Cúng trai Tăng và ý nghĩa của việc cúng dường chay Tăng trong đạo Phật
Cúng trai Tăng là pháp tu quen thuộc, phổ biến của các Phật tử tại gia nhằm gieo trồng phước báo cho bản thân và gia đình trong kiếp này cũng như nhiều kiếp sau.
Cúng dường trai Tăng là gì?
Cúng trai Tăng hay còn gọi là cúng dường trai Tăng, cúng Chay Tăng, là cúng bữa ăn thanh tịnh cho chư Tăng thọ dụng. Bạn có thể cúng dường trai Tăng tại nhà hoặc tại chùa, chỉ cần thực hiện đúng chánh pháp, việc làm này sẽ mang đến cho bạn rất nhiều công đức. Trai Tăng đúng chánh pháp gồm ba yếu tố cốt lõi:
- Thứ nhất là thức ăn thanh tịnh.
- Thứ hai là tâm người cúng phải thanh tịnh Không phân biệt Tăng già hay trẻ, thánh hay phàm.
- Thứ ba là bữa ăn không được cúng quá giờ Ngọ.
Hãy luôn nhớ rằng, tâm người cúng quan trọng hơn ngàn vạn tài vật. Một bá cơm cúng trai Tăng bằng tâm trí thanh tịnh, phước đức nhận về gấp ngàn lần những mâm cao cỗ đầy mà tâm bất tịnh.
Phước đức cúng dường trai tăng
Trong Kinh Hiền Ngu có nói: "Di-lặc hỏi chúng Tăng rằng: Nếu có đàn việt thỉnh cầu một Sa-môn trì giới thanh tịnh đến nhà cúng dường. Lợi ích đạt được có bằng người có được ngàn vạn đồng tiền chăng?"
Lúc ấy Trần Kiều Như có nói: "Giả sử có người có được trăm xe châu báu. Phước lợi ấy không bằng thỉnh cầu một Sa-môn giới hạnh thanh tịnh đến nhà mình cúng dường."
Xá-lợi-phất nói: "Giả sử có người có được châu báu đầy trong cả cõi Diêm-phù-đề này. Phước lợi ấy không bằng thỉnh cầu một người giới hạnh thanh tịnh đến nhà mình cúng dường."
Mục-kiền-liên nói: "Cho dù có người có được bảy báu chứa đầy trong hai thế giới. Phước lợi ấy không bằng thỉnh cầu một Sa-môn thanh tịnh đến nhà mình cúng dường."
Các Tỳ kheo còn lại tất cả đều dẫn ra phương pháp thí dụ, so sánh về lợi ích cúng dường trai Tăng. Lúc ấy A-na-luật nói rằng: "Cho dù có được châu báu chứa đầy bốn thế giới. Phước lợi ấy không bằng thỉnh cầu một Sa-môn thanh tịnh đến nhà mình cúng dường. Cúng trai Tăng có được lợi ích thù thắng gấp bội, vì sao như vậy? Bởi vì tôi là người chứng minh điều ấy!"
Có một câu chuyện như thế này. Sau khi Đức Phật Tỳ Bà Thi nhập Niết Bàn. Lúc giáo pháp diệt hết, có một Trưởng giả tên gọi A-Lệ-Tra, nhà nghèo, lại gặp năm đói kém, thóc gạo lương thực không đủ ăn. Hàng ngày ông ta vào núi đốn củi về bán để mua hạt bo bo thay thóc. Lấy đó mà nuôi sống cho cả gia đình.
Một hôm thấy có vị Bích Chi Phật đi khất thực đến trưa mà không được gì. Ông liền thỉnh về nhà mình, lấy cháo bo bo rồi tự mình mang ra cúng dường. Vị Bích Chi Phật nói rằng: "Ông cũng đói khát nên mình cùng nhau chia ra mà ăn".
A-lệ-tra nói: Bọn tôi là phàm tục ăn uống không theo giờ giấc, tôn giả ngày ăn một bữa, mong Ngài thọ nhận cho. Thọ nhận xong, vị ấy cảm động trước lòng chí thành của ông mà phát lời nguyện to lớn.
Khi vị Bích-chi-Phật quay trở về, A-lệ-tra liền quay vào đầm lớn lấy củi. Nhìn thấy một con thỏ trong lùm cây, ông quăng liềm trúng nó rồi vác xác thỏ lên vai mang về. Nào ngờ con thỏ trên vai hóa thành người chết, xác chết ấy liền bám chặt trên lưng ông. Ông tìm mọi cách mà không làm sao khiến cho nó rời ra được. Ông kinh hãi muốn chạy về nhà cùng vợ tách bỏ ra, nhưng sợ người trông thấy bèn đợi trời tối mới về nhà.
Khi vào trong nhà, vật trên vai ông tự rơi xuống đất, biến thành một đống vàng, ánh sáng soi chiếu rực rỡ cả ngôi nhà. Mọi người trong vùng bàn tán xôn xao, tiếng đồn vang tới cung vua. Nhà vua tự mình đến xem, ông liền lấy một ít vàng để dâng tặng nhà vua. Nhà vua hỏi về nguyên do có vàng, A-lệ-tra kể về chuyện cúng dường một vị Bích-chi-Phật. Vua nghe xong liền khen ngợi, lập tức ban thưởng và phong làm Đại Thần.
Các hình thức cúng Trai tăng
- Cúng Trai phạn
Đây là hình thức dâng cúng thực phẩm sạch và cũng được làm ra đúng pháp lên chúng Tăng. Những người Phật tử muốn cúng Trai phạn thì phải tự mình nấu nướng hoặc cũng có thể nhờ chùa nấu nướng rồi bày biện cơm nước lên trai đường. Các chư Tăng Ni sẽ tập trung tại trai đường để Phật tử thực hiện dâng cúng. Nếu chư Tăng đi khất thực, cúng Trai phạn là người Phật tử sẽ chuẩn bị thêm cơm nước. Sau đó đợi chư Tăng đi ngang qua liền kính lễ cúng dường.
- Cúng Trai tăng
Cúng Trai tăng sẽ bao gồm dâng cúng thực phẩm và một số vật dụng thiết yếu khác. Đó có thể là y phục, thuốc men,… thường gọi là tứ sự cho các chư tăng. Ngày nay, cúng Trai tăng sẽ được cúng thực phẩm và một ít tiền mặt. Tiền này có thể để chư tăng tùy ý mua sắm các vật dụng cần thiết.
- Cúng Trai đàn
Hình thức này nghĩa là Phật tử sẽ thiết lập đàn tràng trang nghiêm thanh tịnh. Mục đích là để cầu an cho bản thân cùng gia đình. Hay người nhà sẽ cầu siêu cho thân nhân đã khuất hoặc cầu siêu cho những chúng sinh cô hồn còn lang thang vất vưởng. Những người làm chức vị to sẽ cầu quốc thái dân an, nguyện âm siêu dương thái.
Cúng Trai đàn sẽ cần kinh phí khá lớn cho lễ vật. Chẳng hạn như thiết lập đàn tràng, sắm sửa nhiều vật phẩm, có nhiều lễ tiết trong trai đàn. Hoặc phải thỉnh chư Tăng cúng dường, thỉnh chư vị tôn đức chứng minh, các vị sám chủ. Kể cả những vị kinh sư gia trì, tụng niệm kinh chú,… Việc cúng trai đàn này phải diễn ra trong nhiều ngày, chư Tăng đông, kinh phí lớn,… lễ cúng sẽ cần hội đủ nhiều nhân duyên mới tổ chức được một Trai đàn thành công.
Cúng trai Tăng cho người mất trong 49 ngày
Nếu Phật tử muốn cúng trai Tăng cho người mất trong 49 ngày, nên theo đúng Pháp mà Ngài Địa Tạng Bồ Tát đã dạy trong Kinh Địa Tạng.
“Trưởng giả Ðại Biện chắp tay cung kính mà thưa hỏi Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng: “Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sinh nào sau khi mạng chung, mà hàng quyến thuộc hoặc kẻ lớn người nhỏ, vì người chết đó mà tu các công đức. Cho đến thiết trai cúng dường, làm những phước lành. Thời người chết đó, có đặng lợi ích lớn cùng đặng giải thoát chăng?”
Ðịa Tạng Bồ tát đáp rằng: “Này ông Trưởng giả! Nay tôi vì tất cả chúng sinh trong hiện tại này cùng thuở vị lai sau, nương nơi oai thần của Ðức Phật mà nói lược về việc đó.... Này ông Trưởng giả! Những chúng sinh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe đặng danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ tát hay danh hiệu của một Bích Chi Phật. Thời không luận là có tội cùng không tội đều được giải thoát cả.
Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác. Sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo. Thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần. Còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó."
Bởi vậy, khi chúng ta còn sống nên cố gắng tu hành nghiêm túc để hưởng trọn phần công đức.
Trong 49 ngày sau khi chết, linh hồn con người như câm điếc. Tuy nhiên thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong 49 ngày sẽ luôn luôn trông ngóng thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho. Bởi qua khỏi 49 ngày sẽ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.
Người chết đó nếu là kẻ có tội thì sẽ phải trải qua nghìn năm địa ngục không có ngày nào được thoát khỏi, chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp.
Sau khi những người mang nhiều nghiệp tội chết đi, nếu người thân có làm chay Tăng thì sẽ giúp tạo thêm phước lành cho người chết đó. Nếu trong quá trình cứng dường không thực hiện theo đúng quy tắc, không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó sẽ không được hưởng bất cứ phước đức nào. Nếu thực hiện kỹ lưỡng, giữ gìn tinh sạch mà đem cúng cho Phật cùng chư Tăng, thì trong 7 phần công đức người chết hưởng được 1 phần.
Như vậy có thể thấy, việc cúng trai Tăng cho người chết không chỉ giúp người chết mà còn tạo thêm nhiều phước báu cho cả người sống. Vì thế hãy chí tâm cầu khẩn cúng dường chay Tăng để giúp những linh hồn người mất an vui hơn.
Xem thêm: Buông xả phiền não theo lời Phật dạy: Để tâm bình an chứ không phải là trốn chạy cuộc đời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận