Những cái chết lạ lùng trong sử Việt [Kỳ cuối]: Đầu gần lìa cổ vẫn chưa đi? Hỏi thần, hỏi phật sống làm chi?

Đoàn Thượng cũng là 1 trong số những nhân vật lịch sử có cái chết chẳng giống ai. Để biết câu chuyện của ông như thế nào, hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Đỗ Thu Nga
10:00 13/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đoàn Thượng (1181-1228) là vị tướng cuối thời nhà Lý đời vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Ông là hào trưởng vùng Hồng và là chủ soái của sứ quân họ Đoàn ở lộ Hồng Châu. Ông là trung thần nhà Lý và không thần phục sự chuyển giao nhà Lý sang nhà Trần do Trần Thủ Độ sắp đặt.

Theo Ngọc phả ở Hải Dương, Đoàn Thượng là con của Đoàn Trung và bà Hoàng Thị Mỹ. Sử sách thống nhất ghi ông người làng Thung Độ (nay thuộc xã Đoàn Thượng), huyện Gia Lộc, Hải Dương. Tổ 5 đời của Đoàn Thượng là Đoàn Văn Khâm, Công bộ Thượng thư đời Lý Nhân Tông. 

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, ông có cùng một vú nuôi với vua Lý Huệ Tông. Ông lớn lên lúc nhà Lý đã suy vi. Tương truyền, ông có sức khỏe hơn người, gân xương như sắt, mỗi khi lâm trận, chỉ một đao một ngựa xông vào đám trăm nghìn người, tung hoành khắp nơi. 

Khi nhà Trần mới lập, thế lực của Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng rất mạnh: “Nguyễn Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm cứ vùng châu Hồng” (trích Đại Việt sử ký tiền biên). Để chế ngự hai thế lực này, cũng sách trên cho biết: “phong cho Nộn làm Hoài Đạo vương, chia cho các huyện Đông Ngàn ở Bắc Giang thượng hạ. Cũng ước phong vương cho Thượng, định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến”.  

Tuong-Doan-Thuong-va-cai-chet-khong-giong-ai-8
Tranh minh họa

Trước tình hình ấy, Trần Thủ Độ đã năm lần bảy lượt đem quân đánh nhưng không phá nổi, mới lập mẹo sai người đến giảng hòa, mà kỳ thực là sai Nguyễn Nộn đem quân đánh tập  công mặt sau, làm cho Đoàn Thượng sức địch muôn người cũng mắc mưu mà bỏ mạng. Như trong Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính còn ghi:

“Đoàn Thượng chắc đã giảng hòa rồi, phòng bị không được cẩn thận như trước, sực nghe tin Nguyễn Nộn đến đánh, mới kéo quân ra cự địch. Đôi bên đánh nhau đang hăng, thì Thủ Độ lại cầm đại quân từ đường Văn Giang đánh đến mé trước. Quân nhà Trần hai mặt đánh dồn vào một, quân của Đoàn Thượng kinh hãi chạy tán lạc mất cả. Đoàn Thượng vội vàng quay ngựa về đánh mặt tiền quân, không ngờ bị một viên tướng nhà Trần, từ mé sau sấn lên chém một nhát vào cổ gần đứt, Đoàn Thượng ngoảnh lại, thì tướng kia sợ hãi mà chạy mất. Đoàn Thượng mới cởi dây lưng ra buộc vào cổ cho khỏi rơi đầu, rồi hầm hầm tế ngựa chạy về phía Đông. Chạy đến đâu, quân nhà Trần phải dãn đường cho chạy, chứ không dám đánh.

Khi chạy đến làng An Nhân, có một cụ già áo mũ chững chạc, chắp tay đứng bên đường nói: Tướng quân trung dũng lắm, Thượng đế đã kén ngài làm thần xứ này rồi đây! Có một cái gò bên làng cạnh kia, đó là đất hương quả của tướng quân, xin tướng quân để lòng cho.

Đoàn Thượng vâng một tiếng, rồi đến chỗ gò ấy, xuống ngựa gối đầu vào ngọn mác mà nằm, một lát thì mất, mối đùn đất lên lấp thành mồ ngay. Dân làng thấy vậy, lập miếu tô tượng để thờ”. 

Cái chết của Đoàn Thượng, theo chính sử cho hay là nhằm tháng 12 năm Mậu Tý (1228).

Theo Việt điện u linh tập của Lý Tế Xương, sau khi Đoàn Thượng mất, vua Nhà Trần, Nhà Lê, Nhà Nguyễn sắc phong là Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng Thượng đẳng thần. 

Trong dân gian gọi Ông là Đức Thánh Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, có đền thờ ở rất nhiều nơi. Đền thờ chính ở thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng, Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (là quê của ông) và ở làng Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (nơi ông hóa (chết).

Tại thôn Bần - Yên Nhân nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (là nơi ông hóa) có lập đền thờ ông. Ngài thường hay linh ứng trợ giúp dân chúng, dân chúng rất ghi ơn Ngài.

Đương thời, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trong một lần đến thăm và yết lễ tại đây đã cảm tác đề tặng một câu đối, sau được chạm khắc ở đền thờ Ngài. Câu đối này được viết bằng chữ Hán như sau:

Thanh Miếu tuế thời hương, lăng cốc bất khai canh hoàn cục

Hồng Châu kim cổ lộ, cương thường sức kởi vãng lai nhân.

Bản dịch của Đoàn Trọng Hân như sau:

Chí thời Thanh Miếu ngát hương, Thủy Nhật Nguyệt chiếu minh Gương Trung Nghĩa

Kim cổ Hồng Châu qua lại, Khách Vãng Lai trông rõ Cột Cương Thường.

Hàng năm cứ vào ngày 11 tháng 4 âm lịch tại đền thờ Ngài có mở hội, tế lễ. Dân chúng thôn Bần - Yên Nhân, dân làng Yên Phú và khách thập phương xa gần nô nức đi xem hội và yết lễ.

Trong dân gian còn có tín ngưỡng thờ đức thánh Ông Hoàng Cả tức Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng trong Tứ phủ Quan Hoàng (gồm có mười vị Quan Hoàng, mà huyền tích về sự xuất hiện của họ thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang cho đất nước, địa phương nơi họ hiển linh).

Xem thêm: Nhà Trần - triều đại duy nhất trong sử Việt có cách gọi vua khác thường

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận