Báo động: Tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần trong 6 năm qua

Theo nghiên cứu mới nhất vừa được công bố, tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% (năm 2019). 

Đỗ Thu Nga
09:14 26/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Một số điểm đáng chú ý tại hội thảo

Sáng ngày 25/4, Bộ Y Tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019", sau 4 năm nghiên cứu. Đây là năm thứ hai Việt Nam tham gia hoạt động này, nhằm thu thập dữ liệu thực trạng về yếu tố nguy cơ với sức khỏe và bệnh không lây nhiễm đối với lứa tuổi học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 (13 - 17 tuổi).

Có mặt trong hội thảo, ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, cuộc khảo sát triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia, cung cấp số liệu về yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm cũng như các bệnh khác.

So sánh điều tra tại Việt Nam năm 2013 với 2019 cho thấy có nhiều tiến bộ có ý nghĩa quan trọng trong một số lĩnh vực. Trong đó, tỷ lệ học sinh hút thuốc lá, dùng ma túy và học sinh bị bắt nạt giảm nhiều. Hay như, học sinh đã tăng cường hoạt động thể chất. Trong đó, tỷ lệ vận động 60 phút/ngày, 5 ngày trong tuần đã tăng từ 20,5% lên 21,7%.

Ty-le-hoc-sinh-quan-he-tinh-duc-truoc-14-tuoi-tang-gap-2-lan
Hình ảnh tại Hội thảo trực tuyến

Thế nhưng, WHO cũng kêu gọi các bộ: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan tăng cường hơn nữa hợp tác đa ngành để giải quyết các vấn đề cấp bách và một số chỉ số tích cực bị giảm.

Cụ thể, so sánh kết quả điều tra tại Việt Nam năm  2013 và 2019 cho thấy, học sinh ăn thức ăn nhanh tăng hơn; thừa cân béo phì tăng lên. Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử mức khá cao. Trong đó, tỷ lệ ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%

Học sinh suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 50% nhưng học sinh thừa cân, béo phì là 5,8% (tăng lên 10,6% trong 2019).

Đây cũng là lần đầu tiên đưa chỉ số sử dụng thuốc lá điện tử vào điều tra. Và kết quả ghi nhận, tỷ lệ chung tại 21 tỉnh, thành có 2,6% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử; riêng ở Hà Nội và TP.HCM tỷ lệ này lên đến 7,9%.

Về chỉ số sức khỏe tâm thần, 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn cảm thấy cô đơn; gần 7% thường xuyên lo lắng. Tỷ lệ trẻ "nghiêm túc xem xét việc tự tử" trong 12 tháng (qua hai lần khảo sát) giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn một nghĩ đến điều này. Trong khi đó, chỉ 40% bố mẹ đồng hành cùng con.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh, Trường Đại học Y tế công cộng (đại diện nhóm nghiên cứu), đây là nhóm yếu tố nguy cơ cần lưu ý vì số liệu này được thu thập trước khi dịch bùng phát. "Nếu khảo sát hiện tại thì có lẽ tỷ lệ này cao hơn", tiến sĩ Hạnh nói.

Tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần

Một vấn đề rất được quan tâm đã được nêu ra tại hội thảo, đó là việc học sinh quan hệ tình dục. Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% (năm 2019).

Trong số những học sinh đã từng quan hệ tình dục, 42,4% có sử dụng bao cao su và 44,0% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với tỉ lệ này vào năm 2013 (lần lượt là 52,6% và 64,2%). trong đó 63,0% có sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất. 

Việc quan hệ tình dục trước 14 tuổi và không sử dụng bao cao su góp phần gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, mang thai ngoài ý muốn cũng như tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao.

Ty-le-hoc-sinh-quan-he-tinh-duc-truoc-14-tuoi-tang-gap-2-lan-0
Ảnh minh họa

Tại hội thảo, Trưởng đại diện WHO khuyến cáo ngành giáo dục và y tế cần xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe cho học sinh, chú trọng về chất lượng bữa ăn trường học, điều kiện vận động thể chất cho học sinh; sức khỏe tâm thần, sức khỏe giới tính...

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình y tế học đường 2021 - 2025, ngành y tế cũng cần có hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho ngành giáo dục triển khai hiệu quả.

Hai bộ, ngành trên cũng cần phối hợp các bộ, ngành xây dựng chính sách để tăng cường vận động thể chất; kiểm soát hoạt động quảng bá thức ăn, thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Xem thêm: Học sinh, sinh viên được nghỉ mấy ngày 30/4 và 1/5 năm 2022?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận