Thực hư chuyện Nguyễn Ánh giam vợ, ném con xuống biển ở Côn Đảo?

Nguồn gốc Miếu Bà (Côn Đảo) gắn liền với giai thoại lưu truyền trong dân gian về việc Nguyễn Ánh tuyệt tình, giam vợ, ném con xuống biển trong thời gian chạy trốn quân Tây Sơn. Vậy thực hư như thế nào?

Đỗ Thu Nga
09:00 25/02/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Ánh giam vợ, ném con xuống biến?

Ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có một ngôi miếu tên là Miếu Bà, có tài liệu ghi là An Sơn miếu. Nhưng phổ biến nhất vẫn là tên gọi đền thờ bà Phi Yến. 

Miếu Bà là ngôi miếu duy nhất tại Côn Đảo. Ngày 18/10 âm lịch hàng năm sẽ diễn ra lễ hội do ngành văn hóa tổ chức. Miếu này đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và là 1 trong số ít  di sản văn hóa dân gian tại Côn Đảo. 

Miếu Bà được nhắc đến và đưa ra bàn luận nhiều vì luên quan đến truyền thuyết về Nguyễn. Theo đó, có giai thoại cho rằng, Nguyễn Ánh tuyệt tình, tống giam vợ, ném con xuống biển tại Côn Đảo.

Theo giai thoại, năm 1783, sau khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh mang theo vợ, cơn cùng những người thân cận chạy ra Côn Sơn (Côn Đảo). Ở đây, ông đã lập nên 3 làng: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. 

Để chống trả lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là hoàng tử Cảnh đi theo cố đạo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc “cõng rắn cắn gà nhà” để người đời chê trách. 

Nguyễn Ánh khi ấy tức giận, không nghe lời khuyên của vợ, thậm chí còn nghi ngờ bà thông đồng với quân Tây Sơn. Nguyễn Ánh nảy sinh ý định giết vợ.

Thuc-hu-chuyen-Nguyen-Anh-giam-vo-nem-con-xuong-bien-o-Con-Dao-6
Miếu Bà ở Côn Đảo

Nhờ quần thần can xin, Nguyễn Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ. Về sau núi đó được đặt tên là hòn bà.

Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải (còn gọi là hoàng tử Hội An), con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận và nghĩ rằng bụng dạ Cải rồi cũng như mẹ nó nên Nguyễn Ánh ném con xuống biển.

Xác của hoàng tử Cải trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống, được nhân dân đem về chôn chất tử tế. Bà Phi Yến sau đó được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về sống cùng dân làng.

Một lần, sau khi bị một kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết với chồng. Nhân dân trên đảo vô cùng thương tiếc nên đã lập miếu thờ bà. Từ truyện tích trên mà người Nam Bộ có câu ca: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay”.

Chữ cải trong lời ca trên được người ta viết hoa là vì cho rằng đó là tên mà cũng là tượng trưng cho hoàng tử Cải, tương tự chữ răm cũng vậy (theo thuyết này thì Phi Yến là thụy hiệu, tên thật của bà là Răm).

Rút cục, Nguyễn Ánh có bao nhiêu vợ con?

Như đã chia sẻ, Nguyễn Phúc Tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1995 thì Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ, 13 hoàng tử và 18 hoàng nữ. 

Thế phả ghi rõ họ tên, lai lịch từng bà nhưng không thấy ai có tên Răm (Lê Thị Răm) hay thụy là Phi Yến cũng như không có hoàng tử nào tên là Cải hay Hội An. Nhưng chúng ta hãy tạm tin giả định bà Lê Thị Răm và đứa con trai mới 4 tuổi của Nguyễn Ánh vì làm trái ý đã bị ông giết nên không được đưa vào Thế phả!

Nguyễn Ánh sinh ngày 8/12/1762. Ông cùng cháu Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần phải cậy nhờ bóng tối chạy thoát khỏi thành Phú Xuân vào đêm 28 Tết Ất Mùi (1775) trước sự truy đuổi của quân Trịnh. Lúc ấy, Nguyễn Ánh là một cậu bé mới 13 tuổi. Không thấy tài liệu nào nói hoàng tôn Nguyễn Ánh đã mang theo một bà vợ trong khi chạy trốn.

Theo tìm hiểu, bà vợ đầu tiên của Nguyễn Ánh là Tống Thị Lan được "tiến cung" rồi phong là "Nguyên phi" (Cũng có thể hiểu là người vợ đầu tiên) trên đất Gia Định vào năm 1778. Khi ấy, Nguyễn Ánh 16 tuổi, trở thành Nhiếp chính sau khi Duệ Tông và Tân Chính vương bị quân Tây Sơn giết ở Long Xuyên.

Người vợ thứ 2 của ông là Trần Thị Đang (SN 1769) được tấn phong “Nhị phi”, vốn là người có công hầu hạ mẹ Nguyễn Ánh trong những ngày bà chạy trốn quân Trịnh ở An Du và đã cùng bà trốn vào Gia Định khi Nguyễn Ánh trở thành Nhiếp chính. Những bà vợ khác của Nguyễn Ánh đều được tiến cung khi ông đã là vua Gia Long (từ 1802).

Thuc-hu-chuyen-Nguyen-Anh-giam-vo-nem-con-xuong-bien-o-Con-Dao-5

Bà Tống Thị Lán sinh được 2 hoàng tử là Nguyễn Phúc Chiêu (mất lúc nhỏ) và Nguyễn Phúc Cảnh, tức hoàng tử Cảnh được đưa sang Pháp làm con tin từ năm 4 tuổi (1784). Nhị phi Trần Thị Đang những ngày cùng Nguyễn Ánh phiêu dạt trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn thì ngày đêm cầu khẩn xin thái bình rồi mới sinh con. Vì nếu có con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo thì bận lòng chúa thượng.

Mãi đến năm 24 tuổi (1791), khi Nguyễn Ánh đã làm chủ Nam Bộ và Bình Thuận thì bà sinh được hoàng tử Đảm (sau này là vua Minh Mạng). Như vậy, trong 17 năm bôn ba, Nguyễn Ánh chỉ sinh được 3 hoàng tử, trong đó Nguyễn Phúc Chiêu bị bệnh chết lúc còn nhỏ. Không thấy có bà vợ nào là Phi Yến sinh hoàng tử Cải cả.

Cũng phải nói thêm, các bà vợ của Nguyễn Ánh trong thời gain ông bôn tẩu khắp nơi chưa thấy ai được ban tên thụy. Vì vậy, nếu bà Răm đã làm trái ý ông phải tội chết mà lại mang cái tên thụy Phi Yến thì không thể có chuyện Gia Long đã ban tặng sau năm 1802.

“Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” là câu ca khá phổ biến ở Nam Bộ, nhưng không rõ xuất hiện trong thời kỳ nào. Có diều, nếu theo câu chuyện trên thì câu ca đó phải ra dời sau khi bà Phi Yến qua đời.

Ai cũng biết ẩn ý của câu ca này chủ yếu là để bày tỏ sự trách cứ người gây ra một việc gì đó rồi ra đi để người ở lại phải chịu hậu quả, điều tiếng... Cả nghĩa đen và nghĩa bóng của câu ca này không hề ăn nhập với nội dung câu chuyện về bà Phi Yến và hoàng tử Cải, kể cả câu chuyện có thật đi nữa.

Nguyễn Ánh có chạy nạn đến Côn Đảo không?

Chuyện về bà Phi Yến và hoàng tử Cải dễ dàng được chấp nhận vì ngay trong biên niên sử của nhà Nguyễn cũng nói rằng, Nguyễn Ánh đã chạy đến Côn Đảo tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn vào đúng thời điểm mà truyện tích trên "sắp đặt". 

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 2 và cả Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập viết rằng tháng 7 năm Quý Mão 1783, Nguyễn Ánh đem binh ra đảo Côn Lôn. Quân Tây Sơn đem đại đội chiến thuyền ra vây 3 vòng, quân binh trùng trùng điệp điệp. Tưởng không thể thoát được nhưng may thay trời bỗng giông bão nhấn chìm chiến thuyền nhà Tây Sơn, nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được về đảo Phú Quốc.

Dù là ghi chép của các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có ít nhất hai điều làm người ta nghi ngờ:

Thứ nhất, trước đó (tháng 6) Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn đánh cho tơi bời trên vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc, đến nỗi Cai cơ Lê Phước Điển phải đóng vai Lê Lai cứu chúa, Nguyễn Ánh mới thoát được. Nhiều tướng lĩnh của Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn bắt và giết. Liệu Nguyễn Ánh còn đủ thuyền bè, binh lực để vượt biển ra Côn Đảo được chăng?

Thứ hai, đảo Côn Lôn cách đất liền hơn trăm cây số, từ Đông sang Tây dài hơn 15km, nơi rộng nhất đến 9km với diện tích trên 51km2, quân Tây Sơn do Phò mã Trương Văn Đa chỉ huy làm sao đủ thuyền ghe để vây kín ba vòng giữa muôn trùng biển khơi?

Thuc-hu-chuyen-Nguyen-Anh-giam-vo-nem-con-xuong-bien-o-Con-Dao-1
Quân Tây Sơn

Sự nghi ngờ về sự kiện lịch sử này ghi trong Đại Nam thực lục từ những năm 40 của thế kỷ trước đã được tạp chí Tri Tân đặt ra tranh luận và giải quyết (số 50-14 Juin 1942; số 61- 26 Aout 1942; số 67-7 Octobre 1942)… Họ đã đưa ra được những chứng cớ thuyết phục, kể cả việc phủ nhận tên gọi núi Chúa ở Côn Đảo không “liên quan” gì đến Nguyễn Ánh.

Nhưng các tác giả trên tạp chí Tri Tân cũng là người đi sau. Vì sự nhầm lẫn của các sử gia nhà Nguyễn chép lại quá trình bôn ba của Nguyễn Ánh đã được sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính rất rõ ràng trong cuốn Histoire moderne du pays d‘Annam, 1582-1820 (Paris, Plon, 1919), rằng “đảo Côn Lôn” – vốn chỉ được “nghe kể chép lại”, trong Đại Nam thực lục chính là đảo Cổ Long (Koh Kong), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc chứ không phải Côn Lôn/Côn Đảo mà mọi người đã biết – đây chỉ là sự nhầm lẫn khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự.

Trong gần 10 năm bị Tây Sơn truy lùng gắt gao nhất, Nguyễn Ánh chưa từng và cũng không đủ sức để chạy ra Côn Đảo. Đến khi binh lực lớn mạnh thì ông lại bận rộn với việc truy kích quân Tây Sơn đến tận Phú Xuân và ở đó làm vua cho đến lúc qua đời mà không một lần đến Côn Đảo.

Xem thêm: Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh: Từ kẻ thù không đội trời chung đến quan hệ đặc biệt

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận