Không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi nghề nghiệp của mình

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bước sang tuổi 30 và nhận ra mình không còn niềm vui với công việc này nữa? Bạn đã từng nghĩ đến sẽ nhảy việc ở cái tuổi mà đáng ra bạn nên "an cư lạc nghiệp"?

Hoa Nguyễn
08:01 07/05/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chúng ta thường sống theo một quy chuẩn nhất định của xã hội đó là đi học, chọn một công việc và đi làm theo đúng ngành nghề mà mình đã học. Chúng ta có xu hướng chọn một con đường sự nghiệp và sau đó tiếp tục thực hiện nó trong những năm tháng tiếp theo thậm chí là đến cuối cuộc đời. 

Nhưng nếu bạn đang thực sự nghĩ về điều này thì hãy tự hỏi bản thân mình một câu. Liệu đến năm 40 tuổi bạn có còn muốn làm công việc mà năm 25 tuổi bạn làm nữa hay không?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bước sang tuổi 30 và nhận ra mình không còn niềm vui với công việc này nữa? Làm gì khi bạn đã cố gắng phấn đấu để có được tấm bằng đại học nhưng khi đi làm bạn lại không còn yêu thích ngành nghề mà bạn đã học nữa. Và rồi điều gì sẽ xảy ra nếu một lần nữa dịch bệnh ập đến và khiến bạn rơi vào cảnh thất nghiệp? Lúc đó bạn có còn muốn tiếp tục làm công việc này nữa hay chấp nhận đổi nghề?

Hàng tá những câu hỏi xuất hiện trong đầu và bạn thì đang mông lung không biết nên làm gì cho phải. Phải chăng bạn chưa sẵn sàng thoát ra khỏi công việc có liên quan đến tấm bằng đại học của mình?

thay-doi-nghe-nghiep-6

Jay Willis, một nhà báo kiêm cựu luật sư tại Portland chia sẻ: “Chuyển đổi nghề nghiệp có thể là một điều nghe có vẻ khó khăn đến mức khiến bạn phải suy nghĩ rất nhiều về nó mà vẫn không biết bắt đầu từ đâu”. Do đó điều đầu tiên bạn có thể làm đó là ngừng suy nghĩ về việc mình không thể thay đổi nghề nghiệp hoặc đang phải rơi vào cảnh bế tắc.

Sự sợ hãi cùng những rào cản tinh thần khác sẽ xuất hiện ngay khi bạn bắt đầu có mong muốn thoát khỏi lĩnh vực hiện tại. Song giải pháp dành cho vấn đề này là lờ đi sự sợ hãi và tập trung vào những bước nhỏ nhất trong quá trình chuyển việc của bạn.

Will Sutton, một nhân viên cảnh quan ở London, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo đã đưa ra lời khuyên: “Tôi đã có chút sợ hãi khi bắt đầu và lúc đó tôi nghĩ: “Bạn bè của tôi đều làm công việc mà họ yêu thích và thực sự đam mê, tại sao tôi lại không thể? Hãy tự giúp chính mình bằng cách đặt sự sợ hãi vào một góc, tập trung vào nhiệm vụ trước mắt và bắt tay thực hiện những bước thay đổi đầu tiên”.

thay-doi-nghe-nghiep-5

Sutton phải đối mặt với những rào cản tâm lý và sự sợ hãi bằng cách thừa nhận rằng việc thay đổi nghề nghiệp là điều thật sự cần thiết đối với anh. Việc chia sẻ nghiêm túc về mong muốn thay đổi công việc với bạn bè người thân cũng khiến anh cảm thấy thoải mái và tự tin hơn.

Bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi khi bắt đầu chuyển đổi sang công việc mới. Do vậy, việc tích lũy kinh nghiệm bằng những hành động nhỏ nhất và cam kết thực hiện nó theo thời gian là cách để bạn đến gần hơn với mong muốn thay đổi nghề nghiệp của mình. 

Jay Willis chia sẻ, quá trình đưa anh từ một luật sư trở thành một nhà báo đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự quyết tâm. Willis biết, ở tuổi 29, mình muốn viết lách thay vì làm ở văn phòng luật sư và công cuộc đổi việc của anh ấy bắt đầu từ việc xây dựng một blog nhỏ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đây là tiền đề để Willis tích lũy kinh nghiệm công việc ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và cho anh tự tin để xin việc tại một tạp chí. 

thay-doi-nghe-nghiep-3

Công việc của Willis không được xuôn sẻ ở ngay lần xin việc đầu tiên, nhưng điều này đã giúp anh mở rộng được mối quan hệ hơn. Anh nhận viết bài như một cộng tác viên vào mỗi tối và cuối tuần cho đến khi trở thành một nhân viên chính thức. 

Cả Sutton và Willis đều 29 tuổi khi họ bắt đầu khám phá ra bản thân cần một sự thay đổi cho định hướng nghề nghiệp của mình. Cả hai người họ đều đang sinh sống ở những thành phố đắt đỏ và thay đổi công việc có thể gây ra những khó khăn về tài chính bởi nó lấy đi rất nhiều thời gian và tâm huyết của họ.

Willis chia sẻ, 95% các email, cuộc gọi và đơn xin việc mà anh gửi đi đều không được trả lời. Quá trình chuyển đổi nghề nghiệp sang một lĩnh vực hoàn toàn mới đầy rẫy sự thất bại, khó khăn và cả những lần bị từ chối. Điều này có thể gây ra những trở ngại về tinh thần và nó khiến bạn cảm thấy chùn bước. Nhưng bạn phải tiếp tục làm điều đó, bởi trong vô số lần bị từ chối, chúng ta chỉ cần một sự đồng ý để chính thức bắt đầu xây dựng một sự nghiệp mới mà bản thân hằng mong ước.

thay-doi-nghe-nghiep-2

Bà Nicole Balsam, giám đốc thương hiệu của công ty Eastward Partners có trụ sở tại NYC, chia sẻ: “Khi tôi nhìn thấy profile của một ứng viên thể hiện rằng họ vừa mới thay đổi định hướng nghề nghiệp sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, tôi không cảm thấy có bất kỳ vấn đề hay định kiến gì với những ứng viên này”. 

Các kỹ năng mà bạn có được từ những công việc trước đó, dù lĩnh vực ấy dường như không liên quan đến công việc hiện tại, lại có thể sẽ hữu ích theo nhiều cách khác nhau cho vị trí mới mà bạn đang ứng tuyển. Nhưng trên thực tế, khi bạn chuyển sang một ngành nghề hoàn toàn mới, bạn có thể phải chấp nhận lùi lại một vài bước so với những người trong nghề khác.

thay-doi-nghe-nghiep-1

Thế nhưng, một khi đã đưa ra quyết định thay đổi, chúng ta đều không hối tiếc về con đường mà chúng ta đang và sẽ đi. Sẽ không có gì là lãng phí hay vô nghĩa nếu bạn chuyển hướng hoàn toàn sang một lĩnh vực mới. Tất cả những thứ như thời gian, tiền bạc, công sức mà bạn dành ra để xây dựng sự nghiệp cũ đều đóng vai trò như những bước đệm quan trọng giúp bạn hướng tới những điều mà bản thân cảm thấy đúng đắn và phù hợp nhất với chính mình.

Xem thêm: Làm giàu không khó: “Cô bé thảm hoạ” bán tấm ảnh gốc dưới dạng NFT kiếm gần nửa triệu USD

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận