Điều ít biết về tiểu thuyết "gối đầu giường" Đất rừng phương Nam: Được viết trong 1 tháng theo "đơn đặt hàng"

Nhà văn Đoàn Giỏi viết "Đất rừng phương Nam" trong vòng 1 tháng, theo đơn đặt hàng. Người thay mặt NXB Kim Đồng "đặt hàng" ông chính là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Đỗ Thu Nga
15:00 12/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bên cạnh nhà văn Sơn Nam, còn có 1 người để lại những áng văn sống động về vùng sông nước phương Nam, đó là Đoàn Giỏi. Ông viết nhiều tác phẩm đậm chất Nam Bộ, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là "Đất rừng phương Nam". Đúng như nhà văn Anh Đức nhận xét, Đoàn Giỏi đã để lại "những dòng đẹp đẽ, đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam Bộ thân yêu của Tổ quốc ta".

Tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" kể về cuộc đời phiêu dạt của cậu bé An. Trong hành trình lưu lạc tìm ba đầy thú vị và chông gai, An đã được người dân Nam Bộ cưu mang, được đón nhận tình thương chân chất, hào sảng và thiệt tình của họ.

Tieu-thuyet-Dat-rung-phuong-Nam-viet-theo-don-dat-hang-0
Nhân vật chính trong Đất rừng phương Nam là cậu bé An

Thế nhưng, ít ai biết được, nhà văn Đoàn Giỏi viết "Đất rừng phương Nam" bắt nguồn từ một "đơn đặt hàng". 

Cụ thể, năm 1957, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy phụ trách thành lập NXB Kim Đồng đề nghị Đoàn Giỏi viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ. Thời gian viết trong vòng 4 tháng.

Nhà văn Đoàn Giỏi nhận lời. Nhưng do bận rộn nhiều công việc nên ông vẫn chưa "động bút" được. 

Đến tháng 5/1957, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gặp lại Đoàn Giỏi và nhấn mạnh cuốn sách sẽ in đúng vào thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng là tháng 6/1957. Với cảm hứng mãnh liệt - nỗi nhớ quê hương da diết, nhà văn Đoàn Giỏi đã bắt đầu chấp bút.

Chỉ trong vòng 1 tháng, ông hoàn tất tác phẩm. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Đoàn Giỏi viết cho thiếu nhi, được xuất bản ngay vào thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng, và Đất rừng phương Nam được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Tieu-thuyet-Dat-rung-phuong-Nam-viet-theo-don-dat-hang
Bài tiểu thuyết Đất rừng phương Nam

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: Đất rừng phương Nam làm thay đổi nhận thức vốn là định kiến trong giới, rằng một tác phẩm viết theo đơn đặt hàng thì bị gò bó, trói buộc cả đề tài lẫn cảm xúc. Đoàn Giỏi hoàn toàn tự do với đơn đặt hàng và trở thành một trong những tên tuổi viết cho thiếu nhi hay nhất Việt Nam.

Một điểm thú vị khác nữa, Đất rừng phương Nam in lần đầu chỉ hơn 100 trang, nhưng mỗi lần tái bản là một lần được nhà văn Đoàn Giỏi sửa chữa, viết thêm. Lần cuối cùng Đoàn Giỏi sửa bản in là năm 1982.

Đất rừng phương Nam được đánh giá là cuốn sách hay nhất viết về thiếu nhi ở nước ta. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Nga, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Trung Quốc…

Không những vậy, Đất rừng phương Nam còn được coi là chuẩn mực khi nói về người dân Nam Bộ. Bằng tài năng, Đoàn Giỏi không chỉ tái hiện lại cảnh sắc thiên nhiên Nam Bộ mà còn phản ánh rõ nét những nét đặc trưng về văn hóa con người Nam Bộ.

Tieu-thuyet-Dat-rung-phuong-Nam-viet-theo-don-dat-hang-8

Năm 1997, tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi được chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài 11 tập có tựa đề Đất phương Nam gây xúc động cho người xem. Đặc biệt, bài ca Đất phương nam được viết phim đã trở thành ca khúc nổi tiếng rung động biết bao trái tim người nghe, không chỉ riêng với người Nam Bộ.

Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17/5/1925, quê ở xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân trong gia đình khá giả, từng theo học trường Mỹ thuật Gia Định. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, gia đình ông tự nguyện đi theo kháng chiến. Những năm chống Pháp, ông công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ. 

Vốn có tài năng thiên phú về nhiều mặt, ông vẽ tranh, viết kịch, làm thơ, viết văn phục vụ kháng chiến chống Pháp với những tác phẩm như: “Người Nam thà chết không hàng” (kịch thơ, 1947); “Khí hùng đất nước” (ký sự lịch sử, 1948); “Đường về gia hương” (truyện, 1948); “Chiến sĩ Tháp Mười” (kịch thơ, 1949).

Tieu-thuyet-Dat-rung-phuong-Nam-viet-theo-don-dat-hang-7
Chân dung nhà văn Đoàn Giỏi

Sau 1954, ông tập kết ra Bắc và chuyển hẳn sang sáng tác và biên tập sách báo với những tác phẩm nổi bật như “Trần Văn Ơn” (truyện ký, 1955), “Cá bống mú” (tập truyện, 1956), “Ngọn tầm vông” (tập truyện ký, 1956). 

Ông là một trong những người dự Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ I - Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1 đến 4-4-1957). Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III và là giảng viên trong các khóa học của Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ có trụ sở ở Quảng Bá, Tây Hồ (nơi giờ đây là Trung tâm văn học và Bảo tàng Văn học Việt Nam). Nhà văn Đoàn Giỏi viết cuốn sách cho thiếu nhi “Đất rừng phương Nam” vào năm 1957.

Nhà văn Đoàn Giỏi mất ngày 2/4/1989 do căn bệnh gan hành hạ, khi đó, ông vẫn đang viết dở cuốn tiểu thuyết “Núi cả cây ngàn” vẫn với những câu chuyện tiêu biểu, thấm đẫm hơi thở vùng sông nước Nam Bộ vừa hoang sơ, vừa rất đỗi phì nhiêu.  

Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: "Nhà văn của những người cùng khổ" là ai?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận