Tết Trung thu qua bài viết trên báo Thiếu Nhi trước năm 1975

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng rất háo hức mong chờ Tết Trung thu. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tết Trung thu cũng có những thay đổi ít nhiều để phù hợp với hoàn cảnh của từng thời kỳ.

Hoa Nguyễn
08:02 03/09/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch (ngày 15 tháng 8) ở Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu đời và theo lịch sử ghi chép lại thì đây là ngày mà vua Lý chọn để tạ ơn thần Rồng đã giúp cho dân chúng có vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống được ấm no và hạnh phúc. 

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng rất háo hức mong chờ Tết Trung thu. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tết Trung thu cũng có những thay đổi ít nhiều để phù hợp với hoàn cảnh của từng thời kỳ. Nhưng vẫn mang ý nghĩa chung là dịp để mọi người cùng đoàn tụ, sum vầy và cảm nhận hương vị của tình thân, của gia đình. Đây sẽ là ngày có ánh trăng tròn nhất, sáng nhất trên bầu trời. Đối với người lớn thì Tết trung thu còn là dịp để ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu. Còn đối với trẻ nhỏ thì Tết Trung thu chúng sẽ được đi rước đèn, xem múa lân, phá cỗ và ăn bánh kẹo. Tạo nên một không khí vui tươi, nhộn nhịp và tràn đầy sức sống.

1491676118-chum-anh-hoai-niem-ve-tet-trung-thu-xua

Sau cách mạng tháng tám năm 1945, vào ngày 22/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã gửi cho thiếu nhi Việt Nam một bức thư trong đêm trung thu đầu tiên của nước Việt Nam. Bức thư có đoạn viết: “Hôm nay là tết trung thu. Mẹ các cháu đã sắm cho các cháu nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa và nhiều đồ chơi khác. Các em vui cười hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em”. 

Từ đây, người ta gọi Tết Trung thu là Tết thiếu nhi, đây cũng là dịp để mọi người dành nhiều tình yêu thương và quan tâm hơn đến cho các em thiếu nhi.

tet-trung-thu-1-scaled

Vào ngày 15/9/1974 là dịp trung thu cuối cùng trước năm 1975, tác giả Văn Trung có đăng trên tuần báo Thiếu nhi số 129. Bài báo chứa đựng những kỷ niệm của mùa Trung thu đã qua và của tuổi thơ năm xưa. Hồi ấy, vào ngày Trung thu, trên khắp các con đường làng chúng ta sẽ thấy sáng trưng bởi ánh những cây đèn cầy với những chiếc đèn lồng tự làm trên tay. Chúng nối đuôi nhau đi thành hàng dài, lúc la lúc lắc cứ thế đi hết cả một vòng đường làng. Ngày ấy, bố mẹ chúng ta còn bé tí đã tự ngồi cắt, dán để tạo ra cái lồng đèn đi chơi với bạn. So với chiếc đèn lồng sặc sỡ nhiều màu sắc hay những lồng đèn bằng điện như bây giờ, thì đèn lồng ngày xưa chỉ đơn độc một màu sắc được làm từ giấy vở đã học nhưng lại chứa đựng nhiều kỷ niệm quý giá, chẳng thể phai nhòa. 

tet-trung-thu-xua-5

Ngày đó, khi tới gần ngày Tết Trung thu là những đứa trẻ trong làng sẽ vót tre, đóng khung thành hình ông sao, hình mặt trăng, rồi dán lại bằng keo, thậm chí là cơm nguội để cố định vào khung cho chắc chắn. Nhà nào có điều kiện hơn thì có thêm giấy bóng kiếng màu đỏ, màu vàng để nhìn cho có nhiều màu sắc lung linh. Hoặc chúng còn sử dụng lon sữa bò đã vứt đi, sau đó đục khoét rồi bỏ đèn cầy vào trong. Như vậy là thành một chiếc đèn lồng, tuy đơn giản nhưng là độc đáo và thể hiện sự sáng tạo cao. Đến tối thì tất cả bọn trẻ chơi rước đèn khắp xóm làng và hát vang những bài đồng dao liên quan đến Tết Trung thu. Ánh đèn cầy hắt từ đèn lồng nhìn như những ngôi sao biết đi, chiếu lung linh trải khắp trên con đường thiếu vắng đèn điện của ngày xưa.  

nhung-chiec-den-trung-thu

Theo phong tục, vào ngày này, buổi sáng các gia đình sẽ làm cỗ cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ trông trăng. Trong lúc bọn trẻ rước đèn thì các cụ bày mâm ra sân ngồi ăn bánh, uống trà, gọi là phá cỗ. Món bánh đặc trưng vào dịp Trung thu đó là bánh nướng và bánh dẻo. Ngoài ra, trẻ con còn thích ăn bắp rang, chúng ngồi túm tụm lại, chia nhau từng hạt bắp. Còn về bánh dẻo, bánh nướng, các thợ bánh cũng đã làm thành nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Thuở ấy, ngoài việc lũ trẻ chia nhau từng hạt bắp, chúng còn lột cả trái bưởi, chia nhau mỗi người một chút. Sau đó mang hạt bưởi phơi khô, xâu chúng vào dây phanh của xe đạp, rồi tẩm dầu vào đốt.

tet-trung-thu-2-scaled

Đợi đến đêm trung thu, chúng lấy hạt bưởi ra đốt đèn hạt bưởi. Đèn hạt bưởi khi đốt sẽ có tiếng tách tách, ánh sáng nhỏ màu xanh, nhìn rất vui mắt. Đối với thành thị có điều kiện khá hơn thì trung thu họ còn tổ chức múa lân sư rồng. Trên mình mặc những bộ đồ để múa lân, đi theo đoàn, có trống cái đánh theo nhịp. Bọn trẻ con thích thú, chạy theo sau. Ở các thôn làng không có điều kiện vì vậy, bọn trẻ thường tự tổ chức chơi múa lân cùng nhau. Đứa lớn nhất đeo mặt nạ, lấy quả bóng hay miếng vải để vào bụng giả dạng ông địa, vài đứa xung quanh reo hò tạo nên khung cảnh vô cùng hoạt náo và vui nhộn. 

Ngoài ra, nhắc đến Tết Trung thu, người ta không thể không nhắc đến đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù. Đây là loại đèn có hình dáng đặc biệt, bên ngoài là hình vuông còn bên trong là hình tròn và được dán giấy bóng kính xung quanh. Ở giữa đèn là trục xoay thẳng. Khi đốt đèn cầy bên trong, hơi nóng của đèn cầy sẽ làm quay trục và các hình xung quanh đèn sẽ quay theo, nhìn rất thú vị nên bọn trẻ trong làng đứa nào cũng thích ngắm đèn kéo quân này.

Tet-Trung-Thu-ruoc-den-di-choi

Ngày nay, Trung thu đã phổ biến hơn nên trẻ con cũng không còn háo hức như trước nữa. Bây giờ, các loại đèn được bày bán khắp nơi, không còn phải đợi tới ngày bọn trẻ hì hục cắt dán mới có. Theo thời gian, mọi thứ đã dần thay đổi và những năm tháng đó chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng chúng vẫn hiện hữu trong tiềm thức của mỗi người. Tết Trung thu vẫn luôn chứa đựng những kỷ niệm ngọt ngào dẫu cho đã qua nhiều thế hệ, chưa bao giờ biến mất. Những tiếng trống lân, bữa mâm cỗ, chiếc đèn lồng, ánh trăng sáng,… tất cả đã in đậm trong tâm trí của mỗi người. Tuy là có nhiều sự thay đổi nhưng những đứa trẻ bây giờ vẫn nô nức mong chờ tới ngày Tết Trung thu.

Xem thêm: Cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu không bị cháy

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận