Nguyễn Đình Duy Anh - Thí sinh giành chiến thắng cuối cùng để mang cầu truyền hình Chung kết Olympia 21 về xứ Nghệ
Nguyễn Đình Duy Anh sẽ là 1 trong 4 thí sinh mang cầu truyền hình trực tiếp Chung kết năm Olympia 21 về xứ Nghệ. Do dịch Covid-19 nên dự kiến, chung kết sẽ diễn ra vào ngày 14/11/2021 tới đây.
Trong trận thi quý IV Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21 (phát sóng chiều 19/9) Nguyễn Đình Duy Anh đến từ trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An đã chiến thắng với 250 điểm để trở thành thí sinh cuối cùng lọt vào Vòng chung kết năm Olympia 21.
Không bị áp lực trước các đối thủ nặng ký
Vào cuộc thi quý nhờ có điểm nhì tháng cao nhất, Duy Anh cảm thấy mình bớt áp lực trước 3 đối thủ nặng ký. Trước trận, cậu tự đánh giá mình ở “cửa dưới” của 3 bạn chơi và tham gia với tinh thần học hỏi là chính và sẵn sàng chấp nhận thất bại.
“Cả 3 bạn đều rất giỏi. Ở trận tuần, tháng, em lần lượt giành 120 và 80 điểm Khởi động. Bởi vậy, khi lợi thế của mình bị tụt so với các bạn, em nghĩ bản thân chỉ còn 10-15% cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên, đó cũng là động lực thôi thúc em thi đấu cống hiến hơn. Nhờ đó, em mạnh dạn nhấn chuông giải ô chướng ngại vật hay giành quyền trả lời câu hỏi Về đích. Em cảm thấy mình may mắn”, Duy Anh chia sẻ.
Ở gần cuối trận, khi giữ điểm số cao nhất và có cơ hội giành vòng nguyệt quế, Duy Anh cảm thấy xúc động khi người bạn chơi Đức Đăng bật khóc.
“Bạn ấy đã có phần thi Về đích bùng nổ. Em cảm thấy tiếc cho bạn. Thế nhưng, trận thi quý chỉ chọn ra một đại diện vào chung kết. Em cũng như các bạn, phải nỗ lực không chỉ cho bản thân mà còn là gia đình, trường học, quê hương. Tuy nhiên, chúng em chỉ là đối thủ khi thi đấu trên sân khấu, còn ngoài đời là những người bạn”, nam sinh Nghệ An nói.
Trước đó, để được trở thành đại diện của trường THPT chuyên Phan Bội Châu tham gia Đường lên đỉnh Olympia, Duy Anh vượt qua 27 học sinh khác tại cuộc thi kiến thức Beyond the Knowledge do CLB Olympians of Phan tổ chức năm 2020.
Đây là CLB do Trần Thế Trung, quán quân Olympia năm 2019, lập ra từ 2 năm trước nhằm kết nối và phát triển những học sinh có niềm đam mê Olympia của trường Phan Bội Châu. Cũng nhờ đó, phong trào ngày càng được lan rộng.
Nỗ lực để chạm tới ước mơ
Niềm đam mê Olympia của Duy Anh được truyền từ chính người mẹ của em. Cô là một giáo viên dạy Ngữ văn. Trong hơn 20 năm chương trình lên sóng, mẹ cậu chưa bỏ lỡ trận chung kết nào và xem tới 90% số trận của mỗi năm.
Người mẹ luôn ao ước được thấy con đứng trên sân khấu Olympia. Duy Anh hiểu được ước muốn này của mẹ và cố gắng để hoàn thành điều đó một cách tốt nhất.
“Năm lớp 3, khi có kiến thức nhất định, em bắt đầu trả lời câu hỏi trong chương trình và thấy khá thú vị. Em khâm phục các anh, chị thí sinh và mong một lần được lên tivi như họ. Việc thi Olympia là sự cộng hưởng giữa đam mê kiến thức của em và ước mơ của mẹ”, cậu nhớ lại.
Hồi cấp 2, do tập trung chuẩn bị cho cuộc thi vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu khá khốc liệt, ước mơ Olympia của nam sinh có chút gián đoạn.
Khi trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước và trở thành thủ khoa môn Lý, Duy Anh tìm thấy niềm đam mê được vô địch Olympia của mình. Mong muốn này được khơi gợi lại từ người đàn anh Thế Trung.
Từ đó, Duy Anh bắt đầu tự ôn luyện và giành chiến thắng cuộc thi Beyond the Knowledge. Nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô, Thế Trung và các anh, chị khóa trước, cậu có cơ hội hoàn thiện thêm kiến thức, trở thành học sinh thứ hai mang cầu truyền hình về trường.
“Ở cả 3 trận đấu, mẹ đều ra Hà Nội tiếp lửa cho em. Khi con trai được vào chung kết, em nhìn thấy niềm vui trong mắt mẹ. Lúc chương trình được phát sóng, cảm giác hạnh phúc một lần nữa sống dậy trong mẹ. Đó sẽ là động lực rất lớn cho em trong trận chung kết sắp tới”, Duy Anh nói.
Mong quê hương có thêm nhà vô địch
Sau những thành công tại Olympia, Duy Anh trở lại là lớp trưởng của lớp 12 chuyên Lý. Vì dịch bệnh, cậu hiện học online, không được gặp các bạn.
Được thầy cô giúp đỡ ôn tập, bồi dưỡng kiến thức, đồng thời các bạn ở lớp và CLB cũng luôn tạo điều kiện, Duy Anh cảm thấy dễ dàng hơn trong việc ôn tập để thi Olympia.
“Olympia là cuộc thi kiến thức nên việc ôn luyện cũng giúp em rất nhiều trong việc học tập. Em ôn theo cách hấp thụ kiến thức thụ động, có nghĩa là gặp kiến thức mới ở đâu, em cố gắng ghi nhớ ngay tại đó”.
Duy Anh tự đánh giá Vật lý là thế mạnh của mình, còn điểm yếu là Sinh học, Địa lý, Ngữ văn.
Cách trận chung kết năm gần 2 tháng, Duy Anh gần như không lo lắng vì đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng từ vòng quý. Mục tiêu của cậu là thi đấu hết mình, không đặt áp lực thành tích và lan tỏa tinh thần vui vẻ, cầu tiến cùng tính cách ham học hỏi của học sinh trường Phan.
Chia sẻ về đối thủ sắp tới, Duy Anh đánh giá Nguyễn Thiện Hải An (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) có kiến thức sâu, rộng và có khả năng cao giành vòng nguyệt quế. Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh) có kiến thức tốt, tốc độ và sự quyết đoán. Thí sinh Nguyễn Việt Thái (THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) là thí sinh toàn diện và rất tự tin.
“Các thí sinh bước vào trận chung kết đều hy vọng mang về cho trường, quê hương một quán quân. Mặc dù tia hy vọng không lớn, em sẽ bước vào cuộc thi với tâm thế cháy hết mình để có thể trở thành quán quân thứ hai của trường Phan và tỉnh Nghệ An”, Duy Anh nói.
Bốn thí sinh sẽ tranh tài trong trận Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 gồm có: Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh), Nguyễn Việt Thái (THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội), Nguyễn Thiện Hải An (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) và Nguyễn Đình Duy Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An). Dù trận chung kết năm Olympia 21 vẫn chưa chính thức phát sóng, nhưng Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 vẫn sẽ tiếp tục được diễn ra.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận