Liều thuốc hóa giải sự đau khổ của con người
Đức Đạt Lai Lạt Ma - người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng - đã đưa ra lời lý giải bất ngờ về sự đau khổ của con người và liều thuốc giúp hóa giải.
Vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là Lhamo Dhondup, sinh ra tại ngôi làng nhỏ thuộc Tây Tạng vào năm 1935. Ông sớm được tôn vinh là lãnh đạo của chính phủ lưu vong được thành lập tại Dharamsala, phía Bắc Ấn Độ khi mới 15 tuổi.
Ông cũng được biết đến là tác giả và triết gia Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng với những tác phẩm như: The Air of Happiness: A Handbook for Living, How to Practice: The Way to A Meaningful Life và Beyond Religion: Ethics for the Whole World.
Vào năm 1989, ông giành giải Nobel Hòa Bình và liên tục đến nhiều vùng miền trên thế giới để truyền giáo về tình thương, bản chất của sự thật và hạnh phúc.
Trong một bài phát biểu, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra lời lý giải bất ngờ về sự đau khổ của con người và lý do vì sao tình yêu thương của con người là thuốc giải độc cho sự đau khổ.
Để làm rõ nguyên nhân gây ra đau khổ, chúng ta cần hiểu mục đích của cuộc sống mỗi người. Mục đích con người ta hướng đến là cuộc sống hạnh phúc.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: "Ngay từ khi sinh ra, mọi người đều muốn được hạnh phúc và tránh xa đau khổ... Vì vậy, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là khám phá ra điều gì đem lại niềm hạnh phúc lớn nhất".
Khi đã xác định được mục đích cuộc sống, chúng ta sẽ tìm được cách để đạt đến. Sự hạnh phúc hay đau khổ được Đức Đạt Lai Lạt Ma phân chia thành hai loại: Tinh thần và thể xác. Trong đó, tinh thần là điều quyết định lớn đối với mỗi người. Còn thể xác, trừ khi mắc bệnh nặng hoặc nhu cầu cấp thiết, chúng ta ít nghĩ đến tình trạng thể chất. Do đó, mỗi chúng ta nên nỗ lực để đem lại sự bình yên trong tinh thần.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh, sự bình an tuyệt vời nhất đến từ tình yêu và sự từ bi. Người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng nhắn nhủ: "Chúng ta càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác thì cảm giác hạnh phúc của chính chúng ta càng lớn. Nuôi dưỡng một sự gần gũi, cảm giác ấm áp cho người khác, bạn cũng sẽ tự nhiên cảm thấy tâm trí thoải mái, bình an. Điều này giúp ta loại bỏ mọi nỗi sợ hãi, sự thiếu tự tin và cho chúng ta sức mạnh đối phó với bất kỳ trở ngại nào mà chúng ta gặp phải. Đó là nguồn năng lượng của cuộc sống".
Trong cuộc sống, mỗi người nếu biết nuôi dưỡng sự tự bi, có lòng cảm thông đối với những người đang chịu đựng đau khổ, giúp họ thoát khỏi nỗi đau đó, sẽ giúp chúng ta có được sự thanh thản và tăng thêm sức mạnh bên trong cho chính chúng ta.
"Người với người sống để yêu nhau". Nhu cầu yêu thương là nền tảng sự tồn tại của con người. Bản tính con người luôn trân trọng lòng yêu thương hơn tất thảy mọi thứ cho nên chính tình yêu và sự từ bi sẽ giúp đem lại niềm hạnh phúc.
"Đó là kết quả từ sự phụ thuộc lẫn nhau sâu xa nhất mà chúng ta chia sẻ với nhau. Dù có mạnh mẽ, độc lập đến thế nào, chúng ta cũng có lúc phụ thuộc vào người khác. Đó là khi ta còn là một đứa trẻ, khi ta ốm đau hoặc lúc ta đã rất già.
Dĩ nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau là quy luật cơ bản của tự nhiên. Không chỉ đối với con người, mà ngay cả những loài côn trùng nhỏ bé nhất, không tôn giáo, luật pháp, giáo dục cũng sống sót nhờ sự "phụ thuộc" đồng loại. Tất cả mọi điều trên hành tinh của chúng ta, từ đại dương, hoa lá trong rừng đến mây xanh, đều có sự phụ thuộc lẫn nhau. Nếu không có tương tác thích hợp, chúng sẽ phân rã và bị hủy diệt".
Nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng chỉ ra rằng: Tình yêu là thuốc giải độc cuối cùng cho mọi sự khổ đau. Tình yêu chính là nền tảng sự tồn tại của con người, sự kết nối của toàn bộ vũ trụ.
Xem thêm: 15 triết lý sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma, thấm nhuần điều số 1 cuộc sống đã tốt đẹp thêm nhiều phần
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận