Khâm phục nếp sống hòa thuận, ăn chung mâm, sống chung nhà của gia đình "tứ đại đồng đường" ở Bình Định
Gia đình ông Nguyễn Phi Yến, 70 tuổi, ở thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định là một trong những gia đình giữ được nét văn hóa truyền thống quý báu của người Việt Nam đó là nếp sống “tứ đại đồng đường” đầm ấm, hòa thuận được người dân trong làng xã kính trọng, quý mến.
Truyền thống kính già, nhường trẻ
Ngôi nhà của ông Phi Yến nằm ở trung tâm xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông kể rằng, ngôi nhà này được bố mẹ ông xây từ thời còn trẻ và trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà vẫn tồn tại một cách vững vàng. Dù xã hội đã thay đổi rất nhiều nhưng gia đình ông vẫn giữ được nếp sống truyền thống đáng quý, đáng trân trọng. Ông cho hay : “Bố mẹ tôi sinh được 2 người con, tôi là trai sống với gia đình, còn chị gái có chồng ở riêng. Bố tôi mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi 2 con khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng. Năm nay, mẹ đã 90 tuổi, những khi rảnh rỗi, 2 mẹ con thường nói chuyện với nhau về dòng họ, về quê hương… Mẹ nhớ nhiều và kỹ lắm!”.
Vợ chồng ông sinh được 5 người con, 3 con gái lớn, 2 con trai sau. Hiện tại con cái ông đã trưởng thành và đều đã dựng vợ, gả chồng với cuộc sống ổn định. Con trai lớn là Nguyễn Văn Phước (39 tuổi) sống cùng một nhà với ông. Còn người trai út là Nguyễn Ngọc Thọ (37 tuổi) sống ở ngôi nhà kế bên. Ông bà Yến có 10 đứa cháu cả nội và ngoại. Tất cả các thành viên trong gia đình đều rất đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ đối với vợ chồng ông.
Ông Yến đã có những chia sẻ khi nhắc về những đứa con ngoan của mình : “Yêu thương thì không tả xiết nhưng quan điểm dạy con cháu của gia đình tôi là rất nghiêm. Điều đầu tiên là bản thân luôn gương mẫu, thẳng thắn chỉ dạy con cháu bằng cách phân tích điều hay lẽ phải. Nếp nhà đã được các cụ lưu truyền bao đời nay, các con, các cháu làm gì thì làm nhưng không được làm hỏng thanh danh gia đình”.
Trước đây ông Yến từng giữ chức trưởng thôn An Thành, còn hiện tại ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Lộc. Dù bận rộn với công việc của mình nhưng ông Yến vẫn dành thời gian để dạy bảo con cháu.
Theo lời bà Nguyễn Thị Phú (68 tuổi, vợ ông Yến), bà đã về làm dâu gia đình gần 50 năm không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Hơn nữa mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu trong gia đình bà rất tốt đẹp.
Cụ Huỳnh Thị Thống (90 tuổi, mẹ ông Yến) cũng chia sẻ rằng: “Cuộc sống gia đình êm ấm, anh em, con cháu trong gia đình hòa thuận, tôi vui vẻ, tinh thần thoải mái nên sức khỏe mới được như vậy đấy. Gia đình Việt Nam truyền thống là có nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà. Tôi hướng con cháu sống theo nếp đó. Mặc dù hơi chật nhưng nó tình cảm, khó khăn, sớm khuya anh em có nhau. Nhà vui vẻ lắm, chả bao giờ thiếu tiếng cười, tôi thấy hạnh phúc vì điều đó”.
Rối đâu gỡ đó
Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình không thể tránh khỏi những xích mích, va chạm và nhà ông Yến cũng vậy. Nhưng dù con cháu có những lỗi sai trong cư xử thì bà Phú luôn giữ thái độ bình tĩnh để phân tích, bảo ban giúp con cháu hiểu được vấn đề.
Bà Phú kể: “Có lần, cháu trai mải chơi sao nhãng việc học. Tôi biết chuyện nhưng không la hay mắng mỏ gì. Một bữa, tôi cố tình buồn bực để cho cháu hiểu được việc mình sao nhãng việc học hành là sai, như vậy làm bố mẹ, ông bà buồn. Từ đó, cháu tự biết điều chỉnh việc học và việc chơi”.
Ông Yến cũng chia sẻ: “Quan điểm của tôi là rối chỗ nào gỡ chỗ đó, nếu có xích mích thì giải quyết luôn. Tránh tình trạng, không hài lòng mà không nói ra rồi anh em xa nhau, thẳng thắn giải quyết thì tình cảm mới bền được”.
Anh Phước, con trai của ông Yến cho biết thêm, mặc dù anh đang làm cán bộ ở xã, vợ là giáo viên tiểu học, người em trai lái xe tải đường dài, vợ làm ở trường mẫu giáo xã, vợ chồng ba người chị gái cũng đi làm, tất cả mọi người đều rất bận rộn với công việc nhưng mỗi khi về đến nhà thì tất cả mọi người ai nấy đều tự giác tham gia việc nhà. Điều này giúp cho đại gia đình lúc nào cũng vui vẻ, tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương.
Cuối cùng ông Yến chia sẻ thêm, để giữ được nề nếp, gia phong của gia đình như vậy thì điều quan trọng nhất là phải giữ được đạo lý và mỗi người đều phải có ý thức trách nhiệm vun đắp giữ gìn. “Đạo lý đó chính là những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua hàng nghìn năm và được lưu giữ trong mỗi gia đình hiện nay”.
Ông Dương Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “Gia đình ông Yến là gia đình “tứ đại đồng đường” hiếm thấy trong xã hội hiện tại. Hiện nay, trong cuộc sống hiện đại và hội nhập, gia đình hạt nhân đang có xu hướng phát triển. Gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường” bị mai một. Song nhiều gia đình đa thế hệ vẫn sống hạnh phúc, hòa thuận, các thành viên trong gia đình quan tâm chăm sóc lẫn nhau, góp phần gìn giữ gia phong, lưu giữ những nét đẹp gia đình truyền thống”.
Xem thêm: "Ông" bình vôi là gì và vì sao người Việt xưa lại tôn thờ "ông" bình vôi?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận