Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói gì về việc thưởng Tết 2022?
Trong những ngày cuối năm, nhất là những ngày sát Tết Nguyên đán, vấn đề người lao động quan tâm nhiều nhất là thưởng Tết. Vậy, quan điểm của phía Liên đoàn Lao động Việt Nam về thưởng Tết 2022 thế nào?
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ rằng: Hiện tại, nền kinh tế của đất nước đang gặp khó khăn. Cả doanh nghiệp và người lao động cũng đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi.
Qua thực tế mà tổ chức công đoàn nắm được, rất nhiều doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao, vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận và thậm chí chấp nhận cả việc chưa có lãi hoặc lỗ để có thể giữ chân người lao động, giúp người lao động có một cái Tết cơ bản. Theo ông Hiểu, chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay.
Nhắc đến câu chuyện thưởng Tết, ông Hiểu cho biết: Năm nay, việc thưởng Tết có thể bị giảm, lương tối thiểu không tăng, khó khăn đối với người lao động sẽ tăng thêm. Những nơi người sử dụng lao động chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chỉ đạo tăng cường công tác thương lượng.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng trao đổi về kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, các hoạt động chăm lo Tết sẽ được triển khai căn cứ vào tình hình, mức độ dịch của từng địa phương.
“Nếu ở địa phương nào tình hình dịch thuận lợi, công đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động gặp mặt, “Tết Sum vầy”… nhưng nơi nào dịch phức tạp thì có thể chỉ chuyển bằng tiền”, ông Hiển cho biết.
Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận, do doanh thu và lợi nhuận giảm nên nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ tập trung chăm lo chế độ tiền lương hàng tháng đầy đủ cho người lao động, chưa nghĩ đến việc thưởng Tết.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Tổng công ty Hợp Lực (Thanh Hóa), tổng công ty vừa trải qua 40 ngày phong tỏa do dịch bệnh, hiện đang tập trung chi trả lương tồn đọng cho khoảng 2.000 người lao động trước chứ chưa dám nghĩ đến chuyện thưởng Tết năm nay.
Hệ thống bệnh viện của tổng công ty sau phong tỏa thiệt hại gần 50 tỉ đồng, số bệnh nhân trước đây khoảng 800 người nay giảm xuống còn khoảng 500 người, hơn 1.000 cán bộ nhân viên làm việc trong hệ thống bệnh viện phải thay ca nhau làm việc.
Ông Đệ khẳng định, dù doanh nghiệp còn có nhiều khó khăn nhưng chắc chắn tổng công ty sẽ có chế độ chăm lo Tết cho người lao động, "ít nhiều vẫn phải có, thưởng bao nhiêu thì tổng công ty chưa tính toán cụ thể".
Cũng bàn về việc thưởng Tết, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cho rằng: Thưởng Tết mang ý nghĩa tinh thần, khích lệ người lao động làm việc, hỗ trợ chi tiêu trong thời điểm Tết chứ không bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đối với người lao động.
Một lãnh đạo Cục Lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết hiện Sở LĐ-TB&XH các địa phương đang thu thập thông tin về tình hình thưởng Tết của các doanh nghiệp. Sau khi nhận được báo cáo tình hình thưởng Tết tại các địa phương, bộ sẽ có đánh giá cụ thể về mức tăng, giảm thưởng Tết của các khu vực doanh nghiệp trong năm nay.
(T/h VTV, Tuổi Trẻ)
Xem thêm: Link mua vé tàu Tết Nhâm Dần 2022
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận