"Thơ mới là một dàn đồng ca của những điệu sầu"
Trong "Thơ mới" con người bị cuốn vào những nỗi sầu. Mỗi nỗi sầu là một cung âm khác nhau tạo nên một dàn đồng ca của những điệu sầu vô tận...
ĐỀ BÀI:
Có ý kiến cho rằng “Thơ mới là một dàn đồng ca của những điệu sầu”, Anh (chi) hãy phân tích để làm sáng tỏ ý kiến trên qua 3 bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận và Tống biệt hành của Thâm Tâm?
BÀI VIẾT GỢI Ý:
Vào những năm 1930 đến 1945 của thế kỉ XX, quá trình hiện đại hóa văn học được đẩy lên một bước mới với nhiều cuộc cách tân văn học sâu sắc trên nhiều thể loại khác nhau. Trong đó phải kể đến phong trào “Thơ mới”, khởi lên từ năm 1932, bằng bài thơ Tình già của Phan Khôi. Thơ mới đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thơ văn Việt Nam. Cá tính sáng tạo được giải phóng, hàng loạt tiếng thơ trẻ trung và tài năng ra đời với màu sắc, giọng điệu khác nhau: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nguyễn Nhược Pháp... đóng góp cho công cuộc cách tân này là một thế hệ trí thức tây học rất trẻ. Một mặt họ không còn vương vấn gì với những quy phạm, những công thức của văn chương cổ; mặt khác, họ lại kế thừa được những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Nhìn tổng thể, “Thơ mới” có tính hiện đại từ nội dung đến hình thức, đã làm một cuộc cách mạng về nghệ thuật, không còn lạc điệu với tiếng nói văn học của thế giới hiện đại nữa.
Có thể nói, văn học Việt Nam giống như một người chạy đua, dọc đường do mệt quá mà ngủ quên trong một thung lũng khuất nẻo của chế độ phong kiến, nay bừng tỉnh dậy với sự đánh thức của “Thơ mới”. Trước sự thôi thúc của thời đại, con người ấy tiếp tục chạy, để vươn tới đỉnh cao của thành công. Mong sao không bị bỏ quên trong thực tại thơ văn thế giới.
Do bản chất của xã hội, do ảnh hưởng văn hóa phương Tây, các nhà thơ được thức tỉnh về ý thức cá nhân, họ khao khát xây dựng một sự nghiệp để khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong đời sống. Xuất phát từ tinh thần yêu nước, họ muốn đóng góp một cái gì đó thật sự cho đất nước bằng tài trí của mình. Các tác giả còn có ý thức tự giác cao hơn về trách nhiệm ngòi bút, về quan điểm nghệ thuật và khuynh hướng thẩm Mĩ của mình. Do đó mà trong “Thơ mới” xuất hiện hai khuynh hướng: Hiện thực và lãng mạn. Chỉ bàn về xu hướng lãng mạn để có thể hiểu được sâu sắc cái tôi trữ tình đầy cảm xúc, cũng có nghĩa là đề cập đến số phận của cá nhân với thái độ bất hòa, bất lực trước chế độ thực dân nửa phong kiến - một xã hội tù túng và giả dối.
Có thể nói, trong “Thơ mới” con người bị cuốn vào những nỗi sầu. Mỗi nỗi sầu là một cung âm khác nhau tạo thành một dàn đồng ca của những điệu sầu vô tận. Mỗi cung nhạc ấy phảng phất một phong thái riêng, một nét đẹp riêng độc đáo mà kì lạ đến vô cùng. Mọi bước đi của thơ ca trên đường hiện đại hóa đều để lại những tên tuổi lớn cùng với những tác phẩm nổi trội sống cùng thời gian. Những điển hình như Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Tràng giang của Huy Cận và Tống biệt hành của Thanh Tâm. Nỗi u sầu đã được các tác giả nhân hóa một cách táo bạo, nhưng cũng rất thiết tha, rất rạo rực và nhiều lắm những trăn trở, băn khoăn.
Mở đầu cho những cung điệu sầu ấy là Tràng giang của Huy Cận:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Dường như trong cái không gian bao la, rộng lớn vô bờ bến ấy, là một cái tôi trữ tình xuất hiện với thân phận cô đơn lạc loài và quay quắt đi tìm hơi ấm tình người, tình đời. Thân phận bị buông xuôi theo dòng nước của thời đại. Hình ảnh "Củi một cành khô" cho ta thấy đó là hiện thân của tác giả “lạc mấy dòng”. Cụm từ này cho ta thêm một suy nghĩ về sự bơ vơ của tác giả, sự dật dờ, vô định, không biết phải đi về đâu. Bằng việc sử dụng các hình tượng cổ thường xuất hiện trong thơ Đường như: Sông dài, trời rộng, lúc chiều tà, con thuyền, chợ chiều, bến cô liêu, làng xa... Chính những từ ngữ này đã tạo ra sự gần gũi, thân quen nơi người đọc Đây là mùa thu tới của Xuân Diệu và Tống biệt hành của Thâm Tâm, cũng có cái buồn man mác sầu của thời đại giống như Tràng giang. Ba cái buồn khác nhau như ba cùng nhạc khác nhau, nhưng khi vang lên thì lại hóa thành một điệu sầu độc đáo trong lòng người đọc. Đến với cả ba bài, ta bắt gặp nơi đó là những cái trăn trở, hoang mang, ám ảnh một nỗi buồn không rõ nguyên nhân.
Đúng như Hoài Thanh đã nhận định: “Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rớt để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não”.
Nhà thơ đặt mình - một con người hữu hạn vào thời gian vô hạn và không gian vô biên để suy gẫm về sự sống.
“Sóng gợn” nhấp nhô trên mặt sông bao la thì nỗi buồn cũng dồn đuổi nhau “điệp điệp” trong hồn người. Con thuyền nhỏ nhoi đang xuôi dòng, mái chèo rẽ nước song song làm bật cái dài và rộng tưởng chừng bao la, mênh mông của con sông. “Thuyền về bến”, mặt sông vắng bóng thuyền, nước đành chia sầu trăm ngả. “Củi một cành khô lạc mấy dòng”, không biết trôi về nơi đâu. Hình ảnh đơn sơ mà cổ sức gợi sâu xa tới thân phận cô đơn, lênh đênh, sầu thảm của kiếp người thời ấy. Cảnh sông nước trải rộng ra thành một không gian to lớn đã được tác giả miêu tả qua bốn câu thơ đầu như thế đấy!
Đến khổ thơ thứ hai, bức tranh ấy được vẽ thêm cảnh, thêm người.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Huy Cận tập trung tất cả hình ảnh, nhạc điệu làm nổi bật lên nỗi buồn thấm thía của con người trước sông dài, trời rộng. Nỗi buồn được gợi lên từ mặt nước mênh mông, đôi bờ hoang vắng, từ một “Cồn nhỏ lơ thơ", dăm bụi cây phơ phất trong gió lạnh đìu hiu. Ta nghe đâu đây là tiếng chợ chiều đã vãn, tuy có âm thanh mang hơi hướng con người, nhưng mơ hồ như từ cõi xa vắng nào vọng lại. Tất cả dấy lên trong lòng lữ khách niềm khát khao gặp gỡ và chia sẻ tâm tình.
Cảm nhận tinh tế, kì diệu và hết sức bất ngờ của nhà thơ thể hiện qua sự chuyển đổi cảm giác: “Nắng xuống trời lên sâu chót vót”, đặc tả độ cao rợn ngợp của bầu trời và khoảng cách vô tận giữa trời và nước. Từ đó, con sông dài lại thêm dài, trời lại thêm rộng, bến sông vắng vẻ lại càng quạnh quẽ, cô liêu hơn.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Cảnh mênh mông buồn vắng được nhấn mạnh qua hàng loạt từ ngữ phủ định “Không đò, không cầu... ” Người cô đơn gặp cảnh hoang vu, tĩnh mịch đến lạnh lùng, tạo nên một tâm trạng bơ vơ, lạc loài. Ước mong khao khát được tìm thấy một bến bờ tình người nhưng sao chỉ thấy “bờ xanh tiếp bãi vàng”, “những cánh bèo” chẳng biết trôi dạt về đâu giữa tràng giang bát ngát.
Nỗi buồn con người đã thấm sang cảnh vật qua bến câu thơ cuối:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Thiên nhiên tuy đẹp nhưng vẫn nhuốm vẻ cô đơn “mây trắng” đùn “lớp lớp” thành “núi bạc” chơ vơ trong hoàng hôn tím sẫm. Lạc lõng vào không gian bát ngát ấy là cánh chim nhỏ chở nặng “bóng chiều”. Bóng chiều như “sa” xuống, trĩu nặng đôi cánh nhỏ, lẻ loi đến tội nghiệp và con người bị chìm ngập giữa vũ trụ vô biên.
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Qua hai câu thơ này làm ta nhớ đến một câu thơ Đường nổi tiếng của Thôi Hiệu: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Nhưng hai câu thơ của Huy Cận có nhiều độc đáo hơn. Lữ khách trong thơ Thôi Hiệu nhìn khói tỏa của hoàng hôn mà nhớ quê nhà, còn nhân vật trữ tình trong thơ Huy Cận, không cần khói, chẳng cần sương mà vẫn rưng rưng nỗi nhớ về một quê hương xa khuất chân trời. “Tràng giang” kết hợp được nét cổ điển của thơ Đường với vẻ đẹp truyền thống của thơ ca dân tộc cùng dáng dấp hiện đại của Thơ mới.
Tóm lại, trong Tràng giang khổ thơ nào cũng dập dềnh sóng nước, khổ thơ nào cũng lặng lẽ u buồn. Đó chính là sự chân thành, tha thiết của một tấm lòng hoài vọng về cố lí - “hương quan” - về một mái nhà Tổ quốc trong niềm đau thời loạn!
Khác với Huy Cận, Xuân Diệu tạo nên cho riêng mình một cung sầu táo bạo với hai tâm trạng khác nhau: Thiết tha rạo rực và hoài nghi cô đơn.
Đã thành sáo ngữ những hình ảnh lá vàng, hoa rụng... khi các nhà thơ viết về mùa thu xưa và nay. Xuân Diệu cũng lặp lại những hình ảnh đó tưởng chừng như không có gì mới mẻ nhưng thật ra cái gì mới lạ ở đây chính là lối diễn đạt xuất phát từ cảm nhận độc đáo của tác giả. Ngày xưa, báo thu sang là cảnh: “Ngô đồng nhất diệp lạc”. Xuân Diệu không nhắc lại những hình ảnh đã thành công thức ấy, mà thi nhân báo thu bằng vẻ buồn của “rặng liễu”. Mùa thu ấy, khoác lên mình chiếc áo kết bằng lá vàng nhuộm màu mơ phai. Mùa thu ấy mang hồn người và sống kiếp người: thu, liễu đìu hiu, hoa rụng cành, sắc đỏ rủa màu xanh, gió run rẩy, nhánh khô gầy, trơ xương mỏng manh. Phong cách học gọi đó là nhân hóa. Nhà thơ cho rằng trong cảnh thu, hồn thu, tình thu là cuộc sống chứa chất nỗi buồn được thể hiện qua các sắc thái: vàng, phai, úa, rụng, run rẩy, rung rinh, khô gầy... Thu và tác giả phải chăng có cùng một nỗi muộn sầu? “Hoa rụng cành” là mùa xuân tàn úa, mùa thu lấn tới một cách nhẹ nhàng không thấy gió mà cảm nhận được những "luồn rung rinh lá". Thế đấy, thu chợt tới và rồi cũng gần đi, cái run rẩy của lá cho thấy cơn gió lạnh mang hơi hướng của mùa đông tê tái, lạnh lẽo. Cái giá lạnh của mùa đông, hay đây chính là cái rùng mình giá lạnh của một tâm hồn nhạy cảm trước sự tàn phai, rơi rụng?
Từ liễu buồn, lá vàng, hoa rụng, sắc đỏ, nhánh khô gầy, mây vẫn từng không... đã tạo nên cái nặng nề của tâm hồn. Như Nguyễn Du có viết:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Người buồn, nền trời xanh kia cũng nhạt mờ, những cánh chim nhỏ cũng hoảng loạn bay đi trong khí trời u uất. Và rồi từ đó, cảnh vật dẫn đến tâm trạng con người một nỗi đau tê lòng, tạo nên một chữ “hận”. “Hận” trong nỗi buồn “chia li", “hận” cái rét mướt luồn trong gió, “hận” cái trống vắng bóng người, trên những chuyến đò. Không gian đã nới rộng ra đến không còn biết đâu là bờ cõi, thời gian có khởi đầu mà không tìm thấy điểm dừng.
Tất cả đều đi từ bên ngoài vào bên trong. Không gian, thời gian, cảnh vật và nhân vật trữ tình đều có tâm trạng trên cái thế chung là nhạt phai, mơ hồ, nghiêng đổ. Nhà thơ đã đánh mất đi cái gì đó mà chính mình cũng không biết. Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ, như vừa mất một cái gì đó, mong một cái gì đó mà không tới. Cứ lơ lơ, lửng lửng chưa thật buồn mà cũng chẳng còn vui. Núi chẳng còn xanh mà nhạt phai trong sương mờ lạnh giá. Non xa kia đã tạo nên một khối bí mật không ai hiểu rõ. Gió lặng lẽ luồn vào, len vào cái lạnh chung của đất trời. Tất cả đã tạo ra một không gian bí hiểm đến mơ hồ.
Mối sầu của Xuân Diệu bị bao phủ bởi một nỗi buồn lớn lao khác mà những kẻ chưa gặp được cách mạng đều không hiểu ra: đó là nỗi buồn mất nước lẫn vào đâu đó trong xương thịt mà họ không hay biết, họ chỉ thấy nó hiện lên trong tâm hồn và thấm vào cảnh vật thiên nhiên. Giống như cô thiếu nữ trong Đây mùa thu tới, ôm ấp nỗi buồn mà không nói ra, và dù có suy nghĩ rất nhiều qua dáng điệu, nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân sâu xa của nó. Chính vì thế, mùa thu của Xuân Diệu bị giằng co giữa cái oi bức mùa hè và cái rét buốt mùa đông. Sự mơ hồ, vô định của thiên nhiên tạo nên mối sầu u uất trong lòng người. Đây chính là nốt sầu của Xuân Diệu, man mác và giàu tính nhân văn.
Lại một nốt sầu khác được vang lên qua bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Một cuộc ra đi với mục đích lớn bỗng hóa thành niềm đau. Bốn câu đầu viết:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Câu đầu toàn vần bằng tạo ra một không khí bâng khuâng, xao xuyến. Ở câu thứ hai tạo nên một sự mâu thuẫn kì lạ: “không qua sông” sao lại có “sóng ở trong lòng”. Sóng ở đây là tác nhân gợi nên một nỗi buồn ly biệt. Sự ra đi mà không biết ngày trở về làm nên một đợt sóng luyến tiếc, yêu thương trong lòng người ở lại. Một “bóng chiều” hết sức bình thường lại đọng đầy ánh hoàng hôn trong mắt. Đó chính là nỗi lo của người ra đi: lo cho những con người ở lại. m điệu và ngôn từ chính xác tạo ra một cảm giác xao xuyến, bồi hồi. Trong bài thơ, từ “người” lặp lại rất nhiều lần nhưng chưa làm rõ cho ta biết người đó là ai, chỉ biết đó là một tráng sĩ được Thâm Tâm nghĩ đến như sau:
Li khách! u khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Người ra đi, đi vào một con đường mới mở đầy hiểm trở, chông gai nhưng có ánh đuốc soi sáng cho họ, đó chính là ý chí. Mà khi đi thì không về tay không. Họ nhất quyết hi sinh tất cả cho sự nghiệp lớn lao.
Tình cảm của người ở lại thì sao? “Chiều hôm trước: người buồn... sáng hôm nay: người buồn...”. Chia tay vào cuối hạ, hoa sen lác đác nở muộn. Hai chị khuyên em “dòng lệ sót”. Trong cảnh tiễn đưa, em nhỏ nhìn anh thầm gửi niềm thương tiếc qua chiếc khăn tay. Ta nghe đâu đó trong những vần trắc ấy là những tiếng nấc nghẹn đau. Họ ra đi, họ dửng dưng ư? Không, họ kìm nén nỗi lòng mình một cách đến đau đớn. Tất cả dồn lại, kết tinh thành mấy hình ảnh giản đơn mà vô hạn nơi cuối bài thơ.
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Người đi coi như mọi vấn vương sẽ chấm dứt. Người đi rồi sẽ nhẹ lòng, người ở lại rồi cũng sẽ nguôi ngoai, cấu trúc thơ, ba câu lặp lại cùng một âm điệu tưởng chừng như sắp vỡ òa thành tiếng khóc nhưng cố cắn răng để khỏi bật lên tiếng khóc ấy.
Chiếc lá bay vèo qua rồi biến mất, hạt bụi hay hơi rượu chỉ thoáng qua. Tính mạng con người là quý nhất nhưng vì nghĩa lớn nên quyết dấn bước ra đi. Bài thơ chấm dứt trong âm điệu trầm buồn, tuy nhiên trong bài thơ có những bâng khuâng khó hiểu của thời đại mà ta không thể thấy. Cái bâng khuâng khó hiểu ấy tạo nên sự âm vang trong lòng người qua bao thế hệ.
Tóm lại, cái hay của Tống biệt hành ở nhiều phía: từ hơi thơ cổ phong, từ hồn thơ tráng sĩ, từ tình thơ đẹp như sen cuối hạ cần nở nốt... Hai hình ảnh ấn tượng nhất trong Tống biệt hành là sóng và hoàng hôn. Vâng! Thâm Tâm như một phù thủy đã hộ sóng và lòng và gọi hoàng hôn lên mắt. Để rồi từ đó người đọc nhận ra nỗi buồn man mác chứa trong mắt, trong lòng của người đi kẻ ở trong buổi tiễn đưa đậm một mối hùng tâm và màu sắc cổ điển.
Nhìn qua bài thơ, ta thấy được từng cái sầu của mỗi tác giả là khác nhau. Cái sầu của Huy Cận là sự bé nhỏ, bơ vơ, đơn côi dường như không tìm thấy lối đi trong cuộc đời. Còn cái sầu của Xuân Diệu chính là cái sầu của cảnh thu thê lương, cái buồn trước sự tàn phai, sự ra đi của thời gian cuốn theo tuổi xuân của đời người. Cái sầu ấy của Xuân Diệu còn hòa lẫn cả nỗi sầu đau mất nước, mất nhà. Khác hẳn với hai nỗi sầu trên, Thâm Tâm mang đến nỗi sầu thống thiết, trầm hùng và bi tráng trong niềm đau thời loạn?
Tóm lại, cả ba cái sầu ấy tuy có khác nhau về hình thức nhưng tương đồng về ý nghĩa nội dung: Tất cả đều xoay quanh nỗi sầu, nỗi buồn của thi nhân nặng tình với quê hương, xứ sở nhưng hoang mang, bế tắc trước thời cuộc đảo điên. Chính những cung sầu ấy hòa quyện vào nhau, tạo nên một giai điệu đẹp và buồn của một thời đại, mà Hoài Thanh gọi là “khó hiểu”.
Thời đại “Thơ mới” là thời đại của chữ “tôi”. Thơ mới thật sự đã làm nên một cuộc cách mạng về nghệ thuật, đã mang đến cho vườn thơ Việt Nam những “bông hoa” quý phái nhưng nhuốm màu tàn phai. Nổi cách khác “Thơ mới là một dàn đồng ca của những điệu sầu”. Những tâm trạng u sầu, buồn bã gặp được nhau như những tâm hồn đồng điệu cổ thể gắn kết lại tạo nên một dòng cảm xúc lớn lao, dạt dào và bát ngát. Cái dòng cảm xúc ấy chảy miên man theo thời gian vô ngã, chảy rào rạt mãi trong lòng người đọc dù cuộc đời bao nỗi biến thiên. Người yêu thơ Việt lắng nghe cảm xúc mình trào dâng theo dòng chảy ấy không bao giờ cạn kiệt dù chỉ là trong một phút giây thôi! Đến với Thơ mới, ta phải đến bằng một tâm hồn yêu thương, đồng cảm với tâm trạng của từng tác giả. Có vậy ta mới hiểu hết những âm điệu réo rắt, du dương, trầm bổng và đa sầu của nó. Trong mỗi con người yêu thơ, yêu cuộc sống này có lẽ sẽ nhìn nhận Thơ mới đã mang đến cho ta một giai điệu đẹp - giàu tính nhân văn?
Xem thêm:
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận