7 kết bài nâng cao Ngữ văn 12, đảm bảo giám khảo đọc là mê
Một bài viết hoàn hảo là một bài viết có kết bài ấn tượng. Nếu bạn chưa tìm ra được kết bài ổn cho mình thì hãy tham khảo nhé!
VỢ CHỒNG A PHỦ
"Văn học là cuộc đời... Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi tới của văn học", mỗi người nghệ sĩ chân chính đều ý thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực và đời sống. Đời sống là những nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn cho những sáng tác nảy nở, bước đi trên từng nẻo đường là từng giọt tư tưởng chắt chiu được hình thành. Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", không chỉ tố cáo, lên án bọn quan lại phong kiến chúa đất miền núi, Tô Hoài còn phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp về khát vọng tự do, cùng sức sống mãnh liệt trong tâm hồn của người lao động. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo Cách mạng, gắn tình thương với đấu tranh, gắn niềm tin vào tương lai đầy triển vọng của con người. Cùng với cốt truyện sáng tạo, tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật kể chuyện giản dị, "Vợ chồng A Phủ" vẫn giữ nguyên vẹn sức hấp dẫn qua từng thập kỷ.
VỢ NHẶT
Trên phông nền u ám của nạn đói, của cái chết, của tiếng quạ kêu thê thiết với mùi đống dẫm khét lẹt, Kim Lân vẫn pha vào đó chút màu sắc của hạnh phúc lứa đôi, lỏe len hi vọng về một ngày mai tươi sáng, về sự thay đổi vận hội. Thông qua tình huống dở khóc dở cười trở trêu đó, tác giả đã ngầm khẳng định một chân lý mà nhà văn Nguyễn Khải từng viết trong "Mùa lạc": Sự sống nảy sinh từ trong lòng cái chết, hạnh phúc hiện hình từ ranh giới của gian khổ hy sinh. Trên đời này không có con đường cùng mà đây chỉ là những ranh giới. Điều cốt yếu là chúng ta phải chuẩn bị cho mình những sức mạnh để có thể vượt qua ranh giới ấy".
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG
Có thể nói "Ai đã đặt tên cho dòng sông" đã mang đến những phát hiện mới lạ và độc đáo của sông Hương cho độc giả cả nước. Nó là dòng sông man dại, hoang tàn ở khúc thượng nguồn rồi lại trở nên mê đắm, thủy chung khi gặp được người tình trong mộng của mình là xứ Huế. Sông Hương đi vào trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường không vô tri vô giác mà nó có cảm xúc, có tình yêu. Tác phẩm đã thể hiện tình yêu quê hương, xứ sở nồng nàn của tác giả, một ký giả nặng lòng với Huế:
"Dòng sông ai đã đặt tên
Để người đi nhớ Huế mãi không quên
Xa con sóng mang bao nỗi nhớ
Người ở lại tháng năm đợi chờ".
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ
Viết về người lái đò sông Đà, viết về một vùng đất của Tổ quốc, Nguyễn Tuân đã thể hiện nguồn xúc cảm yêu thương thiết tha với người lao động và thiên nhiên đất nước. Sông Đà càng đẹp, càng sinh động thì ông lái đò hiện lên càng anh dũng, ngoan cường trong lao động, ta lại càng thấy được bản lĩnh, tấm lòng và tài năng của Nguyễn Tuân. Nhà văn đã phát hiện ra trong con người bình dị ấy "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của núi rừng Tây Bắc. Cuộc sống quanh ta vốn rất cũ kỹ, tầm thường, gió vẫn thổi, mây vẫn trôi, ngày lại qua ngày... nhà văn chính là người đã mang lại cho ta một thế giới mới, tinh khôi hơn, diệu kỳ hơn. Và Nguyễn Tuân đã làm tròn sứ mệnh của một nhà văn ông đã góp phần mang đến cho thế giới những sắc màu mới. Bước vào thế giới của Nguyễn Tuân, chúng ta như bước vào chân trời với màu sắc huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của tài hoa và sự uyên bác.
SÓNG
Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đi vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", khi sân ga, bến nước, sân đình, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới thấy rõ khát khao của người con gái trong tình yêu:
"Khi ta còn trẻ, thơ là người mẹ
Ta lớn lên rồi thơ là người yêu
Chăm sóc tuổi già, thơ là con gái
Lúc chết cũ rồi, kỷ niệm hóa lưu thơ"
Đọc xong bài thơ Sóng, ta càng cảm thấy ngưỡng mộ hơn những người con gái Việt Nam, những con người luôn sống thủy chung, luôn hết mình vì tình yêu, khát vọng hạnh phúc. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu đôi lứa khi đã thổi một làn gió mới vào nền văn học thơ ca nước nhà.
RỪNG XÀ NU
Tôi yêu say mê cây xà nu. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. Mỗi cây cao vút, vạm vỡ ứa nhựa. Tán là vừa thanh vừa rắn rỏi, mênh mông tưởng như đã sống ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau". Trong dụng ý miêu tả của mình, Nguyễn Trung Thành đã lựa chọn cánh rừng xà nu bạt ngàn nằm cạnh con nước lớn, chạy xa tít tắp đến tận chân trời để làm nền cảnh cho tác phẩm của mình, để từ đó hiện lên là hình ảnh một tập thể anh hùng Tây Nguyên bất khuất, kiên cường. Đó là những con người mãi mãi đi vào huyền thoại của thế kỷ 20, đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Và trong những đêm tối được ngọn lửa cách mạng soi đường, những trang viết về họ vẫn luôn thăng hoa, được ghi nhớ và được kể lại cho đến muôn đời sau. Trong vang vọng của núi rừng, trong tâm trí người Xô Man cũng như bạn đọc vẫn còn đây câu nói trầm ẩm đầy uy lực của cụ Mết "Nhớ lấy, ghi nhớ... Chúng nó cầm súng, mình phải cầm mác".
TÂY TIẾN
Đọc Tây Tiến, cái ta cảm nhận được không chỉ là vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng mà còn là vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ, nên họa của Tây Bắc mĩ lệ. Tất cả hiện lên thật rõ nét trong nỗi nhớ của nhật vật trữ tình, nỗi nhớ thương chưa bao giờ nguôi dứt. Có thể nói, với Tây Tiến, Quang Dũng đã xây dựng bức tượng đài bất hủ về người lính trong kháng chiến chống Pháp. Khói lửa chiến tranh đã qua đi, lịch sử dân tộc cũng đã bước sang trang mới, nhiều người thuộc đoàn binh Tây Tiến năm ấy đã trở thành thiên cổ, trong đó có nhà thơ Quang Dũng hào hoa... Đúng như những vần thơ Giang Nam từng viết:
"Tây Tiến biên cương mờ khói lửa
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy con người ấy
Vẫn sống muôn đời cùng núi sông"
Xem thêm: Điểm danh một số khái niệm lý luận văn học dễ xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận