Vài mẩu chuyện nhỏ về nhà thơ Huy Cận [kỳ 2]: Chuyện ở bệnh Hữu Nghị
Năm đó, nhà thơ Huy Cận ốm, vào nằm trong bệnh viện Hữu Nghị. Thế nhưng ông vẫn miệt mài làm việc...
Một lần trước giờ họp, tôi được hầu chuyện nhà thơ Huy Cận và các giáo sư Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Văn Chiển, Hà Học Trạc, Hoàng Minh Thảo… Họ đứng lên ngồi xuống thoải mái. Thấy các ông nhắc nhau việc nọ việc kia thật từ tốn mà ý tứ đâu ra đấy cả, được một lát, không khí có vẻ nghiêm nghiêm như sắp vào đoạn kiểm điểm, tôi thưa với nhà thơ: "Các lão gia ghê quá!". Giáo sư Đoàn Trọng Truyến bảo: "Lão gia à? Cổ kính như Tàu như kinh đô Huế hề, nhưng tôi và ông Huy Cận đây là người của lịch sử từ 1945, 1946… Chúng tôi là đại lão gia đó nghe!". Mọi người cười vui.
Đi công tác về, được cơ quan báo là nhà thơ Huy Cận ốm, tôi liền cùng anh em vào bệnh viện Hữu Nghị thăm. Nghe tiếng chúng tôi ở hành lang, nhà thơ nói vọng ra:
- Mình ở đây, Huy Cận ở đây!
Tiếng ông trầm vang, dõng dạc, mà hơi rè. Tôi chợt nghĩ: Chắc lão gia đang làm ra vẻ khỏe mạnh đây. Quả nhiên, khi bốn năm anh chị em cơ quan Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa Việt Nam người ngồi, người đứng chưa yên vị, ông cũng vừa kịp cài nốt, cài lại cái cúc áo ngực, người nhà đến chăm ông chưa kịp lấy nước hay làm gì để ông tiếp khách, thì ông hỏi ngay:
- Các cậu đến đây có mất công lắm không? Phải hỏi đến mấy người? Này, mà đến đây thì đừng ồn ào quá nha…
Một chị trong đoàn đến thăm nhẹ nhàng:
- Dạ thưa bác, chúng cháu cũng không vất vả gì đâu ạ, mà cũng không làm ồn gì đâu ạ.
- Ờ, thế thì được.
Tưởng nhà thơ sẽ im lặng chờ, tôi chuẩn bị nói lời thăm hỏi, ông đã tiếp luôn:
- Cái Hội đồng Từ điển Bách khoa làm được nhiều việc, nhiều việc rất lớn, đáng được Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Đảng khen thưởng tập thể Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, nhưng chúng ta làm ồn quá, mất trật tự quá…
Ông nói liền một hơi, mặt đỏ dần lên, tay trái vẫn để yên trên đầu gối bên trái, còn tay phải giơ lên hạ xuống mấy lần rồi đặt yên trên đầu gối bên phải, cả tay và gối đều rung rung giật giật. Tôi hơi hoảng, vội đứng dậy, đi vòng ra sau lưng ông. Tôi úp ướm nhẹ cả hai bàn tay lên bờ vai vậm vạp của nhà thơ, chốc lát, tay tôi rập rờn theo nhịp thở của ông. Thốt nhiên, tôi như thấy lại cái cảm giác vừa ngỡ ngàng, vừa thương cảm, lại vừa lo lắng một điều gì như cái lần tôi và nhà văn Hồ Khải Đại đến thăm nhà thơ Xuân Diệu dạo trước. Hôm đó anh Đại đã cầm cái khăn bông to lau mồ hôi cho Xuân Diệu, còn tôi thì cầm tờ báo Nhân Dân gấp gấp lại làm quạt phe phẩy gió, nhà thơ Xuân Diệu dịu dàng: "Em lấy cái quạt kia kìa, báo để cho phẳng phiu rồi còn đọc, còn cắt ra mà lưu giữ, mà gói đồ ăn…".
Huy Cận là nhà thơ, nhà văn hóa lừng danh, ông là Phó Chủ tịch kiêm nhiệm tại Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Trong những năm Hội đồng này có chuyện mất đoàn kết, tiếng nói của ông đã góp phần làm ổn định tình hình. Thời gian tôi mới về làm giám đốc Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa Việt Nam, trực tiếp tổ chức, điều hành việc làm bộ sách Từ điển Bách khoa Việt Nam và các sách từ điển khác ở đây, ông đã chỉ bảo cho tôi rất nhiều…
Quả thật, nhờ có sự hậu thuẫn và chỉ đạo kiên quyết của ông và các GS như Hà Học Trạc, Đoàn Trọng Truyến, Hoàn Minh Thảo, Nguyễn Văn Trương… mà các tập 1 và 2, tập 3 của bộ "Từ điển bách khoa Việt Nam" đã được biên soạn xong rồi được xuất bản vào các năm 2002, 2003 sau gần 10 năm bị ngưng trệ. Cơ quan đã đoàn kết lại, sự hào hứng của các nhà khoa học và biên tập viên được nâng lên…Mới hồi tưởng một tí thế, rồi nhìn ông ngồi, nghe ông nói, một nỗi thổn thức dâng lên ngực, tôi cố trấn tĩnh nhìn ra xung quanh, kịp thấy cặp mắt của chị bạn lúc nãy như có nước, tôi vội báo cáo cho ông yên tâm:
- Dạ, em mới đi công tác về, được anh em cho biết là việc phát hành "Từ điển Bách khoa Việt Nam" tập 3 do Văn phòng Hội đồng lo đã ổn dần theo kế hoạch, còn tập 4 thì mọi người cũng đang tìm gom về một đợt nữa, chắc cuối tháng này sẽ tạm đủ bản thảo thô đời mới, anh em đang biên tập và trình duyệt dần từng vòng.
Nhà thơ ngồi yên trên ghế, kéo cái khăn bông to xụ quàng thêm một vòng qua cổ, nói theo kiểu lão gia ban bảo nghiêm nghiêm mà vẫn thân gần:
- Được rồi, được rồi… ông đi vắng mấy tuần mà công việc cơ quan vẫn chạy theo kế hoạch, thế là ông biết tổ chức sắp xếp quản lý như người ta nói với tôi rồi. Tôi nằm đây mà tôi vẫn biết hết, để hôm nào tôi nói thêm cho ông rõ nữa, ông chưa hiểu lịch sử của Hội đồng chỉ đạo Từ điển Bách khoa này đâu ông nhà văn giám đốc ạ!
Chúng tôi im lặng, vừa muốn can ngăn ông hãy nghỉ cho khỏe đã, lại vừa muốn ông phân tích dặn dò. Một người trong đoàn, nhớ ra việc vào đây là để thăm nhà thơ bị ốm, kêu lên:
- Chúng cháu vụng quá, có hoa đây, để cháu thay cho bác nhé!
Rồi mấy chị em anh em người đi xúc lọ, lấy nước, người cắm hoa mới, người bày các thứ quả lên bàn. Ríu rít mấy phút, căn phòng như sáng đẹp hơn. Gương mặt nhà thơ tươi trẻ lại lạ kỳ, ông nhìn hoa, nhìn sang mọi người, nhìn đăm đăm vào tôi, giọng dịu lại:
- Đẹp quá, đẹp rồi đấy, có thích nghe thơ không?
Chúng tôi như cùng reo lên: "Có ạ". Tôi gợi:
- Bài gì vui vui thơ tình ấy ạ.
- Thơ tình mà vui được à? Ông làm lý luận phê bình chắc có biết người ta bảo vẻ đẹp trong thơ Huy Cận là nỗi buồn nhân gian cảm quan vũ trụ chứ?
Hỏi xong, nhà thơ ngồi ngay ngắn lại, hai tay ông nâng lên chén nước nóng, chiêu một ngụm, ông chẹp chẹp miệng. Nhìn tất cả mỗi người, ông nhấp thêm một ngụm nữa, rồi thong thả đọc, giọng trầm nặng thổ âm xứ sở:
- Anh biết yêu em đã muộn màng
Nhìn em trăm bận chỉ nhìn ngang
Biết rằng nhìn thẳng thêm đau đớn
Anh sợ tình ta sẽ dở dang…
Đoạn, dừng lại một tí, ông hỏi: "Xuân Diệu từng nói tình đẹp là tình dang dở phải không?", rồi đọc tiếp:
- Muốn trốn em, mà trốn được nào
Mắt em thầm gọi sắc như dao
Mỗi lần gặp lại lòng đau điếng
Trốn cả lòng anh, trốn được sao
Em hỡi, lòng anh yêu đã sâu
Yêu em ngay tự thuở ban đầu
Gặp em như níu lòng anh lại
Em đẹp, lòng anh lại nhói đau
Em hỡi! Yêu em chẳng muộn màng
Lửa bền trong đá mấy muôn năm
Lửa đôi ta chẳng cùng nhau đượm
Sẽ đốt lòng ta ra bụi than.
Chúng tôi im nghe, im nghe. Tôi ngỡ là tiếng đọc thơ chậm rãi trầm đục mà như vội vã níu kéo, mà như có gì thống thiết kia đang phát ra từ một khối đá nâu đen có đỉnh bồng bềnh mây trắng bay, có cặp mắt nhỏ tinh anh đượm buồn đang lấp lóe sáng.
Tôi nhìn ra phía cửa, có mấy người bệnh, có mấy người đến thăm ông hay thăm ai đó đang sẽ sàng đứng nghe ông đọc thơ. Hình như nắng mùa đông có rực lên ở ngọn cây cao cao rì rào ngoài kia, hình như có làn gió nào đưa hương hoa lan vào phòng thoang thoảng. Tôi biết là sẽ còn lâu, còn chưa biết đến bao giờ mới lại được chính nhà thơ đọc cho nghe thơ ông, lại được xem công chúng nghe thơ như thế này nữa, nên rất muốn ông tiếp tục. Nhưng trông cái dáng ngồi đã chùng xuống của Huy Cận, biết là ông đã mỏi lắm, tôi định nói lời hẹn một dịp khác, thì đã có tiếng ai đó: "Bác đọc bài gì về quê hương đi!", nhà thơ giơ bàn tay to bè vỗ vỗ vào tay tôi: "Mình chưa mệt, chưa mệt đâu…", rồi ông đọc luôn:
- Ông đồ xưa xứ Nghệ
Càng dạy chữ càng nhiều
Tính tình người xứ Nghệ
Càng biết lại càng yêu
… Tình xứ Nghệ không mau
Nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu
Càng tình sâu nghĩa nặng
Ôi tâm hồn xứ Nghệ
Trong hồn Việt Nam ta
Ôi tâm hồn xứ Nghệ
Trong hồn Việt Nam ta…
Biết ông đọc theo kiểu nhảy cóc trích đoạn, tôi thấy hay hay, nhìn ông hồn nhiên mê say giữa sự chăm chú của mọi người, tôi trộm nghĩ: Có ai hạnh phúc như nhà thơ không? Nhưng nghe và thấy ông đọc mấy dòng cuối theo kiểu vè xứ Nghệ, như luyến láy nhấn nha nhấn nhứ, mà giọng trầm đục nhỏ dần, tôi biết là ông mệt thật rồi.
Huy Cận ngồi yên lặng, gương mặt chìm đắm xa xăm, mấy sợi tóc bạc trên vầng trán rịn mồ hôi của ông lay động khẽ. Cặp môi dày của ông mấp máy như định nói gì. Tôi nâng lên ông một chén nước nóng thoảng thơm mùi hoa cúc. Nhà thơ đỡ lấy hít hà mấy nhịp rồi uống một hơi, như cách nhà văn Tô Hoài dạo nào uống rượu vang một mạch gần cạn cả cốc.
Nhà thơ tự sửa lại dáng ngồi duỗi ngửa ra sau, mái đầu hơi cúi xuống, cặp mắt lim dim khép dần như muốn ngủ. Có lẽ ông đang tự lắng nghe lại tiếng thơ tiếng hồn còn âm vang đâu đó cùng chúng tôi. Cặp lông mày lốm đốm bạc có mấy sợi dài hơn xòe ra rung rung bỗng nhướng lên. Tiếng một phụ nữ: "Chào nhà thơ! Anh khỏe rồi à?". Giọng Huy Cận trầm ấm, hơi ngân nga: "Ai đó? Mời vào, mời vào".
Chúng tôi nuối tiếc đứng dậy chào ông ra về, để người khác còn được trò chuyện với ông. Chẳng biết họ có nghe ông đọc thơ nữa không? Kể cũng mong họ được như mình, nhưng lại sợ ông mệt quá.
Mấy hôm sau tôi vào thăm ông lần nữa, nhà thơ bảo: "Hôm ấy các ông về rồi, bọn mình còn vui mãi đấy! Tôi sắp được ra viện ông Nguyên An ạ!". Ông vịn bàn tay to mập ấm mềm lên vai tôi bảo: "Dạo ở đây một tí đi".
Cây cỏ trong khuôn viên bệnh viện lao xao theo bước chân lệt xệt tập tễnh của Huy Cận. Hình như cái lao xao ấy đã gợi ông nhớ đến một vạt đồi xanh sơn cước ở quê với tuổi ấu thơ bảy tám mươi năm về trước thì phải.
(Theo Nguyên An/ Văn nghệ Công an Online)
Xem thêm: Vài mẩu chuyện nhỏ về nhà thơ Huy Cận [kỳ 1]: Tặng thơ cho người sửa chữa xe máy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận