Phật giáo và Thiên Chúa giáo có gì giống và khác nhau?

Phật giáo và Thiên Chúa giáo là hai tôn giáo hoàn toàn độc lập và không liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, giữa hai tôn giáo này vẫn luôn tồn tại những điểm giống và khác nhau. Bởi mục đích cuối cùng của cả 2 đều là mong muốn con người được sống yên vui và hạnh phúc hơn.

Hoa Nguyễn
14:26 19/01/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Điểm giống nhau giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo

Phật giáo Thiên Chúa giáo là hai tôn giáo xuất sinh hoàn toàn độc lập, cách nhau 500 năm và hơn 4.800 km. Đồng thời về hệ thống niềm tin tôn giáo cũng có điểm khác nhau. Tuy nhiên, bất chấp nhiều khác biệt, vẫn luôn tồn tại rất nhiều điểm tương đồng lạ lùng giữa hai tôn giáo này. Cụ thể như: 

Cả hai vị đều rời khỏi nhà đi tìm con đường giác ngộ và đối mặt với ma quỷ

Cả Phật Thích Ca Mâu Ni hay Chúa Giê-su đều được kể là đã rời bỏ nhà lúc sinh thời để tìm kiếm chân lý vượt trên những truy cầu lợi ích của con người nơi thế gian. Cả hai vị đều tự dẫn mình đến những nơi hoang dã. Họ đã phải một mình đối mặt với các thế lực ma quỷ và những cám dỗ của con người. Cả hai đều vượt qua, giác ngộ đạo lý và sau đó truyền bá những triết lý vĩ đại của mình.

Cả hai vị đều truyền đạo

Đức Phật lần đầu thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển, thuộc miền đông Ấn Độ ngày nay. Tại đây Ngài đã giảng ra kinh nghiệm giác ngộ của mình vốn trở thành nền tảng của Phật giáo sau này: Tứ Diệu Đế.

Theo sách Phúc Âm Luca, Chúa Giê-su bắt đầu con đường truyền đạo khi Ngài khoảng 30 tuổi. Ngài giảng đạo lần đầu tiên ở một ngọn núi gần biển hồ Galilee, Isarel. Những đạo lý đó sau này được viết vào Kinh Phúc Âm, nói về lối sống chuẩn mực cho các tín đồ Kitô giáo.

cuoc-doi-cua-duc-phat-thi
Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều có tư tưởng truyền đạo để chúng sinh cùng giác ngộ

Sau đó, Ngài đã đi khắp nơi để thuyết giảng tin lành, khuyên nhủ con người tránh xa tội lỗi, sống khoan dung, độ lượng, biết trao yêu thương và hãy kiên định vào đức tin vào Thiên Chúa. Lời giảng của Ngài đã thức tỉnh biết bao người, họ tụ họp thành đám đông và tìm đến nghe ngài giảng đạo.

Cả hai vị đều giảng chi tiết và có hệ thống về việc làm thế nào các tín đồ có thể sống theo những luân lý đạo đức của họ.

Cả hai đều bị hãm hại

Cả hai vị đều thu nhận những môn đệ và một trong số họ sau đó đã phản bội các Ngài.

Đề Bà Đạt Đa - anh họ và cũng là đồ đệ của Phật Thích Ca Mâu Ni, vì lòng ghen tỵ nên đã cố gắng sát hại Ngài rất nhiều lần nhưng Đức Phật đều tha thứ. Tướng cướp Vô Não cũng đã cố gắng sát hại Ngài nhưng cuối cùng lòng từ bi của Ngài đã hóa giải tất cả và khiến tướng cướp quy phục và trở thành đồ đệ của mình. Sau này, Đức Phật bị một người tên là Thuận Đà đầu độc, sức khỏe suy yếu dần và nhập Niết Bàn.

Còn trong Thiên Chúa Giáo, vì quá nhiều người tin vào Chúa Giê-su nên dẫn tới sự đố kỵ của giới lãnh đạo Do Thái giáo. Các thầy thượng tế và trưởng lão Do Thái giáo bàn bạc với nhau để tìm cách giết chết Giê-su. Thế là họ mua chuộc phản đồ Judas, bắt trói Chúa Giê-su trong đêm, rồi áp giải đến tòa công luận, dẫn tới cái chết vĩ đại của Ngài trên cây thập tự giá. 

phat-giao-va-thien-chua-g
Cả hai vị đều thu nhận những môn đệ và một trong số họ sau đó đã phản đội các Ngài

Dù bị những người thân tín của mình hãm hại, nhưng cả Đức Phật và Chúa Giê-su đều tha thứ cho họ.

Trong thực tế, cả Đức Phật và Chúa Giê-su đều đã tạo nên những động lực hết sức cao thượng để con người hành thiện, tránh ác, sống một cuộc đời cao đẹp. Cả hai vị đều đã xoa dịu biết bao đau khổ cho nhân loại. Sự tồn tại của hai tín ngưỡng này có ý nghĩa thật to lớn. Thế giới nếu mất đi những điều hết sức quý báu thì sẽ khó mà duy trì được.

Từ giáo lý của Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo đều đã sinh ra những con người tốt đẹp, biết hạnh phúc và hoan hỷ dù cho bao khổ đau có xảy đến cho mình, từ bi bác ái, biết xả thân cho những lý tưởng cao đẹp, hy sinh cho người khác, luôn luôn nỗ lực làm cho thế giới này bớt đau khổ.

Điểm khác nhau giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo

Bên cạnh những điểm chung thì giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo cũng tồn tại rất nhiều điểm khác nhau.

Đấng Tạo Hoá

Đạo Phật không nói về Đấng Tạo Hoá trong khi Thiên chúa giáo khái niệm này lại rất phổ biến. Trong kinh thánh Cựu Ước, Đức Chúa Trời xuất hiện giống như một vị thần có thể giải quyết hết mọi vấn đề công lý, là người tạo ra và kiểm soát mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này. Khái niệm này thường không có trong Phật giáo.

phat-giao-va-thien-chua-g
Phật giáo và Thiên Chúa giáo thường được so sánh, sự giống nhau và khác nhau

Đức Phật nói rằng:"Tôi là một người đàn ông, không phải là một vị thần, đừng nhìn tôi mà hãy nhìn vào pháp của tôi, và dùng đó làm ánh sáng soi sáng cho chính mình”. Còn Chúa Jesu lại nói: “Tôi là con của Đức Chúa Trời, là ánh sáng của thế giới và các bạn cũng vậy. Hỡi những người anh em.”

Thiền định

Trong số các thực hành của Phật giáo, thiền định là ở đầu danh sách, điều này không đáng ngạc nhiên vì như Đức Phật đã đạt được giác ngộ trong khi hành thiền. Thực hành thiền và chánh niệm là trọng tâm của Phật giáo. Trong khi đó, Thiên Chúa giáo đặt trọng tâm vào lời những cầu nguyện.

Mục đích chính

Phật giáo tập trung nhiều hơn vào nỗ lực cá nhân để phát triển tâm linh, thoát khỏi đau khổ trong cuộc đời và tìm đến được sự an yên, cực lạc. Còn Thiên Chúa giáo thì nhấn mạnh hơn vào hồng ân của Thiên Chúa và tuân theo các điều răn của Ngài, truyền bá để người khác cũng được cứu khỏi thế giới này.

Vòng luân hồi

Phật giáo có 6 ngả luân hồi, trong đó bánh xe luân hồi là vô tận, con người sẽ trải qua hết thảy từ kiếp này sang kiếp khác. Thiên Chúa giáo lại dạy chúng ta rằng mỗi người chỉ có một cuộc sống và một cơ hội để lên thiên đàng hay xuống địa ngục mà thôi.

Tội lỗi

Phật giáo có luật nhân quả, gieo nhân lành thì sẽ gặp lành, gieo nhân ác thì sẽ gặp ác. Nếu một người đã gieo nhân ác nhưng muốn thay đổi thì người đó phải làm nhiều việc thiện để thay đổi sang một dạng quả khác tích cực hơn.

phat-giao-va-thien-chua-g
Phật giáo có luật nhân quả, gieo nhân lành thì sẽ gặp lành

Những người theo đạo Thiên Chúa xưng tội với Thiên Chúa, thông qua các linh mục, những tội lỗi sẽ mất hoặc giảm đi rất nhiều trong tâm trí của họ. Đức Chúa Trời luôn tha thứ mọi lỗi lầm của những người con thành tâm hướng đạo.

Sự cứu rỗi và giải phóng

Thiên Chúa giáo nhấn mạnh khái niệm cứu rỗi qua sự chấp nhận của Đức Chúa Giê-su. Đối với những người tin tưởng vào Chúa Giê-su, các con chiên sẽ tin rằng có một sự sống tốt hơn trên trời gọi là Thiên đàng.

Phật giáo tin rằng một cá nhân phải làm việc cho sự giải phóng của mình, giai đoạn này có thể trải qua nhiều kiếp trong chu kỳ tái sinh. Một Phật tử chỉ có niềm tin vào Đức Phật là không đủ, con người phải tự tìm kiếm và trải nghiệm Niết bàn cho riêng mình.

Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo và Thiên Chúa giáo lại là hai tôn giáo phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới. Dù chúng ta theo tôn giáo nào thì mục đích chính cũng là giúp con người sống thiện lương, hiền hoà, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng và phát triển, đi đến một thế giới hạnh phúc và hoàn mỹ nhất.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận