Cuộc 'đại thanh trừng' lớn nhất lịch sử của Hồ Quý Ly: Tàn ác không thua kém gì màn trả thù Tây Sơn của Nguyễn Ánh

370 tướng lĩnh, tôn thất nhà Trần đã bỏ mạng dưới tay của Hồ Quý Ly. Đây được xem là cuộc thanh trừng lớn nhất sử Việt, tàn ác chẳng kém gì màn trả thù Tây Sơn của Nguyễn Ánh sau này.

Đỗ Thu Nga
09:00 11/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sử cũ chép vô cùng rõ ràng, Hồ Quý Ly (một tướng tài đầy uy quyền của triều đình nhà Trần) đã cho xây gấp thành Tây Giai (tên gọi ban đầu của Thành Nhà Hồ) vào năm 1397, nằm trong mưu đồ đoạt ngôi vương của nhà Trần, đã ấp ủ từ mười năm trước đó. 

Không những vậy, trước khi soán ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đã thao túng quyền lực trong triều đình, gây nhiều hận thù, oán thán. Đặc biệt phải kể đến vụ đại thanh trừng dã man đối với những người cán bước. Có ý kiến cho rằng, vụ thanh trừng của Hồ Quý Ly tàn ác không thua kém gì vụ trả thù nhà Tây Sơn của Nguyễn Ánh (vua Gia Long) sau này.

Thủ tiêu quần thần đời Trần Phế Đế

Trần Phế Đế (6 tháng 3, 1361 - 6 tháng 12, 1388), hiệu Giản Hoàng, là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Trần. Ông ở ngôi từ năm 1377 đế khi bị phế vào năm 1388. Tổng cộng trị vì 10 năm.

Trong những ngày trị vì cuối đời của Trần Phế Đế có không ít quý tộc, quan lại trong triều tỏ ra vô cùng căm ghét Hồ Quý Ly. Họ muốn trừ khử người họ Hồ này nhưng lại không biết chung lưng sát cảnh để bàn mưu tính kế. Vì lẽ đó, mà tất cả lần lượt bị Hồ Quý Ly thủ tiêu.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Trước đó, theo lệ cũ ở các đài, sảnh, chỉ các quan từ chức Đồng bình chương sự trở lên mới được ngồi ghế sơn đen có tựa. Bấy giờ, Trang Định Đại vương Trần Ngạc làm Thái úy, Lê Quý Ly (tên gọi trước của Hồ Quý Ly) làm Đồng bình chương sự.

ho-quy-ly-va-vu-dai-thanh-trung-lon-nhat-trong-lich-su-viet-nam-0
Tranh vẽ vua Trần Phế Đế

Quan trị thẩm hình viện là Lê Á Phu nói với Ngạc bỏ ghế của Quý Ly đi, không cho ngồi cùng nữa. Ông lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Cơ mưu bị lộ mà thất bại, bọn Lê Á Phu, Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Nguyễn Bát Sách, Lê Lặc, và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều lần lượt bị giết cả”.

Trong số những người chống đối, chỉ có Lê Dữ Nghị được Hồ Quý Ly tạm tha chết, bắt đi đày, sau cũng vờ cho phục chức, nhưng rồi lại bị Hồ Quý Ly khép tội kết bè kết phái. Cuối cùng cũng chịu chung số phận máu chảy đầu rơi.

Còn Nguyễn Bát Sách thì hoảng sợ bỏ trốn. Hồ Quý Ly chẳng buồn đuổi tho mà cho người bắt giam mẹ ông. Vì thương mẹ già tù tội ,à Sách phải ra hàng. Sau cùng cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt.

Trang Định Đại Vương Trần Ngọc (con Thượng hoàng Nghệ Tông) cũng là người căm ghét Hồ Quý Ly. Trước đó, chính Trang Định Vương đã mật bàn với Trần Phế Đế về giết họ Hồ. Thế nhưng, Hồ Quý Ly không bị giết mà ngược lại vua bị Thượng hoàng giết chết.

Trần Ngạc chỉ được tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm Tân Mùi (1391) ông cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.

Ép chết Trần Thuận Tông

Trần Thuận Tông (1377 – tháng 4, 1399) là vị hoàng đế thứ 12 và cũng là hoàng đế áp chót của triều Trần. Ông trị vì từ năm 1388 đến khi bị ép nhường ngôi năm 1398. 

Ông là con út của Trần Nghệ Tông, sinh ra vào thời vua Trần Phế Đế. Nghệ Tông lúc này đã làm Thái thượng hoàng. Ông được Nghệ Tông phong làm Chiêu Định Vương. Minh thực lục gọi ông là Trần Nhật Hỗn.

Năm 1372, vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức vua Trần Duệ Tông, Nghệ Tông làm Thái thượng hoàng. Năm 1377, vua Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành bị thua chết. Thượng hoàng lập con Duệ Tông là Trần Phế Đế lên ngôi. Năm 1388, do Phế Đế muốn trừ khử Quý Ly, Quý Ly xui Nghệ Hoàng phế bỏ. Ngày 27 tháng 12, Nghệ Hoàng lập ông lên ngôi, xưng làm Nguyên Hoàng.

ho-quy-ly-va-vu-dai-thanh-trung-lon-nhat-trong-lich-su-viet-nam
Thành nhà Hồ

Hồ Quý Ly tiếp tục chuyên quyền, sau khi gả con gái là Hồ Thánh Ngâu cho ông lại gài tay chân thân tín nắm giữ những chức vụ then chốt trong quân đội và trong triều đình, khiến cho triều đình nằm cả trong tay Quý Ly.

Vào tháng 4 năm Kỷ Mão (1399), Hồ Quý Ly cưỡng ép Thuận Tông phải rời kinh thành Tây Đô mà ra tận Quảng Ninh để tu luyện phép thuật của Đạo giáo. Chuyến đi Quảng Ninh năm đó cũng là chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của vị vua trẻ. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa hạ, tháng 4, Quý Ly cưỡng bức Vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thủy (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh), lại còn mật sai Nội tẩm học sinh là Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi.

Vua hỏi rằng : "Ngươi theo hầu ta là muốn làm gì chăng?". Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng : "Nguyên Quân (chỉ Nhà vua) không chết thì nhà ngươi phải chết".

Nguyễn Cẩn bèn dâng thuốc độc. Vua không chết. Lại dâng nước dừa và không cho ăn mà Vua vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kị vệ thượng tướng quân là Phạm Khá Vĩnh thắt cổ cho chết".

Vụ tru di lớn nhất thế kỷ XIV

Sau khi Trần Thuận Tông bức tử, triều thần chán nản, ai cũng căm ghét Hồ Quý Ly, kể cả những người từng có mối quan hệ thân thiết với họ Hồ. Chính bởi sự căm ghét này đã dẫn đến cuộc bàn mưu tính kế để giết Hồ Quý Ly.

Tiếc tay, mưu lớn không thành để đến nỗi tất cả đều chịu cảnh máu chảy đầu rơi. Sử chép, vụ tru di diễn ra vào năm Kỷ Mão (1399).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm ông Thiện, Phạm Ngưu Tất... và các liêu thuộc, thân thích, gồm hơn 370 người đều bị giết và tịch thu tài sản.

Con cái họ, gái bị bắt làm nô tì, trai từ một tuổi trở lên thì hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Quý Ly sai lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt.

Người quen biết nhau chỉ dám đưa mắt ra hiệu chứ không dám nói chuyện. Nhà dân không được chứa người đi đường xin ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ thì phải báo nhà láng giềng để cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lí và lí do đi qua để làm chứng cứ bảo lãnh. Các xã đều đặt điếm tuần canh, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa.

ho-quy-ly-va-vu-dai-thanh-trung-lon-nhat-trong-lich-su-viet-nam-7
Tranh vẽ Trần Khát Chân (minh họa)

Truyền thuyết còn lưu dấu lại cái chết đầy bi tráng của Thượng tướng Trần Khát Chân, sau thảm án này. Giai thoại kể, trước khi bị hành hình, ông đã gào lên ba tiếng vang động cả Thành Nhà Hồ, rừng cây trên núi Đốn Sơn nghiêng ngả như uất nghẹn cùng ông.

Chết đã ba ngày mà sắc mặt ông vẫn còn bừng bừng căm uất, trừng mắt nhìn về phía Thành nhà Hồ như một lời cảnh báo cái chết sẽ đến với kẻ gian hùng. Sau người đời còn lưu truyền, con ngựa quý thường cùng ông xông pha trận mạc đã đưa thi thể ông đi về phía hào Thành nhà Hồ. Khi ấy con ngựa mới phủ phục xuống, quỳ khóc và nhịn đói để chết theo chủ nhân.

Ngay trên con đường đi từ cửa phía nam Thành Nhà Hồ đến sườn núi Đốn Sơn có hai đền thờ Thượng tướng Trần Khát Chân. Một là đền thờ Tam Tổng ở thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, ngay trước cổng thành phía nam Thành Nhà Hồ. Đền thứ hai là Di tích lịch sử Thượng tướng Trần Khát Chân, chính là nơi ông đã bị hành hình trên sườn núi Đốn Sơn. Tính đến nay riêng tỉnh Thanh Hóa có tới 72 nơi thờ Trần Khát Chân, bởi ngài đã được tôn vinh là Đức Thánh.

Xem thêm: Hồ Quý Ly, kẻ "đại nghịch bất đạo" hay bậc anh tài bị buộc dùng biện pháp mạnh để cải cách?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận