Chuyện về "ông đồ nhà quê" tay không giúp vua Quang Trung dựng cơ đồ, chấn hưng đạo học nước nhà

"Ông đồ nhà quê" Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử) chính là nhân vật góp phần quan trọng giúp vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (1789). Sau đó cũng là người giúp vua trị quốc, chấn hưng đạo học nước nhà.

Đỗ Thu Nga
09:00 06/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Ông đồ nhà quê" Nguyễn Thiếp là ai?

Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) tự Khải Xuyên, là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông có tên húy là Minh, tự Quang Thiếp. Sau vì kiêng húy vua chúa nên đổi thành Thiếp. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu do ông tự đặt hoặc do người đương thời xưng tặng như: Khải Xuyên (có sách chép là Khải Chuyên), Hạnh Am, Điên ẩn, Cuồng ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên, Lam Hồng dị nhân, Lục Niên tiên sinh, La Giang phu tử...[1] Riêng Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung) gọi ông là La Sơn phu tử, La Sơn tiên sinh.

Nguyễn Thiếp là người làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc địa giới huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Thủy tổ của ông là NGuyễn Hợp, quê ở Cương Gián, Nghi Xuân, trấn Nghệ An. Cụ Nguyễn Hợp có 2 người con trai:  con trai cả Nguyễn Khai và con trai thứ Nguyễn Hội. 

người con cả Nguyễn Khai lấy vợ lẽ ở làng Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, sinh con cháu rồi lập chi họ Nguyễn ở xã Nguyệt Ao (hay Áo, còn gọi là Nguyệt Úc), tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Đến đời bố ông là Quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch, mẹ là người họ Nguyễn cùng làng, Nguyễn Thiếp ra đời tại làng này.

van-si-o-an-nao-tung-3-lan-duoc-vua-quang-trung-moi-ra-giup-nuoc-5
Chỉ là một thầy giáo chưa từng ra làm quan, Nguyễn Thiếp lại có thể khiến Quang Trung 3 lần xuống chiếu cầu hiền

Gia đình Nguyễn Thiếp có tiếng là hiếu học trong vùng. Mẫu thân của Nguyễn Thiếp thuộc dòng dõi họ Nguyễn "Trường Lưu", huyện Can Lộc, cũng là một dòng họ danh gia vọng tộc ở xứ Nghệ. Họ Nguyễn "Trường Lưu" có những nhân vật xuất chúng một thời như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự...

Ông là người ham đọc sách từ nhỏ, năm 1743 thi đỗ Hương giải, có chí làm quan. Nhưng thời điểm đó ở Đàng Ngoài rối loạn, phong trào nông dân bùng lên như bão táp, tập đoàn thống trị Lê - Trịnh ngày càng rối ren, mục nát, Nguyễn Thiếp bỏ về quê làm ruộng, dạy học. Những lúc rảnh rỗi, ông đi đây đó khắp vùng núi Hồng, sông Lam để ngao du ngắm cảnh, kết bạn. Vì vậy, vùng đất này ông thuộc như lòng bàn tay.

Lại nó, thời ông còn nhỏ nhà nghèo, cha mẹ gửi ra tỉnh Thái Nguyên ở cùng ông chú là Nguyễn Hành làm quan tại đ. Để có nơi chốn học hành chu đáo. Ông cũng có dịp về Thăng Long kết bạn với nhiều sĩ tử các trấn. Ông còn xuống tận quê hương của Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) để tưởng niệm và có dịp thấm được hơn ý chí của nhà học giả Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Người đời cho rằng, sự hiểu biết của ông về địa lý cũng như việc thông hiểu thế sự, dự báo trước được diễn biến thời cuộc, có lẽ một phần do ông đọc nhiều sách vở và bỏ công đi thăm quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Thiếp tuy là người cùng thời với Lê Quý Đôn (1726-1784) nhưng ông lại chịu khó đọc sách Vân Đài loạn ngữ, Kiến văn tiêu lục và rất tâm đắc với nhà bác học, tác giả của những tập sách đồ sộ kiến thức này. 

Có lần ông đang trên đường từ Thái Nguyên về Thăng Long thì bị ốm "thập tử nhất sinh", may có người tốt cưu mang nên toát chết. Nhưng ông vẫn phải chịu di chứng nặng nề về tâm thần, mà ông gọi là "bệnh cuồng". Song vượt qua mọi khó khăn, ông nuôi chí xa lánh thế tục để tập trung ý chí vào việc học hành thật sâu, mở rộng sự hiểu biết của mình và truyền thụ kiến thức, đạo lý cho người đời. Mười năm, ông dạy học ở nhiều nơi, đến đâu ông cũng được từ người già đến trẻ nhỏ kính trọng, nghe theo lời phân giải và cách cư xử của ông.

Tay không giúp Quang Trung đại phá quân Thanh

Nói một chút về dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ 18, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ xuất sơn, đánh bại hết các thế lực cát cứ, đạp bằng các anh hùng Đại Việt tời loạn thế và dựng nên quốc gia riêng của mình. Song việc giành thiên hạ và cai trị lại là hai chuyện khác nhau. Nguyễn Huệ sớm nhận ra rằng, không thể dùng võ lực để trị nước được và việc tìm kiếm nhân tài bắt buộc phải được làm sớm.

Nước Việt khi ấy đã "tơi tả" sau hàng loạt cuộc nội chiến, lòng người đang không yên, không ai hướng về một triều đình non yếu cả. Trong bối cảnh ấy, Nho học chính là cứu cánh vì sự hữu hiệu của nó trong quá lý xã hội suốt hàng nghìn năm. Việc tìm ra nhân tài tinh thông Nho học giúp hoàng đế đề ra chính sách cai trị là việc rất cấp bách. Hiền thần mà vua Quang Trung nhắm đến là Nguyễn Thiếp. 

Sử sách có chép, năm Bính Tuất (1756), ở tuổi 33, Nguyễn Thiếp được bổ làm Huấn đạo, chức quan dạy học trong một huyện ở Anh Đô (phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Ở đó 6 năm, ông được đổi làm Tri huyện Thanh Giang (nay là Thanh Chương, Nghệ An). Đến năm Mậu Tý (1768), ông xin từ quan về ở ẩn tại trại Bùi Phong trên dãy Thiên Nhẫn. 

Nhìn vào vài dòng tiểu sử trên có thể thấy Nguyễn Thiếp cũng chỉ là một nhà nho bình thường chẳng phải đại quan cấp cao gì cả. Nói thẳng ra, kinh nghiệm quan trường của ông rất ít, kinh nghiệm phò vua lại càng không có. Ấy vậy mà vua Quang Trung 3 lần viết thư cầu hiền và ông cũng trở thành nhà nho duy nhất được trọng vọng như thế. Vậy Nguyễn Thiếp có tài cán gì mà vị hoàng đế "bách chiến bách thắng" không ngừng cầu hiền?

van-si-o-an-nao-tung-3-lan-duoc-vua-quang-trung-moi-ra-giup-nuoc-0
Vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh

Xưa có câu "Thịnh danh thiên hạ vô hư sĩ", nghĩa là kẻ có danh trong thiên hạ đều không tầm thường. Và La Sơn Phu Tử cũng thế. Và điều đó được thể hiện qua cách đối thoại của ông với vua Quang Trung. 

Vua Quang Trung hỏi Nguyễn Thiếp: "Hay tin Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, Phu Tử nghĩ thế nào?".

Nguyễn Thiếp đáp: "Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh thì ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc, chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lượng và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào, còn quân lính thì phân vân không biết là sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê. 

Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không cho phép. Vậy hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay anh hùng nhiều, mà hảo hán cũng nhiều".

Vua Quang Trung lại hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, La Sơn Phu Tử đáp tiếp: "Người Thanh ở xa tới mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bung khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được".

Kể đến đây thì chắc hẳn hậu thế ai cũng hiểu lý do vì sao vua Quang Trung quyết mời bằng được "ông đồ nhà quê" ra triều phò vua giúp nước. Đạo hùng binh của ông lão nhà quê chắc chắn khiến thiên triều kia phải đại bại, ôm đau thương về nước. Điều này giúp gọi nhớ đến hình ảnh của Không Minh khi chưa ra khỏi lều cỏ đã biết thiên hạ tam phân.

Và diễn biến của trận chiến với quân Thanh năm 1788 đúng như dự kiến tiên tài của vua Quang Trung cũng như nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp.  Chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan tành 29 vạn quân Thanh. Đúng trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự vui mừng chào đón của nhân dân.

Cũng bởi lý do này mà vua Quang Trung càng trân trọng, đánh giá coa tài năng của Nguyễn Thiếp. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: "Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu Tử hẳn có thế thật".

Văn thần giúp vua trị quốc, trấn hưng đạo học

Sau khi đánh bại quân Thanh, La Sơn Phu Tử trở thành một trong những vị học giả được vua Quang Trung tin cậy nhất. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo.

Ông khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên, sau khi giúp vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại về núi Thiên Nhẫn mà không chịu ở Phú Xuân. 

Tháng 8/1791, vua Quang Trung cho xây dựng Viện Sùng Chính tại núi Nam Hoa thuộc huyện La Sơn, nơi trường cũ của Nguyễn Thiếp. Như vậy, Nguyễn Thiếp không phải rời nơi ở ẩn mà vẫn có điều kiện thi tố sở học của mình. Ông đã đề ra những cải cách văn hóa, giáo dục một cách cụ thể, khoa học. 

van-si-o-an-nao-tung-3-lan-duoc-vua-quang-trung-moi-ra-giup-nuoc
Tấm bia ghi lại nội dung chiếu truyền của Nguyễn Huệ gửi La Sơn phu tử chọn đất đóng đô

Theo ông, sự học thời Lê - Trịnh đã không còn giữ được điều cơ bản của đạo học, người ta chỉ tranh đua học từ chương, cốt cầu công danh mà quên hẳn sự học tam cương ngũ thường. Vì thế dẫn đến tình trạng "chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong". Ông đề nghị mở rộng nền giáo dục ra toàn diện, học bao gồm cả học văn và học võ.

Nói về cách dạy học, Nguyễn Thiếp cho rằng, nên lấy Tiểu học làm gốc, từ đó mở rộng ra Tứ thư, Ngũ kinh, các bộ sử. Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính và thiên hạ trị. 

Công việc của Viện Sùng Chính có ý nghĩa lớn đối với việc đặt cơ sở cho công cuộc cải cách giáo dục của nhà Tây Sơn. Có thể nói, công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta.

Trong thời gian phụng sự nhà Tây Sơn, Nguyễn Thiếp cũng dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học, Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch… sang chữ Nôm để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.

Danh thơm bất hủ

Nhà Tây Sơn không thể trường tồn và hùng mạnh như các triều đại khác, một trong những lý do đó là sự ra đi đột ngột của vua Quang Trung. Sau khi nhà Tây Sơn bị diệt, Nguyễn Ánh đã xử những người Tây Sơn vô cùng tàn bạo. Những danh tướng như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… đều bị hành hình rất thê thảm.

Thế nhưng có một điều ít người biết, Nguyễn Ánh không làm như vậy với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Lúc nào Nguyễn Ánh cũng thể hiện sự kính trọng với "lão nông" này. 

van-si-o-an-nao-tung-3-lan-duoc-vua-quang-trung-moi-ra-giup-nuoc-6
Đền thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

Nguyễn Ánh cho mời Nguyễn Thiếp đến và hỏi: "Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?". Nguyễn Thiếp ung dung trả lời: "Có tám điều trong sách Đại học, có chín điều trong sách Trung dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được".

Khi ấy, Nguyễn Ánh không lấy làm khó chịu mà còn ngỏ ý mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình. Nguyễn Thiếp đã từ chối, sau đó ông cáo từ mà không nhận bất cứ lễ vật nào.

Về lại Thiên Nhẫn, Nguyễn Thiếp sống ẩn dật như xưa, không bận lòng đến việc trần ai nữa. Hai năm sau, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (1804) ông mất tại quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn của giới sĩ phu và người dân hiếu học.

Ngày 6 tháng 2 năm 1804 (Quý Hợi), danh sĩ Nguyễn Thiếp không bệnh mà mất, thọ 81 tuổi, và được an táng tại nơi ông ở ẩn. Lăng mộ của cụ Nguyễn Thiếp đến nay còn được bảo vệ nguyên vẹn và là một trong số những ngôi mộ có phong thủy đẹp nhất Xứ Nghệ, được Bộ Văn hoá xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.

Xem thêm: Danh tướng nào thời chúa Nguyễn được ví như "Hùng Thiết Lũy"?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận