Viết về những lần "chạy trốn" trong văn chương

Ở trong văn chương, chúng ta bắt gặp rất nhiều lần chạy trốn. Đó là cảnh Mị và A Phủ chạy khỏi đêm đen Hồng Ngài; đó là tình khoảnh khắc chị Dậu chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen... 

Đỗ Thu Nga
10:00 05/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Chúng ta có xu hướng chạy trốn khỏi đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, nếu bạn chưa đau khổ, bạn sẽ không có cơ hội trải nghiệm hạnh phúc thực sự". Ông khẳng định "Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường". Thật ra có lúc giữa cuộc sống xô bồ, vội vã và quá nhiều trăn trở này, tấm lòng và khát vọng, can đảm và ý chí trong mỗi con người cũng đôi khi gầy guộc héo mòn dần đi. Nó giống như muôn vàn khoảnh khắc Mị thấy mình bất lực trước thực tại tàn nhẫn, bất cam và không hề nghĩ về cách trốn chạy. Muôn vàn khoảnh khắc ấy dồn tụ lại, tích đọng thành chuỗi ngày sống như đang tồn tại, lê từng bước nặng nhọc về phía trước. Nhớ về Mị khi ấy, ta nhận ra trước khi cô chọn lựa trốn chạy cùng A Phủ giữa đêm đông Hồng Ngài, cô đã từng trỗi dậy rồi cam chịu, trỗi dậy rồi bất lực biết bao lần. Nhưng tuyệt nhiên, cô chưa nghĩ đến việc trốn chạy khỏi nhà thống lý Pá Tra, cho đến khi nhìn nhận một quãng đường dài, nhìn bước chân mạnh mẽ của A Phủ trước khoảng trời tự do. 

Mị đã từng muốn kết thúc cuộc đời mình trước mặt bố, đem trái tim chân thành đầy vết xước một lòng muốn nó ngừng đập, nhưng lần trốn chạy đó, lại là chọn trốn chạy cuộc sống bất như ý của mình. Chính vì muốn sống cho ra sống nên mới không cam lòng tồn tại tiếp một cách bất lực như vậy. Trốn chạy khỏi sự sống, lại là trốn chạy khỏi cảm giác bất lực của mình, lại là khát sống đến tận cùng. Mị vừa trốn chạy, nhưng cũng vừa đối diện trước bao nhiêu tàn nhẫn; vừa hiểu rõ, nhưng cũng vừa không chấp nhận cam tâm trước bao nhiêu thấu hiểu của mình. 

Mị cũng từng muốn trốn chạy khỏi căn buồng tối tăm để lao ra đêm xuân ngập tràn ánh lửa, để đi về miền tuổi trẻ tươi xanh gọi mời bởi tiếng sáo. Trốn chạy khỏi bóng tối tù đọng khi thắp lên ngọn đèn leo lét cho mình; trốn chạy khỏi thực tại khi rượu say đưa cô về chuyện vui ngày cũ. Mị vừa trốn chạy khỏi kiếp giam hãm đáng sợ bằng việc muốn sống cùng kí ức, nhưng Mị cũng vừa can đảm đối mặt với hiện tại để "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho...". Cảm thức trong Mị vừa là trốn chạy, nhưng cũng vừa là đối mặt; vừa là can đảm nhìn thấu, nhưng cũng vừa không nỡ nhìn bản thân phải sống một cuộc đời đã nhìn thấu ấy. 

"Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường". Lần trốn chạy cuối cùng của Mị, lại là lần trốn chạy can đảm nhất; cũng là lần đối diện mạnh mẽ nhất. Vừa trốn chạy nhưng cũng vừa đối diện, những cảm giác ấy đã thôi thúc Mị hành động rõ cho bản thân mình ở hiện tại và tương lai. Nhìn cách Mị đã sống tiếp, đã chọn "khổ tận cam lai", ta lại nghĩ về những cuộc chạy trốn trong đời một con người, mới thấy rằng cần nhẫn nại và quyết liệt trước muôn vàn sóng gió ngoài kia.

HÀNH ĐỘNG MỊ CHẠY THEO A PHỦ TRONG "VỢ CHỒNG A PHỦ"

Dẫn: “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm được trích từ tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Tập truyện đã được tặng giải Nhất, giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 – 1955. Trong đó, “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn hay viết về một sự đổi đời kì diệu. Xoay quanh hai nhân vật chính là Mị và A Phủ, Tô Hoài đã khắc họa hai chặng đường hoàn toàn đối lập. Chặng đường đầu tiên là những ngày ở Hồng Ngài, Mị và Phủ - hai con người xinh tươi, giỏi giang phải cam cảnh nô lệ ê chề. Chặng đường thứ hai là ở Phiềng Sa, Mị và A Phủ đã vùng lên từ bóng đêm của cường quyền, thần quyền để đến với ánh sáng của tự do. Sự kiện đánh dấu bước chuyển biến giữa hai chặng đường chính là hành động Mị cắt dây cởi trói và chạy theo A Phủ.

Luận: Hành động Mị chạy theo A Phủ trước nhất chính là hành động Mị chạy khỏi những áp bức, đày đọa của đời mình. Cuộc đời của Mị những ngày tháng ở Hồng Ngài gồm hai giai đoạn chính: trước khi làm dâu và sau khi làm dâu nhà thống lý Pá Tra. Trước khi bị bắt về cái gia đình đã giết chết tuổi xuân của mình, Mị là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, tài năng, yêu lao động lại hiếu thảo với cha mẹ. Mị cũng có tình yêu như bao người, cũng được bao kẻ say mê, theo đuổi “con trai đến đứng nhẵn cả vách đầu giường nhà Mị”. Tô Hoài đã miêu tả tài năng thổi sáo của Mị như sau “Mị thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người say mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Đứng trước món nợ của bố, Mị nhận lấy trách nhiệm của người con, thà là vất vả lao động “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố” còn hơn phải trở thành con dâu gạt nợ “Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Thế nhưng số phận bi kịch đã không nhún nhường và buông tha cho Mị. Mị bị bắt và trở thành con dâu gạt nợ. Mị bị bắt đem cúng “trình ma” nhà thống lý. Từ đó, đoạn đời vui vẻ của Mị đặt một dấu chấm kết thúc để bắt đầu thân phận của con người lao động mịt mờ không lối thoát. Trước món nợ truyền kiếp và sự áp chế của thần quyền – Mị nghĩ rằng đã cúng “trình ma” thì mình chỉ còn biết làm thân trâu ngựa cho đến ngày chết rũ xương ở đấy mà thôi – Mị hoàn toàn tê liệt về thể xác lẫn tinh thần “Mỗi ngày Mị càng không nói, cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Vì thế, mở đầu tác phẩm, tác giả đã vẽ nên hình ảnh bi thương cùng quẫn của kiếp người: “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước suối dưới khe lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.” Cuộc đời A Phủ cũng như vậy, từ một, cũng là nạn nhân của cường quyền, thần quyền và chính sách cho vay nặng lãi của bọn chủ nô phong kiến miền núi. Trước khi trở thành con ở nhà thống lý, A Phủ tuy có xuất thân bất hành “không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc” nhưng vẫn là chàng trai yêu đời và có nhiều phẩm chất tốt đẹp. A Phủ là chàng trai tự do của núi rừng, yêu lao động, tự do, giỏi giang “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và săn bò tót rất bạo”. A Phủ còn là niềm khát khao của bao cô gái trong làng “Lấy được A Phủ là bằng được con trâu tốt trong nhà”. Vì tội đánh con quan – A Sử mà A Phủ từ đứa con của núi rừng trở thành kẻ nô lệ với bản án chung thân “đời mày, đời con mày, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ trả hết nợ mới thôi”. Hai con người tươi trẻ giờ trở thành hai kẻ cùng khổ, số phận họ bị quyết định bởi bàn tay tàn bạo của thống lý Pá Tra.

viet-ve-nhung-lan-chay-tron-trong-van-chuong-9

Những ngày tháng làm nô lệ ở nơi địa ngục trần gian, Mị tưởng chừng không lối thoát nhưng cuối cùng, chính sức sống tiềm tàng bên trong đã khiến Mị hành động. Quá khứ thì tươi đẹp. Hiện tại thì nhục nhã ê chề. Còn tương lai sẽ ra sao? Đêm tình mùa xuân đã khe khẽ nhen nhóm nhận thức bên trong Mị để đến đêm mùa đông, Mị quyết định cắt dây cởi trói của A Phủ. Chỉ vì để con hổ ăn mất bò mà chàng phải chịu cảnh trói đứng, gần như phải dùng mạng sống của mình thay thế. A Phủ bị bắt trói đứng ngoài sân nhiều đêm nhiều. Một cuộc vượt ngục âm thầm diễn ra, hai con người nô lệ giờ dìu dắt nhau để thoát khỏi cảnh tù đày. Hành động cắt dây thể hiện sự can đảm tuyệt đối. Mị trân trọng giá trị con người, mạng sống con người. Lòng thương người tỉnh thức là cơ sở để Mị phát triển thành lòng thương mình, xót thương cho số phận đau thương mà bấy lâu nay cô âm thầm chấp nhận. Mị sẽ không còn phải chịu cảnh “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa” hay bị A Sử “xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà nữa”… Mị cũng sẽ không còn phải vay mượn men rượu, vay mượn tiếng sáo để sống lại những ngày tự do trước nữa bởi phía trước cô chính là cuộc đời mới, là con đường mới.

Bên cạnh đó, hành động Mị chạy theo A Phủ còn là hành động Mị hiện thực hóa khát vọng tự do, đến với ánh sáng cách mạng. Có thể nói đây là giá trị nhân đạo mới mẻ trong ngòi bút Tô Hoài nói riêng và ngòi bút các nhà văn sau cách mạng nói chung. Lí tưởng thời đại đã thay đổi, con người đã tìm ra lối thoát tinh thần của mình. Nếu như trước cách mạng, các nhân vật thường rơi vào bế tắc, vào bi kịch thì sau cách mạng, họ đến được với sự giải phóng, với ánh sáng tự do. Ta thấy cái kết của nhân vật Chí Phèo hay chị Dậu hoàn toàn đối lập với cái kết của Mị, của A Phủ. Cắt dây cởi trói cho A Phủ, Mị đã từng nghĩ đến viễn cảnh phải thay thế mạng sống mình nhưng cuối cùng, vượt qua bóng ma thần quyền và sự áp chế của cường quyền, vượt qua nỗi sợ đã gặm nhấm thể xác và tinh thần, Mị đã chạy theo A Phủ. Bước chân của Mị là bước chân đạp đổ hiện thực “A Phủ cho tôi đi! Ở đây thì chết mất”. Cuối cùng, cô Mị sau bao năm vô cảm, lùi lũi, trơ trơ cũng đã đối diện với nỗi sợ của mình. Mị đã hồi sinh trở lại từ sự chết dần chết mòn những ngày tháng qua. Cô đã vùng lên đấu tranh, ngọn lửa sức sống âm thầm nhưng mạnh mẽ, kết tinh thành hành động táo bạo, dứt khoát. Chính dòng nước mắt bò xuống hai hõm má xám đen lại kia đã đen đến sự hồi sinh cho Mị - một sự hồi sinh kì diệu. Thế là từ đây, Mị kết thúc cuộc đời cuộc đời con dâu gạt nợ, A Phủ kết thúc kiếp nô lệ tôi đòi. Họ dìu dắt nhau từ bóng đêm lầm than, từ áp bức của cường quyền và thần quyền để đến vùng đất Phiềng Sa – vùng đất hứa hẹn niềm tin, tự do và hạnh phúc.

Kết: Đây là hành động đã khép lại những tháng ngày quẩn quanh, bế tắc của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài. Tô Hoài bằng tài năng của mình đã xây dựng tác phẩm thành công trên nhiều phương diện: đề tài, kết cấu, nhân vật… Do đó, “Vợ chồng A Phủ” trở thành một tác phẩm tiêu biểu viết về sự trỗi dậy của thân phận con người, cụ thể ở đây là người dân vùng cao dưới ách thống trị của bọn thực dân nửa phong kiến.

CHỊ DẬU VÙNG CHẠY RA NGOÀI GIỮA LÚC TRỜI TỐI ĐEN

Tác phẩm "Tắt đèn" kết thúc bằng câu: "Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị". Bóng tối ấy, sự trốn chạy ấy ẩn chứa bi kịch và và lòng can đảm; sự trong sạch và nỗi khốn khổ bất lực biết bao...

Ngô Tất Tố là nhà văn xuất sắc trong dòng văn học hiện thực 1930-1945. Viết về nạn sưu thuế dã man đã bần cùng hóa nhân dân ta, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tiểu thuyết “Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là một thành công đặc sắc. Nhân vật chị Dậu đã được khắc họa thành một nhân vật điển hình về người phụ nữ nông dân trong xã hội cũ.

Bình luận về tác phẩm “Tắt đèn”, nhà văn Nguyễn Tuân có nhận xét vé nhân vật chị Dậu như sau: “Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”.

Nhận xét của Nguyễn Tuân rất sắc sảo. Ông chỉ ra giá trị hiện thực của “Tắt đèn” một tác phẩm đã phản ánh sự đen tối lầm than của nông thôn Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, đồng thời khẳng định thành công của Ngô Tất Tố khắc hoạ nhân vật chị Dậu “một chân dung lạc quan ”hiện lên giữa “cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa " ấy. Chị Dậu có bao phẩm chất tốt đẹp: nghèo khổ mà phẩm giá trong sạch, thương chồng thương con, đảm đang tháo vát, dũng cảm chống lại bọn cường hào.. “Bản chất của nhân vật chị Dậu rất khóe, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra..”.

viet-ve-nhung-lan-chay-tron-trong-van-chuong-6

“Cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa" được nói đến trong “Tắt đèn” là làng Đông Xá giữa mùa sưu thuế. Tiếng trống ngũ liên, tiếng tù và, tiếng mõ đốc sưu nổi lên suốt đêm ngày nghe rất rùng rợn, cổng làng bị bọn cường hào đóng chặt để tróc sưu. Bọn cai lệ, bọn tay chân lí trưởng với roi song, tay thước, dây thừng, nghênh ngang đi lại ngoài đường thét bắt trói kẻ thiếu sưu. Lý trưởng làng Đông Xá ra lệnh cho lũ tay chân: "Tha hồ đánh! Tha hồ trói! Thằng nào bướng bỉnh đánh chết vô tội vạ! Anh Dậu vì tội thiếu sưu mà bị bọn cường hào “bắt trói như trói chó để giết thịt!’’. Em trai anh Dậu chết từ năm ngoái nhưng anh Dậu vẫn phải nộp thay vì “Chết cũng không trốn được sưu Nhà nước!”. Có biết bao gia đình nông dân nghèo khổ bị điêu đứng, bị bắt đánh trói dã man! Chị Dậu phải bán khoai, bán ổ chó, bán đứa con gái đầu lòng lên 7 tuổi cho Nghị Quế. Chị phải đi ở vú... để kiếm đủ số tiền trang trải hai suất sưu cho chồng và đứa em chồng đã chết! Có thể nói “Tắt đèn” là bức tranh chân thực về xã hội nông thôn đen tối trước cách mạng, đồng thời là bản án đanh thép đối với cái xã hội ấy. Đọc “Tắt đèn”, ta rùng mình cảm thấy“cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa ” như Tố Hữu đã viết:

“Nửa đêm thuế thúc trống dồn,

Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy... ”

(30 năm đời ta có Đảng)

Giữa cái xã hội đen tối, hãi hùng ấy đã “Hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”. Ngô Tất Tố không chỉ thấu hiểu đời sống nông thôn mà còn có tình cảm gắn bó với những người dân cày lam lũ, nghèo khổ. Ông đã dành cho nhân vật chị Dậu sự đồng cảm, xót thương và quý trọng. Ông đã viết nên những lời tốt đẹp nhất về cái chân dung lạc quan của chị Dậu. Chị Dậu cần cù chịu khó làm ăn "đầu tắt mặt tối” thế mà "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Tai họa dồn dập: hai cái tang mẹ chồng và em chồng, rồi anh Dậu bị ốm nặng kéo dài mấy tháng trời, gia đình chị trở thành “cùng đinh”. Thiếu sưu, chồng bị bắt, bị đánh trói dã man. Một nách ba đứa con thơ, trong nhà không còn một hột gạo, chị Dậu tất tả ngược xuôi tìm mọi cách để cứu chồng. Chị đã phải bán gánh khoai, bán ổ chó, đứt ruột bán cái Tí lên 7 tuổi cho mụ Nghị, mới trả đủ một suất sưu cho chồng! Chị còn phải đi ở vú để trang trải “món nợ Nhà nước” cho đứa em chồng đã chết. Trước mọi tai họa, chị đã vững vàng chống đỡ.

Trong cảnh “Tức nước vỡ bờ”, “cái chân dung lạc quan của chị Dậu” đã tỏa sáng. Chị nấu cháo, lấy quạt quạt cho cháo chóng nguội, ân cần mời chồng, an ủi chồng đang ốm “rề rề” ăn cháo. Trước sự chửi mắng và thái độ hách dịch côn đồ của tên cai lệ, chị đã nhún mình van xin “tha cho chồng”... Nhưng khi bị tên cai lệ “ bịch vào ngực”, “tát đánh bốp vào mặt”, anh Dậu sắp bị trói, chị Dậu đã “nghiến hai hàm răng” thách thức: "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Với quyết tâm bảo vệ chồng, với sức mạnh và lòng dũng cảm, chị Dậu đã đánh ngã nhào hai tên côn đồ độc ác, những kẻ "hút nhiều xái cũ”. Chị căm giận phủ định mọi thế lực tàn ác của chính quyền thực dân. Chị nói với chồng sau khi đã trừng trị lũ đầu trâu mặt ngựa: “Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được... ”. Cái chân dung chị Dậu "lạc quan” lắm chứ! Đẹp lắm chứ!

Đói cho sạch, rách cho thơm. Đọc “Tắt đèn ”, ta khâm phục trước phẩm cách trong sạch của chị Dậu. Chị Dậu đã “vứt toẹt nắm bạc” vào mặt tên Tri phủ Tư Ân khi hắn giở trò chó má! Chị cũng đã đẩy cụ cố Thượng ra, khi lão già ôm lấy chị... Bạo lực, tù đày, chị không sợ. Tiền bạc không mua chuộc được người đàn bà nhà quê này! Trong đêm tối như mực, ta thấy “hiện lên một cái chân dung lạc quan của chi Dậu ”.

Có người cho rằng chị Dậu manh động! Lại có ý kiến cho rằng cái kết của Tắt đèn nhuốm màu bi quan? Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát hiện ra "Bản chất của chị Dậu rất khoẻ, cứ thấy lăn xà vào bóng tối mà phá ra ". Đó là một ý rất hay, rất đặc sắc.

Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Xóm làng đã "ngói hoá”. Ánh điện đã toả sáng nhiều xóm thôn. Những cái Tí đã được cắp sách đến trường. Đọc “Tắt đèn “là một dịp để mọi người “ôn cũ biết mới”. Ta càng thấy cái tâm và cái tài của Ngô Tất Tố khi ông miêu tả bức chân dung lạc quan của chị Dậu.

Cuối cùng, "khi đọc Tắt đèn, người đọc còn cảm thấy khâm phục trước sự thanh cao, giữ gìn phẩm giá trong sạch của Chị Dậu. Chị đã vứt toẹt nắm bạc vào mặt tên Tri phủ Tư Ân khi hắn giở trò chó má với chị. Rồi đến cụ Cố Thượng, chị đã đẩy lão ra khi hắn ôm lấy chị. Có thể thấy, người phụ nữ ấy, bạo lực, tù đày cũng không sợ. Trong hoàn cảnh đói khổ nhất, tiền bạc cũng không mua nổi chị. Trong cái xã hội đen tối ấy, chân dung chị Dậu hiện lên thật sự lạc quan, đẹp đẽ biết bao". Vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen, chị Dậu ngập trong bóng tối, nhưng tâm hồn lại sống giữa bao ánh sáng cao quý vô ngần.

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Bài văn đạt điểm 10 tuyệt đối về tác phẩm "Vợ chồng A Phủ"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận