thừa.

Lại nữa, từ “Ba Tạng” cũng còn được dùng để chỉ cho ba loại giáo pháp Phật nói cho ba thừa: thừa Thanh-văn thì có tạng Thanh-văn (Thanh Văn Tạng); thừa Duyên-giác thì có tạng Duyên-giác (Duyên Giác Tạng); và thừa Bồ-tát thì có tạng Bồ-tát (Bồ Tát Tạng). Nhưng thông thường, hễ nói tới “Ba Tạng” thì ai cũng hiểu đó là ba tạng Kinh, Luật và Luận, gồm thâu tất cả giáo điển đạo Phật. Ngoài ba tạng đó ra, Đại Chúng bộ còn thêm Tạp-tập tạng, làm thành bốn tạng; Độc Tử bộ thì thêm Cấm-chú tạng, cũng làm thành bốn tạng; Pháp Tạng bộ thêm Cấm-chú tạng và Bồ-tát tạng để lập nên năm tạng; Nhất Thuyết bộ lại thêm Tạp-tập tạng và Cấm-chú tạng, luận Thành Thật thì thêm Tạp-tập tạng và Bồ-tát tạng, kinh Lục Ba La Mật thêm Bát-nhã ba-la-mật tạng và Đà-la-ni tạng, cũng đều lập nên năm tạng.

Xem thêm: Ý nghĩa của Kinh A Di Đà và nghi thức tụng Kinh A Di Đà 2021 chuẩn nhất

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận