Diệu kế thu phục nhân tâm của vĩ nhân đất Việt: Trần Nhật Duật "xử gọn" phản loạn bằng 1 chén rượu
Trần Nhật Duật là danh tướng lẫy lừng trong sử Việt. Sinh thời, ông từng 1 mình một ngựa đến trại địch khiến chúng phải quy hàng.
Trần Nhật Duật (1255 – 1330), được biết đến qua tước hiệu Chiêu Văn vương hay Chiêu Văn đại vương. Ông là một nhà chính trị, quân sự của Đại Việt dưới thời Trần.
Sử chép, ông là con trai thứ 6 của Trần Thái Tông, người đời gọi ông là Ông hoàng Sau hoặc Ông lục tử. Các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án,... đều không chép mẹ ông là ai. Song theo nhiều bản thần tích ở đền thôn Miễu (xã Mạt Lăng, huyện Tây chân, nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) có nhắc đến những chi tiết khá thú vị:
"Vào năm Kỷ Hợi (1239), một lần Trần Thái Tông đi tuần du qua phủ Thiên Trường, xa giá dừng lại nghỉ ở làng Miễu. Nghe tin vua đến, dân chúng đem lễ vật tới dâng và để tỏ lòng sùng kính, Trần Thái Tông mới hỏi chuyện nông tang, và điều ngạc nhiên là người trả lời không phải là các bô lão, chức dịch trong vùng mà là một cô gái trẻ được cử ra hầu đáp với hoàng đế. Cô gái đó tên là Vũ Thị Vượng, còn gọi là Vượng Nương, hình dung yểu điệu, nhan sắc tuyệt trần, giỏi nghề canh cửi, chăm việc ruộng đồng, nổi tiếng cả vùng vừa đẹp người lại đẹp nết. Thấy cô gái trả ứng đối thông minh mẫn tiệp, hiểu biết sâu rộng, nhất chuyện nghề nông nên nhà vua thấy rất quý mến. Ngay sau ngày hôm đó, Trần Thái Tông cho làm lễ, đón Vũ Thị Vượng về cung, lập Cung phi thứ năm, hiệu là Vũ phi".
Cũng có truyền thuyết kể về sự ra đời kỳ lạ của Trần Nhật Duật, chẳng hạn như truyền thuyết cũng ghi tại thần phả làng Miễu: "Lễ cầu tự kéo dài 21 ngày, một đêm Vũ phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang, đến giờ Ngọ ngày mồng 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255) sinh một hoàng tử, dung mạo khác thường, được đặt tên là Nhật Duật".
Sử sách nào cũng chép, từ nhỏ ông đã nổi tiếng là hiếu học và sớm lộ thiên tri. Ông có có sở trường về ngoại ngữ, am hiểu tường tận phong tục tập quán và tiếng nói của các tộc người thiểu số. Sử sách mỗi khi nói về ông đều trân trọng nhắc đến sự kiện năm 1280, sự kiện đã bộc lộ rõ ràng nhân cách cùng phương pháp hành xử “đắc nhân tâm” của ông trước một sự vụ trọng đại.
Bấy giờ là lúc quốc gia Đại Việt dưới vương triều Trần đang tích cực sửa soạn mọi thứ để sẵn sàng đương đầu với quân xâm lược Mông Nguyên vốn vẫn chực chờ cơ hội để xua quân "làm cỏ" nước Nam ta. Giữa lúc đang bề bộn nỗi lo toan thì vua tôi nhà Trần nhận tin chẳng lành: Thủ lĩnh người dân tộc thiểu số Đà Giang là Trịnh Giác Mật làm phản. Triều Trần quyết định đem quân thảo phạt. Nhiệm vụ lớn lao này được giao cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Trần Nhật Duật vâng lệnh, lập tức điểm binh, thẳng hưởng Đà Giang tiến phát.
Nghe tin đại quân triều đình đang đến, Trịnh Giác Mật cho người nói với Trần Nhật Duật rằng: Nếu ông dám một mình vào trại của hắn thì hắn sẽ quy hàng. Trong quân ai cũng cho đó là gian kế nhằm tiêu diệt chủ tướng. Vậy nên, ai cũng ra sức ngăn cản Trần Nhật Duật, có người còn khuyên nên thúc quân san bằng trại giặc, không nên mất thời giờ vào chúng.
Nhưng Trần Nhật Duật lại nghĩ khác, ông không cho những lời đó là phải. Ông nói với các thuộc hạ: Nếu một mình ông đi mà có thể biến can qua thành ngọc lụa thì ông sẵn sàng, ngược lại, nếu đó là gian kế của giặc và ông phải bỏ mạng về tay chúng thì ông cũng vẫn muốn thử và triều đình sẽ có người khác đến thay ông.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Nhật Duật quyết ra đi, một mình một ngựa đến trại địch. Trịnh Giác mật sai lính cầm gươm giáo vây quanh mấy vòng nhưng ông không nao núng, cứ ung dung đi thẳng vào.
Cuộc gặp gỡ sau đó với Trịnh Giác Mật đã cho thấy sự lợi hại cùng hiệu quả bất ngờ trong cách ứng xử của Trần Nhật Duật. Khi gặp Trịnh Giác Mật, Trần Nhật Duật nói chuyện bằng tiếng dân tộc, dùng tay bốc thức ăn, dùng mũi uống rượu, tất cả đều theo phong tục của người ở Đà Giang. Trịnh Giác Mật và thuộc hạ từ ngạc nhiên đến thích thú và thán phục, sau buổi gặp đã tự nguyện quy hàng.
Nhờ hiểu biết hơn người, can đảm ít ai bằng và lòng thành muốn chiêu an, tất cả được thể hiện đầy mưu lược khi đối diện với phản quân, rốt cuộc Trần Nhật Duật đã thu được kết quả tích cực ngoài sức tưởng tượng, góp phần củng cố vững chắc vùng biên giới phía Bắc trước cuộc đụng đầu lịch sử với quân Mông Nguyên sau đó.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận