4 bảo vật "đỉnh của chóp" xuất hiện trong lễ đăng quang của vua Khải Định, hiện nay như thế nào?

Trong các triều đại phong kiến của nước ta thời trước, các vị vua mới khi được truyền ngôi ngoài nhận “ngọc tỷ truyền quốc” còn được nhận những bảo vật quý giá khác.

Hoa Nguyễn
17:00 20/10/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vào năm 1916, dưới thời nhà Nguyễn, khi vua Khải Định đăng quang có đến 4 món quốc bảo được truyền lại cho nhà vua mới. Sau khi vua Duy Tân tổ chức binh biến nhằm lật đổ người Pháp nhưng bất thành. Hội đồng Nhiếp chính của triều Nguyễn và Hội đồng Tôn nhơn của Hoàng tộc đã quyết định đưa Phụng Hóa công Bửu Đảo lên ngôi thay thế và nhận được sự chấp thuận của Toàn quyền Đông Dương Ernest Nestor Roume và chính phủ Pháp.

Tiếp nhận 4 vật quốc bảo truyền ngôi

Trong cuốn Vua Khải Định – Hình ảnh và Sự kiện (1916-1925) của tác giả Võ Hương An (NXB Văn hóa – Văn nghệ) đã miêu tả rất chi tiết về lễ đăng quang của vua Khải Định vào sáng ngày 18/5/1916 như sau : Từ tảng sáng ngày 17/5/1916, tức là trước ngày đăng quang một ngày, Bộ Lễ đã đặt một cái bàn sơn vàng ở căn giữa của điện Cần Chánh. Trên đó, bày bốn vật quốc bảo: Ngọc tỷ truyền quốc có khắc chín chữ Đại Nam Thụ thiên Vĩnh mệnh Truyền quốc tỷ được đúc từ thời vua Thiệu Trị, một bộ hoàng bào, một cái hốt bằng ngọc trên có khắc hai chữ Vương mệnh, và cuốn sách bằng vàng có tên là Thánh chế mạng danh Kim sách.

quoc bao 2
Những bảo vật truyền ngôi của triều Nguyễn còn được lưu giữ lại

Vào khoảng tám giờ sáng, tân quân mặc áo rộng màu lục, đội khăn đóng đen, ra điện Cần Chánh để kiểm tra bảo vật trước sự chứng kiến của các vị thượng thư. Sau đó, nhà vua lui về thay lễ phục và các quan cũng rút lui để chuẩn bị cho buổi thượng triều sắp diễn ra. Còn các bảo vật vẫn được trưng bày ngay tại chỗ và canh phòng cẩn mật.

Trước sân điện Cần Chánh, vị vua mới xuất hiện trong áo rộng màu vàng, và đội khăn đóng vàng, hướng về chiếc bàn có bốn quốc bảo lạy năm lạy. Cùng lúc đó, các quan ở ngoài sân cũng hướng vào trong điện lạy năm lạy.

Sau đó, vua quỳ xuống, còn các quan đứng nghiêm tại vị trí. Hai vị đại thần, một văn một võ, bước đến bên cái bàn chia nhau nâng ngọc tỷ, hoàng bào, hốt ngọc quỳ dâng lần lượt lên cho nhà vua. 

quoc bao 3
Vua Khải Định là vị hoàng đế áp chót của triều Nguyễn

Nhà vua đưa hai tay tiếp nhận, nâng lên ngang trán, xá một cái, xong đưa lại cho các quan để trả về vị trí cũ. Sau đó, một vị quan của Nội các tiến đến bên bàn, mở tráp sơn son thếp vàng, lấy Kim sách ra, mang đến quỳ dâng trước vua. Ông lần giở Kim sách, tới trang kê 20 chữ viết với bộ “nhật”, theo thứ tự, tìm đến chữ thứ chín (chữ Tuấn), đó là tên mới của vua. Xong, Kim sách được cho vào tráp và khóa lại. Bấy giờ, nhà vua tiến đến trước bàn, vái ba vái lễ tạ, dấu hiệu cho buổi nhận lễ kết thúc.

Nghi lễ đăng quang và đóng dấu đầu tiên vào ân chiếu

Theo cuốn sách của tác giả Võ Hương An, trong ngày 18/5/1916, triều đình mở tiệc thiết đãi triều nghi tại điện Thái Hòa để chính thức làm lễ đăng quang cho vua Khải Định.

quoc bao 4
Vua Khải Định chụp ảnh cùng quần thần trong ngày đầu lên ngôi

Mọi việc do Bộ lễ chủ trì, sắp xếp với sự tham gia của các bộ liên hệ. Sau nghi lễ rước vua ra điện Thái Hòa, và các nghi lễ vái lạy phức tạp, một vị quan sẽ đọc Hạ biểu (một hình thức diễn văn chúc mừng của triều đình và thần dân đối với nhà vua nhân lễ đăng quang). Sau đó, các quan phụ trách lui về vị trí cũ.

Lúc đó, một viên quan thuộc Bộ Lại bước ra khỏi hàng, quỳ trên lối đi ở giữa, hướng vào điện hô lớn: “Thỉnh dụng ngọc tỷ!” (kính mời dùng ấn ngọc). Ở trong điện, có hai viên quan Nội các trực sẵn, bước đến cái bàn có ngọc tỷ, mở tráp lấy ngọc tỷ in vào hộp son rồi đóng vào ân chiếu.

quoc bao 6
Vua Khải Định đi xe cùng các viên quan Pháp

Ân chiếu này là một tuyên cáo về việc lên ngôi của vua, và công bố niên hiệu mới – Khải Định – cho thần dân được rõ. Sau lễ đóng ngọc tỷ, lễ đăng quang được hoàn tất. Quan Bộ Lại sẽ mang các bản phó ân chiếu đến đóng ngọc tỷ rồi mới gửi đi mỗi tỉnh (mỗi tỉnh một bản) để bố cáo cho toàn dân biết một triều đại mới bắt đầu.

Xem thêm: Ngắm nhìn lại "thiên đường" Sầm Sơn của thế kỷ 20 qua những bưu ảnh cũ: Cảnh đẹp nên thơ, biệt thự Pháp mọc san sát

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận