Vải vụn 'vá lành' những vành trăng khuyết ở "Cửa tiệm hạnh phúc"
Những mảnh vải vụn trở thành kế sinh nhai của nhiều chị em khuyết tật ở Hội An (Quảng Nam). Những món đồ handmade (làm bằng tay) độc đáo, hữu dụng được giới thiệu tại các phiên chợ...
Nhân lên vòng đời tử tế của rác vải
Ở Hội An, có một nơi đặc biệt được gọi là Cửa tiệm hạnh phúc. Tôi tình cờ biết đến nơi này khi dự một show trình diễn áo dài cũng rất đặc biệt bên sông Hoài. Người mẫu là những thợ may khuyết. Chính các chị đã tái chế những mảnh vải vụn thành những chiếc áo dài duyên dáng. Gian hàng nhỏ đặt cạnh bên sân khấu với tấm bảng “Cửa tiệm hạnh phúc” bày bán ti tỉ những thứ đồ handmade xinh xắn như: dây buộc tóc, băng đô, móc khóa, quạt tay, ví tiền… Những món đồ độc đáo, màu sắc níu chân người dân và du khách ghé lại. Hỏi ra mới biết, những món đồ này đều được tái chế từ vải vụn thải bỏ ở các tiệm may mỗi ngày, do các chị em khuyết tật ở Cửa tiệm hạnh phúc may vá.
Cửa tiệm nằm trên kiệt nhỏ ở đường Nguyễn Tri Phương (phường Cẩm Nam, TP Hội An), luôn rộn rã tiếng cười nói, tiếng cắt may. Định kỳ mỗi tuần, các chị em sẽ thay phiên đến các tiệm may trong khu vực để thu gom các túi rác vải, sau đó phân loại trước khi cắt may và tạo hình sản phẩm. Ở tiệm, Ngô Thị Kim Thương (SN 1998) là một trong những thợ may “cứng”. Biết đến Cửa tiệm hạnh phúc qua lời giới thiệu của một “tiền bối” đã làm ở đây, ban đầu, Thương chỉ tham gia vì tò mò. Sau đó, cô gắn bó và coi đây như gia đình thứ 2 của mình.
Dù đôi tay không lành lặn nhưng những sản phẩm mà Thương làm ra luôn chỉnh chu, sáng tạo. Mỗi miếng vải vụn không hề giống nhau, cũng không vuông vắn, lành lặn, em có thể thỏa sức sáng tạo để tạo nên những sản phẩm độc nhất. Công việc này còn giúp em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, Thương kể.
Cửa tiệm hạnh phúc được thành lập đã hơn một năm nay, được quản lý bởi CLB Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Cẩm Nam. Khởi điểm mô hình là một vòng tròn chia sẻ (women’s circle), nơi các chị em khuyết tật, yếu thế trên địa bàn chia sẻ những khó khăn, trở thành chỗ dựa tinh thần, động viên nhau vươn lên.
“Các chị em yếu thế gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, bởi vậy, chúng tôi cũng trăn trở về sinh kế để giúp họ vươn lên. Nhận thấy ngành may mặc Hội An rất phát triển, lượng vải thừa thải ra mỗi ngày đều rất lớn, bởi vậy, ý tưởng về mô hình tái chế Cửa tiệm hạnh phúc được ấp ủ”, chị Đỗ Thị Ngọc Thảo (Chủ tịch Hội LHPN phường Cẩm Nam, TP Hội An - đồng quản lý mô hình Cửa tiệm hạnh phúc) cho hay.
Cũng tình cờ trong một lần tham gia Chợ phiên thủ công ở phố cổ Hội An, tôi biết đến xưởng may đặc biệt của chị Trần Thị Kim Soi (SN 1989, phường Cẩm Châu). Chị Soi bén duyên với tái chế vải vụn khi tình cờ bắt gặp những bao tải vải vụn bỏ đi ở các tiệm may trong phố cổ.
Vốn là dân thiết kế thời trang, những miếng vải vụn với đủ sắc màu, hình dáng, họa tiết, chất liệu… giúp chị sáng tạo hơn 30 dòng phụ kiện thời trang handmade. Từ công việc làm thêm lúc rảnh rỗi, chị Soi gắn bó luôn với nghiệp tái chế rác vải gần 6 năm nay. Thương hiệu Soi Handmade ra đời và được người dân, du khách ủng hộ và tạo sinh kế cho nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Đến nay, Cửa tiệm hạnh phúc đã tạo sinh kế cho nhiều chị em phụ nữ khó khăn, khuyết tật ở Hội An và các khu vực lân cận với số lượng đơn hàng đều đặn, giúp các thành viên trang trải và cải thiện đời sống. Cửa tiệm hạnh phúc hiện có khoảng 63 khách hàng cá nhân và tổ chức với hàng nghìn sản phẩm được bán ra, tái chế hơn 900 kg vải thừa và 500kg banner nhựa, túi nilon… thành các sản phẩm hữu dụng.
Những “đại sứ” truyền cảm hứng tái chế
Không chỉ coi tái chế vải vụn là sinh kế, đối với chị Soi, quan trọng hơn đó là lan tỏa tình yêu tái chế và lối sống xanh rộng rãi hơn trong cộng đồng. Bởi vậy, cứ có chợ phiên thân thiện với môi trường, hội chợ, cuộc thi khởi nghiệp xanh… là chị Soi tất tả tham gia. Gian hàng đầy màu sắc của chị luôn khiến người dân và du khách ghé chân lại. Gặp bất kỳ ai, chị cũng tỉ mỉ giới thiệu sản phẩm, chia sẻ hành trình tử tế đặc biệt của những mảnh vải vụn vốn đã bỏ đi. “Trên hành trình “biến rác thành hoa”, tôi mong muốn câu chuyện tái chế, nhân lên những vòng đời tử tế của rác được lan tỏa rộng hơn đến mọi người. Những mảnh vải vụn bị coi như rác có thể trở thành sinh kế cho nhiều phụ nữ yếu thế, phụ nữ khuyết tật”, chị Soi nói.
Chị cũng tổ chức các workshop miễn phí đều đặn mỗi tháng ở Hội An, Đà Nẵng với mong muốn tiếp tục lan tỏa tình yêu tái chế và “trao cần câu” cho những người phụ nữ yếu thế. Địa điểm có thể là quán cà phê, chợ đêm, góc chợ phiên… Có những buổi chia sẻ chỉ khoảng 5 - 10 người, cũng có những buổi workshop chật kín người dân và du khách. Dù ở đâu, chị Soi cũng nhiệt tình bật mí hết các kỹ năng để sáng tạo từ vải vụn. “Niềm vui lớn nhất của tôi đó là khi những người tham gia các workshop dần tạo được thói quen tái chế, tạo ra những sản phẩm hữu ích từ vải vụn thay vì bỏ đi. Mỗi ngày, tôi cũng luôn tự nhủ phải sáng tạo hơn nữa từ rác vải, đồng thời, lan tỏa, chuyển giao tái chế rác vải tới nhiều cộng đồng hơn nữa”, chị Soi chia sẻ.
Cùng chung cảm hứng lan tỏa đó, thời gian qua, Cửa tiệm hạnh phúc cũng tổ chức nhiều workshop, hoạt động trải nghiệm tạo ra sản phẩm tái chế hướng đến đa dạng các đối tượng như người dân, du khách, học sinh, trẻ em… Những buổi workshop được tổ chức “mở”, không cần đăng ký trước, chỉ tiện đường ghé qua cũng có thể cùng học.
“Không chỉ trao sinh kế cho phụ nữ yếu thế, chúng tôi còn muốn tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục cộng đồng, đặc biệt là trẻ em trong việc bảo vệ môi trường. Những buổi workshop tái chế đơn giản như làm quạt tay, khẩu trang, móc khóa, lồng đèn… thu hút rất đông người tham gia, lan tỏa thói quen tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường”, chị Đỗ Thị Ngọc Thảo nói.
Ngoài rác vải, các thợ may đặc biệt của Cửa tiệm hạnh phúc cũng tiếp tục thử nghiệm, sáng tạo tái chế trên các chất liệu mới như: lưới đánh cá bỏ đi của ngư dân, túi ni lông, hộp nhựa… cũng như phát triển các dòng sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương như: lồng đèn, bộ trò chơi dân gian… từ rác tái chế. “Cửa tiệm hạnh phúc cũng định hướng trở thành một doanh nghiệp xã hội do người khuyết tật và nhóm yếu thế tự vận hành, để viết tiếp những vòng đời tử tế của rác thải. Ở đó, mỗi chị em khuyết tật là một đại sứ, lan tỏa thói quen tái chế, tiêu dùng xanh trong cộng đồng”, chị Thảo ấp ủ.
(Theo Tiền Phong)
Xem thêm: Cô giáo Cao Lan mở lớp dạy miễn phí, dành tình thương đặc biệt cho trẻ khuyết tật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận