Bí ẩn vũ trụ: Trung Quốc xây dựng kính viễn vọng với tham vọng sẽ tìm ra "kho báu" vũ trụ
Trung Quốc xây kính viễn vọng để săn tìm “kho báu” trong vũ trụ. Nếu thành công, kính viễn vọng này sẽ dẫn đầu trong việc tìm kiếm vật chất tối.
Trung Quốc tiến hành xây dựng đài quan sát không gian với tham vọng duy nhất đó là tìm kiếm vật chất tối trong vũ trụ. Theo đó, kính viễn vọng không gan VLAST hiện đang được Trung Quốc nghiên cứu và phát triển. Mục tiêu của các nhà khoa học nước này đó là phải đạt được độ nhạy gấp 10 lần so với kính viễn vọng Fermi của NASA - một loại kính viễn vọng tia gamma nhạy nhất thế giới.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc cho biết, nếu được chính phủ thông qua, kính viễn vọng VLAST có thể bay vào quỹ đạo trong vòng 7-8 năm nữa.
Thực tế, tia gamma là dạng ánh sáng có năng lượng cao nhất, chúng giúp các nhà khoa học quan sát được những thứ như sao neutron quay nhanh và hố đen siêu dày đặc.
Loại tia này cũng là bằng chứng gián tiếp về vật chất tối - thứ chiếm phần lớn về lượng vật chất ở trong vũ trụ.
Các nhà thiên văn học tin rằng vật chất tối phải tồn tại để cung cấp lực hấp dẫn cần thiết nhằm giúp liên kết giữa các thiên hà lại với nhau. Theo giả thuyết, khi các hạt vật chất tối va chạm, chúng sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Đồng thời cũng tạo ra tia gamma mà kính viễn vọng có thể phát hiện được.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Acta Astronomica Sinica, theo các nhà nghiên cứu, để tìm kiếm dấu vết của các hạt vật chất tối, VLAST sẽ tiến hành theo dõi quang phổ của tia gamma giữa 0,3 giga-electron volt và 20 tera-electron volt với độ phân giải năng lượng lớn chưa từng có.
Ngoài ra, VLAST cũng sẽ nhìn sâu vào trung tâm của dải Ngân Hà nhằm kiểm tra hiện tượng dư thừa về bức xạ tia gamma, giúp con người biết được sự tồn tại của vật chất tối tự triệt tiêu.
Nhóm tác giả của bài báo này gồm các nhà nghiên cứu từ Đài quan sát Purple Mountain ở Nam Kinh, Viện Vật lý Hiện đại ở Lan Châu và ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì.
Bên cạnh việc săn tìm vật chất tối, các nhà khoa học cũng đã có kế hoạch sử dụng VLAST nhằm khám phá về chớp tia gamma, sao nhị phân tia X và đặc biệt là nguồn gốc của tia vũ trụ.
Cụ thể, dựa trên thiết kế sơ bộ, VLAST sẽ gồm có 3 máy dò. Các máy dò sẽ phân biệt các photon tia gamma với các loại hạt khác truyền tới kính viễn vọng. Sau đó, loại máy này sẽ tiến hành đo chính xác năng lượng và quỹ đạo của photon tia gamma.
Dự kiến các máy dò này sẽ có tổng trọng lượng lên tới 16 tấn, nặng hơn nhiều so với loại kính viễn vọng không gian thông thường. Theo các nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Purple cho biết, loại kính viễn vọng này sẽ được đưa vào quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh 5.
Nhà nghiên cứu Fan Yizhong đang phát triển các công nghệ quan trọng cho dự án này, bao gồm từ thiết bị điện tử tới máy dò và nền tảng vệ tinh. Thế nhưng đây là một điều không hề đơn giản. Bởi các chuyên gia nghiên cứu tính toán rằng sẽ phải mất khoảng 10 năm để kính viễn vọng có thể hoạt động.
Hiện nhóm các chuyên gia nghiên cứu đã đệ trình về thiết kế của VLAST lên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và đang chờ quyết định.
Xem thêm: Bí ẩn vũ trụ: Mặt Trời có phải là nguồn cung cấp nước cho Trái Đất?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận