Tuyển tập những đề nghị luận văn học về tác phẩm "Vợ chồng A Phủ"

"Vợ chồng A Phủ" là 1 trong những tác phẩm văn học có trong bộ đề thi tốt nghiệp THPT, vì thế các bạn đừng bỏ qua một số dạng đề văn NLVH về tác phẩm này nhé. 

Đỗ Thu Nga
15:00 01/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động tưởng tượng thuở nhỏ hay đến với những miền đất mới, đến với con người đời dài rộng khi đã trưởng thành" - Phan Anh Dũng.

Các bạn hãy cùng chúng tôi đến với "thế giới" của muôn dạng đề về tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" - tâm huyết đặc biệt về Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài.

ĐỀ 1

Đề bài:

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân là một chi tiết xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần. Hãy phân tích ý nghĩa của chi tiết tiếng sáo trong hai lần xuất hiện sau để từ đó thấy được ngôn ngữ miêu tả đặc sắc của nhà văn: “…Ngoài đầu núi đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta chưa có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu…”;

“…Trong bóng tối Mị đứng im lặng như không biết mình bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”Mị vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được…”

Hướng dẫn làm bài:

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Tô Hoài, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

– Đánh giá khái quát về chi tiết tiếng sáo trong tác phẩm, trích dẫn 2 đoạn văn bản miêu tả chi tiết tiếng sáo.

II. Thân bài

1. Cảm nhận 2 đoạn văn bản miêu tả chi tiết tiếng sáo.

a. Chi tiết tiếng sáo trong lần miêu tả thứ nhất:

– Đây là những tiếng sáo đầu tiên báo hiệu những đêm tình mùa xuân đang đến, những tiếng sáo “rủ bạn đi chơi”, tiếng sáo gọi bạn yêu của những tâm hồn tự do, khao khát yêu đương.

– Tâm trạng Mị khi nghe tiếng sáo:

+ Tiếng sáo gọi bạn tình “vọng” vào tâm hồn Mị “thiết tha bổi hổi”. Từng lời hát giản dị, mộc mạc nhưng lại hàm chứa cái lẽ sống phóng khoáng, tự do của con người đã có sức mời gọi lớn lao đối với Mị: “Mày có con trai… người yêu”.

+ Mị “ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”: Cô Mị sau bao ngày lặng câm đã cất tiếng, dù đó chỉ là những lời thì thầm. Bản “tình ca” tha thiết của những kẻ yêu nhau, của những người tự do, khao khát hạnh phúc đã cất lên trên đôi môi của Mị, đánh dấu một bước trở lại của người con gái yêu đời, yêu sống ngày nào.

Tuyen-tap-nhung-de-nghi-luan-van-hoc-ve-tac-pham-Vo-chong-A-Phu-9

b. Chi tiết tiếng sáo trong lần miêu tả thứ hai:

– Đây là tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo vọng vào tâm hồn Mị khi Mị bị A Sử trói.

– Tâm trạng Mị khi nghe tiếng sáo:

+ “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi…”: Mị như quên hẳn mình đang bị trói, quên những đau đớn về thể xác, Mị vẫn thả hồn theo những cuộc chơi, những tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết, tiếng sáo không chỉ vang vọng trong không gian mà còn tồn tại trong chính tâm hồn Mị.

+ “Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được”: Tiếng sáo của những đôi lứa yêu nhau và của cả những người lỡ duyên đã có sự tác động lớn lao tới tâm hồn Mị, nó thôi thúc Mị, khiến Mị vùng bước đi, quên thực tại đau khổ trước mắt.

Hành động tàn nhẫn tới tận cùng của A Sử chỉ có thể trói Mị giữa ngày xuân nhưng không thể giam nổi sức xuân đang trào dâng trong Mị.

2. Đánh giá:

a. Ý nghĩa của tiếng sáo:

– Chi tiết tiếng sáo qua 2 lần miêu tả có vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm hồi sinh tâm hồn Mị, làm trỗi dậy sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong cô. Nó giống như một tác nhân làm sống dậy trong Mị những cảm xúc rạo rực của tuổi trẻ, làm bùng lên niềm khao khát sống, khao khát yêu đương. Nếu không có không khí ngày tết nhộn nhịp ở Hồng Ngài, đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình không cất lên thì có lẽ Mị vẫn mãi chìm đắm trong những tháng ngày câm lặng, vô thức. Ngay cả khi cô bị trói đứng thì âm thanh của tiếng sáo như ma lực làm bùng cháy trong Mị niềm khao khát yêu, khao khát sống.

– Sự xuất hiện của chi tiết âm thanh tiếng sáo còn góp phần tô đậm thêm những giá tri nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn muốn ca ngợi và khẳng định sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người lao động miền núi không có một thế lực nào có thể hủy diệt được. Và chỉ cần âm thanh của tiếng sáo ấy có thể làm thức dậy nguồn sức sống ấy.

– Chi tiết tiếng sáo cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên hơi thở miền núi cho truyện ngắn. Cũng nhờ có sự xuất hiện của âm thanh này mà các trang văn mà Tô Hoài xây dựng đẫm chất thơ. Tiếng sáo ấy quả là âm thanh gây nhiều ấn tượng không chỉ đối với các nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng, hút người đọc mạnh mẽ.

b. Ngôn ngữ miêu tả đặc sắc của nhà văn:

– Tiếng sáo là một trong những chi tiết được Tô Hoài dụng công miêu tả. Nó xuất hiện nhiều lần,trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau.

– Và để khắc họa nổi bật chi tiết trên, tác giả sử dụng ngôn ngữ đầy sức gợi, gợi tả các sắc thái khác nhau của tiếng sáo. Qua cách diễn đạt này, độc giả dường như không phải tốn quá nhiều công sức để mường tượng thứ âm thanh ấy mà nó hiện hữu khá rõ nét, không chỉ tác động vào thính giác mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ đến thị giác.

III. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.

ĐỀ 2

Đề bài:

Bàn luận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, có ý kiến cho rằng: “Khi Mị nghĩ đến cái chết là lúc khát vọng sống của Mị trỗi dậy mãnh liệt nhất”. Hãy phân tích các đoạn văn dưới đây để làm rõ ý kiến trên.

Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử. Ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.

....Từ nay Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mặt ứa ra.

... Mị đứng lặng trong bóng tối.

Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc.

Mị thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi...

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại vừa thở vừa nói:

- Ở đây chết mất.

(Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Hướng dẫn làm bài:

1. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề nghị luận

Truyện Vợ chồng A Phủ, một tác phẩm để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với những kiếp đời trâu ngựa mà còn có một đêm tình mùa xuân của tuổi trẻ dập dìu tiếng sáo, chi tiết nghệ thuật làm xúc động tâm hồn người đọc một cách sâu sắc.

– Dẫn ra vấn đề cần nghị luận

Điểm nghệ thuật ấy thật sự phát sáng và thăng hoa trong đoạn văn miêu tả tâm lý và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa xuân và đêm mùa đông cứu A Phủ. Điều đặc biệt là nhà văn đã nhấn mạnh sức sống của Mị qua những lần Mị nghĩ đến cái chết. Phải chăng chính cái chết đã giúp Mị ý thức đầy đủ nhất của sự sống trọn vẹn trong thân phận một con người.

2. Thân bài

2.1. Khái quát chung

Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị - người nô lệ đã đứng lên gỡ bỏ gông cùm, xiềng xích để đến với ánh sáng của tự do. Viết về nhân vật của mình, Tô Hoài tâm sự: ““Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt”.

2.2. Giải thích

Sống không chỉ là sự tồn tại về thể xác mà còn là trọn vẹn về cả thể xác lẫn tâm hồn. Mị đã sống kiếp con dâu gạt nợ bị bóc lột sức lao động, tra tấn về thể xác, khô kiệt cả sức sống trong tâm hồn. Khi ý thức được tình cảnh đau khổ của bản thân cũng là lúc Mị muốn kết liễu cuộc đời của mình. Mâu thuẫn giữa khát vọng sống và thực tại hoàn cảnh đã dẫn đến ý nghĩ về cái chết của sự giải thoát. Điều đó chúng ta cũng có thể bắt gặp trong bi kịch của Chí Phèo, bi kịch của Hồn Trương Ba...

Ba lần nói đến cái chết là ba lần Mị khát khao sự sống mãnh liệt. Điều đó chứng tỏ khát vọng sống dù trải qua rất nhiều đau khổ, cay đắng vẫn âm thầm tiềm tàng và mãnh liệt. Nó không bị vùi lấp đi nhường chỗ cho một tâm hồn khô cằn, vô cảm. Mỗi khi nhân vật được đặt trong hoàn cảnh đặc biệt với những tác nhân bên ngoài thì khát vọng sống lại trỗi dậy mãnh liệt nhất. Đó có thể là sức sống của mùa xuân với sự hồi tưởng, liên hệ qua tiếng sáo của hiện tại với quá khứ. Đó có thể là sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ với A Phủ.

Qua ba lần sức sống trỗi dậy người đọc thấy được sự chuyển biến tâm lí của nhân vật. Khát vọng sống bị kìm nén để trỗi dậy thành hành động quyết liệt tự giải thoát bản thân.

Tuyen-tap-nhung-de-nghi-luan-van-hoc-ve-tac-pham-Vo-chong-A-Phu-9

2.3 Cảm nhận về khát vọng sống của Mị

a. Đoạn 1

Mị là cô gái xinh đẹp tài năng. Cô đáng được hưởng một cuộc đời hạnh phúc êm ấm. Nhưng trớ trêu thay gia đình Mị phải đeo đẳng món nợ truyền kiếp từ thời cha Mị cưới mẹ Mị không đủ tiền phải vay nhà thống lý Pá Tra. Món nợ ấy trút xuống đôi vai Mị và cũng từ đây cuộc đời Mị lật sang một trang mới – trang đời vô cùng đắng cay nghiệt ngã đó là sự “lay lắt đói khổ, nhục nhã”.

Mị muốn tự kết liễu cuộc đời mình trong lần trốn về nhà. Vì ham sống nên Mị không chấp nhận kiếp sống tủi nhục, chết ngay trong cõi sống. Nhưng với Mị, thời điểm ấy, cái chết là phương tiện để giải thoát chứ không phải là mục đích của Mị.

Qua đó thấy được một tâm hồn cao đẹp của Mị, một trái tim dũng cảm, không muốn mình phải sống như con trâu con ngựa, sống mà như chết. Mị muốn sống một cuộc sống cho ra sống. Mị khao khát sống cuộc đời tự do, bay bổng như tiếng sáo, được sống với tình yêu của tuổi trẻ. Khát vọng ấy mạnh mẽ, quyết liệt hơn cả sự sống.

Rồi Mị chỉ bưng mặt khóc “Mị ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng. Mị vẫn giấu trong áo. Thế là Mị không đành lòng chết” vậy đấy, số kiếp con người đã định đoạt, Mị chấp nhận về làm con dâu gạt nợ, chấp nhận cuộc sống – sống không bằng chết của mình. Một cô gái đã rất can đảm tìm đến nắm lá ngón, nhưng lại can đảm hơn để sống với sự khổ cực của mình, rốt cuộc vẫn là một trái tim nhân hậu, hiếu thảo, và bản lĩnh. Khi Mị không còn nghĩ đến cái chết nữa là khi Mị chấp nhận cuộc sống lùi lũi như con rùa nuôi nơi xó cửa.

b. Đoạn 2:

Mị là một cô gái có sức sống tiềm tàng, một khao khát tự do, hạnh phúc mãnh liệt. không có sự bạo tàn nào vùi dập, trói buộc nổi, nhất là khi được ngoại cảnh tác động. khi mùa xuân tràn về các làng Mèo, trai gái tụ tập bên nhau nô đùa, nhảy múa, thổi sáo gọi bạn tình, Mị đã sống lại những chuỗi ngày tự do.

Mị không cam chịu bóng tối ngột ngạt, u ám của kiếp nô lệ phong kiến. Thực tại A Sử không cho cô đi chơi tết, nhưng cô rất khao khát được đi như bao cô gái khác cùng trang lứa. Mị và A Sử không có lòng với nhau nhưng vẫn ở với nhau.

Trong khi đó, tiếng sáo đã khiến Mị đã quên đi cảnh ngộ thực tại để hành động theo tiếng gọi giục giã, tha thiết, rạo rực, cháy bỏng từ trái tim khát khao hạnh phúc, tình yêu của bản thân mình. Tiếng sáo của thực tại thôi thúc Mị nhớ đến tiếng sáo của quá khứ. Mị nhớ về tuổi trẻ tự do, hạnh phúc với tình yêu.

Quá khứ êm đềm trỗi dậy như dòng suối miên man chảy vào miền ký ức ngọt ngào của thời thanh xuân” Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Tín hiệu cuộc sống, niềm yêu đời, say đời trở lại đã đưa Mị tìm lại được ý niệm về thời gian, Mị sống với thời gian quá khứ và từ đó nàng nhận ra thời gian, không gian thực tại.

Đối lập giữa quá khứ với thực tại, giữa khát vọng tự do bay bổng và sợi dây cường quyền thần quyền, đang trói buộc thân phận của người con gái đã làm Mị lại nghĩ đến nắm lá ngón, lại nghĩ đến cái chết. Mị thương chính số phận của mình bây giờ, Mị đau trong cảnh “sống không ra người” này của mình.

Mị chọn khoảnh khắc hạnh phúc nhất để chết, vì chết lúc ấy người ta dễ mang theo hạnh phúc và dễ bỏ khổ đau lại phía sau. Mị tìm đến cái chết vì muốn quên đi thực tại đau khổ với thân phận không bằng con trâu con ngựa. Mị tìm đến cái chết vì muốn quên đi quá khứ tươi đẹp nơi mình được là chính mình.

Mà “nghĩ đến cái chết” là biểu hiện cao độ nhất của lòng ham sống. Đó chính là sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Ngọn lửa của lòng ham sống ấy đã bị dập tắt một cách phũ phàng nhưng dư vang của nó vẫn ngưng đọng trong tâm hồn. Cái đêm mùa xuân ấy càng nhấn sâu vào vết thương lòng trong cuộc đời Mị. Dẫu biết rằng đốm lửa vẫn âm ỉ trong lòng Mị. Khát vọng ấy trong Mị là những đợt sóng ngầm nhưng nó sẽ trỗi dậy ngày mai để trở thành sóng thần để cuốn đi bao tủi nhục của hôm nay.

c. Đoạn 3:

Mị sau khi cởi trói cho A Phủ cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm, nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy (…) và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.

Mị đã nghĩ đến A Phủ rồi và lúc này Mị mới lo sợ cho chính mình có thể phải chết. Từ sự thôi thúc cấp bách của cảnh ngộ hiện tại, từ tiếng gọi thiêng liêng, bất tử của cuộc sống độc lập, tự do.

Lúc này, giữa ranh giới cái chết và sự sống, tự do và nô lệ, Mị cũng vụt chạy hổn hển gọi: “A Phủ cho tôi đi! Một tình yêu nảy nở từ sự hy sinh và một tình yêu đáp lại từ sự đồng điệu của tâm hồn, của khát vọng sống. Một cuộc giải phóng đời mình tuy là tự phát nhưng thật sự đã diễn ra. Nếu như Hồng Ngài như địa ngục trần gian giam hãm thể xác và tâm hồn Mị thì đó là sự vượt ngục tất yếu để tìm đến tự do, cũng chính là nét độc đáo của ngòi bút Tô Hoài: ngòi bút của chủ nghĩa nhân đạo.

Ở lần này khác với những lần muốn tìm đến cái chết trước đó thì Mị lại nghĩ về cái chết và sợ cái chết đang chờ mình. Chính suy nghĩ này đã khiến Mị không còn cam chịu nhẫn nhục chịu đựng mà vùng dậy tự giải thoát, chạy theo tiếng gọi của ánh sáng tự do.

2.3. Bình luận

Mị có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sức sống đó được bộc lộ ngày một mạnh mẽ và có ý nghĩa tích cực hơn. Ban đầu Mị định dùng lá ngón tự tử- sức phản kháng dù tiêu cực nhưng mạnh mẽ, lần thứ hai khi xuân về, nghe tiếng sáo vọng, Mị muốn đi chơi xuân - hành động phản kháng theo tiếng gọi của hạnh phúc. Và lần cắt dây trói, đi theo A Phủ là đỉnh điểm của sức phản kháng trong Mị, cô vượt qua cả nỗi sợ hãi vốn tồn tại trong mình từ rất lâu để tìm đến tự do.

3. Kết bài

Qua hình tượng nhân vật Mị ở 3 chặng khác nhau của cuộc đời Mị, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả thực trạng cuộc sống bị áp bức, đè nén, chà đạp đến cùng cực, của số phận những con người nhỏ bé nơi miền núi cao Tây Bắc, tố cáo, vạch trần tội ác của bọn phong kiến nơi ấy đồng thời phát hiện nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người tập trung ngòi bút ngợi ca sức sống tiềm tàng của họ. Đó cũng chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo toát lên từ nhân vật trung tâm của thiên truyện hấp dẫn này.

ĐỀ 3

Đề bài:

Cảm nhận của anh/chị về thân phận của Mị và A Phủ trong đoạn văn sau trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài để thấy được giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm:

Trong bóng tối, Mị đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mị vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

....

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục 2015)

Hướng dẫn làm bài:

1. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề nghị luận

Trước cách mạng tháng Tám, Tô Hoài nổi tiếng với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu kí. Sau cách mạng tháng Tám và đi theo kháng chiến, Tô Hoài tiếp tục khẳng định tài năng của mình bằng tập Truyện Tây Bắc . Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn viết về đề tài Tây Bắc.

– Dẫn ra vấn đề cần nghị luận

Thông qua khắc họa thân phận Mị và A Phủ, tác giả muốn nói lên cuộc sống của người dân lao động vùng núi cao, dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân phong kiến miền núi . Đặc biệt truyện đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng và khả năng đến với cách mạng của họ. Đoạn văn cảm động hơn cả chính là cảnh Mị và A Phủ bị trói. Tuy diễn ra trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng lại có sự đồng cảm sâu sắc.

2. Thân bài

2.1. Khái quát chung

- “Vợ chồng A Phủ” in trong tập “Truyện Tây Bắc” lấy bối cảnh ở miền núi Tây Bắc và câu chuyện xoay quanh 2 nhân vật Mị và A Phủ.

- Hoàn cảnh sáng tác: Trong chuyến đi thực tế dài 8 tháng cùng bộ đội và giải phóng Tây Bắc.

- “Vợ chồng A Phủ” In trong tập “Truyện Tây Bắc“- Giải nhất Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955.

2.2 Cảm nhận về đoạn 1

- Thân phận khổ đau, nô lệ của Mị:

+ Nỗi ám ảnh và sức sống mãnh liệt của tuổi xuân cứ lớn dần. Tiếng sáo từ chân núi đến khi văng vẳng bên tai, cho tới khi nó lấn chiếm hẳn trọn bộ tâm hồn và suy nghĩ của Mị. Từ sự nổi loạn trong suy nghĩ cho tới hành động: tiếng nói nội tâm Mị muốn đi chơi . Mị cũng sắp đi chơi” hành động: quấn lại tóc , với thêm cái váy hoa, rồi rút thêm cái áo . Tất cả những việc đó , Mị đã làm như trog một giấc mơ, tuyệt nhiên không nhìn thấy A Sử bước vào, không nghe thấy A Sử hỏi.

+ A Sử trói Mị vào cột bằng sợi dây cường quyền và thần quyền, bằng mái tóc thanh xuân, rồi lẳng lặng tàn nhẫn thắt dây lưng xanh, khoác thêm vòng bạc đi chơi, bỏ mặc đang chìm đắm với những giấc mơ về một thời xuân trẻ, đang bồng bềnh trong cảm giác du xuân.

- Khát vọng sống mãnh liệt:

+ Sợi dây chỉ trói được thân xác mà không ràng buộc được tâm hồn Mị. Tâm hồn Mị đang còn sống trong thực tại và ảo giác của quá khứ. Cái cảm giác về hiện tại nô lệ tàn khốc đối lập với quá khứ tự do tươi đẹp, Mị chỉ cảm thấy khi vùng chân bước theo tiếng sáo mà tay chân đau không cựa được.

+ Mị sống giữa chập chờn nữa giữa cái mơ và cái tỉnh, giữa tiếng sáo và nỗi đau nhức của dây trói và tiếng con ngựa đạp vách, nhai cỏ , gãi chân.

+ Khi Mị tỉnh dần ra, đau đớn và tê dại dần đi, Mị trở về với thực tại. Lí trí nhắc Mị về thân phận qua tiếng chân ngựa gõ vào vách. Để sáng hôm sau, Mị lại trở về với vị trí của con rùa nuôi trong câm lặng, mà còn câm lặng hơn trước.

2.3 Cảm nhận về đoạn 2

- Thân phận khổ đau, nô lệ của A Phủ:

+ Cũng như Mị, A Phủ là nạn nhân của chế độ độc tài phong kiến miền núi . Những va chạm mang đầy tính tự nhiên của lứa tuổi thanh niên trong những đêm tình mùa xuân đã đưa A Phủ trở thành con ở gạt nợ trong nhà thống lí. Và bản năng của một người con vốn sống gắn bó với núi rừng, ham thích săn bắn đã đẩy A Phủ tới hiện thực phũ phàng : bị trói đứng.

- Sự đồng cảm:

+ Bước ngoặt bắt đầu từ những dòng nước mắt : “Đêm ấy A Phủ khóc . Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai lõm má đã xạm đen”. Và giọt nước mắt kia là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy cốc nước. Nó đưa Mị từ cõi quên trở về với cõi nhớ. Mị nhớ mình đã từng bị trói, đã từng đau đớn và bất lực. Mị cũng đã khóc, nước mắt chảy xuống cổ, xuống cằm không biết lau đi được . A Phủ, nói đúng hơn là dòng nước mắt của A Phủ, đã giúp Mị nhớ ra mình, xót thương cho mình.

+ Từ sự thương mình, Mị dần dần có tình thương với A Phủ, tình thương với một con người cùng cảnh ngộ . Nhưng nó còn vượt lên giới hạn thương mình : “Mình là đàn bà … chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi còn người kia việc gì mà phải chết”. Mị cởi trói cho A Phủ để rồi bất ngờ chạy theo A Phủ .

+ Lòng ham sống của một con người như được thổi bùng lên trong Mị, kết hợp với nỗi sợ hãi, lo lắng cho mình. Mị như tìm lại được con người thật , một con người còn đầy sức sống và khát vọng thay đổi số phận.

Nhà văn Tô Hoài đã viết về Mị , A Phủ với tất cả lòng yêu thương, thông cảm, và chỉ có lòng yêu thương thông cảm, Tô Hoài mới phát hiện ra vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn những con người ham sống như Mị, như A Phủ.

2.4. Nhận xét

- Giống nhau: Mỵ và A Phủ đều là nạn nhân của chế độ thực dân phong kiến bấy giờ và cả hai đều có khát vọng về đời sống tự do. Sức sống của Mỵ và A Phủ không bị hoàn cảnh đen tối tiêu diệt mà vẫn tiềm ẩn và cuối cùng bùng lên mãnh liệt.

Và chính hoàn cảnh bi thương đó đã đánh thức lòng thương cảm trong con người Mị . Nhưng tình thương đó không phải tự nhiên bùng phát trong Mị mà là kết quả của một quá trình đấu tranh giằng xé trong thế giới nội tâm của cô.

- Khác nhau : Mị bị giam cầm trong nhà Thống lí Pá Tra rất lâu nên Mị có tính cách cam phận, chịu đựng. Còn A Phủ mồ côi từ nhỏ, sống tự lập từ nhỏ, do đó, sự phản kháng của A Phủ mãnh liệt hơn, táo bạo hơn.

3. Kết bài

Nhà văn không còn dừng ở sự quan sát từ bên ngoài mà đã hòa nhập sâu sắc vào cảnh sống, vào số phận, cuộc đời các nhân vật mình, tạo ra một cái nhìn và giọng điệu trần thuật gần gũi, thống nhất giữa người kể chuyện và nhân vật. Giá trị nhân đạo của tác phẩm càng giàu thêm bởi ngòi bút của nhà văn đã đồng cảm, trân trọng và khơi dậy ở nhân vật của mình những phẩm chất đẹp đẽ, những giá trị chân chính, những khát vọng sống hạnh phúc và tự do.

Xem thêm: 7 kết bài nâng cao Ngữ văn 12, đảm bảo giám khảo đọc là mê

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận