[Góc review sách]: Ba áng mây trôi dạt xứ bèo - Hồi ức lịch sử mà ai cũng nhớ mãi không quên
Những câu chuyện từ quá khứ bao giờ cũng có sức hấp dẫn đến lạ kỳ. Tác phẩm Ba áng mây trôi dạt xứ bèo mang đến cho độc giả những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của 3 cô gái nhỏ trong suốt 10 năm xa Hà Nội đi sơ tán.
"Ba áng mây trôi dạt xứ bèo" mang sắc màu của một cuốn tiểu thuyết ly kỳ đã kể về những năm tháng trôi dạt của 3 chị em khi sống trong thời chiến và phải đi sơ tán.
Năm 4 tuổi, Mây Hồng, Mây Vàng và Mây xanh mỗi đứa khoác trên vai một chiếc balo mang màu giống với tên gọi của chính mình và bước vào một cuộc di cư rời khỏi Hà Nội mà không có mẹ bên cạnh. Viễn cảnh của một cuộc phiêu lưu đầu hào hứng đã nhanh chóng bị cái đói bủa vây và làm chùn những bước chân bé nhỏ.
Thế nhưng dưới con mắt trong veo của cô bé Mây Hồng (chính là tác giả Hồng Vân sau này - PV) cuộc hành trình ấy vẫn rất lấp lánh. Trong tâm hồn của những đứa trẻ thơ nỗi buồn, niềm vui đến nhanh mà đi cũng rất nhanh, nhưng cũng có những ám ảnh đeo bám suốt cả quãng đời còn lại.
Những đứa trẻ là con út trong gia đình toàn chị em gái chắc chắn cũng đã có một lần tự hỏi rằng: Liệu rằng mình có phải là một đứa con dư thừa của bố mẹ khi mình sinh ra không phải là một đứa con trai? Việc thấu hiểu được đạo lý này quá sớm khiến Mây Hồng luôn canh cánh trong lòng về việc nhất định phải trở thành một đứa con trai từ ngoại hình đến tính cách.
Có đôi khi cô bé có những giây phút cãi nhau chí chóe với các chị, nghịch ngợm hiếu động chẳng khác gì một nam nhi. Nhưng có những lúc lại yên bình cùng bố đi ngắm sao. Mây Hồng cùng các chị được bố dạy về thiên văn và cô bé cũng không quên việc: “Dẫu sao mình cũng là con gái mà?”.
Xem thêm: [Góc review sách] Cuốn theo chiều gió - Số phận con người là sợi dây khó điều khiển nhất
Cuộc sống của Ba áng mây không chỉ dừng lại có thế, nó còn có cả đạn bom, ám ảnh về cái nghèo đói và sự sợ hãi giữa ranh giới sinh tử. Tuy nhiên trên hết đó chính là tinh thần kiên cường, tình cảm gắn kết của những đứa trẻ thời chiến và cả lòng tử tế ở khắp mọi nơi, luôn dang rộng vòng tay đón lũ trẻ cùng với những người tản cư.
Và cuối cùng thứ tình cảm khiến người ta rưng rưng xúc động nhất chính là tình yêu thương vô bờ bến của ông ngoại, của bố mẹ dành cho 3 áng mây bé bỏng. Dù ở đâu, phiêu dạt theo phương trời nào thì tình yêu thương của gia đình dành cho những đứa trẻ vẫn không hề phai nhạt.
Tác phẩm Ba áng mây trôi dạt xứ bèo với lối kể chuyện tự nhiên lôi cuốn. Ở đó tác giả vừa là nhân chứng, vừa là nhân vật chính, cũng là người quan sát tỉnh táo để kể lại.
Cuốn sách rất nhẹ nhàng nhưng chất chứa đầy cảm xúc, khiến người đọc cùng khóc cùng cười với nhân vật. Đồng thời gợi mở góc nhìn từ những thân phận người đã từng trưởng thành trong giai đoạn đặc biệt của đất nước, những nỗi niềm họ chẳng thể nào rũ bỏ được.
“Tôi không phải là một nhà văn hay một nhà sử học, tôi cũng không muốn viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Tôi chỉ kể lại những câu chuyện trong chiến tranh bằng chính những trải nghiệm của mình. Tôi viết cuốn sách này cho các con của tôi, những đứa trẻ sinh ra ở Paris, để chúng biết được về quê hương, về nơi mà mẹ chúng đã từng sống, về những gì mà mẹ chúng đã trải qua“, tác giả Hồng Vân chia sẻ.
Ba áng mây trôi dạt xứ bèo tựa hồ như một câu chuyện cổ tích với thiện ác rõ ràng, tốt thì rất tốt, ác thì ác tới tận cùng. Nhiều chi tiết còn bị gọi là 'nhạy cảm' về lịch sử nhưng đọc thì không có sự hàm ý gì của tác giả cả, chỉ là hồi ức của đứa trẻ trong thân xác của một phụ nữ mà thôi.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận