Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm văn học kỳ I lớp 12: Đề thi rất hay hỏi
Nhan đề không đơn thuần là tiêu đề mở đầu mà còn chất chứa nhiều ý nghĩa sâu xa thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Nhan đề của các tác phẩm văn học cũng được những người ra đề thường xuyên sử dụng cho các bộ câu hỏi trong các đề thi kiểm tra học kỳ, thi tốt nghiệp. Dưới đây là ý nghĩa nhan đề của các tác phẩm văn học trong kỳ I lớp 12:
TÂY TIẾN
Nhan đề cô đọng và không bị lộ mạch cảm xúc ngay từ đầu. Nó cũng tạo cho ta có cảm giác tác giả sống thực với đất và người Tây Tiến. Mặt khác hai chữ "Tây Tiến" còn gợi lên một tư thế hiên ngang, chủ động. Nhan đề gợi về một thời chiến đấu gian khổ với hình tượng chân dung người lính Tây Tiến - những người anh hùng với vẻ đẹp hào hùng và rất đỗi hào hòa.
VIỆT BẮC
Gợi nhắc những sự kiện, những kỷ niệm của một thời kỳ kháng chiến gian khổ mà hào hùng, lạc quan cùng những nghĩa tình sâu nặng giữa nhân dân với cách mạng và kháng chiến ở Việt Bắc. Đồng thời, đó là lời nhắn nhủ của nhà thơ rằng: Hãy nhớ mãi và truyền thống quý báu anh hùng bất khuất, ân tình thủy chung của cách mạng, con người Việt Nam.
ĐẤT NƯỚC
Nhan đề bài thơ đề cập đến hình tượng trung tâm xuất hiện xuyên suốt đoạn thơ, đó là hình tượng Đất Nước gắn với những cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm. Từ "Đất Nước" được viết hoa như tên riêng chứ không phải là một khái niệm trừu tượng, xa vời. Điều đó thể hiện tư tưởng: Đất Nước là của Nhân dân và Nhân dân là người làm ra Đất Nước. Đồng thời, thể hiện sự tôn kính, ngợi ca khi nói về Đất Nước của nhà thơ.
SÓNG
Sóng không chỉ là yếu tố tự nhiên được cấu thành mà còn là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của nhân vật trữ tình. Xuân Quỳnh đã khéo léo mượn hình ảnh "Sóng" để thể hiện cảm xúc, cung bậc tình cảm của trái tim khát khao yêu thương. Nổi bật trong bài thơ là vẻ đẹp tâm hồn thiết tha nồng hậu và niềm khao khát của người phụ nữ về một tình yêu thủy chung, bất diệt.
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ
Nhan đề "Người lái đò sông Đà" gợi đến hình ảnh ông lái đò - một người thường xuyên đi lại trên sông nước. Ông lái đò là người lao động bình thường, vừa là người nghệ sĩ tài hoa, người có thể chinh phục và thuần hóa dòng sông Đà vốn rất hung dữ. Nhan đề nhấn mạnh vẻ đẹp, sức mạnh chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp của những con người lao động vùng Tây Bắc hiểm trở, hùng vĩ.
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG
Nhan đề "Ai đã đặt tên cho dòng sông" đã dẫn người đọc đến với cội nguồn tên gọi của dòng sông Hương thơ mộng. Lấy tên nhan đề cho bài bất kỳ dưới hình thức của một câu hỏi nhằm mục đích dẫn dắt, gợi mở người đọc về nguồn gốc tên gọi của dòng sông, nói lên những khát vọng niềm tự hào của con người khi muốn mở mang cái đẹp, tiếng thơm để gây dựng, vun đắp cho văn hóa, lịch sử xứ Huế.
Xem thêm:
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận