Văn học thường thức: Bài học nhân sinh trong bài thơ "Tiếng vọng"

Bài thơ về một đêm mưa bão. Bài thơ về cái chết lạnh ngắt của một chú chim. Bài thơ về ý nghĩa của tình người.

Đỗ Thu Nga
10:00 26/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

01 

“Cái chết trong đêm mưa bão của chú sẻ nhỏ, tiếng gõ cửa cầu cứu, sự ấm áp của gối chăn, những ban mai vắng tiếng hót trong lành, những quả trứng bỏ lại bơ vơ, những con chim non mãi mãi không được sinh ra… là hình ảnh trong một câu chuyện về sự vô tâm của con người trước lời khẩn cầu được cứu vớt.

Tứ thơ ẩn sau câu chuyện. Đó là những ám ảnh, dằn vặt, thậm chí là lời cáo buộc bản thân vì những vô tâm, bằng an giữa cuộc đời. Những hình ảnh trong bài thơ, qua cấu trúc truyện kể và tính chất suy tưởng ẩn dụ đã đặt tất cả chúng ta vào một cuộc truy vấn chính mình. Có lúc nào, chúng ta đã vô tâm, vô tình như thế?”

02

Mở đầu bài thơ là cái chết của một con chim sẻ nhỏ:

“Con chim sẻ nhỏ chết rồi

Chết trong đêm cơn bão về gần sáng.”

Nghe qua thì chẳng có gì đặc sắc, bởi mỗi một ngày, thế gian mất đi bao sinh mạng. Số phận của một con chim vô danh và nhỏ bé chẳng thấm vào đâu với sự luân hồi của cuộc sống, nhưng đủ để gợi ra trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác. Nỗi buồn ấy tựa giọt màu được ai nhỏ vào nước, nó đột ngột, hiện hữu, loang dần, và ám ảnh. Không một từ ngữ biểu cảm, không một hình ảnh minh họa, chỉ là những câu chữ tự sự lại có thể truyền đạt được những xúc cảm ấy, chứng tỏ khi viết bài thơ này, nhà thơ đã đặt vào đó bao nỗi niềm, bao tâm tư với một trái tim đa sầu đa cảm. Ông không ngừng dằn vặt vì sự ích kỉ với niềm vui riêng mà thờ ơ với một sinh mạng sống - hay ít ra, là đã từng sống:

“Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa

Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi

Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi.”

Đêm ấy, ông nghe thấy tiếng chim đập cửa cầu cứu trong tuyệt vọng. Cũng đêm ấy, ông để bản thân chìm trong sự ấm áp của gối chăn và ngủ một giấc thật ngon.

Đúng ra, chú chim đã có thể được cứu.

Và ông cũng không phải mang trên mình sự hối hận đau đớn như bây giờ.

Vì lẽ đó, ông tự trừng phạt bản thân bằng nỗi dằn vặt. Ngày qua, nỗi dằn vặt ấy dần được thay thế bằng sự trống rỗng trong tâm hồn mỗi sớm mai thức dậy. Đã không còn đó tiếng cánh chim về, đã không còn đó tiếng hót trong vắt, chiếc tổ chim trống trải nay tiếng gió lùa qua lại càng thêm heo hút. Hình ảnh chiếc tổ chim nhỏ bé, xác xơ nằm trơ trọi giữa bốn bề gió hú như xát muối vào nỗi đau âm ỉ trong lòng tác giả, gợi cho ông nhớ đến “tội ác” ngày nào. Để rồi, khi không thể dồn nén, cảm xúc trong ông vỡ òa giữa tột đỉnh đớn đau:

“Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt

Một con mèo hàng xóm lại tha đi

Nó để lại trong tổ những quả trứng

Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời"

van-hoc-thuong-thuc-bai-hoc-nhan-sinh-trong-bai-tho-tieng-vong-9

Lời thơ đậm chất tự sự. Một sự việc rất đỗi bình thường trong đời sống, nhưng lại khiến nhà thơ day dứt đến vô cùng. Mới ngày nào chim còn hót lên “trong vắt”, nay đã chết “lạnh ngắt” trước của nhà thơ. Vần “ắt” đầy sắc nhọn như nhát dao cắt sâu vào trái tim nhạy cảm của tác giả, khiến ông thấy tội lỗi hơn bao giờ hết. Chú sẻ chết là lỗi của ông, phải không?

Ông "giết" chú sẻ nhỏ. Thậm chí, ông "giết" cả đàn con của nó. Không còn ai chăm ấp, chúng sẽ mãi nằm lại trong vỏ trứng, “những con chim non mãi mãi chẳng ra đời”...

Sự mất mát ấy, chẳng thấm gì với quy luật tự nhiên, nhưng cũng đủ để dày vò nhà thơ kể cả trong giấc ngủ. Có lẽ đó là sự trừng phạt cho sự ích kỉ, thờ ơ mà con chim phải chịu đựng trước khi chết. Hơn cả cái lạnh của cơn bão, cái “lạnh” đưa nó về cõi chết là cái lạnh của lòng người. Tiếng đập cánh tuyệt vọng ngày một nhỏ dần của chú sẻ nhỏ cũng là nỗi đau đớn ngày một lớn dần của nhà thơ. Để rồi, nỗi đau khiến ông nghe được cả tiếng quả trứng lăn, như âm thanh gọi mẹ đầy thảm thiết của những chú chim non. Và sự dằn vặt cứ tiếp diễn mãi, mãi không có điểm dừng…

03 

Qua bài thơ trên, đặt hoàn cảnh là cái chết của con chim nhỏ trong đêm giông bão, tác giả Nguyễn Quang Thiều muốn nói về một thực trạng đáng phê phán đang tàn phá dần mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống. Từ đó, ông gửi đến mỗi chúng ta những tiếng vọng mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Tiếng vọng từ những nỗi khổ đau bất hạnh.

Đó là tiếng chim đập cánh trong đêm giông bão, là tiếng những quả trứng lăn “như đá lở trên ngàn”. Đó là tiếng cầu cứu tuyệt vọng, và là tiếng vọng xa xăm từ cõi miền xa thẳm đang dày vò tác giả hằng đêm. Nó phát ra từ đâu? Từ ngoài sân, hay cửa sổ, hay chiếc tổ chim lạnh lẽo? Không, đừng tìm ở những chỗ đó. Nó đang ở nơi gần nhất, nó phát ra từ trái tim con người.

Chúng ta cũng vậy, trong cuộc sống, không ít lần ta gặp khó khăn, những tai họa bủa vây chính là “cơn bão” mà ta phải gánh chịu. Khi ấy, ta tha thiết cần một người trợ giúp. Người khác cũng không ngoại lệ, ấy thế mà, cớ sao đến khi họ nhờ chúng ta, ta lại làm ngơ lời thỉnh cầu ấy? Việc chúng ta né tránh không giúp đỡ họ, chẳng khác nào việc nhân vật “tôi” bỏ mặc chú chim sẻ chết giữa cơn bão to. Và khi ta làm thế, liệu trái tim ta có được thảnh thơi? Hẳn là không, bởi ít nhất, ta cũng đâu phải những kẻ máu lạnh thiếu vắng tình yêu thương con người.

Người ta nghĩ tiếng vọng khiến con người dằn vặt là tiếng vọng từ nỗi ám ảnh quá khứ. Kì thực, tiếng vọng ấy đến từ hiện tại, từ chính lương tâm của con người.

Tiếng vọng của sự ích kỉ, vô cảm.

Bài thơ “Tiếng vọng” là kỉ niệm buồn khi nhà thơ mới 10 tuổi. Cơn bão, con chim nhỏ, bầy chim non, tất cả những điều đó vốn nằm yên trong kí ức ông, nay được sống lại trên trang giấy, vì vậy nó gần gũi và thực tế đến lạ lùng. Đó không chỉ là bài học tác giả nghĩ ra khi ngồi trong phòng và cầm bút viết, nó đến từ kinh nghiệm của chính bản thân ông: Bài học về sự ích kỉ, vô cảm. và ý nghĩa của tình người.

Trong bài thơ, sự ích kỉ, vô cảm được biểu hiện qua hành động nghe thấy mà như không của tác giả với tiếng đập cánh đau đớn tuyệt vọng của chú chim nhỏ. Rộng hơn, trong cuộc sống, thực trạng đó được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, điển hình như khi ta thấy người cần giúp đỡ mà lại bỏ mặc. Không ít lần ta đã bắt gặp những người bị tai nạn trên đường mà đám đông xung quanh lại chẳng ai giúp đỡ, thậm chí là lấy điện thoại ra chụp hình rồi xì xào bàn tán, điển hình như vụ việc nam thanh niên người Việt bị đánh đến chết ở Nhật mà chẳng ai giúp đỡ gây bức xúc cộng đồng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, những kẻ ích kỉ, vô cảm lại chỉ nghĩ cho bản thân mình, cố tình làm trái luật để phục vụ lợi ích riêng, để rồi gây bao tai hại đến xã hội.

Có người hỏi, cùng là con người với nhau, vì sao họ lại làm thế?

Có lẽ, một phần vì họ quá lo lắng cho quyền lợi cá nhân của mình, thiếu tình thương và sự sẻ chia với người khác. Hoặc cũng có thể, họ sợ phiền toái, ngại làm người tốt, hay chỉ đơn giản là văn hóa cộng đồng, ai cũng nghĩ “mình không giúp thì sẽ có người khác”, để rồi, cuối cùng kẻ bị nạn thì vẫn ở đó, bơ vơ, trơ trọi. Nhưng dù là nguyên nhân gì, sự vô cảm đó của họ cũng đã mang đến những hậu quả nghiêm trọng khó có thể tha thứ. Họ, nếu cứ sống theo lối sống ấy, sẽ tự biến mình thành người xấu, không bao giờ có được sự thanh thản trong tâm hồn. Khi lối sống ích kỉ, vô cảm tràn lan, sợi dây gắn kết mối quan hệ con người như biến mất, mỗi con người như một ốc đảo riêng, chẳng còn lại chút niềm tin vào cộng đồng. Cứ như thế, xã hội sẽ dần tan vỡ, cuộc sống sẽ lạnh lẽo, nghèo nàn chỉ vì con người không còn yêu thương nhau.

Và đau đớn hơn, cũng như chú chim sẻ tội nghiệp phải chịu cái “lạnh” thấu tim của lòng người, với những người tội nghiệp đưa tay ra nhưng chẳng ai nắm lấy, cái tiếng vọng từ lòng người lạnh lẽo ấy sẽ bám theo họ mãi. Dai dẳng. Ám ảnh. Và cứ mãi vọng vang nhắc nhở họ về nỗi đau cũ, khiến họ dần tách mình, cũng chẳng thể tin ai được nữa. Một cuộc sống không có niềm tin, nếu đó là bạn, liệu bạn có chịu được không?

Tiếng vọng của tình yêu thương.

Biết được những điều đó, ta nhận ra không gì có thể chữa lành nỗi đau hiệu quả bằng tình yêu thương. Mỗi chúng ta hãy học cách sống vì người khác, hy sinh bản thân một chút, nhưng đổi lại, tâm hồn bạn sẽ tràn ngập thanh thản và niềm vui. Tin tôi đi, giúp đỡ người khác sẽ không bao giờ khiến bạn hối hận, bởi quy luật cuộc sống vốn đã định “ở hiền thì gặp lành”. Nhưng cũng đừng quá tốt bụng mà ai nhờ gì cũng giúp, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Hãy giúp họ khi họ thực sự cần sự giúp đỡ, còn đối với những người có thể tự làm mà lười biếng nhờ vả, đừng ngại ngần mà từ chối! Lan tỏa yêu thương đúng cách, đừng gián tiếp biến họ thành những gánh nặng của xã hội, bạn nhé!

04

Thực chất, bài thơ “Tiếng vọng” được tác giả Nguyễn Quang Thiều sáng tác dành cho thiếu nhi. Nhưng âm hưởng của nó lại sâu sắc hơn thế, chạm đến nhận thức và trái tim của không chỉ những đứa trẻ mà cả bạn đọc thanh thiếu niên và người lớn. Không đơn thuần chỉ là câu chuyện về cái chết của chú chim nhỏ trong một đêm mưa bão, mà xa hơn, nó gợi liên tưởng đến thực trạng đáng buồn trong xã hội hiện nay, và ý nghĩa của tình yêu thương giữa người với người trong cuộc sống. Qua đó, ta sẽ tự thức tỉnh bản thân, soi lại chính mình, từ đó lan tỏa tình yêu thương để đánh tan lối sống vô cảm và ích kỉ. Một cuộc sống hạnh phúc khi làm người có ích, hay một cuộc sống ích kỉ và vô cảm để rồi bị dằn vặt bởi lương tâm chính mình, tất cả đều do bạn quyết định. Hãy đặt tay lên ngực trái, và nghe xem, trái tim bạn đang mong muốn điều gì?

(Theo Mochi's garret - Gác xép văn chương)

Xem thêm: Những liên hệ độc đáo dành cho phân tích văn chương kháng chiến

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận