Đức Phật chỉ cách đơn giản giúp tích phúc đức cho mỗi người
Nhân quả trong đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Chúng ta có thể vận dụng lời dạy của Đức Phật ngay trong cuộc sống hằng ngày để rèn luyện, tu dưỡng, tích phúc đức cho bản thân.
Luật Nhân quả là một trong các nguyên lý cơ bản của giáo lý Phật giáo. Đại đức Thích Đạt Ma Phổ Giác từng giảng giải rằng: Theo luật Nhân quả, thành công hay thất bại đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nếu chúng ta muốn có được nhiều kết quả tốt đẹp thì phải biết gieo nhân thiện ích giúp người cứu vật.
Cho nên Phật giáo, đối với “nhân quả báo ứng", có cái nhìn đầy đủ và thấu triệt, Phật dạy chính chúng ta là chủ nhân của bao điều họa phúc, mình làm lành được hưởng phước tốt đẹp, làm ác chịu quả khổ đau.
Nhân quả trong đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Con người nếu sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ sống trong sự tham lam ích kỷ thì sẽ dễ dàng gây họa cho người khác và nhận báo ứng về với bản thân mình.
Dưới đây là cách giúp con người tích phúc đức cho bản thân theo lời dạy của Đức Phật:
Tu khẩu
Tài liệu ghi chép lại về một lần vị đại thần thuộc tầng lớp Bà La Môn của đất nước Magadha (một đế quốc hùng mạnh ở miền Đông Ấn Độ từ thế kỷ 6 TCN đến thế kỷ 6) đến trúc lâm viện ở thành cổ Shravasti để thăm Đức Phật.
Ông ta nói với Đức Phật: Phàm là những thứ tôi tận mắt nhìn thấy, tôi đều có thể miêu tả lại một cách chuẩn xác; phàm là những lời tôi tận tai nghe được, tôi hoàn toàn có thể trần thuật lại toàn bộ những gì đã nghe; phàm là thứ tôi cảm nhận được, tôi đều có thể nói ra hết dựa theo những gì đã cảm nhận được, từ trước đến giờ chưa bao giờ sai.
Đức Phật sau khi nghe thấy vị đại thần nói vậy, ngài không hoàn toàn đồng ý. Đức Phật cho rằng: "Ta không nói đại thần 'nên' hay 'không nên' nói hết ra tất cả những gì ông nghe thấy hay ông biết.
Nếu như nói ra tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, những gì ta biết mà khiến cho những điều bất thiện tăng lên và những điều thiện giảm đi, vậy ta sẽ không nói.
Ngược lại, nếu việc đó có thể làm cho những điều bất thiện giảm đi và những điều thiện tăng lên, ta sẽ nói ra. Tương tự như thế, những điều nghe thấy hay những điều cảm nhận được cũng vậy".
Trong cuộc sống hằng ngày, có những lời, chỉ cần không nói ra sẽ giúp con người chúng ta tích thêm phúc đức, ngược lại nói ra sẽ khiến con người tạo khẩu nghiệp, mất đi phúc đức, thậm chí có thể lập tức gây ra tai họa cho người nói.
Mỗi chúng ta trước khi nói bất kỳ điều gì phải suy nghĩ thật kỹ, thận trọng cân nhắc điều gì nên nói, điều gì không. Lời nói mà thiếu suy nghĩ sẽ gây ra những hậu quả khó lường, phá hỏng các mối quan hệ và làm tổn thương người khác, thậm chí rước họa vào thân.
Trong quá trình giao tiếp với người khác, chúng ta hãy nói vừa đủ, biết lắng nghe để cuộc nói chuyện trở nên có ý nghĩa và chất lượng, bớt những chuyện ngồi lê đôi mách bởi chúng chẳng mang lại điều gì tích cực.
Vô tranh
Một lần, đệ tử của Mục-kiền-liên và học tăng của A-nan-đà thỏa thuận với nhau cùng đồng thanh tụng kinh Phật, thi xem ai tụng hay nhất, tuyệt vời nhất.
Đức Phật khi biết được đã cho mời hai người này tới giảng đường. Ngài hỏi: "Có phải hai ngươi đang bàn nhau cùng tụng kinh, so xem ai tụng hay hơn không?"
Hai người đồng thanh đáp: "Vâng, thưa Đức Phật!"
Đức Phật nói: "Lẽ nào các ngươi chưa từng nghe ta răn dạy ư? Nếu Tỳ-kheo có lòng hiếu thắng, có lòng ganh đua thì có khác gì những người ngoại đạo? Phật pháp có thu phục, có giáo hóa, khi các các Tỳ-kheo thụ pháp, mọi hành động lời nói cần phải tương ứng với Kinh, Luật. Nếu không sẽ nổi lên lòng hiếu thắng, làm sao hoá độ chúng sinh?"
Ngài giảng giải thêm: "Tụng nhiều kinh chưa chắc đã là tốt nhất, giống như đếm bò mà mình chẳng có con nào, đó thực sự không phải điều Tỳ-kheo nên học. Học đạo quan trọng nhất là chấp hành và thực hiện ý nghĩa của phật pháp mà mình đã học được.
Bởi vậy mới nói, tụng hàng ngàn cuốn kinh nhưng không hiểu ý nghĩa nằm ở đâu, chẳng bằng nghe một câu mà có thể chấp hành đắc đạo; tụng hàng ngàn câu đạo lý nhưng không thể thông suốt, chẳng bằng thực hiện được lời nhắn nhủ trong một câu nói hay, từ đó có được sự giải thoát.
Cho nên mới nói, một đại trượng phu thực thụ, trí tuệ hơn người có thể đánh thắng trăm ngàn kẻ địch nông cạn. Nếu muốn chiến thắng bản thân, nhất định phải tu luyện chính kiến của mình.
Thế nên các Tỳ-kheo, từ nay về sau đừng có hiếu thắng mà so bì, thi thố, tranh giành lẫn nhau. Nếu như còn hiếu thắng, ganh ghé nhau, hãy dùng phật pháp để đoạn tuyện phiền não và những điều còn lăn tăn. Này hai Tỳ-kheo, các ngươi cũng nên tu hành như vậy".
Hai Tỳ-kheo sau khi được Đức Phật giảng giải, họ ngay lập tức đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cúi đầu lên chân Đức Phật và xin được hối lỗi, phát nguyện: "Từ nay về sau quyết không phạm lỗi. Chỉ mong Đức Phật từ bi, chấp nhận sự hối lỗi".
Thấy hai Tỳ-kheo ăn năn hối cải, Đức Phật đã chấp nhận sự hối lỗi của họ. Sau đó, ngài căn dặn các Tỳ-kheo khác, đây là bài học mọi người phải nhớ kỹ trong lòng.
Vô tranh là đức tính tốt đẹp, giúp ngăn chặn những phiền muộn do 3 yếu tố tham, sân, si gây ra. Trí tuệ vô tranh chấm dứt phiền muộn của con người, đó là bản lĩnh tu hành mà chỉ Đức Phật và A-la-hán mới có.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận