Văn học sau 1975 - lắng nghe tiếng nói trong mỗi bản thể

Văn học sau 1975 chẳng cần đi đến những vùng đất xa xôi bạt ngàn vị phong sương, chẳng cần chạm đến miền không gian vô tận của vũ trụ trời xanh, cũng chẳng cần trốn tránh sự thật, “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời” (Nam Cao).

Đỗ Thu Nga
15:00 11/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng. Cứ nhìn mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem sự thực là như thế đấy. Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi”.

(“Nỗi buồn chiến tranh” - Bảo Ninh)

Văn chương, một nét thanh sạch của chén trà buổi sớm, giúp con người có những phút lắng mình trong tĩnh lặng để thể nghiệm âm ba cuộc đời. Văn chương đi ra từ thời cuộc và trưởng thành từ ”bầu trời chữ nghĩa”, được dệt nên biết bao “đám mây ngũ sắc” của tâm hồn nhà nghệ sĩ. Nó kết tinh từ hành trình vạn dặm trên chuyến tàu trần thế để thu về những giọt mật ngọt lành. Để rồi cuối cùng cái đích đến của văn chương là giữ sự toàn vẹn của “tính người”, tạo nên những hạt vàng linh diệu đi sâu vào sự chữa lành những vết thương. 

Nhưng dần những áng văn “bền như trăng sao” ấy bị đổi ngôi bởi sự phát triển của quy luật thị trường. Có kẻ làm thơ chỉ để phục vụ thị hiếu, đặt lời lãi vật chất lên cả trách nhiệm muôn đời của nghiệp cầm bút. Họ tạo nên những trang văn lấp đầy con chữ, nói bao thứ vặt vãnh ngoài đời, nhưng cái họ mang đến chỉ là hình thức, chỉ là một món ăn vật chất cho những kẻ thích sự “tạm bợ” và văn chương họ kết lại cũng chỉ là sự trống rỗng như ”một trò chơi vô tăm tích”. Như Nguyễn Minh Châu từng nói đó là thời kì “văn nghệ minh họa”: “nhà văn đánh mất cái đầu và tác phẩm đánh mất tính tư tưởng”. Đó là thời kỳ mang cái nhìn hạn hẹp về bề sâu, bề xa của hiện thực; chỉ tạo nên những áng văn thỏa mãn tâm lý ưa nâng niu, vuốt ve, trấn an bản ngã; chứ không đủ sức mang sứ mệnh thanh lọc hóa và thức tỉnh những hồn người. Với Nam Cao, đó là thứ sản phẩm “rất nhẹ”, “rất nông”, ”vô vị”, “nhạt phèo”. Song, nếu lãng mạn đến mức gieo vào đầu người ta “đầm đìa thuốc phiện” giữa lúc cuộc sống còn chất chứa bao “lầm than” đói khổ của ”cái đói ghì sát đất” thì đó là sự lừa mị, dối trá của văn chương. 

van-hoc-sau-1975-lang-nghe-tieng-noi-trong-moi-ban-the-0

Bước vào chặng đường văn học sau 1975, bằng sự trăn trở và suy tư, nhà nghệ sĩ đã tìm thấy cho mình một lý do để cất cao tiếng nói thời cuộc. Họ nỗ lực để tôn tạo cho mình một lối đi riêng, thoát khỏi những khuôn thước của thế hệ trước. Độc giả được tìm thấy chính mình, nhưng lại là cái chính mình trong nỗi day dứt bản thể…

“Trong mỗi con người đang sống, có lẫn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ. Chúng ta là con người, không thể tránh khỏi sai lầm, để phần con lấn át phần người”

(“Bức tranh” - Nguyễn Minh Châu)

Với sự chi phối của mỹ học thời chiến đã tạo nên một thời mỹ học ca ngợi hiện thực, phi thường lên ngôi cùng những gương mặt của chủ nghĩa anh hùng. Nhưng đã đến lúc “văn nghệ minh họa” cần phải lùi xa để nhường chỗ cho văn học thời hậu chiến. Nơi đó, cuộc sống con người được quan tâm, được đặt hàng trăm câu hỏi đi cùng sự nhức nhối, trăn trở. Bởi cũng như Nguyễn Trọng Tạo từng nói: “Tôi sống thời không thể đứng quay lưng/ Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được”. Dù có bước vào thời kì hòa bình, đất nước có dứt tiếng súng từ lâu, mảnh đất này đã vơi đi mùi thuốc súng đạn nổ, nhưng những niềm họa hoằn trong trái tim con người vẫn ở đấy, vẫn phải chịu những “biến động” trong tâm hồn lẫn thời cuộc. Ta vẫn còn nhớ anh Kiên đã phải bước vào “thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của dòng giống con người” và khi trở về thời bình anh đã phải trải qua những “giấc mơ lay thức tâm hồn” - giấc mơ “đẫm máu” trong “Nỗi buồn chiến tranh”. Hay những bài thơ phản tỉnh giữa cuộc chiến của Lưu Quang Vũ, khi nhận ra đống tro tàn đổ nát của cuộc đời và lòng người, cái mộng lý tưởng mà người ta phụng thờ nhưng hiện thực lại đối nghịch đầy sự trơ tráo: “tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/ đặt lại những câu hỏi/ về cuộc chiến tranh này/ về mọi giá trị trên đời/ nguồn gốc những nguyên nhân/ của chém giết và thù hằn/ bất công và đói rét/ cần phải làm gì/ để có lý do mà hy vọng?” trong “Hồ sơ mùa hạ”.

Văn học sau 1975 chẳng cần đi đến những vùng đất xa xôi bạt ngàn vị phong sương, chẳng cần chạm đến miền không gian vô tận của vũ trụ trời xanh, cũng chẳng cần trốn tránh sự thật, “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời” (Nam Cao). Văn học giờ đây đặt con người vào trung tâm, “nghiền ngẫm” hiện thực bằng cách len lỏi vào mỗi bản thể, khám phá chiều sâu những “ẩn ức”, nỗi cô đơn thân phận con người. Văn chương cần phải chạm vào cõi nhân sinh, để thấu hiểu những nỗi đau nhân thế. Cần chữa lành bằng những liều thuốc “cứu rỗi”, bởi văn chương đâu phải “trang giấy hồng hay trang giấy trắng” (Chế Lan Viên), nó là một thế giới kết tinh từ tâm thức trăn trở ngang dọc của cuộc đời thi nhân trước sự “đa đoan” của thời cuộc. Con người không còn mang phẩm chất đơn diện, trong họ là tính lưỡng diện với những phức cảm không thể giãi bày, những vết thương xâu chuỗi chằng chịt, những chiếc mặt nạ đang che lấp sự thật… Người nghệ sĩ cần thức tỉnh, cần “ngụp lặn” để nhìn thấy những nội tâm đang giằng xé gay gắt của con người thời hậu chiến, những mất mát đớn đau, mối quan hệ phức tạp đang tung hoành và tìm lấy một ngọn đuốc sáng để “dẫn đường” những thân phận đi đến sự giải thoát. Bởi như Nguyễn Minh Châu từng chia sẻ, nhà văn là “kẻ nâng giấc cho kẻ cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người có tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đầy đọa đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”.

Nhưng làm sao để ta có thể chạm được cái bóng của mình khi trên đầu vẫn còn treo lơ lửng những câu hỏi về cõi nhân gian, sự hiện hữu của bóng tối và ánh sáng? Rồi nhân loại cũng sẽ đối mặt trước những cơn khủng hoảng, trước thế thời trở dạ, lịch sử xoay vần nhưng văn chương bao giờ cũng mang sứ mệnh “vẫy gọi tâm thức”, nó đánh thức lòng trắc ẩn để khiến chúng ta tiến gần “tính người”, chạm đến “tình người”. Xin mượn những vần thơ của Lưu Quang Vũ để cất cao sứ mệnh ấy mãi miên viễn hóa cùng thời gian:

“Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật

Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi

Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi

Bao chữ mới đang ầm ầm đạp cửa

Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi”...

(Theo Mochi's garret - Gác xép văn chương)

Xem thêm: Đời sống văn học chính là đối thoại

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận