Cầu nguyện là gì và ý nghĩa của cầu nguyện trong đạo Phật?

Trong đạo Phật, cầu nguyện là một pháp môn tu tập của người Phật tử. Vậy cầu nguyện là gì, bản chất và ý nghĩa của việc cầu nguyện ra sao? Mời bạn đọc tham khảo trong bài viết dưới đây.

Loan Nguyễn
14:08 04/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cầu nguyện là gì?

Thuật ngữ Cầu nguyện là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về đời sống hiện thực hay lý tưởng. Trong Phật giáo, các từ ngữ "cầu nguyện," "cầu xin" hay "ước nguyện" được hiểu đồng nghĩa với thuật ngữ "pràrthanà" (Sanskrit) hay "patthanà" (Pali). Pràrthanà bắt nguồn từ gốc "pra-arth" có nghĩa là ước nguyện, ước muốn, mong cầu, cầu xin.

Theo Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh: “Cầu nguyện là cầu mong và ước nguyện. Ta gửi điều cầu mong và ước nguyện của chúng ta đến với các đấng thiêng liêng mà ta tin tưởng, mong được các đấng ấy cứu độ cho, giúp đỡ cho, hộ trì cho. Tôn giáo nào thì cầu với giáo chủ của tôn giáo ấy, đấng thiêng liêng của tôn giáo đó. Tín ngưỡng nào cũng thế, cầu với những vị họ tin tưởng”.

Thực hành cầu nguyện là một nhu cầu tinh thần của con người, một nhu cầu chính đáng. Cầu nguyện giúp con người giải tỏa các ức chế tâm lý do áp lực của hoàn cảnh, của thất vọng trong tình cảm, những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội.

Cầu nguyện còn thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về đời sống hiện thực hay lý tưởng, dù sao cầu nguyện vẫn là một biểu hiện của thiện tâm, nghĩa là khi một người chấp tay, cúi đầu trước bàn thờ Phật, Thánh, lòng họ trở nên khiêm hạ, cái ” Ta” trở nên nhỏ bé, lương tâm thổi dậy và tâm hồn họ được bình hòa.

cau-nguyen-la-gi-va-y-nghia-cua-cau-nguyen-trong-dao-phat-1

Xét theo ý nghĩa thông tục, cầu nguyện là một biểu hiện lòng nhớ ơn, đền ơn đáp nghĩa đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân… một biểu hiện của tình thương yêu, quan tâm, lo lắng đến nhau như các cầu nguyện: cầu siêu, cầu an, sám hối … 4 hình thức của cầu nguyện bao gồm:

Cầu siêu: Cầu siêu là cầu nguyện Tam bảo phù hộ cho linh hồn đã mất được nhẹ nhàng siêu thoát ở thế giới bên kia cầu được sinh về cõi cực lạc của Đức Phật A Di Đà.

Cầu siêu là cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, thân quyến đã qua đời được siêu thoát, được an lành thế giới bên kia. Như vậy cầu siêu là biểu lộ sự quan tâm, lo lắng, sự thương yêu giúp đỡ cho người thân của mình. Sự quan tâm đối với người đã chết không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện.

Cầu an: Là cầu nguyện cho người thân của mình hoặc chính bản thân mình được an lành, vượt qua các tai ương hoạn nạn.

Cầu nguyện cho người khác được bình an thể hiện tính tích cực của từ bi, vị tha, do đó tạo nên “đức độ”. Tâm ta càng xu hướng về vô ngã vị tha thì mối tương tác (cảm ứng) giữa tâm ta và tâm Phật, Bồ tát (tha lực) sẽ chặt chẽ, do đó tác động mạnh đến người hay hoàn cảnh mình cần nguyện.

Cầu sám hối: Là cầu nguyện cho những lỗi lầm vụng dại của mình đã làm không còn tái diễn nữa, bày tỏ sự hối hận ăn năn, mong sự chứng giám và tha thứ của các đấng thiêng liêng hay cả của những người mà mình đã gây khổ cho họ. Có khi người ta cũng cầu sám hối giúp cho người thân của mình. Nhu cầu sám hối nói lên tiếng nói của lương tâm, của đạo đức và của trí tuệ.

Cầu tiến bộ tâm linh: Là cầu nguyện cho tâm hồn của mình được phát khởi thiện tâm, phát huy được trí tuệ vượt qua nghiệp chướng, ma chướng để sớm thành tựu được mục tiêu giải thoát của mình. Nhu cầu cầu nguyện tâm linh tiến bộ nói lên tinh thần quyết tâm cầu tiến, nói lên ước vọng tìm kiếm chân lý của người Phật tử.

Trong đạo Phật, cầu nguyện còn là một pháp môn tu tập của người Phật tử, nhờ cầu nguyện mà nguyện lực của họ mạnh mẽ, niềm tin tăng trưởng, thiện nghiệp được phát huy, ác nghiệp được tiêu trừ, tâm xu hướng lộ trình giải thoát.

Sự cầu nguyện ban đầu như là biểu hiện của sự lo lắng vị kỷ, nhưng dần dần do bản chất của sự cầu nguyện sẽ nâng cao tinh thần vị tha. Những lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng, trong đạo Phật đều mang tính 2 mặt cho mình và cho chúng sinh. Nghĩa của sự cầu nguyện là nâng cao đời sống tinh thần và củng cố niềm tin cho chính mình và tha nhân.

cau-nguyen-la-gi-va-y-nghia-cua-cau-nguyen-trong-dao-phat-2

Bản chất của cầu nguyện trong đạo Phật

Cầu nguyện đóng vai trò không thể thiếu cho bậc xuất gia cũng như Phật tử tại gia. Nó là năng lượng từ trường vô biên giúp cho người hành giả có thể an tâm và yên vui trong đời sống thường nhật. Cầu nguyện trong Phật giáo được xem là sợi dây vô hình có thiết lập tình thân thương giữa người cầu nguyện và người được hướng đến trên tinh thần từ bi và trí tuệ.

Theo quan niệm của đạo Phật, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Việc cầu nguyện trong Phật giáo đã có từ ngàn xưa. Trong hệ thống kinh điển Phật giáo rất nhiều bài kinh cầu nguyện. Vì chúng ta cũng tự biết chúng ta rất yếu đuối, rất mong manh. Không phải chúng ta hoàn toàn tự lực được. Không ai vỗ ngực rằng mình tự lực được cả. Trong pháp giới nhân duyên này, chúng ta không thể tự mình hoàn toàn được. Chúng ta sinh ra phải nhờ cha nhờ mẹ, em bé phải bú sữa mẹ, phải được mẹ chăm bẵm mới lớn lên, muốn đi cũng phải dựa vào xe đẩy mới tập đi được. Làm sao bảo mình không nương tựa? Tất cả chúng ta đều phải có sự nương tựa vì chúng ta rất nhỏ bé. Vậy thì trong Phật Pháp sự cầu nguyện là cần thiết, giúp đỡ mặt tinh thần của chúng ta được nâng lên”.

Việc cầu nguyện trong Phật giáo giúp cho tinh thần chúng ta được vững mạnh. Giúp chúng ta thăng tiến hơn trên con đường tu tập, đầy đủ nghị lực, niềm tin vượt qua những chướng ngại.

Trong Đại Tạng kinh Việt Nam, Tương Ưng IV, chương 8, phần Người đất Tây phương hay người đã chết, có đoạn: “Này Thôn trưởng, ông nghĩ thế nào? Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!” ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này? - Thưa không, bạch Thế Tôn”.

Để trả lời cho câu hỏi đó, trong bài kinh Đức Phật đã lấy ví dụ về tảng đá và dầu để chỉ dạy: Khi ném tảng đá xuống nước và đứng trên bờ cầu khẩn mong cho tảng đá nổi trên mặt nước là điều không thể. Ngược lại, khi đổ dầu xuống nước không thể đứng trên bờ cầu mong cho dầu chìm xuống. Cũng vậy, một người tạo nhiều ác nghiệp khi chết rồi, gia thân quyến thuộc chỉ đứng cầu mong cho họ được siêu thoát thì không có tác dụng. Còn một người có tu tập, làm các việc thiện khi chết rồi, dù đứng đó cầu cho họ đọa địa ngục, họ cũng không đọa lạc.

Đức Phật dạy rằng:

Tự mình, điều ác làm,

Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình không làm ác,

Tự mình làm thanh tịnh,

Tịnh, không tịnh, tự mình,

Không ai thanh tịnh ai”.

(Pháp Cú 165)

Thay vì cầu nguyện một cách thiếu tuệ giác, chúng ta cần phải áp dụng chân lý tứ diệu đế hay còn gọi là tứ thánh đế mà Đức Phật đã giác ngộ với tuệ giác của mình để giải quyết vấn đề một cách sâu sắc và thực tiễn:

Thứ nhất là khổ đế (Dukkha sacca): Chúng ta phải ý thức rõ được những bế tắc, khủng hoảng mà chúng ta đang bị gặp phải là gì?

Thứ hai là tập đế (Samudaya sacca): Nguyên nhân chính và phụ dẫn đến khổ đau là gì?

Thứ ba là diệt đế (Nirodha sacca): Để có một đời sống hạnh phúc an vui, thì phải cần tháo gỡ những nỗi khổ niềm đau đó.

Thứ tư là đạo đế (Magga sacca): con đường đưa đến chấm diệt khổ đau và khủng hoảng thông qua bát chánh đạo (8 con đường dẫn đến hạnh phúc tối hậu). Điều quan trọng ở đây mỗi hành giả chúng ta cần phải có nhìn chánh kiến (hay cái nhìn đúng đắn) và có chánh tư duy (hay cái suy nghĩ sâu sắc) về những hành động mà mình đang làm, phải có ý thức rằng điều đó có đúng với tinh thần từ bi và vô ngã của phật giáo không? Nếu không, phải nhận diện và chuyển hóa hành động đó theo một chiều hướng tích cực và đúng đắn.

Ý nghĩa của cầu nguyện theo quan điểm Phật giáo

Trong các tôn giáo khác hay trong tín ngưỡng dân gian, con người cầu nguyện thường là cầu xin, ước muốn điều gì đó như giàu sang, thi cử đỗ đạt, thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc... Người ta đem ước muốn này gửi đến một đấng thần thánh nào đó mà họ cho là thiêng liêng và cầu xin vị ấy giúp cho nguyện ước của họ thành hiện thực.

Trong đạo Phật, người Phật tử hiểu rằng, không ai có thể ban cho mình toại nguyện những ước muốn, ngoại trừ những ước muốn đó là kết quả của những nhân duyên mà mình từng tạo ra trước đó. Người Phật tử tin luật nhân quả, tin rằng mình không thể trốn chạy nhân quả bằng cách cầu xin tránh khỏi tai họa, bệnh tật, những rủi ro bất trắc, và không thể cầu xin có được bình an, hạnh phúc khi mình chưa từng hoặc ít gieo nhân duyên lành.

Đức Phật dạy chúng ta có thể tránh được nghiệp quả xấu một khi nó chưa hình thành bằng cách thay đổi tâm ý và tạo nhiều nhân duyên lành có tác dụng ngược lại với những nhân duyên xấu ác đã tạo, gọi là chuyển nghiệp.

Việc cầu nguyện của người Phật tử mang một ý nghĩa khác. Chữ “cầu” trong đạo Phật không có nghĩa là “cầu xin” mà là mong ước, phát nguyện. Cũng như nói “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”, không có nghĩa là trên “cầu xin” Phật đạo. Phật đạo đâu ai cho mà cầu xin! Do đó “cầu” ở đây có nghĩa là “mong muốn đạt thành”. “Cầu” chính là ý chí, là tâm hành (nghiệp).

Cầu nguyện trong đạo Phật không phải là xin Đức Phật ban cho mình điều gì, mà là thể hiện mong ước rồi nỗ lực, phấn đấu để thực hiện ước nguyện đó. Để tránh hiểu lầm, kinh sách Phật giáo thường không dùng từ “cầu nguyện” mà chỉ dùng từ “nguyện” tức phát nguyện, ý nguyện. 

Chúng ta thường đến chùa cầu nguyện sự bình an, hạnh phúc cho mình và người thân, thì chúng ta phải hành trì lời Phật dạy, phải sống như thế nào để có được sự bình an. Không thể cầu nguyện rồi cứ thản nhiên tạo các nghiệp ác, tạo các nhân duyên xấu; giao phó cho Đức Phật và các vị Bồ-tát bảo hộ cho mình.

Đạo Phật khuyến khích cầu nguyện không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác. Việc cầu nguyện điều gì đó cho người khác mang ý nghĩa cao đẹp thể hiện tấm lòng của mình đối với người đó, thể hiện tình thân thương, thể hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha. 

cau-nguyen-la-gi-va-y-nghia-cua-cau-nguyen-trong-dao-phat-3

5 nhân duyên để cầu nguyện được thành tựu

Chúng ta hiểu rằng, đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Đức Phật dạy cho chúng ta về đường đi của nhân quả. Mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này đều nằm trong nhân quả. 

Do đó, để cầu nguyện được thành tựu, chúng ta cũng cần phải làm đúng theo nhân quả thì mới được lợi ích. 

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Để cầu nguyện thành tựu chúng ta phải có đủ nhân duyên. Vì pháp giới này là pháp giới nhân duyên, đủ nhân đủ duyên thì sẽ thành tựu. Cầu nguyện cũng thế, không ra ngoài nhân duyên. Cầu nguyện mà để thành tựu thường phải có đủ 5 duyên sau đây”.

Nội dung cầu nguyện chân chính hay bất chính

Thứ nhất là nội dung cầu nguyện của chúng ta thế nào? Nó có chân chính hay bất chính, bất chân. Ví dụ bây giờ, chúng ta cầu nguyện cho mình được mạnh khoẻ, thọ mạng được kéo dài. Đấy là việc chân chính. Nếu bây giờ, ta cầu cho người này bị chết, cầu cho người kia mắc dịch thì đấy là cầu sai. Ta cầu như thế là không chân chính, điều ấy ác, không phải là thiện cầu. Đấy là duyên không tốt. Không thể do cầu nguyện với ác tâm như thế mà thành tựu được”. 

Từ lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải, chúng ta thấy rằng cầu nguyện mong ước sức khỏe, tiền bạc, nhan sắc, công danh địa vị… không phải xấu. Ai cũng có quyền bày tỏ mong ước của mình. Nhưng điều quan trọng là nội dung cầu nguyện thiện hay bất thiện, chính đáng hay bất chính, lợi ích cho riêng mình hay cho nhiều người. Lời nguyện chân chính, thiện lành sẽ là một phần nhân duyên giúp cho lời nguyện được thành tựu.

Đối tượng hướng đến ảnh hưởng rất lớn đến sự thành tựu của cầu nguyện

Khi cầu nguyện, chúng ta thường hướng tâm đến một đối tượng nào đó. Tùy theo tôn giáo, chúng ta sẽ hướng về đấng tôn quý của mình. Trong tín ngưỡng dân gian, người ta cũng thường cầu nguyện với các vị thần, như thần cây, thần miếu, voi đá, ngựa đá. 

Về nhân duyên này Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Thứ hai là chúng ta cầu với đối tượng nào? Với đấng bề trên là ai? Người ấy có oai đức lớn không hay oai đức nhỏ? Người càng có oai đức lớn, có phúc báu lớn thì cầu nguyện của chúng ta càng dễ thành tựu. Chúng ta rất may mắn được là con Phật, là đệ tử của đấng tối tôn tối thắng tối thượng, là vua trong tất cả các vua, thánh trong tất cả các bậc thánh, là đấng tối tôn nhất. Chúng ta cầu nguyện với Phật, Đức Phật là bậc đầy đủ bi, trí, dũng, oai đức đầy đủ, phước đức đầy đủ, mọi mặt viên mãn. Cho nên đây là một nhân duyên phước lành của tất cả Tăng Ni, Phật tử chúng ta”.

Tâm tha thiết chí thành hay hời hợt khi cầu nguyện

Yếu tố thứ ba để cầu nguyện thành tựu, chúng ta cần phải xem xét là tâm của mình. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Khi cầu nguyện, chúng ta có chân thật, chân thành, nhất tâm hay ta cầu cho lấy lệ, cầu cho có. Người ta nói cầu nguyện tha thiết, chân thành, chí thiết chí thành thì cầu ấy cũng dễ thành tựu. Chứ còn cầu hời hợt, chắp tay vái khấn vài câu thì chẳng ăn thua gì cả, nó không có năng lượng gì cả. Chúng ta cầu như thế thì giống như điện thoại sắp hết pin, không thể bắt được sóng đâu. Giống như cái đài pin sắp hết, không bắt được sóng. Cầu kiểu ấy không được, phải mạnh mẽ. Mạnh mẽ đây là tâm chí thành tha thiết, nhất tâm. Người ta gọi là nguyện thiết”.

Phát nguyện tu tập chuyển hóa để lời cầu nguyện được cảm ứng

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ nhân duyên thứ tư để cầu nguyện thành tựu: “Điều thứ tư là chúng ta có phát nguyện tu tập để chuyển hóa các ác nghiệp của mình không? Chúng ta cầu nguyện với các đấng tối cao nhưng chúng ta lại cứ giữ nguyên thói hư tật xấu, ích kỷ của mình thì có Phật, trời nào hộ trì chúng ta không? Những tính ác của mình vẫn giữ, không hề có phát nguyện sửa đổi chút nào thì Phật, Thánh cũng không thể giúp cho những người cầu kiểu ấy được”. Từ lời giảng của Sư Phụ, chúng ta biết rằng, để cầu nguyện được thành tựu thì chúng ta phải phát nguyện thực tập bỏ những nghiệp xấu ác, tinh tấn làm việc lành, chuyển hóa thân tâm của chính mình.

Trong bài giảng “Cầu nguyện thế nào để được thành tựu?”. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh căn dặn, khi cầu nguyện chúng ta cần phải có những hành động thực tế: “Con nguyện bắt đầu làm bố thí, làm phước, tu đủ các Lục độ bố thí, trì giới. Trước đây, con buông lung, bây giờ con nguyện trì giới. Trước đây con keo kiệt, bủn xỉn giờ con nguyện bố thí, phóng sinh, làm phước, cúng dường. Đó là thực tập, phải nguyện chân thực. Trước đây, tâm con hay vọng động, con không có định tâm, bây giờ con sẽ tu tập thiền định, trước đây con hay nóng giận bây giờ, con nguyện tu tâm nhẫn nhục. Đó là nguyện chuyển hóa thực tập”.

Phúc báu dự trữ là một trong năm nhân duyên giúp chúng ta thành tựu lời nguyện

Đây là nhân duyên hết sức quan trọng để cầu nguyện được thành tựu, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Thứ năm là chúng ta phải có phúc báu dự trữ. Những người đã tích lũy nhiều phước lành, nhiều thiện nghiệp thì người ấy cầu nguyện cũng rất dễ thành tựu. Gia sản của mình toàn là nghiệp ác, nghiệp xấu thôi, bây giờ vào cầu rất khó thành tựu. Nhưng người này đã có một gia sản thiện nghiệp, đã bao năm tháng tích lũy phúc báu thiện nghiệp rồi người ấy đến cầu, đến nguyện rất dễ thành tựu. Mặc dù họ không biết khấn cầu giỏi nhưng do phúc báu tích lũy của họ mà họ cảm ứng được thành tựu việc của họ”.

Bên cạnh đó, Sư Phụ giảng giải để đại chúng hiểu thêm về lợi ích của việc có phúc báu dự trữ trong việc cầu nguyện: “Người đã chăm bố thí, cúng dường thì người ta được phúc báo về tài sản, người này cầu nguyện về tài sản rất dễ thành tựu. Người chăm làm phúc báu về mặt sức khỏe, người ta hay bố thí bệnh nhân, hay chăm sóc người bệnh, người ta có lòng thương tưởng phóng sinh người này cầu nguyện về sức khỏe, về tuổi thọ thường cũng được thành tựu. Người chăm ấn tống kinh điển, in, sang băng đĩa cho mọi người, khuyến hóa mọi người tụng kinh, xem sách, giảng giải Phật Pháp, người ta cầu nguyện về trí tuệ là người ta phát được phúc báu trí tuệ. Như vậy, mình phải tích lũy phúc báu về việc đó”.

Xem thêm: Luận giải về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận