Ngũ hành là gì? Tìm hiểu về quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc mà ai cũng cần biết

Triết học cổ đại Trung Hoa cho rằng vạn vật trên đời này đều được sinh ra từ 5 yếu tố cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, 5 yếu tố ấy được gọi là ngũ hành. Vậy ngũ hành là gì? Ngũ hành tương sinh tương khắc là như thế nào?

Hoa Nguyễn
21:32 12/01/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Triết học cổ đại Trung Hoa cho rằng vạn vật trên đời này đều được sinh ra từ 5 yếu tố cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, 5 yếu tố ấy được gọi là ngũ hành. Vậy ngũ hành là gì? Ngũ hành tương sinh tương khắc là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây !

Ngũ hành là gì?

Ngũ hành chính là 5 hành tố bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây là những nguyên tố cơ bản tồn tại trong vạn vật. Theo triết học Trung Hoa cổ đại, ngũ hành là thuyết vật chất sớm nhất của nhân loại, tồn tại độc lập với ý thức của con người.

Theo thuyết duy vật cổ đại, ngũ hành có 5 vật chất tạo nên thế giới, giữa chúng có sự tương sinh tương khắc với nhau, bao gồm:

  • Nước (hành Thủy)
  • Đất (hành Thổ)
  • Lửa (hành Hỏa)
  • Cây cối (hành Mộc)
  • Kim loại (hành Kim)

Trong triết học phương Đông, âm dương ngũ hành cơ bản nói về vũ trụ nhưng lại có sự thiên biến vạn hóa kỳ diệu, được ứng dụng rộng rãi vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Học thuyết này được nghiên cứu nhiều trong tử vi, phong thủy, kinh dịch, nhân tướng và rất nhiều bộ môn khác như thiên văn, lịch pháp, y học, sinh học, văn hóa, xã hội, địa lý, chiêm tinh, võ thuật, bói toán,...

ngu-hanh-la-gi-tim-hieu-v
5 mệnh trong ngũ hành

Cho đến ngày nay thuyết ngũ hành vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của con người. Thuyết ngũ hành bao gồm các quy luật và quan hệ tương sinh tương khắc, phản sinh, phản khắc,.. tất cả các mối quan hệ này đều tồn tại song hành, có sự tác động qua lại lẫn nhau, không phủ nhận cũng không tách rời yếu tố nào.

Tìm hiểu về đặc tính của ngũ hành

Đặc tính của ngũ hành là: Lưu hành, luân chuyển và biến đổi không ngừng. Ngũ hành không bao giờ mất đi, nó tồn tại trong không gian và thời gian, là nền tảng để vũ trụ vận động và vạn vật được sinh thành.

Lưu hành được hiểu là 5 vật chất lưu hành tự nhiên trong vạn vật, không gian và thời gian. Ví dụ như lửa khi lưu hành sẽ đốt cháy mọi thứ đi qua.

Luân chuyển được hiểu là 5 vật chất tự nhiên ví dụ như hành mộc, cây sẽ có sự lớn lên theo thời gian.

Biến đổi có nghĩa là 5 vật chất sẽ biến đổi, ví dụ như mộc bị lửa đốt cháy hóa thành than, hay mộc lớn lên có thể lấy gỗ dựng nhà, kim trong lòng đất có thể được khai thác thành công cụ hữu dụng,...

Các quy luật trong ngũ hành

Trong ngũ hành có các quy luật nhất định, phổ biến nhất là ngũ hành tương sinh tương khắc, và ngũ hành phản sinh phản khắc.

Ngũ hành tương sinh tương khắc

Trời và Đất luôn có mối giao thoa. Quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc chính là sự chuyển giao qua lại giữ trời và đất, tạo nên sự sống cho vạn vật. 

Ngũ hành tương sinh tương khắc không tồn tại độc lập mà luôn tồn tại song song với nhau. Trong tương sinh có tương khắc, trong tương khắc luôn tồn tại tương sinh. Đó là nguyên lý cơ bản để duy trì sự sống của mọi sinh vật trên thế giới này.

Ngũ hành tương sinh:

Tương sinh là cùng thúc đẩy nhau để phát triển. trong hệ thống ngũ hành có 2 phương diện, đó là cái sinh ra nó là cái nó sinh ra. Nguyên lý của quy luật tương sinh được diễn giải như sau:

Mộc sinh Hỏa: Cây khô sinh ra lửa, Hỏa lấy Mộc làm nguyên liệu đốt. Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt cháy mọi thứ thành tro bụi, tro bụi vun đắp thành đất. Thổ sinh Kim: Kim loại, quặng hình thành từ trong đất. Kim sinh Thủy: Kim loại nếu bị nung chảy ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra dung dịch ở thể lỏng. Thủy sinh Mộc: Nước duy trì sự sống của cây.

ngu-hanh-la-gi-tim-hieu-v
Ngũ hành tương sinh tương khắc hỗ trợ thúc đẩy nhau cùng phát triển

Ngũ hành tương khắc:

Tương khắc chính là áp chế, kìm hãm sự phát triển của nhau. Tương khắc có tác dụng duy trì sự cần bằng với tương sinh thế nhưng nếu thái quá sẽ khiến vạn vật bị suy vong.

Nguyên lý của ngũ hành tương khắc được hiểu như sau:

Thủy khắc Hỏa: Nước sẽ dập tắt lửa Hỏa khắc Kim: Lửa mạnh sẽ nung chảy kim loại Kim khắc Mộc: Kim loại được rèn thành dao, kéo để chặt đổ cây. Mộc khắc Thổ: Cây hút hết chất dinh dưỡng khiến đất trở nên khô cằn. Thổ khắc Thủy: Đất hút nước, có thể ngăn chặn được dòng chảy của nước.

Xét về mặt phong thủy, quy luật tương sinh và tương khắc luôn tồn tại song song cùng với nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo nên thế cân bằng cho vũ trụ. Nếu chỉ có sinh và không có khắc thì sự phát triển thái quá cũng sẽ gây ra nhiều tác hại. Ngược lại nếu chỉ có khắc mà không có sinh thì vạn vật khó lòng mà sinh sôi nảy nở. Do đó sinh và khắc là hai quy luật không thể tách rời.

Ngũ hành phản sinh, phản khắc

Ngũ hành phản sinh:

Trong tương sinh ắt sẽ có phản sinh. Tương sinh là quy uật phát triển của ngũ hành tuy nhiên sinh nhiều quá cũng không tốt. Cũng giống như cây củi khô là nguyên liệu để tạo lửa. Nhưng nếu quá nhiều cây khô sẽ có thể gây ra một đám cháy lớn, gây nguy hại đến con người. Đó là quy luật phản sinh trong ngũ hành. Cụ thể như:

Kim hình thành trong Thổ, nhưng Thổ quá nhiều sẽ khiến Kim bị vùi lấp. Hỏa tạo thành Thổ nhưng Hỏa quá nhiều thì Thổ cũng bị cháy thành than. Mộc sinh Hỏa nhưng Mộc nhiều Thì Hỏa sẽ gây hại. Thủy cung cấp dinh dưỡng để Mộc sinh trưởng, phát triển nhưng Thủy quá nhiều Thì Mộc bị cuốn trôi. Kim sinh Thủy nhưng Kim nhiều thì Thủy bị đục.

Ngũ hành phản khắc:

Trong tương khắc sẽ có phản khắc. Ngũ hành tương khắc có hai mối quan hệ, một là cái nó khắc, hai là cái khắc với nó. Tuy nhiên khi cái nó khắc có nội lực quá lớn sẽ khiến nó bị tổn tương, không còn khả năng khắc hàng khác nữa thì đây được coi là quy luật ngũ hành phản khắc. Cụ thể như:

Kim khắc Mộc, nhưng Mộc quá cứng khiến Kim bị gãy Mộc khắc Thổ nhưng Thổ nhiều sẽ khiến Mộc suy yếu. Thổ khắc Thủy nhưng Thủy nhiều sẽ khiến Thổ bị sạt nở, bào mòn. Thủy khắc Hỏa nhưng Hỏa quá nhiều thì Thủy cũng phải cạn. Hỏa khắc Kim nhưng Kim nhiều Hỏa sẽ bị dập tắt.

Chung quy lại, ngũ hành Km Mộc Thủy Hỏa Thổ bên cạnh quy luật tương sinh tương khắc còn tồn tại quy luật phản sinh, phản khắc. Vạn vật trong vũ trụ đều rất bao la rộng lớn, chúng ta cần phải có những cái nhìn tổng quan và tinh tế hơn về con người và sự vật trên thế giới này.

Chi tiết về ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ

Ngũ hành Kim

Hành Kim trong quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc chỉ về mùa Thu và sức mạnh. 

Người mệnh Kim sinh vào các năm: Nhâm Dần 1962, Quý Mão 1963, Canh Tuất sinh năm 1970, Tân Hợi sinh năm 1971, Giáp Tý sinh năm 1984, Ất Sửu 1985, Nhâm Thân sinh năm 1992, Quý Dậu 1993, Canh Thìn sinh năm 2000, Tân Tỵ sinh năm 2001...

Ngũ hành Kim sẽ có 6 nạp âm đó là Sa Trung Kim, Kiếm Phong Kim, Kim Bạch Kim, Bạch Lạp Kim, Thoa Xuyến Kim, Hải Trung Kim.

Người mệnh kim thường có tính cách rất cương quyết và có phần hơi độc đoán. Họ thường dốc sức để theo đuổi thành quả và sự nghiệp riêng của mình. Họ là những nhà tổ chức giỏi, Họ vui sướng và hạnh phúc với những thành quả của riêng mình.

ngu-hanh-la-gi-tim-hieu-v
Người mệnh Kim trong ngũ hành

Tuy vậy người mệnh Kim thường tin vào khả năng của bản thân nên kém linh động. Đây là kiểu người rất nghiêm túc, họ tự lực cánh sinh và không muốn nhận sự giúp đỡ từ người khác.

Ưu điểm: Họ là những người rất mạnh mẽ, có trực giác và biết cách tạo sự lôi cuốn người khác.

Nhược điểm: Họ là những người cứng nhắc, bảo thủ, hay u sầu và đôi khi nghiêm túc thái quá.

Hành Kim: Chủ về nghĩa, tính tình cương trực, mãnh liệt, có tính chất sạch sẽ thu liêm, túc sát đều có thể quy về Kim.

Màu sắc: Màu trắng, xám, bạc và vàng ươm.

Những vật thuộc hành Kim bao gồm: Tất cả các kim loại, hình dáng tròn bầu, mái vòm, vật dụng kim khí, cửa và bậc cửa, đồ dùng nhà bếp, tiền, đồng hồ,...

Ngũ hành Mộc

Hành Mộc tượng trưng cho mùa xuân, cây cỏ tốt tươi. Người mệnh Mộc sinh vào các năm Mậu Tuất 1958, Kỷ Hợi 1959, Nhâm Tý 1972, Quý Sửu 1973, Canh Thân 1980, Tân Dậu 1981, Mậu Thìn 1988, Kỷ Tỵ 1989, Nhâm Ngọ 2002, Quý Mùi 2003...

Ngũ hành Mộc có 6 nạp âm: Bình Địa Mộc, Đố Tang Mộc, Thạch Lựu Mộc, Dương Liễu Mộc, Đại Lâm Mộc, Tùng Bách Mộc.

Người mệnh Mộc có tính cách năng nổ, nhiệt tình, thích tiên phong, sáng tạo nhiều ý tưởng, đa phần họ là những người có tính cách hướng ngoại, có tinh thần vị tha, thương người. Vì là những người sáng tạo nên họ thích tưởng tượng hơn là ngồi lập kế hoạch.

Yếu tố Mộc liên quan tới sự nhận thức cho cuộc sống của cây cỏ hoa lá, những loại vải có chất liệu làm từ tự nhiên hoặc bất cứ thứ gì được làm từ gỗ đều có liên quan tới mệnh này.

Hành Mộc: Chủ về nhân, tính tình ngay thẳng, ôn hòa. Những sự vật có tính chất sinh trưởng hướng lên, thông đạt đều có thể quy về Mộc. Mộc có đặc trưng có thể co duỗi.  

Ưu điểm: Người mệnh Mộc có bản tính nghệ sỹ, làm việc nhiệt tình.

Nhược điểm: Họ là những người thiếu kiên nhẫn, dễ nổi giận, thường bỏ ngang công việc.

Màu sắc: màu xanh lục, màu xanh dương và màu ngọc lam

Những vật thuộc hành Mộc bao gồm: Các loài thảo mộc, đồ đạc bằng gỗ, giấy, cột trụ, sự trang hoàng, tranh phong cảnh.

Ngũ hành Thủy

Hành Thủy chỉ về mùa đông và nước nói chung, cơn mưa lất phất hay mưa bão

Người mệnh Thủy sinh vào các năm: Người tuổi Bính Ngọ sinh năm 1966, tuổi Đinh Mùi 1967, Giáp Dần 1974, Ất Mão 1975, Nhâm Tuất 1982, Quý Hợi 1983, Bính Tý 1996, Đinh Sửu 1997, Giáp Thân 2004, Ất Dậu 2005...

Ngũ hành Thủy có 6 nạp âm, gồm: Giản Hạ Thủy, Đại Giản Thủy, Đại Hải Thủy, Trường Lưu Thủy, Thiên Hà Thủy, Tỉnh Tuyền Thủy.

Người mệnh Thủy có tính cách đặc trưng đó là họ là những người giao tiếp tốt, sáng tạo, khôn ngoan, nhạy cảm, biết cách thuyết phục người khác. Do nhạy cảm với tâm trạng người khác nên họ rất biết lắng nghe, có trực giác tốt và rất giỏi thương lượng.

Những người này thường rất dễ thích nghi với hoàn cảnh, họ thường được coi là bí ẩn và có xu hướng sống nội tâm và làm quá mọi chuyện lên.

Hành Thủy: Chủ về trí, thông minh, hiền lành. Sự vật có tính chất lạnh mát, làm ẩm hướng xuống dưới đều thuộc Thủy. Thủy là “nhuận hạ”, “nhuận” là làm ẩm ướt “hạ” là hướng xuống. Do đó, Thủy có đặc tính mát lạnh, tính chất nhu thuận, chảy xuống dưới.

Màu sắc: xanh dương và màu đen 

Những vật thuộc hành Thủy bao gồm: Sông suối, ao hồ, gương soi và kính, các đường uốn khúc, đài phun nước, bể cá, tranh về nước. 

Ngũ hành Hỏa

Hành Hỏa chỉ mùa hè, lửa và sức nóng. 

Những người mệnh Hỏa thường sinh vào các năm: Bính Thân 1956, Đinh Dậu 1957, Giáp Thìn 1964, Ất Tị 1965, Mậu Ngọ 1978, Kỷ Mùi 1979, Bính Dần 1986, Đinh Mão 1987, Giáp Tuất 1994, Ất Hợi 1995...

Ngũ hành Hỏa có 6 nạp âm chia như sau: Lư Trung Hỏa, Sơn Đầu Hỏa, Tích Lịch Hỏa, Sơn Hạ Hỏa, Phú Đăng Hỏa và Thiên Thượng Hỏa.

Người mệnh Hỏa là những người yêu thích hành động, có khả năng lãnh đạo và thấu hiểu, có trực giác tốt và rất hiểu lẽ phải. Tuy nhiên họ thường có tính cách bốc đồng, hay ghen tỵ, dễ thất vọng, hối tiếc và chán nản trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó họ cũng rất thẳng tính, quả quyết và hiếu thắng.

Hành Hỏa: Chủ về lễ, nóng tính nhưng biết giữ lễ độ. Sự vật có tính chất ấm nóng bốc lên đều thuộc Hỏa. Lửa cháy có thể phát nhiệt và ánh sáng, ngọn lửa bốc lên trên, nhiệt tỏa ra ngoài. Do đó Hỏa có tính chất phát nhiệt, hướng lên trên, có tác dụng xua tan giá lạnh giữ ấm rèn kim loại.

ngu-hanh-la-gi-tim-hieu-v
Người sở hữu các mệnh khác nhau sẽ có tính cách và tư duy khác nhau

Màu sắc: đỏ, màu tía, màu đỏ tươi, màu hồng đậm và màu cam. 

Những vật thuộc hành Hỏa bao gồm: Hình tượng mặt trời, nến, đèn các loại, vật dụng thủ công, tranh ảnh về mặt trời, lửa, cùng những đồ vật có ánh sáng như đèn và những ngọn nến đang cháy.

Ngũ hành Thổ

Hành Thổ chỉ về môi trường ươm trồng, nuôi dưỡng và phát triển, nơi sinh ký tử quy của mọi sinh vật. 

Người mệnh thổ thường được sinh vào các năm: Canh Tý 1960, Tân Sửu 1961, Mậu Thân 1968, Kỷ Dậu 1969, Bính Thìn 1976, Đinh Tị 1977, Canh Ngọ 1990, Tân Mùi 1991, Mậu Dần 1998, Kỷ Mão 1999...

Ngũ hành Thổ được phân chia thành 6 nạp âm: Lộ Bàng Thổ, Đại Trạch Thổ, Sa Trung Thổ, Bích Thượng Thổ, Thành Đầu Thổ, Ốc Thượng Thổ.

Người mệnh Thổ là người sống rất nội tâm, trung thành và hay giúp đỡ người khác. Họ là những người sống rất thực tế và kiên trì. Đôi lúc người mệnh Thổ trở thành nguồn sức mạnh to lớn, giúp đỡ người khác vượt qua cơn khủng hoảng.

Hành Thổ: Chủ về tín, tính tình đôn hậu. Sự vật có tính chất nâng đỡ, sinh hóa thu nạp đều quy về Thổ. Thổ là “giá sắc”, “giá” là gieo trồng, “sắc” là thu hoạch.

Thổ có tác dụng gieo trồng, thu hoạch, sinh trưởng vạn vật, nâng đỡ, sinh sôi, nuôi dưỡng. Do đó, Thổ nâng đỡ bốn phương, là mẹ của vạn vật.

Màu sắc: Màu vàng, cam, nâu. 

Những vật thuộc hành Thổ bao gồm: Đất sét, gạch, sành sứ, bê tông, đá, hình vuông.

Ứng dụng ngũ hành trong đời sống

Ngũ hành được ứng dụng vào Kinh Dịch, có từ thời kỳ nhà Chu (thế kỷ 12 TCN đến năm 256 TCN), một cuốn sách được coi là tác phẩm vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa về triết học.

Ứng dụng ngũ hành trong xem hướng nhà đất

Mệnh Mộc hợp với hướng Đông, Nam và Đông Nam

Mệnh Kim hợp với hướng Tây, Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam

Mệnh Thủy thuận theo hướng Đông Nam, Bắc và Tây Bắc

Mệnh Hỏa phù hợp nhất hướng chính Nam

Mệnh Thổ hợp hướng Đông Bắc và Tây Nam.

Ứng dụng trong chọn cây cảnh phong thủy

Người thuộc hành Kim nên chọn các loại cây như: Cây Bạch Mã Hoàng Tử, cây Lan Ý, Cây Ngọc Ngân,… hoặc những loại cây thuộc hành Thổ vì Thổ sinh Kim.

Người thuộc hành Thủy nên chọn các loại cây như: Cây Phát Tài Búp Sen, cây Phát Lộc, các cây dòng họ Tùng (cây Thủy Tùng, Tùng Bồng Lai,…), cây Kim tiền… Chọn thêm những cây thuộc hành Kim sẽ hỗ trợ mang đến tài lộc.

ngu-hanh-la-gi-tim-hieu-v
Chọn cây cảnh theo phong thủy ngũ hành cũng là một điều rất quan trọng

Người thuộc hành Hỏa nên chọn các loại cây như: Cây Trầu bà Đế Vương đỏ, cây đa Búp Đỏ, cây Vạn Lộc,… Những cây thuộc Mộc sẽ gia tăng thêm vượng khí cho gia đình.

Người thuộc hành Mộc nên chọn các loại cây như: Cây Ngọc Bích, cây Vạn Niên Thanh, cây Trường Sinh,… Những loại cây này rất tốt cho những người thuộc hành Mộc. Có thể chọn thêm những cây thuộc mệnh Thủy.

Người thuộc hành Thổ nên chọn các loại cây như: Cây Lưỡi Hổ Vàng, cây Lan Hồ Điệp hay cây Ngũ Gia Bì,… Lựa chọn thêm cây phong thủy thuộc Hỏa vì Hỏa sinh Thổ.

Ứng dụng trong việc chọn màu sắc theo ngũ hành

Ngày nay, việc chọn màu sắc trong phong thuỷ chủ yếu hướng đến việc cân bằng năng lượng Âm - Dương để đạt đến sự hài hoà lý tưởng.

Âm là sắc tối yên tĩnh hấp thu màu và Dương là sắc sáng chuyển động phản ánh màu. Do vậy, màu sắc được lựa chọn để tăng những yếu tố thuận lợi và hạn chế những điều xấu từ bên ngoài tác động vào.

Năm yếu tố ngũ hành có các thuộc tính khác nhau và màu sắc tương ứng với những nguồn năng lượng mà chúng mang lại. Dưới đây là những phân chia màu sắc theo ngũ hành:

  • Màu đỏ – hành Hỏa
  • Màu vàng – hành Thổ
  • Màu trắng – hành Kim
  • Màu xanh – hành Mộc
  • Màu đen – hành Thủy

Những màu sắc càng sáng thì “tính dương” càng cao, còn những màu sắc càng tối thì “tính âm” càng lớn. 

Đặt tên con theo ngũ hành

Đặt tên con theo ngũ hành nhằm mục đích cân bằng các yếu tố ngũ hành âm dương giúp vận mệnh đứa trẻ thêm rạng rỡ, cuộc sống yên ấm, no đủ, tránh được nhiều tai ương.

Đặt tên con theo ngũ hành Kim

Kim tượng trưng cho sức mạnh. Nếu đứa trẻ là mệnh Kim hoặc được sinh vào mùa xuân thì nên đặt tên mệnh Kim nhằm giúp tài vận được tốt đẹp. Tên chứa hành Kim cho bé gái: Đoan, Dạ, Ái, Nhi, Nguyên, Khanh, Ngân, Hân, Phượng, Vi, Tâm, Ân, Xuyến... Tên chứa hành Kim cho bé trai: Nhâm, Nguyên, Thắng, Nguyên, Trung, Nghĩa, Luyện, Cương, Phong, Thế, Hiện Văn...

Đặt tên con theo ngũ hành Mộc

Mộc chỉ mùa xuân, mùa của sự khơi nguồn, sự phát triển, đâm chồi nảy lộc của cỏ cây hoa lá. 

Tên chứa hành Mộc cho bé gái: Chi, Cúc, Đào, Hạnh, Huệ, Hương, Kỳ, Lam, Lâm, Lan, Lê, Liễu, Lý, Mai, Phương, Thảo, Thư, Tiêu, Trà, Xuân,

Tên chứa hành Mộc cho bé trai: Khôi, Bách, Bạch, Bản, Bính, Bình, Cung, Đỗ, Đông, Giao,  Hộ, Khôi,  Nam, Nhân, Phúc, Phước,  Quảng, Quý, Quỳnh, Sa, Sâm, Tích,  Trúc, Tùng, Vị, Duy,…

Đặt tên con theo ngũ hành Thủy 

Thủy chỉ mùa đông và nước, thể hiện tính nuôi dưỡng, hỗ trợ. Tên bé gái chứa hành Thủy gồm: Thủy, Giang, Huyên, Loan, Uyên, Hà, Sương, Nhung, Hoa, An, Băng, Nga, Tiên, Di... Tên bé trai chứa hành Thủy gồm: Nhậm, Trí, Hải, Hậu, Hiệp, Đồng, Danh, Tôn, Khải, Khánh, Khương, Trọng, Luân, Kiện, Hội...

Đặt tên con theo ngũ hành Hỏa

Hành Hỏa tượng trưng cho mùa Hè, lửa và sức nóng. Đem đến hơi ấm, ánh sáng hoặc có thể bùng nổ và bạo tàn. Tên bé gái chứa hành Hỏa: Ánh, Dung, Hạ, Hồng, Dương, Thanh, Minh, Thu, Huyền, Đan, Ly, Linh... Tên bé trai chứa hành Hỏa: Đức, Thái, Minh, Sáng, Huy, Quang, Đăng, Nam, Kim, Hùng, Hiệp, Đài, Hạ, Cẩm, Luyện, Quang, Đan, Cẩn, Hồng, Thanh, Kim, Tiết, Huân, Nam, Thước, Dung, Đăng, Bội, Thu, Đức, Nhiên,…. 

Đặt tên con theo ngũ hành Thổ

Thổ là hành tượng trưng cho đất, là cội nguồn sản sinh, nuôi dưỡng và phát triển của mọi sinh vật. Tên bé gái chứa hành Thổ gồm: Cát, Bích, Anh, Hòa, Diệp, Thảo, Ngọc, Diệu, San, Châu, Bích, Khuê... Tên bé trai chứa hành Thổ gồm: Châu, Sơn, Côn, Ngọc, Lý, San, Cát, Viên, Nghiêm, Châm, Thân, Thông, Anh, Giáp, Thạc, Kiên, Tự, Bảo, Kiệt, Chân, Diệp, Bích, Thành, Đại, Kiệt, Điền, Trung, Bằng, Công, Thông, Vĩnh, Giáp...

Sau khi nắm rõ được các quy luật của ngũ hành, chúng ta sẽ biết cách ứng dụng nó vào đời sống hàng ngày. Từ đó giúp mang tới thêm nhiều năng lượng cho cuộc sống, chủ động nắm giữ những điều may mắn tốt đẹp và hạn chế được những điều rủi ro. 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận