Tô Trung Từ - "gian hùng thời loạn" mượn tiếng thiên tử sai khiến chư hầu và cái chết nhục nhã vì ham sắc

Các vua khai quốc thời Lý nổi tiếng nhân từ, dùng đức cai trị giang sơn, giúp nước giàu mạnh, nhân dân ấm no. Nhưng càng về cuối, các vua Lý càng rời xa chính sự, ham hưởng lạc khiến quan lại tha hóa, giặc giã nổi lên. Đến đời Cao Tông thì nhà Lý đã sắp mạt. Và cái chết vì sắc của tướng Tô Trung Từ là minh chứng rõ ràng nhất. 

Đỗ Thu Nga
09:00 22/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thân thế mơ hồ của đại thần Tô Trung Từ

Tô Trung Từ (?-1211) là tướng cuối thời nhà Lý. Sử sách không ghi rõ xuất thân của ông, chỉ biết ông làm em vợ Trần Lý, hào trưởng vùng Hải Ấp (Nam Định, Thái Bình) và là người cùng họ với quan phụ chính Tô Hiến Thành. Khoảng thời gian trước khi xảy ra loạn Quách Bốc, ông làm chức quan nhỏ trong triều, có quen biết với thái tử Lý Hạo Sảm con vua Lý Cao Tông.

Thời kỳ đó, vua Lý Cao Tông ham mê săn bắn, xây dựng nhiều cung điện, rời xa chính sự, không quan tâm đến cuộc sống của nhân dân. Điều này khiến chính sự rối ren, trận tự xã hội không ổn định, quan viên bắt đầu lũng nhiễu dân chúng.

Vào năm 1209, Cao Tông nghe lời gian thần Phạm Du giết trung thần Phạm Bỉnh Di, đưa đến việc bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc khởi binh báo thù, đánh vào kinh thành, lập con của Cao Tông là Lý Thầm làm vua. Cao Tông sợ hãi bỏ chạy lên Quy Hóa, Thái tử Sảm cùng mẹ và hai em gái chạy về Hải Ấp nương nhờ Trần Lý.

Trong buổi ấy, Trần Lý và Tô Trung Từ bèn đón Thái tử Sảm về lập làm vua, tôn xưng Thắng vương, giáng Lý Thầm làm vương. Thái tử Sảm về thôn Lưu Gia quê Trung Từ. Thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung, gọi Tô Trung Từ bằng cậu, có nhan sắc bèn cưới làm vợ. Trần Lý được phong làm Minh Tự, Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. 

To-Trung-Tu-va-cai-cai-chet-vi-ham-sac
Dẹp nạn Quách Bốc (hình minh họa)

Nghe tin Thái tử Sảm lập triều đình riêng và tự ý phong tước cho Trần Lý và Tô Trung Từ... vua Cao Tông ở Quy Hóa sai Phạm Du đi liên lạc với Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi ở vùng Hồng. Nhưng Du ham sắc, mải tư thông với công chúa Thiên Cực, lỡ hẹn với họ Đoàn; khi tới Mã Lang bị quân của hào trưởng Bắc Giang là Nguyễn Nậu, Nguyễn Nải đón bắt, giết chết.

Phạm Du bị giết, Trần Lý và Tô Trung Từ mang quân đánh vào kinh thành, dẹp được nạn Quách Bốc cuối năm 1209, nhưng Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ liền đón vua Cao Tông về cung. Do Phạm Du chết mà thế lực Trung Từ mạnh, vua Cao Tông buộc phải dựa vào Trung Từ, lúc đó quyền khuynh thiên hạ.

Năm 1210, vua Cao Tông bệnh nặng, muốn Thái tử Sảm trở về. Tô Trung Từ lại đích thân về Hải Ấp để nắm lấy Thái tử Sảm từ tay Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Sau đó, vua Cao Tông cho người đến Hải Ấp đưa Thái tử Sảm về.

Đến cuối năm 1210, vua Cao Tông mất, trước khi băng hà đã giao quyền cho Đỗ Kính Tu - người dạy dỗ vua Cao Tông từ nhỏ. Đồng thời nhờ chăm sóc Thái tử Sảm. Sau đó, Thái tử Sảm nối ngôi, lấy hiệu là Lý Huệ Tông.

Huệ Tông dùng quan Thái phó Đỗ Kính Tu làm Thái uý theo lời vua cha. Tuy nhiên, không phải Đỗ Kính Tu mà Tô Trung Từ mới thực sự trở thành người nắm quyền trong triều.

Khi thấy quyền hành của Tô Trung Từ quá lớn, Đỗ Kính Tu đã cố tìm cách chống lại. Tháng 12/1210, quan Chi hậu Phụng ngự là Đỗ Quảng bắt Đỗ Kính Tu giao cho Tô Trung Từ. Ông sai dìm xuống nước cho chết ở bến Đại Thông.

Dẹp cựu thần nhà Lý nhưng nội bộ chẳng yên

Một lần nọ, Tô Trung Từ nghe tin Quan nội hầu Đỗ Thế Quy, Phí Liệt và chính Đỗ Quảng âm mưu phát binh đánh mình, bèn dẫn quân đánh úp những người này trước. Tuy nhiên, khi sắp đánh, Trung Từ mới biết, quân số của ông ít hơn nên đã lập mưu tìm cách tăng quân. 

Ông sai người đến nói với Quảng và Liệt rằng: “Chúa thượng mới vừa an táng, dân tình chưa yên, sao chẳng lui giáp binh đi, rồi tự về triều xem xét mà đồng mưu hiệp lực để khuông phò vương thất thì cũng không phải việc hay đó hay sao?”

Đỗ Quảng, Phí Liệt cho là phải, đồng ý. Đêm đó, Tô Trung Từ tăng quân sĩ nhiều hơn ngày trước và sắp mưu đánh Quảng, Liệt.

Hôm sau, Đỗ Quảng, Phí Liệt  như hẹn, họp lại ở Bí thư Các đợi Trung Từ. Tô Trung Từ đến đình Tứ Đạt trước, sai tỳ tướng là Đào Phán đem binh theo cửa nách phía bên phải mà vào đóng quân ở Sa Trì  và ở Long Trì (thềm rồng), lại sai bộ tướng Nguyễn Tự và con rể là Nguyễn Ma La đóng quân ở cửa Thiên Thu.

Quảng và Liệt vừa ăn cơm, nghe quan Liệt hầu Cao Kha vào báo việc Tô Trung Từ đã sắp đông quân để đánh, mới ném đũa mà đứng dậy cầm kích đến Long môn dòm xem, thì thấy quân lính của Đào Phán đánh trống, reo hò. Quảng và Liệt tiến lên đánh lui được Đào Phán, nhân đó chạy đến cửa Thiên Thu mới thoát.

Đào Phán đem quân đánh lén, buộc Thế Quy chạy trốn ở dưới linh cữu của vua Cao Tông. Tô Trung Từ đến nơi lục soát, bắt được, sai giết ở chợ Đông…

To-Trung-Tu-va-cai-cai-chet-vi-ham-sac-8

Về phần Trần Tự Khánh, khi nghe tin Cao Tông chết liền đem thủy quân đến bến Tế Giang (Mỹ Văn, Hưng Yên) xin cho cùng dự tang lễ Cao Tông, nhưng Trung Từ không cho vì sợ Tự Khánh đốt phá kinh thành. Tự Khánh phải đem quân về Thuận Lưu.

Đến năm 1211, Huệ Tông lại sai người đi đón Trần Thị Dung; Trần Tự Khánh đồng ý để em gái về triều, sai hai tỳ tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh cầm quân hộ tống.

Khi quân hộ tống tới Thăng Long, đúng lúc Tô Trung Từ đang đánh nhau to với Đỗ Quảng. Trung Từ hợp binh với hai tướng Phan, Nguyễn phá tan quân của Quảng. Tới tháng sau thì Quảng bị bắt và bị xử chém.

Mặc dù Trung Từ đã dẹp được các cựu thần nhà Lý nhưng nội bộ của ông lại chằng yên ổn. Bộ tướng của ông là Nguyễn Tự muốn giết con rể ông là Nguyễn Ma La và định phản ông. Tướng dưới quyền của Tự là Nguyễn Giai báo cho Trung Từ biết. Ông bèn tước binh quyền của Nguyễn Tự. Tự sợ hãi bỏ trốn sang Quốc Oai và sau này cát cứ tại đây.

Khi tình hình tạm yên thì Trung Từ lại vướng vào thanh sắc và bị giết vào đêm tháng 6 năm 1211 (về lý do cái chết của Tô Trung Từ, còn nhiều ý kiến bàn cãi…)

Nguyễn Ma La thấy cha vợ bị giết, thế cô, mưu dựa vào họ Trần bèn sang nói với Trần Thừa, xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái.

Nguyễn Ma La cùng với vợ là Tô thị lên thuyền sang đạo Thuận Lưu gặp bộ tướng của Tô Trung Từ là Nguyễn Trinh thì bị Nguyễn Trinh giết rồi cướp Tô thị. Tô thị sai người tố cáo, Trần Thừa bèn sai Tô thị dụ được Trinh và giết chết. Lực lượng của Tô Trung Từ tan rã hoàn toàn.

Trần Tự Khánh nhân lúc Ma La kéo đi, lập tức mang quân về kinh sư an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch. Chiến sự giữa các sứ quân ngày càng ác liệt và cuối cùng đánh dấu bằng sự thắng thế của Trần Tự Khánh cùng sự khống chế triều đình nhà Lý của anh em họ Trần.

Tô Trung Từ chết vì ham sắc

Cái chết ô danh của Tô Trung Từ khá giống với Đổng Trác trong lịch sử Trung Hoa. Nhưng cái chết của ông đáng hổ thẹn hơn cái chết của Đổng Trác. Cái chết đó càng cho thấy ông không đủ khả năng ngồi vào vị trí đại thần đầu triều, “gian hùng thời loạn” mượn tiếng thiên tử để sai khiến chư hầu.

Sau này người cháu Trần Tự Khánh tự mình thay thế vai trò của ông để xác lập cơ nghiệp của họ Trần.

Vệ vụ tư thông của Tô Trung Từ với công chúa Thiên cực, theo Dân Việt: Công chúa Thiên Cực là nhân vật không rõ tên thật và không rõ bà là con của vị vua nào. Đại Việt sử lược chỉ cho biết bà là vợ của Quan nội hầu Vương Thượng, với tước hiệu công chúa Thiên Cực.

Sử cũ chép, năm năm Tân Tỵ (1211), “Tháng 6, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực tư thông, bị chồng công chúa làm Quan nội hầu là Vương Thượng giết chết”.

To-Trung-Tu-va-cai-cai-chet-vi-ham-sac-8
Tô Trung Từ chết vì sắc

Theo luật pháp nhà Lý khi đó, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang thì người chồng có thể giết tình địch mà không bị tội.

Trước Tô Trung Từ, gian thần Phạm Du cũng chính vì tư thông với công chúa Thiên Cực mà hỏng việc, mất mạng. Trung Từ không rút ra được bài học của kẻ đi trước mà lại dẫm lên vết xe đổ đó. 

Đại việt sử ký toàn thư chép về Tô Trung Từ chỉ hơn 10 dòng và cũng chỉ nói về những sự kiện có liên quan trong 3 năm 1209, 1210, 1211. Vì vậy, tìm hiểu về Tô Trung Từ phải qua các nguồn tư liệu khác.

Từ một thái úy quyền uy đầu triều, không ai ngờ được, Tô Trung Từ lại nhận cái kết nhục nhã "vì sắc hại thân", lưu lại tiếng xấu muôn đời trong lịch sử. Còn vua Huệ Tông sau đó phải dựa vào thế lực của họ Trần, cuối cùng truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng và bị nhà Trần thay thế hoàn toàn. 

Xem thêm: Trương Phúc Loan - quyền thần khiến cơ nghiệp 200 năm của 8 đời chúa Nguyễn phút chốc bị sụp đổ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận