Những hình ảnh cực hiếm về buổi lễ tế Nam Giao của Vua Bảo Đại năm 1942

Năm 1942, vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam đã thực hiện lễ tế Nam Giao, đây cũng là lễ tế cuối cùng trong lịch sử nước ta.

Hoa Nguyễn
11:00 11/10/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lễ tế giao thường gọi lễ tế Nam Giao, là nghi lễ tế trời do vị quân chủ của một nước theo văn hóa Trung Hoa Khổng giáo tiến hành. Đây là nghi thức được xếp vào hàng Đại tự và là lễ tế linh thiêng bậc nhất của các triều đại phong kiến – quân chủ ở Đông Á. 

Đến nay, ở Việt Nam còn lại dấu tích của bốn đàn Nam Giao là Đàn Nam Giao Thăng Long, Đàn Nam Giao nhà Hồ, Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn và Đàn Nam Giao triều Nguyễn, không kể Đàn Kính Thiên được phục dựng ở cố đô Hoa Lư.

bia-le-te-nam-giao-2

Năm 1942, vua Bảo Đại là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam đã thực hiện lễ tế Nam Giao, đây cũng là lễ tế cuối cùng trong lịch sử nước ta.

Tế Nam Giao là một lễ hội lớn thời quân chủ ở Huế. Nhiều học giả, tác giả nước ngoài cũng đã nghiên cứu và viết về lễ tế này. Trong không khí còn ngậm hơi sương mờ ảo, thành phố Huế đã rộn ràng náo nhiệt. Bởi vì dân chúng đang chờ đợi ngày lễ Nam Giao quan trọng ba năm mới diễn ra một lần. Ghe thuyền từ các nơi chèo về làm cho sông Hương trở nên sôi động. 

bia-le-te-nam-giao-3

Đạo ngự cổ kính của nhà vua đi qua khỏi cây cầu mới làm bằng xi-măng và sắt thép. Năm chú voi ngự quấn vải thêu rồng hình uốn lượn, chỉ kim tuyến lấp lánh trên nền vải đỏ. Một viên quản tượng ngồi trên lớp da cổ voi dày cộm. Một người khác cầm lọng đứng trên lưng voi. Các ngự lâm quân với binh phục trắng thắt đai điều đi hai bên. 

bia-le-te-nam-giao-4

Theo sau là các ông đô thống diễu hành giữa hai đội quân lính cầm cờ thêu biểu tượng của vũ trụ học Trung Hoa. Đi giữa là lá cờ rất lớn màu xanh viền vàng mang hình chòm sao Bắc Đẩu.Người cầm phiến, kẻ cầm cờ, trên những lá cờ đuôi nheo có thêu những chữ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, phong, vân, lôi, vũ, hay những con vật tượng trưng. Ngự đạo với lễ phục lộng lẫy vẽ nên một dải đỏ, xanh, vàng rực rỡ dưới ánh nắng mai. Các nhạc công, lính cầm đèn lồng, gươm, cờ tiết, người thổi sáo, lọng vàng, cán đỏ…

bia-le-te-nam-giao-5

6 con ngựa kéo chiếc Long đình xa của vua Bảo Đại phủ rợp những phiến thêu rồng mây, chữ Phúc, Thọ. Nhiều người khiêng trên tay một chiếc long đình đặt lễ phục của vua cùng với hương án, ghế ngai… Tất cả các thứ ấy lắc lư dưới bóng những chiếc lọng lớn màu da cam.

bia-le-te-nam-giao-6

Hai cỗ mã ngự khoác gấm vàng. Chiếc xe kéo (rickshaw) thếp vàng của Nhà vua. Cuối cùng, nhấp nhô trên làn sóng đỏ của lính loan giá, chiếc Long liễn (litière impériale) của nhà vua được che bọc bởi những chiếc đại phiến (quạt lớn) và tàn lọng. Ngồi sau lớp kính trong, nhà vua mặc hoàng bào, thanh thản tiếp nhận sự tôn kính của thần dân đang chen chúc dài theo ngự đạo trong suốt cái ngày đại lễ ba năm mới có một lần ở cái xứ châu Á cổ xưa này.

bia-le-te-nam-giao-7

Ngự đạo được khép lại sau đoàn các Hoàng thân Tôn tước và các Đại thần ngồi trên xe kéo. Phẩm phục các vị mặc màu đỏ, tía, tím, xanh, hoa cà (mauve) giống như một dấu dẫn nhịp (point d’orgue) trong luồng nhạc quang sinh động.

bia-le-te-nam-giao-8

Con đường lớn dẫn đến Giao đàn – nơi ngự đạo sẽ hướng vào Trai Cung (Palais du Jeune) – là một con đường dài lộng lẫy: hương án nối tiếp hương án, cờ xí giăng hàng, với những khung kết bằng rơm và lá hoa đá. Trong cùng, một cái án chân quỳ bằng kim loại sơn son thếp vàng hay bằng gỗ khảm xa-cừ, trên đặt một tấm kính mang bức chân dung nhà vua, trông thật tôn nghiêm Phía trước, những bát nhang, những chân đèn đồng, những con hạc mang tính tượng trưng.

bia-le-te-nam-giao-9

Các chi tiết trưng bày đều khác nhau nhưng lại rất thống nhất trong cùng một tổng  тнể. Ban đêm, lính canh phòng ngồi xổm trên chiếu. Quyền môn đối diện với lối vào ở Vòng thành thứ tư, hai con rồng bằng giấy các-tông vẽ đôi mắt dữ dằn như đe dọa mọi người trong lúc chòm râu cằm của chúng làm bằng giấy thì lại phơ phất trước làn gió nhẹ.

Trên tầng đàn thứ hai – tầng của Đất, đặt tám cái bàn thờ các vị thần thuộc về vũ trụ, những mãnh lực tự nhiên: Mưa, Gió, Sấm, Núi, Sông, Biển,... Ở mặt nam xếp hai hàng lọng: lọng màu xanh để tôn vinh Trời, lọng màu vàng để tôn vinh Đất, giới hạn bởi hương án bên ngoài hay Nhà vàng (Hoàng ốc). Chiếu trải thảm con đường vua đi từ Trai Cung đến Giao đàn. Ở mỗi bên vệ đường тнιêng liêng ấy, trên tầng ba, sắp đặt các nhạc cụ cổ xưa lạ lẫm.

bia-le-te-nam-giao-10

Những chiếc lồng đèn giấy ngũ sắc vàng, xanh, tím, đỏ, trắng mắc trên vòng tường thành, chỉ lối đi dưới rặng thông, vạch thành một con đường thẳng rồi bẻ vuông góc dẫn lên tầng ba.Một tấm vải bạt (tente) rộng lớn căng trên tầng tròn – tầng dành để thờ Trời. Trong cùng bàn thờ Trời – màu xanh, và bàn thờ Đất – màu vàng. 

Mỗi bên đông tây có sáu án thờ đặt đối nhau thờ thần vị tổ tiên Hoàng tộc: Chúa Nguyễn Hoàng đối với vua Gia Long, vua Minh Mạng đối với vua Thiệu Trị, vua Tự Đức đối với vua Đồng Khánh… Kế đến có hai cái bàn dài bày la liệt tế phẩm: những tráp đựng vải lụa, bình đựng rượu, cốc uống rượu (coupes). Cũng ở tầng này, có một cái tợ (bàn thấp) đặt các con sinh (con vật để hiến tế).

bia-le-te-nam-giao-11

Ở đấy, trong cái huyền diệu của đêm, cuộc lễ linh thiêng sẽ được cử hành. Thánh thần được triệu thỉnh bằng những lời khấn vái, những khúc ca, những điệu múa nhảy, những khói hương, mùi thơm của thịt hui. Họ sẽ theo con đường dành riêng để về nhận lễ phẩm và thăm viếng thần dân thông qua bản thân vị Thiên тử.

Rất tiếc, tôi chỉ có thể dự cuộc tổng duyệt diễn ra vào buổi chiều. Ánh sáng ban ngày rực rỡ. Các tầng đàn nắng chói chang. Phẩm phục của các quan bằng gấm lụa sang trọng, thêu hoa, thẳng thớm, óng ánh. Những chiếc mão nạm cườm ngọc lóng lánh. Những hình thú vật tượng trưng và những chòm sao kết trên áo quần các đại thần tạo thành một nét tương phản thú vị với đám đông dân chúng dung dị đang chen lấn chung quanh. Ở bậc cấp dẫn lên Đàn tròn, một vị quan cao cấp với vẻ mặt nghiêm nghị thong thả bước xuống. Chiếc áo rộng của ông lộng lẫy (splendide); thân trong áo màu da cam thêu xanh lục, xanh lơ và màu cổ đồng. Đai mang ngang lưng màu đỏ, bố tử (ailette) xanh lá mạ và mũ cánh chuồn. Cái bóng người chói nắng ấy, trông có vẻ thản nhiên, như đó là một cách đáp lại sự chờ đợi dài lâu của thần dân trong bầu không khí nóng bức.

bia-le-te-nam-giao-12

Tôi nhắm mắt lại, cố quên đi trong chốc lát những gì đang diễn ra chung quanh, để giữ lại trong tâm trí mình cái hình ảnh bảy sắc cầu vồng ấy. Nó thể hiện một nền văn minh lớn với hàng thế kỷ lịch sử – nền văn minh đã bị cái gọi là sự tân tiến (progrès moderne) đẩy vào chỗ lãng quên. Phục hồi lại nền văn minh ấy, ta thử khám ra một  thể chế hợp nhất sự an lạc quân bình giữa nền Khổng học hiền triết cổ điển với nền văn hóa Thiên Chúa giáo.

Thế rồi trống nổi lên. Các quan xếp hàng phía trước án thờ Nhà vàng. Và ở mỗi bên các nhạc công đứng vào vị trí. Quan thông tán (héraut) cáo bằng một thứ giọng mũi các lễ lạt khác nhau trong chương trình đại lễ. Nhạc trỗi. Lục lạc rung, chuông đồng ngân, thùng gỗ hình tháp, đàn đá cẩm thạch, sênh tiền, trống lớn đặt trên cái giá một chân, và chụp lên trên một con chim huyền thoại để ngăn chặn điềm xấu, đàn tỳ bà…  m nhạc thật lạ lùng, chẳng có một chút gì có thể thích hợp với lỗ tai của người Tây phương, nhưng nó lại ăn nhịp với toàn cuộc lễ, tạo lại được cái không  khí nguyên thủy của các thời đại xưa.

bia-le-te-nam-giao-14

Đứng phía sau dàn nhạc cổ ấy là những người thổi sáo với phẩm phục xanh nhạt thêu hoa. Quan Thông tán lại cáo. Các vũ công xếp thành hàng. Họ mặc áo tay chẽn và đội mũ như hình lưỡi cuốc (lame de houe), tay phải cầm cái kích (petite hache) bằng gỗ cán dài sơn son, tay trái cầm cái khiên (bouclier) sơn đỏ hay vàng. Cuộc múa lễ bắt đầu với khúc ca Mỹ thành chi chương (Chant de l’ Exquis):

“Tam sinh lễ đủ/ Chuông trống vang lừng/ Rượu thơm mới ủ/ Chén ngọc kính dâng/ Rót chén rượu ngọt/ Thơm tho ngát mùi/ Củi đốt ngùn ngụt/ Ngọc dâng khoan thai/ Khí thiêng cao thẳm/ Lồng lộng huy hoàng/ Cao cung tả hữu/ Ẩn hiện linh quang/ Thần về yên vị/ Hưởng lễ chứng thành/ Nơi nơi hòa khí/ Ban xuống khang ninh/ Rộng cho hưởng phúc/  n huệ đời đời/ Giúp nên mọi việc/ Thịnh vượng lâu dài.”

Các vũ công đứng trên một chân, đưa một chân lên và lặp lại nhiều lần bước đi đơn giản ấy, hình như có tính tượng trưng. Rồi tiết mục múa thứ hai với khúc ca Thụy Thành Chi Chương (Chant de l’Heureux Augure):

“Giáng lâm lẫm liệt/ Nhận thấy tỏ tường/ Phụng thờ tôn kính/ Gìn giữ nghiêm trang/ Đức sáng rực rỡ/ Rượu dâng tuần hai/ Ngọc lụa tốt đẹp/ Mâm chén nơi nơi/ Ngạt ngào hương tỏa/ Dâng lên khẩn cầu/ Kính xin bầy tỏ/ Quỳ trên nệm tâu/ Gươm thiêng sáng loáng/ Gió lành quanh ta/ Lặng lẽ hâm hưởng/ Soi xét không xa/ Tấc thành mong thấu/ Ban xuống ân sâu/ Nối noi mãi mãi/ Cháu chắt lâu dài”.

Trong lúc đó lễ tái hiến hoàn tất. Các vũ công cung đình cầm cái sáo gỗ sơn son và chiếc gậy phép (sceptre).

bia-le-te-nam-giao-13

Tiết mục thứ ba với khúc ca Vĩnh thành chi chương (Chant de la Perpétuité):

“Hương hương nghi ngút/ Cao thẳm khôn lường/Tỏ lòng thành kính/ Tôn nghiêm mọi đường/ Tuần ba dâng rượu/ Hâm hưởng nơi đây/ Lễ văи thứ tự/ Nghi thức đặt bầy/ Sáu lần vừa trọn/ Theo khúc Cửu thành/ Thoạt vào sửa lễ/ Đã thấy anh linh/ Tôn kính bao xiết/ Xin giúp cho ta/ Lên xuống quanh quất/ Uy sáng tỏ ra/ Giúp lên phúc lớn/ Ngôi vua vững bền/ Đầy đủ yên ổn/ Năm năm tiến lên”.

Lễ tái hiến kết thúc. Các quan lui ra, trở lại với con người bình thường, đi lẫn vào đám đông dân chúng đang giải tán. Thoáng chốc một làn gió thổi qua trên cao. Một vị đại thần trong số quan ấy băng qua tầng đàn thứ ba với hai phù lễ đi theo hai bên. Vận chiếc áo lụa màu xám-xanh thật sang trọng, ông ta dấn bước (onduler) trên đôi hia dạ đen, đế trắng, mũi cao cong ngược lên. Một anh thợ ảnh tay hờm sẵn máy và hướng ống kính về phía ông.

bia-le-te-nam-giao-15

Vị đại thần liền dừng bước, chỉnh lại cho thẳng nếp chiếc áo rộng và chiếc quần chùng, sửa lại cho ngay ngắn chuỗi ngọc trên mão, lấy lại phong thái đạo mạo, đường bệ để chỉ trong phút chốc có cảm tưởng như ông lặng vào một thế giới khác – thế giới của tượng đồng, tượng đá thức tỉnh mơ màng trong các ngôi chùa Phật.

Tôi lê gót trên các tầng đàn lẻ loi giữa rặng thông xanh. Rặng thông bảo vệ cho các tầng đàn chống lại sự xô bồ của đời sống vật chất tầm thường, giữ lại cái hồn thiêng để rồi cứ ba năm lại được làm sống lại một lần qua ngày Lễ tế Trời và Đất (tế Nam Giao).

Tôi có hiểu biết chút ít về nghi lễ nhưng tôi cũng muốn có một ấn tượng khái quát về buổi lễ. Nhưng tiếc thay, cuộc lễ chính thức lại diễn ra trong đêm và bị cấm nghiêm, ngăn cách mọi con mắt của người ngoài.

Đêm, trăng lên soi giữa bầu trời hâm hấp (tiède) và quang đãng. Ánh trăng dịu dàng mờ mờ ảo ảo phủ lên con người và vạn vật.Ánh sáng ngũ sắc tỏa ra từ những chiếc đèn lồng. Những tầng đàn phản chiếu loang loáng lên không trung. Những ngọn đuốc lớn ở bốn góc đàn, mùi trầm hương, bất chợt một ngọn lửa lò bùng lên, nổ lốp bốp – nơi đang hui con trâu tế: Một hình ảnh trông thật bi hùng (dantesque).

Làn khói hồng bay lên ngọn thông một cách thoải mái. Trong khi đó những người phụ việc ném củi vào cái lò lớn xây bằng vôi vữa ở góc tây nam tầng thứ ba.

Sự sống và cái chết, hiện thực và huyền bí, mê tín và đức tin (foi), vĩ đại và nhỏ nhen (petitesse)… tất cả đều tụ lại trong cái đêm thần thánh này.

Những nghi lễ thiêng liêng cứ tuần tự diễn ra, không chỉ mang lại cho những thế kỷ cách tân mà còn làm sáng lên chính những khát vọng nhân bản (aspirations humaines) của con người: Nhu cầu thần linh.

Những lăng mộ trên cánh đồng khơi gợi đến sự chết cũng đang ở giữa đám đông người sống kia. Sự khơi gợi thường xuyên – nhiều không kể xiết – trong cái tịch mặc (recueillememt) của tự nhiên. Con người luôn tha thiết được hòa nhập vào nhịp điệu sâu thẳm của cuộc sống vĩnh hằng, nên tha thiết trong đêm tế lễ này – cái đêm tất cả đã trở thành biểu tượng mà thần linh đang hiển hiện ở đằng kia.

Chung quanh bên ngoài vòng thành, nhiều nhóm người Việt dựng lều gần bếp lửa với ấm chè xanh. Có hàng trăm người ở đó, thức suốt đêm để chờ xem một cảnh tượng gì đó của buổi lễ nhưng ắt hẳn họ không thấy.

Trong ánh đuốc, Nhà vua về Trai Cung, các quan Thông tán đi trước rồi các quan, và đám lính cầm cờ đuôi nheo theo sau. Tôi không trông rõ được dung nhan Nhà vua ngồi trong chiếc Long liễn tối om. Đạo ngự đi dọc theo con đường treo đèn lồng, băng qua tiền đàn, đến tầng đàn thứ ba ở mặt nam. Từ một nơi xa xa, tôi thấy hàng đuốc chập chờn: Một đám rước cảm động (émouvante procession).

Bỗng chốc lời ca tiếng nhạc cất lên, vang xa, trong lúc lửa ở lò đốt (buché) lễ vật cứ cháy một cách mãnh liệt, củi nổ lốp đốp, than hồng tung tóe. Cuộc lễ tế Nam Giao hoàn tất. Nhà vua ở lại Trai Cung trong một vài giờ rồi đến 6h30, Đạo ngự hoa lệ (fastueux cortège) lên đường về.

Tôi đứng trước Kỳ đài chờ Nhà vua hồi cung. Cảnh quang ở đây cũng thật nên thơ. Những lá cờ đuôi nheo bay phấp phới trên cột cờ. Con sông hài hòa với những sườn đồi trùng điệp trước mặt. Ở phía sau, cửa Ngọ Môn, Đức vua sẽ qua đó để vào Hoàng cung. Những mái ngói đỏ giữa màu xanh của cây và hoa; những bãi cỏ lặng lẽ thiếu vắng bóng người. Các vọng lâu (Miradors) chia phòng thành Huế ra nhiều đoạn, ở dưới chân phòng thành là thành hào (douve). Trên mặt nước ngủ yên, những chiếc lá sen nằm nghỉ, vẫn còn đọng hạt sương đêm.Ngự đạo tiến về gần với thứ tự như lúc đi. Các chú voi sánh đôi ở hai bên tiền đình rồi đến ngự mã. Chiếc Long liễn đi qua giữa những cái đầu cúi thấp. Rồi cánh cửa của chiếc cổng lợp ngói ống đóng lại trên Tử Cấm Thành. 

Xem thêm: Lạ lùng những bức tượng tại ngôi chùa cổ Việt Nam, ngâm nước bao lâu cũng không hề mục nát

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận