Thầy giáo một tay và 25 năm lặng lẽ nuôi đam mê của nhiều thế hệ học trò
Từ cậu học trò mất cánh tay phải, Nguyễn Văn Đông kiên trì luyện viết bằng tay trái để học tập. Đến khi gắn bó với bục giảng, thầy giáo Đông "tay chiêu" lặng lẽ nuôi đam mê của nhiều thế hệ học trò.
Dù đông hay hè, thầy Nguyễn Văn Đông đều mặc áo sơ mi dài tay. Ống tay phải được đút gọn trong túi quần, tay trái lướt thoăn thoắt trên bàn phím máy tính hay viết lên bảng dòng chữ ngay ngắn.
Nhiều thế hệ học trò ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã quen thuộc với hình ảnh này, quen cả sự nghiêm khắc có phần khắt khe và tình thương vô bờ bến của thầy.
Giang dở ước mơ vì một lần nghịch dại
Hơn 30 năm trước, cậu học trò Nguyễn Văn Đông được đánh giá là thông minh, sáng ý của Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn. Vốn có năng lực về học tập về các môn khối tự nhiên nên Đông được các giáo viên chọn vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi. Cậu học trò xứ Diễn nuôi khát vọng trở thành một người lính...
Thế nhưng giấc mơ ấy không thể trở thành hiện thực khi một biến cố đột ngột xảy ra. Đó là vào năm học lớp 11, trong một lần nghịch ngợm, Đông bị ngã từ trên cây xuống, tay phải bị gãy. Do băng bó không cẩn thận, vết thương nhiễm trùng dẫn tới hoại tử, buộc phải tháo khớp đến khuỷu.
Mất đi một cánh tay, Đông không thể thi vào trường Quân sự như mơ ước nữa. Vụ tai nạn cũng khiến cậu bị chậm một năm so với các bạn cùng lứa. Quãng thời gian đó đủ để cậu học trò đầy nghị lực luyện viết thành thạo bằng tay trái để quay lại trường vào năm học tiếp theo cùng với các em khóa sau.
Mặc dù viết bằng tay trái nhưng phong độ học tập của Nguyễn Văn Đông không hề giảm sút. Cậu vẫn được các thầy cô bộ môn tự nhiên gửi gắm. Không phụ lòng thầy cô, năm nào Đông cũng lập "cú đúp" cho môn thi Toán - Lý hoặc Toán - Hóa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Kỳ thi đại học năm đó, Nguyễn Văn Đông đỗ cùng lúc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH Vinh, khoa Sư phạm Toán. Cuối cùng, cậu chọn nghề “gõ đầu trẻ” vì thấy thích hợp hơn.
“Tôi nằm trong top sinh viên đạt điểm cao, được cấp học bổng. Khi nhập học, thầy hiệu trưởng gọi tôi lên gặp và yêu cầu viết bảng trước sự chứng kiến của BGH nhà trường và khoa Sư phạm Toán.
Tôi khá bất ngờ nhưng vẫn bình tĩnh viết nhanh và tốt bằng tay trái. Thầy nói làm giáo viên, trước hết phải viết bảng, em viết được, thầy nhận vào học”, thầy Đông kể.
Viết tiếp giấc mơ bằng bàn tay trái
Tốt nghiệp Sư phạm, thầy giáo Đông được phân công công tác ở nhiều trường trước khi về dạy học tại chính ngôi trường ngày xưa mình đã học. Ở môi trường đặc thù, thầy tự nhủ phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. “Người đủ hai tay làm được 3 phần, thì tôi một tay cũng phải cố làm được 2 phần”, thầy Đông tâm sự.
Luôn trau dồi chuyên môn, sớm học nâng chuẩn, thầy Đông cũng là người “tiên phong” trong sử dụng giáo án điện tử vào giảng dạy. “Gần 20 năm trước, lương tôi mới chỉ 800 nghìn đồng/tháng. Tôi phải dành dụm 1 năm trời mới có thể mua được máy tính và tập soạn bài trên máy”, thầy Đông nhớ lại.
Nhiệt tình, trách nhiệm, phương pháp truyền tải dễ hiểu nhưng thầy Đông nổi tiếng nghiêm khắc với học trò. Nhưng rồi quá trình công tác, thầy nhận ra rằng, sự nghiêm khắc dẫu xuất phát từ kỳ vọng đối với các em vô tình khiến các em bị áp lực, thậm chí “sợ” thầy.
Thầy Đông chia sẻ: “Dần dần, tôi biết cách phân loại học sinh, để tiếp cận các em theo cách nhẹ nhàng, phù hợp hơn. Tôi cũng không tự tạo áp lực cho mình bằng kết quả học tập của học sinh mà chính các em là động lực, là nguồn động viên của mình trong công việc.
Nghề đi dạy cho tôi nhiều cảm xúc tươi mới, nhìn vào các em tôi thấy cuộc đời ý nghĩa và nhiều niềm vui hơn”.
25 năm đứng bục giảng, cũng chưa hẳn đã hết mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể, thầy chưa tham dự một kỳ thi giáo viên dạy giỏi nào. Bởi vậy, thầy Đông cũng chưa có một danh hiệu cá nhân nào cho mình nhưng thầy tự hào bởi nhiều học trò được thầy bồi dưỡng đạt giải cao trong các kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh, đỗ vào các trường ĐH top đầu của cả nước.
Sau những giờ lên lớp với nhiều tâm huyết, thầy quay về tổ ấm của mình bên người vợ cũng là đồng nghiệp và chăm bẵm nông trại để có thêm nguồn trang trải cuộc sống, chăm lo cho các con học hành.
Rời phấn trắng bảng đen, thầy Đông trở thành một người nông dân thực thụ bởi chỉ có lao động thầy mới thấy bản thân mình là một người bình thường và có giá trị riêng.
(Theo Đại đoàn kết)
Xem thêm: Nghị lực phi thường: Cha khuyết tật bán hàng nuôi con, chỉ 5 người xem cũng không nản chí
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận