Mãn nhãn với công trình hơn 150 tuổi đầu tiên của người Việt Nam tại mảnh đất Sài Thành
Tu viện Sainte Enfance không chỉ là công trình kiến trúc đầu tiên do người Việt thiết kế mà còn là niềm tự hào cho tài và trí của người Việt xưa.
Ngày nay ở nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn lại rất nhiều công trình kiến trúc cổ do người Pháp xây dựng. Tuy nhiên lại ít người biết có một công trình do chính người Việt Nam tự thiết kế và thi công từ năm 1862. Đó là Tu viện Sainte Enfance, đây không chỉ là công trình kiến trúc đầu tiên do người Việt xây dựng mà còn là niềm tự hào cho tài và trí của người Việt xưa.
Một công trình độc đáo
Vào năm 1858, khi Pháp bắt đầu đánh chiếm nước ta, tiếng súng đầu tiên nổ ra tại Đà Nẵng. Và chỉ một năm sau đó Pháp đã chiếm trọn thành Gia Định. Đất nước ta nghèo lại chiến tranh liên miên nên trẻ em phải chịu cảnh mồ côi, đói rách, lang thang cơ nhỡ…rất đáng thương. Không những vậy, lại thêm bệnh dịch tả hoành hành dữ dội tại Sài Gòn – Gia Định lúc bấy giờ.
Trước tình cảnh như vậy, Đức cha Dominique Lefebvre, lúc ấy là Giám quản tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong, đã viết thư mời các nữ tu dòng Thánh Phaolô đang làm việc tại Hồng Kông sang tiếp sức và họ đã tới Sài Gòn vào ngày 20/5/1860.
Dưới sự giúp đỡ kinh phí của giáo hội bên Pháp và nhiều người Việt thiện nguyện, mẹ Benjamin (vị sáng lập và bề trên tiên khởi dòng Thánh Phaolô tại Viễn Đông) và mọi người bắt đầu lên kế hoạch xây dựng Nhà Giám tỉnh ở số 4 Boulevard de la Citadelle (nay là Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM) để có chỗ ở ổn định cho các sơ cùng trẻ em mồ côi.
Nữ tu Anna là người phụ trách Văn khố dòng Phaolô cho biết: “Việc xây dựng ngôi nhà nguyện có kiến trúc Gothic này được thực hiện là nhờ một chủng sinh gọi là thầy Học (hay thầy Lân), chính là Nguyễn Trường Tộ, được Đức giám mục Gauthier tin tưởng giao phó. Bản vẽ kiến trúc do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế các khu nhà theo hình chữ U, gồm 3 khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, không gian xung quanh là những bức họa, mái vòm uốn lượn và đặc biệt là một cây tháp vươn cao nhất Sài Gòn mà thuyền bè ngược xuôi trên sông đi ngang qua đều thấy…”.
Ban đầu tòa nhà có tên gọi “La Sainte Enfance” và bắt đầu khởi công năm 1862, hoàn thành vào năm 1864. Theo nữ tu Anna, công trình có lối kiến trúc độc đáo gồm 3 tầng: trệt, giữa và tầng trên mà các nhà thờ lúc đó ở Sài Gòn không có. Phần xây dựng trên mặt đất sử dụng hoàn toàn bằng gỗ, có chạm trổ, điêu khắc hoa văn rất tinh xảo. Sử dụng được 20 năm thì xuống cấp, do mối mọt nên phải trùng tu lại nhưng giữ nguyên vẹn theo bản vẽ của Nguyễn Trường Tộ. Từ năm 1924 têɴ gọi “Sainte Enfance” của tu viện này đã được đổi thành “Saint Paul”. Đây là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận xét: “Theo tôi, đây là công trình độc đáo của người Việt Nam, vôi gạch và thợ thuyền cũng là người Việt Nam. Người xưa đã xây dựng được một khu nhà có tháp cao theo kiểu kiến trúc Tây phương. Trong khi để xây các công trình ở Sài Gòn, người Pháp phải đưa vật liệu xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư qua và thuê nhân công người Hoa có kinh nghiệm thι công, thì với tòa nhà Giám tỉnh dòng Thánh Phaolô, chính người Việt đã chứng tỏ không thua kém ai.
Điều đặc biệt là lúc ấy chưa có xi măng cốt sắt nhưng không hiểu sao ông Nguyễn Trường Tộ vẫn thiết kế được những mái vòm uốn lượn đẹp như thế và các khối đá xanh lấy từ Biên Hòa (Đồng Nai) về dùng làm trụ móng chỉ bằng vôi và mật ong mà vẫn dính chặt vào nhau, chứng tỏ tài năng của ông Nguyễn Trường Tộ quá giỏi”.
Nhà thiết kế và thi công Nguyễn Trường Tộ
Ông Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, quê ở Nghệ An, là một nhà Hán học sâu sắc, từng giúp Đức giám mục Gauthier trong việc giảng dạy chữ Nho cho các tu sĩ để làm linh mục. Ông là người có tài năng thiên bẩm về kiến trúc mà công trình La Sainte Enfance do tự tay ông thiết kế là một điển hình. Sau này, theo lời mời của triều đình Huế, ông còn tham gia khai thông hệ thống đường thủy kênh Sắt ở Nghệ An bằng cách pha chế thuốc nổ, tự tạo ra mìn. Ông mất năm 1871 tại quê nhà.
Công trình tuyệt tác hơn 150 năm
Công trình với những cánh cửa mở vào khu nhà nguyện, gạch lát nền và những hoa văn chạm trổ… vẫn gần như nguyên vẹn. Sơ Anna cho biết: “Không hiểu sao bàn ghế và gạch ở nhà nguyện không cần lau nước mà chỉ cần chùi bằng sáp là đã bóng loáng. Phần vôi vữa kết dính giữa các viên gạch chắc như đá. Muốn thay viên nào thợ phải đục cả tiếng đồng hồ. Phần tường nhà, trần, móng nền, dù nằm ngay ѕáт bờ sông, nhưng theo thời gian vẫn chẳng có gì thay đổi, tòa nhà hoàn toàn không có hiện tượng lún nứt như một số công trình bây giờ”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết thêm: “Năm 1940, máy bay của quân Đồng minh đã ném bom làm sụp đổ một góc nhỏ của tòa nhà buộc phải sửa chữa lại, riêng cây tháp cao nhất Sài Gòn bị bom “chém” cụt mất. Thật đáng tiếc. Lối kiến trúc của ông Nguyễn Trường Tộ theo đường cong vòm khi ấy tuyệt vời lắm. Dinh Thống đốc mà người Pháp còn phải mua của người Anh ở Singapore mang qua Sài Gòn lắp ráp thì với công trình tuyệt vời này, đủ thấy người Việt Nam giỏi đến mức nào rồi”.
Xem thêm: Ngôn ngữ Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp như thế nào?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận