[Góc review sách] Tàn ngày để lại - Làm gì khi đời không như mình mong muốn?

Tàn ngày để lại là một tác phẩm của nhà văn người Anh gốc Nhật Bản Ishiguro. Cuốn sách đã giành giải Booker năm 1989 và cho đến hôm nay nó vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả.

Hoa Nguyễn
23:42 16/05/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Câu chuyện "Tàn ngày để lại" bắt đầu vào khoảng tháng 7/1956 tại dinh Darlington gần Oxford, Anh. Nhân vật chính là người quản gia Stevens đã ngoài 60 tuổi, dưới sự gợi ý của ông chủ mới người Mỹ, ông đã quyết định đi về miền tây để tìm người quản gia cũ với mong muốn mời cô quay lại làm việc tại cái nơi mà 20 năm trước cô từng gắn bó.

Thời gian trong câu chuyện này chỉ diễn ra trong vòng 6 ngày, nhưng trước cảnh đẹp êm ả của miền Tây nước Anh, những cuộc gặp gỡ với người dân trên đường đi là một chuỗi những ký ức lần lượt bung ra của những năm 1920 tới tận sau chiến tranh thế giới thứ 2. Những tháng ngày khi ông cùng người chủ cũ là huân tước Darlington còn trên đỉnh vinh quang tới khi gần như suy tàn.

tan-ngay-de-lai-4

Ở "Tàn ngày để lại", Ishiguro dựng lên hai lớp mâu thuẫn. Lớp thứ nhất ở ngay trong con người quản gia Stevens: Giữa một bên là bổn phận, phẩm giá và một bên là cảm xúc thực sự bị đè nén thật kỹ. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc sẽ thấy lớp mặt nạ phẩm cách luôn ngự trị và chiến thắng nhưng cũng có những phút le lói nhất định. Khi những cảm xúc cá nhân có dịp được trỗi dậy, ta nhìn thấy một thế giới đầy những tiếc nuối chua chát.

Lớp mâu thuẫn thứ hai diễn ra ngay trong dòng tự sự: Đấy là sự giằng co giữa sự thật xảy ra và sự thật theo các diễn giải của Stevens. Toàn bộ câu chuyện của Tàn ngày để lại chính vì thế cần phải được soi rọi dưới một góc độ mới: Đây là câu chuyện của một người kể chuyện bất khả tín, và có không ít những chối cãi, biện minh, chống chế, nhầm lẫn, đến từ phía người kể chuyện. 

Hai nhân vật chính còn là hai con người mù quáng luôn tin theo cái lý tưởng của mình. Đó là huân tước Darlington, một nhà quý tộc Anh điển hình, tin vào cái lý tưởng “người quân tử”, để rồi vô tình biến mình thành con rối, tay sai của Phát xít; và người hầu của ông là quản gia Stevens, người đã tin và an tâm rằng mình đang đi theo chính nghĩa mà phụng sự nhân loại. Câu chuyện kết thúc mang dư vị của sự bi đát.

tan-ngay-de-lai-2

Đúng như Salman Rushdie đã nhận xét, đây là câu chuyện đời của một người đàn ông “bị tiêu hủy bởi những lý tưởng mà dựa vào đó ông dựng xây cả đời mình”.

Khi được hỏi mình đã biết ra tác phẩm "Tàn ngày để lại" như thế nào, Ishiguro nhắc đến một bài hát về người lính lên tàu ra đi giã biệt người tình. Độc giả dễ dàng nhận thấy một sự tương đồng giữa “cái vẻ khắc kỷ cứng rắn kiểu đàn ông đã giữ cả một đời nay vụn vỡ trước một nỗi buồn mênh mang” của người lính và nhân vật Stevens. 

Chính nhờ bài hát này, Ishiguro quyết định xây dựng lên nhân vật Stevens với cả câu chuyện sẽ là một hành trình bịt kín mọi cảm xúc của ông. Cho tới khi, “lá chắn thép của ông ta sẽ rạn, và một tâm hồn lãng mạn mà bi kịch trước giờ giấu kín sẽ chớp mắt lộ ra”. 

Đoạt giải Booker năm 1989, cuốn sách đã trở thành điển hình cho phong cách và thế giới quan của ông Ishiguro. Tàn ngày để lại một lần nữa khẳng định Ishiguro không chỉ như một bậc thầy về tiểu thuyết, mà còn là bậc thầy về ngôn ngữ, được nhà văn Anh Julian Barnes ca ngợi về “lối kể chuyện tài tình và khả năng kiểm soát giọng điệu hoàn mỹ”, và khiến tất cả những cuốn sách mới của ông từ đó về sau đều được độc giả trên toàn thế giới trông đợi. Tác phẩm đã được dựng thành phim năm 1993 với sự tham gia của Anthony Hopkins và Emma Thompson, nhận được 8 đề cử Oscar.

Xem thêm: [Góc review sách] Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng - Một chút êm ả giữa thế gian vội vã

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận