Vẻ đẹp của mùa xuân Tây Bắc và sức sống tiềm tàng của Mị

"Thay thế cho muôn ngàn cánh hoa đào, hoa mơ rực rỡ, những chiếc váy hoa của người con gái miền Tây Bắc đã mở ra một không gian thoáng đãng, một vẻ đẹp nên thơ đầy màu sắc, nhờ đó gợi được không khí náo nức và tươi tắn của mùa xuân".

Đỗ Thu Nga
12:00 08/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán; thấu hiểu tâm hồn và tính cách đồng bào vùng cao Tây Bắc; nhà văn Tô Hoài đã có những trang văn đặc sắc viết về phong vị dân tộc với một văn phong giàu chất tạo hình và thấm đẫm chất thơ. Vẻ đẹp của mùa xuân Tây Bắc là một trong những trang văn hay nhất, gợi cảm nhất mà Tô Hoài đã thể hiện trong tác phẩm. Đặc biệt, thông qua không gian lễ hội mùa xuân, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị được khơi dậy, bừng thức như hòn than dưới lớp tro tàn, vẫn còn nóng hổi dù trải qua bao nhiêu lớp lớp dập vùi. Nhờ đó, vẻ đẹp của mùa xuân Tây Bắc vừa làm nền cho một tâm hồn bừng thức đi tìm lẽ sống ở đời, một tính cách sống động với nhiều cảm xúc đan xen; vừa trở thành một nhân vật có tính phụ họa cho khát vọng nhân văn, niềm yêu đời thiết tha, hướng đến tự do và hạnh phúc của Mị.

ve-dep-cua-mua-xuan-tay-bac-va-suc-song-tiem-tang-cua-mi
Mùa xuân Tây Bắc (ảnh minh họa)

Có lẽ kế thừa quá trình sáng tạo của nhiều nhà văn trên thế giới, nhất là các tác giả Á Đông thường mượn thiên nhiên làm nền cho cuộc sống con người, trước khi để cho hình tượng nhân vật Mị với một sức sống tiềm tàng mãnh liệt bừng thức trở dậy, thoát khỏi kiếp sống tù đày, dám "vượt ngục" để là chính mình, Tô Hoài đã dựng lên cả một bức tranh mùa xuân Tây Bắc thật đẹp và thơ mộng. Không thêu dệt bằng bút pháp lãng mạn thái quá, chính hiện thực sống động và sự am hiểu tường tận cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc đã giúp cho nhà văn có cái nhìn sắc sảo về thời gian và không gian của ngày Tết ở Hồng Ngài, nơi Mị trở thành con dâu gạt nợ của gia đình thống lí Pá Tra. Không có cảnh hoa đào khoe sắc, lộc non mơn mởn gọi mùa, đồng bào dân tộc Mèo đón xuân khi thời tiết vẫn còn rét mướt và lạnh lẽo. Tất cả đều thuận theo tự nhiên, khi mùa vụ đã xong, gặt hái đã hết, đấy là lúc bản làng bắt đầu vui xuân đón Tết. Vì vậy, bức tranh thiên nhiên mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài được nhà văn miêu tả có cảm tưởng như cái rét lạnh của buổi đông về: "Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội." Có điều, ăn Tết như thế là đúng dịp "trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho"; nghĩa là đồng bào miền Tây Bắc ăn Tết không nhất định theo ngày tháng cụ thể của lịch, "cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày tháng nào".

Những câu chữ viết về mùa xuân Tây Bắc giàu chất thơ nhất có lẽ là khi tác giả miêu tả những đêm tình mùa xuân của nam thanh nữ tú. Tiếng sáo thổi dìu dặt gọi bạn đi chơi với âm thanh ngân vang, khi gần khi xa làm cho lòng người càng thêm bổi hổi. Tiếng sáo đó được cất lên thành lời khơi gợi biết bao nhiêu say đắm, mộng mơ: "Mày có con trai con gái rồi/ Mày đi làm nương/ Ta không có con trai con gái/ Ta đi tìm người yêu". Những đêm tình nồng nàn, mê đắm ấy chính là chất liệu làm nên những trang văn đầy chất thơ của Vợ chồng A Phủ, khiến cho ngòi bút Tô Hoài có được sức hấp dẫn lâu bền trong lòng người đọc. Ngoài ra, bằng sự am tường sâu sắc của một nhà văn giỏi quan sát, cảnh vật và con người với những phong tục, tập quán của đồng bào Tây Bắc được hiện lên trong bức tranh mùa xuân thật đa dạng, từ khung cảnh cúng ma đến bữa rượu bên bếp lửa hồng ấm áp: "Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa.

Những câu chữ viết về mùa xuân Tây Bắc giàu chất thơ nhất có lẽ là khi tác giả miêu tả những đêm tình mùa xuân của nam thanh nữ tú. Tiếng sáo thổi dìu dặt gọi bạn đi chơi với âm thanh ngân vang, khi gần khi xa làm cho lòng người càng thêm bổi hổi. Tiếng sáo đó được cất lên thành lời khơi gợi biết bao nhiêu say đắm, mộng mơ: "Mày có con trai con gái rồi/ Mày đi làm nương/ Ta không có con trai con gái/ Ta đi tìm người yêu". Những đêm tình nồng nàn, mê đắm ấy chính là chất liệu làm nên những trang văn đầy chất thơ của Vợ chồng A Phủ, khiến cho ngòi bút Tô Hoài có được sức hấp dẫn lâu bền trong lòng người đọc. Ngoài ra, bằng sự am tường sâu sắc của một nhà văn giỏi quan sát, cảnh vật và con người với những phong tục, tập quán của đồng bào Tây Bắc được hiện lên trong bức tranh mùa xuân thật đa dạng, từ khung cảnh cúng ma đến bữa rượu bên bếp lửa hồng ấm áp: "Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa".

ve-dep-cua-mua-xuan-tay-bac-va-suc-song-tiem-tang-cua-mi

Bù lại cho cái rét lạnh của không gian ngày Tết, bức tranh mùa xuân miền Tây Bắc vẫn trở nên sống động khác thường nhờ vào sinh hoạt của con người. Nhà văn Tô Hoài, bằng sự quan sát tinh tế, cái nhìn tràn đầy yêu mến với cảnh vật và con người nơi đây mới có những trang văn khá thi vị về những nét sinh hoạt độc đáo. Hình ảnh "những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ" là một tín hiệu đầu tiên về cảnh sắc buổi xuân về. Thay thế cho muôn ngàn cánh hoa đào, hoa mơ rực rỡ, những chiếc váy hoa của người con gái miền Tây Bắc đã mở ra một không gian thoáng đãng, một vẻ đẹp nên thơ đầy màu sắc, nhờ đó gợi được không khí náo nức và tươi tắn của mùa xuân. Hoạt động của con người dường như đánh thức mùa xuân dậy sớm để chiều theo lòng mình, dù thiên nhiên vẫn chưa sẵn sàng đón nhận. Ngòi bút tác giả quay thật chậm khung cảnh chuẩn bị đón Tết của đồng bào cũng đủ gợi ra cái không khí vui tươi phấn khởi: "Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi khèn và nhảy." Trẻ con vui đùa với trò chơi quay, cười ầm vang khắp sân nhà thật náo động. Con trai, con gái thì "chơi đánh pao, đanh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi". Đặc biệt, âm thanh tiếng sáo gọi bạn đầu làng bắt đầu trỗi dậy báo hiệu một mùa Tết đến. Dưới ngòi bút Tô Hoài, bức tranh mùa xuân miền Tây Bắc hiện lên đậm nét không biểu lộ nhiều qua cảnh sắc thiên nhiên mà tập trung vào sinh hoạt của con người. Nhìn tổng thể, từ sắc màu rực rỡ đến âm thanh vang động núi rừng, tất cả vẫn xuất phát chủ yếu từ hoạt động của con người. Hương vị của mùa xuân Tây Bắc thấm đẫm một không khí tươi vui hiếm có, bởi do con người kiến tạo mà nên.

Quả vậy, đọc Vợ chồng A Phủ, nhất là trích đoạn kể lại cuộc đời Mị và A Phủ khi ở Hồng Ngài, nhà văn Tô Hoài đã mang đến cho bạn đọc một thế giới Tây Bắc lung linh, kỳ diệu, nhất là bức tranh mùa xuân đầy mê đắm, nên thơ, ẩn giấu trong ấy là hình tượng người thiếu phụ xinh đẹp, tài hoa u sầu cho kiếp đời trâu ngựa của mình. Có lẽ tiếp nối triết lí "tài mệnh tương đố" trong văn chương trung đại, Tô Hoài đã bổ sung thêm một hình mẫu về sự tài hoa bạc phận của văn chương hiện đại chăng? Những trang văn giàu chất hiện thực và lãng mạn ấy xoay quanh thân phận của nhân vật Mị trước và trong đêm mùa xuân về là một thử thách lớn đối với bút lực Tô Hoài. Nhưng không, tác giả của Dế Mèn phiêu lưu ký đã thành công một cách ngoạn mục, giúp người đọc thấy được sức sống tiềm tàng mãnh liệt của một kiếp đời tưởng chừng như chết đi trong cái chốn ngục tù của bọn chúa đất phong kiến miền núi ấy lại được hồi sinh, mang đầy vẻ xuân tình rạo rực.

Ngay từ tráng sách đầu tiên của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, tác giả miêu tả hình ảnh một cô Mị lầm lũi, cô đơn, làm lụng tất bật suốt ngày đêm nơi xó bếp của nhà thống lí Pá Tra. Đoạn văn từ đầu truyện ấy đã bắt đầu mang âm hưởng của một giọng kể u buồn mênh mang về thân phận của người phụ nữ bé mọn: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Một đoạn văn miêu tả ngắn nhưng đủ bao quát cho người đọc nhận ra một số phận hẩm hiu, cay đắng. Ban đầu, người đọc bàng hoàng không biết tại sao trong nhà thống lí Pá Tra giàu có mà cô con gái kia lại mang nét mặt khổ sầu đến vậy? Hóa ra không phải, cô ấy là con dâu gạt nợ của nhà Pá Tra mà thôi. Chỉ vì món nợ truyền kiếp của mẹ cha để lại, Mị đành cam chịu cảnh bán mình để cứu nạn cho cha. Đau đớn và tủi nhục, người phụ nữ tài hoa nhan sắc kia có lúc uất ức quá chịu không nổi nên lén về nhà gặp cha lần cuối để rồi tự tử bằng nắm lá ngón giấu sẵn trong người. Nhưng vì thương cha sẽ chịu nhiều cơ cực, món nợ kia lại phải tiếp tục đeo vào cổ nên Mị không đành lòng chết được, tiếp tục quay về chịu kiếp ngựa trâu. Kiếp ngựa trâu còn làm việc có lúc, "đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái trong nhà này thì vùi vào việc làm suốt cả ngày".

Cơ cực về thân xác đã đành, tinh thần Mị còn đau đớn hơn bội phần xác thân gánh chịu. Nhà văn dường như cảm thông sâu sắc, đôi lúc nhập vào tâm lí nhân vật mà giãi bày cảnh ngộ. Cô Mị ngày nào xinh đẹp nhường kia, thổi sáo rất hay, chỉ cần đưa một chiếc lá trên môi, Mị đã cất tiếng véo von chẳng thua kém gì thổi sáo. Tài sắc là vậy, biết bao chàng trai mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Thế mà giờ đây, kể từ ngày về làm con dâu gạt nợ, đời Mị coi như đã chết đi, chỉ là một cái xác không hồn. Chi tiết cái buồng Mị nằm chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bé như bàn tay, ngồi trong nhìn ra chỉ thấy một màu trăng trắng nhờ nhờ không biết là mưa hay nắng đã ẩn dụ cho một cuộc đời ngục tù tối tăm, u uẩn. Tuổi xuân đã chết, tình yêu không còn, nỗi đau chất ngất, bây giờ Mị trơ ra như cái xác không hồn. Trước đây, khi cha Mị còn sống, Mị còn ý thức đến cái khổ, cái đau của thân phận một con dâu mà như tôi tớ trong nhà nên muốn chết; giờ sống lâu trong cái khổ, riết rồi quen, Mị cũng không buồn chết nữa. Chao ôi! Còn gì đau đớn hơn khi mà con người không còn đủ ý thức về sự sống của mình; còn gì buồn thảm hơn khi mà cuộc đời cứ mỏi mòn chìm trong khổ đau tuyệt vọng mà không biết không hay? Mị cứ vật vờ nổi trôi như cái xác không hồn, như định mệnh đã an bài về một kiếp đời vô vọng.

Thế là cuộc đời Mị đã khép lại rồi chăng? Người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa kia sẽ mãi mãi sống lùi lũi như con rùa trong xó cửa cho đến khi bỏ xác ở nhà Pá Tra sao? Không! Nhất định là không thể như thế được! Với cảm quan của một nhà văn cách mạng, một tấm lòng nhân đạo hướng đến con người, Tô Hoài vẫn nhận ra dưới lớp tro tàn tưởng chừng im ắng ấy là hòn than vẫn đỏ hết mình, chỉ cần có cơ hội là nó bùng cháy trở lại, thắp sáng lên niềm tin yêu cho cuộc đời mới bắt đầu. Chính bức tranh mùa xuân Tây Bắc nồng nàn và mê đắm ấy đã cất lên tiếng gọi tri âm, đồng cảm mà níu Mị trở về với những đêm tình mùa xuân thần tiên ngày trước, thuở Mị còn xuân sắc, tài hoa, có biết bao chàng trai ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

Vậy là mùa xuân Tây Bắc mà Tô Hoài cố công sắp đặt, bày dựng đã có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nó như một nhân vật phù trợ, một móng nền vững chắc để chắp cánh cho ước mơ và khát vọng bay lên. Trong đêm mùa xuân về ấy, cái tâm hồn tưởng chừng tê dại, vô cảm kia ban đầu cũng chỉ biết nhập cuộc bằng những hủ rượu cúng ma ở nhà thống lí Pá Tra: "Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hủ rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước". Đúng là duyên cớ, cái mùa xuân năm này và những mùa xuân năm trước - những mùa xuân tuổi trẻ đã rất xa với đời Mị - sao lại kết nối và gần gũi với nhau đến thế? Tất cả cứ tan loãng vào nhau, đan cài, quấn quýt. Tiếng sáo gọi bạn của mùa xuân này lại làm lòng Mị cháy bỏng nhớ về ngày trước. Bắt đầu là hoài niệm, một hoài niệm ngậm buồn nhưng đã nuôi biết bao mơ ước thần tiên. Khi người phụ nữ còn ý thức được mình, còn biết nhớ về quá vãng đẹp tươi, nghĩa là người ta chưa chết hẳn về mặt tâm hồn. Thì đây, ngay trong đêm mùa xuân, bên bữa cơm Tết này, khi mà những giọt rượu cứ ngấm dần vào cơ thể, lòng Mị lại bâng khuâng nhớ về ngày trước: "Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị." Tác nhân trực tiếp là những giọt rượu xuân chảy tràn trong huyết quản, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là sức sống tiềm tàng mãnh liệt luôn ầm ỉ cháy bỏng trong tâm hồn người đàn bà tưởng chừng như chết kia vẫn không thôi khao khát về quyền sống chính đáng của mình. Nó là máu thịt, là tình yêu, là bản năng nội tại lâu nay chìm khuất, nay mùa xuân về bất chợt bừng thức trở lại, xao động, bồi hồi. Những kỷ niệm đan xen cùng thực tại, tiếng sáo của quá khứ vọng ngân hòa quyện với tiếng sáo gọi bạn tình đâu đó bên ngoài cứ khiến Mị thắt thỏm không yên. Cả một trời thực và trời mộng tan hòa vào nhau, đắm say, luyến láy. Có lẽ viết đến đây, nhà văn Tô Hoài chưa hẳn đã làm chủ được ngòi bút của mình, tất cả ngôn từ cứ mặc sức tung tẩy, chắp cánh cho ước mơ tình yêu lãng mạn của Mị được thoát tục, bay bổng.

Cuộc "vượt ngục" lần thứ nhất trong đêm tình mùa xuân của nhân vật Mị đâu chỉ dừng lại ở suy tư hoài niệm, nó còn là sự tự ý thức về chính mình, về tuổi trẻ và nhan sắc, về thực tại đắng cay và quá khứ êm đềm: "Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau". Có thể nói đây là bước ngoặt quan trọng, là tín hiệu đầu tiên cho một cuộc vượt thoát chính mình, phủ nhận thân phận tôi đòi của người phụ nữ miền núi trước cách mạng.

Trong khi đó, hiện thực mùa xuân tươi đẹp vẫn đang lan tỏa, nhất là tiếng sáo dặt dìu, bồng bềnh như chính âm vọng huyền hoặc của mùa xuân Tây Bắc. Từ tiếng sáo "ngoài đầu núi" đến tiếng sáo "gọi bạn đầu làng". Mị cũng thế, từ nỗi hoài niệm trong niềm cô đơn, tiếc nuối, đến sự tự ý thức về quyền sống "được đi chơi" như bao người phụ nữ khác, để rồi cuối cùng, như một quy luật tất yếu, Mị bước vào buồng "Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Bao nhiêu là hành động, cứ cuống quýt, vội vàng, tự chủ và quyết đoán bằng một ý thức tràn đầy khao khát. Nhưng rồi tất cả bỗng bị chặt đứt khi A Sử bước vào, bắt Mị trói đứng vào cột nhà với một thúng dây đay. Nhà văn đã để cho nhân vật Mị bình thản, không phản ứng qua hành động bên ngoài, nhưng người đọc vẫn nhận ra ngọn lửa cháy bùng lên mãnh liệt trong tâm hồn người phụ nữ khốn khổ kia. Đó là ngọn lửa cháy sáng của niềm tin, của tình yêu và khát vọng bấy lâu bị vùi dập nay rực sáng lên hơn bao giờ hết. Sợi dây đay trói kia của A Sử làm sao ngăn được bước chân tâm hồn đang phiêu du của Mị! Mị đâu sống trong thực tại, Mị đang sống trong êm đềm của quá khứ xa xưa, tai Mị vẫn nghe tiếng sáo của bạn tình đứt ruột, rập rờn, da diết. Biết bao là nỗi niềm, day dứt, nhớ thương. Mị cứ điềm nhiên bước đi nhưng chân tay đau không cựa được. Hóa ra A Sử đã trói chặt Mị đến thế này sao? Mị như nửa tỉnh, nửa mê, chập chờn mộng tưởng. Những câu văn thật ngắn, đứt đoạn mà say đắm, nồng nàn của nhà văn Tô Hoài một lần nữa đã đạt đến nghệ thuật thần diệu khi miêu tả sức sống mãnh liệt của Mị trong đêm mùa xuân nồng nàn, mê đắm, nhất là khi bị A Sử trói Mị một mình đứng lặng giữa bóng tối miên man: "Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rựợu tỏa. Tiếng sáo." Sau đêm tình mùa xuân dẫn dụ tâm hồn Mị được sống là chính mình, trong sáng và yêu đời tha thiết, để rồi sáng mai Mị nhận ra sự thật phũ phàng, cay nghiệt lại ùa vào thân phận đời mình, tiếp tục làm con trâu, con ngựa cho nhà thống lí Pá Tra oan nghiệt. Tuy vậy, chính lần bừng thức thứ nhất này, vẻ đẹp tâm hồn Mị được người đọc đón nhận bằng một tình yêu mới mẻ, đầy sự đồng cảm, sẻ chia. Đó cũng chính là tiền đề để Mị làm nên cuộc "cách mạng" cởi trói cho A Phủ sau này, giải thoát chính mình khỏi bóng đêm của kiếp sống tù đày, tủi nhục.

Bức tranh mùa xuân Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ hay đó là khung cảnh mùa xuân thanh tân mà tác giả dự báo cho cuộc đời Mị sau này? Có lẽ hơn ai hết, nhà văn Tô Hoài đã rất dụng ý khi tô điểm vẻ đẹp của tình xuân nồng nàn và mê đắm bằng ngòi bút tài hoa của mình để làm nền cho sự bừng thức tâm hồn nhân vật Mị. Mùa xuân cuộc đời và mùa xuân của ước mơ thánh thiện, ngập tràn hạnh phúc sẽ mãi đồng hành cùng cuộc đời nhân vật sau này khi đến Phiềng Sa, được đứng trong hàng ngũ của cán bộ A Châu, đánh đuổi giặc Pháp và bọn chúa đất. Nhờ đó, vẻ đẹp của Vợ chồng A Phủ không chỉ thể hiện ở tính nội dung tư tưởng mà lắng sâu hơn là những trang văn giàu chất thơ, nhất là khi viết về bức tranh xuân miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc.

(Tác giả Lê Thành Văn)

Xem thêm: Ghi nhớ nhanh 2 lần trỗi dậy của Mị trong "Vợ chồng A Phủ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận