Tướng mạo của hai vị vua Lê Lợi và Nguyễn Huệ đã được "thần thánh hóa" đến mức nào?
Có lẽ vì quá mến mộ nhân cách, tài trí của hai vị đế vương Lê Lợi và Nguyễn Huệ mà các sử gia đã phần nào "thần thánh hóa" tướng mạo của họ.
Lê Lợi - người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao
Lê Thái Tổ (10 tháng 9, 1381 – 5 tháng 10, 1433) tên khai sinh là Lê Lợi. Ông là nhà chính trị, nhà lãnh đạo quân sự, người thành lập một quân đội người Việt và lãnh đạo đội quân này chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân đội nhà Minh từ năm 1418 đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428 sau đó xây dựng và tái thiết lại đất nước. Ông cũng thành công với các chiến dịch quân sự đánh dẹp các tù trưởng ở biên giới phía Bắc Đại Việt và quân đội Ai Lao. Ông được coi là anh hùng, vị vua huyền thoại của Đại Việt với tài năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với nhân dân.
Sự ra đời và tướng mạo của vua Lê Lợi cũng được sử sách chép rất nhiều. Trong đó, sách Đại Việt thông sử chép rằng: "Vua sinh giờ tí (tức từ khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng) ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385), niên hiệu Xương Phù thứ 9 nhà Trần, tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương. Nguyên trước, xứ Du Sơn, thôn Như Áng Hậu thuộc làng này (Chủ Sơn) có một cây quế, dưới cây quế này có con hùm xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai. Từ khi Vua ra đời thì không thấy con hùm ấy đâu nữa. Người ta cho là một sự lạ!
Ngày Vua ra đời thì trong nhà có hào quang đô chiếu sáng rực và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. Khi lớn lên thì thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên, bả vai bên trái có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường".
Lê Lợi sinh ra trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Vào năm ông 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của vương triều nhà Hồ thất bại, nước Việt rơi vào ách thống trị của phương Bắc. Trước cảnh nước nhà lầm than, Lê Lợi đã nung nấu quyết tâm đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi.
Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách.
Đến năm 1418, ông tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với lực lượng ban đầu chỉ khoảng vài nghìn người. Thời gian đầu ông hoạt động chủ yếu ở vùng thượng du Thanh Hóa, quân Minh đã huy động lực lượng tới hàng vạn quân để đàn áp. Nhưng bằng chiến thuật trốn tránh hoặc sử dụng chiến thuật phục kích và hòa hoãn, nghĩa quân đã dần lớn mạnh.
Đến năm 1424, Lê Lợi quyết định đánh vào Nghệ An, Thuận Hóa, liên tục giành thắng lợi rồi trở ra giải phóng Thanh Hóa. Đến năm 1426, quân Lam Sơn đã làm chủ từ Thanh Hóa tới Thuận Hóa, quân Minh chỉ còn co cụm trong các thành Nghệ An, Thuận Hóa và Thanh Hóa.
Năm 1426, ông cử 3 đạo quân tiến ra Bắc, trong khi nhà Minh cử một lực lượng lớn do Vương Thông chỉ huy sang tiếp viện. Hai cánh quân của Lê Lợi kết hợp với nhau, đánh bại quân Minh ở trận Tốt Động – Chúc Động, ép Vương Thông lui về Đông Quan cố thủ. Nghe tin, Lê Lợi lập tức mang đại quân ra Bắc, tổ chức lại quân đội, phân chia hành chính, ban hành các đạo dụ răn quân lính và nhân dân,... lập thế trận bao vây quân Minh.
Nhà Minh sai các tướng Liễu Thăng, Mộc Thanh mang quân sang tiếp viện, Lê Lợi sai quân ngăn chặn và đánh bại hoàn toàn hai đạo quân tiếp viện này. Vương Thông cùng đường phải xin hòa với quân Lam Sơn khi chưa được sự đồng ý của triều đình nhà Minh.
Bất chấp sự phản đối của tướng lĩnh và nhân dân, Lê Lợi cho phép quân Minh rút lui an toàn. Thậm chí còn chu cấp vật tư cho họ như thuyền bè, lương thực. Và còn sửa đường để chúng về nước dễ dàng hơn.
Đến ngày 17 tháng 12 năm 1427 (âm lịch) quân Minh chính thức về nước, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thay mình làm Bình Ngô đại cáo báo cáo cho thiên hạ biết về việc quân Minh đã giảng hòa, rút quân về nước, Nam Bắc thôi việc binh đao, thiên hạ đại định.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông kinh, mở đầu triều Lê sơ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Mặc dù ở ngôi được có 6 năm nhưng những việc làm của ông vua này có ý nghĩa đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nền độc lập phồn vinh của quốc gia Đại Việt. Việc làm đầu tiên của Lê Thái Tổ là bàn định luật lệnh. Và nhờ cố gắng đó, hai năm sau (1430), Lê Thái Tổ đă cho ban hành những điều luật đầu tiên của triều đại mình".
Nguyễn Huệ - cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối
Quang Trung Hoàng đế (Nguyễn Huệ, 1753 – 1792) là một nhà chính trị, nhà quân sự, vị hoàng đế thứ 2 của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Quang Trung không chỉ là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc bách chiến bách thắng, mà còn là nhà cai trị tài giỏi. Ông đã đưa ra nhiều chính sách cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Ông là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
So với các hoàng đế trong lịch sử Việt Nam, có lẽ Quang Trung - Nguyễn Huệ được các sử thần lưu lại những miêu tả chi tiết hơn về vóc dáng, thậm chí miêu tả cả đến làn da, mái tóc và nhất là đôi mắt:
"Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng… “không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông” (Hoàng Lê nhất thống chí). “Đôi mắt lập lòe như ánh điện” (Đại Nam chính biên liệt truyện), “con mắt nhỏ nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu” (Tây Sơn thuật lược)…
Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung cũng trích dẫn tướng mạo của Hoàng đế Quang Trung theo mô tả của một quan viết sử dưới thời Nguyễn: “Huệ tóc quăn, mặt đầy mụn, có con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận thì thế thắng uy nghi, anh hùng lẫm liệt, cho nên mới bình định được phương Nam, dẹp phương Bắc, tiến đến đâu thì không ai hơn được... Óc thông minh đó sẽ làm nên sự nghiệp lớn, tiếng nói sang sảng như chuông sẽ là lệnh truyền hiệu nghiệm đầy sức thuyết phục. Với đôi mắt như ánh điện, thay được đèn soi sáng cả chiếu vào lúc ban đêm, có thể xuyên thấu mọi tâm can sâu thẳm của mỗi con người, của đối phương nên đã làm người người đều kinh sợ. Cái nhãn quang đó cùng bộ óc thông minh của ông đã làm nên sự nghiệp phi thường như lịch sử đã ghi lại".
Trong một phác họa chân dung vua Quang Trung - Nguyễn Huệ in trên tiền giấy, hậu thế có thể thấy đôi mắt của vua là một đôi mắt đẹp đặc trưng kiểu người Việt Nam, nghĩa là đôi mắt to, hai mí lớn, nhãn cầu hơi lồi và ánh nhìn ngay thẳng, chính trực.
Có lẽ do quá ấn tượng với nhân cách và tài năng của vị anh hùng áo vải này mà các sử gia đã phần nào "thần thánh hóa" đôi mắt của vua. Việc này có lẽ cũng để người đời sau cảm nhận được uy lực lạ lùng từ đôi mắt ấy. Việc miêu tả chi tiết đôi mắt, làn da cũng như mái tóc của vua Quang Trung càng cho thấy sự gần gũi của vị vua có xuất thân dân dã này.
Xem thêm: Lê Lợi hạ đồn Đa Căng, đả thông Thanh - Nghệ, công đầu thuộc về bà lão hành nghề đỡ đẻ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận