Thật ra, Tào Tháo cũng là một... danh hài
Nếu là fans của Tam Quốc diễn nghĩa thì bạn sẽ thấy, cuốn tiểu thuyết này không dẫn các khía cạnh hài hước của Tào Tháo. Nhưng thực ra, ông rất thích đùa. Ngay cả khi ra trận cũng đùa.
“Các ngươi muốn xem mặt Tào Tháo hả?”
Theo Tam Quốc chí, Võ đế kỷ Bùi Tùng Chi chú, dẫn Ngụy thư: Năm Kiến An thứ mười sáu, Tào Tháo đem quân đánh Mã Siêu, Hàn Toại phía tây. Quân lính Hàn Toại nghe tin Tào Tháo đích thân ra trận liền tranh nhau xem mặt. Thấy vậy, Tào Tháo lớn tiếng bảo: “Các người muốn xem mặt Tào Tháo hả? Bảo cho các người biết, Tào Tháo cũng là người như các ngươi, không ba đầu sáu tay gì, chỉ mỗi trí tuệ nhiều hơn mà thôi!”.
Tào Tháo còn có rất nhiều cử chỉ khiến người ta ngạc nhiên và thích thú. Thái Kiều Huyền là bọn vong niên của Tào Tháo. Theo Tam Quốc chí, Võ đế kỷ, Bùi Tùng chú, ào Tháo trong bài văn tế Kiều Huyền có viết như sau: “Năm xưa Kiều lão từng giao ước với Tháo rằng, sau khi ông chết, nếu đi qua mộ mà không cúng ông một đấu rượu và một con gà, thì chỉ đi quá ba bước là đau bụng, xin đừng có trách”. Không ngờ trong điếu văn mà lại có những câu dân dã đến vậy, không màu mè quan cách, tình cảm rất chân thực.
Công khai tham vọng
Nhưng chân thực nhất phải kể "Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh" hay còn gọi là "Thuật chí lệnh" do Tào Tháo ban bố. Xét về ý nghĩa, “lệnh” này có giá trị như một “cương lĩnh chính trị”. Vậy mà nó được viết bằng bạch thoại - một thứ ngôn ngữ bình dân và rất thực.
Mở đầu bài văn, Tào Tháo viết đại ý: "Ta vốn không có mưu đồ to lớn gì, vì ta biết mình xuất thân không tốt, không thuộc loại con dòng cháu giống, sợ người đời coi thường. Vì vậy, ta chỉ muốn làm một viên quận thú, giữ gìn chính giáo, tạo lập đôi chút uy tín, để người đời biết đến mình.
Sau vì đất nước loạn lạc, ta thấy làm trai phải xả thân vì nước, phải kiến công lập nghiệp, nên tự đảm đương nhiệm vụ cầm quân đánh giặc. Lúc này yêu cầu của ta không cao, chỉ mong được làm Chinh tây tướng quân, sau khi chết, trên mộ được khắc dòng chữ “Hán Chinh tây tướng quân Tào hầu chi mộ”, là thỏa nguyện lắm rồi.
Nhưng ngay cả lúc này, ta cũng không thích có nhiều quân, vì ta biết thực lực của ta càng lớn thì kẻ thù càng nhiều. Vì vậy sau mỗi trận thắng, ta đều giảm biên chế, để chứng tỏ chí hướng của ta có chừng mực nhất định. Nhưng không ngờ công việc của ta lại đụng đến tất cả như thế này. Giờ đây tham vọng của ta đã lớn hơn. Ta muốn trở thành Tề Hoàn công, Tấn Văn công. Vì rằng hiện thời thiên hạ đại loạn, chư hầu cát cứ. Ta chỉ muốn xưng Bá, không muốn xưng Đế”.
Công báo: Từ bỏ tranh ấp, không từ bỏ binh quyền
Thuật chí lệnh viết tiếp: “Ta bây giờ là Thừa tướng nhà Đại Hán. Là thần tử, phú quí như vậy đã tột đỉnh, ta rất mãn nguyện, không còn mong muốn gì hơn. Nhưng ta dứt khoát ngồi lại trên vị trí này.
Vì sao? Vì rằng, nếu đất nước không có ta, thì rất nhiều kẻ xưng Đế, nhiều kẻ xưng Vương. Không có Tào mỗ trấn giữ, thì những tên bát nháo đó làm loạn. Có người bảo Tào Tháo ta nay đã công thành danh toại thì nên rút lui, giao lại quyền lực cho người khác, trở về đất phong của ta mà an dưỡng tuổi già. Xin lỗi, không được. Chức vụ ta không rời, quyền lực ta không giao. Vì sao? Vì rằng nếu ta rời quân đội, thì lập tức mang họa.
Ai cũng biết ta nắm binh quyền, mới có cái oai nhất hô bách ứng. Giao quyền đi là các người khử ta luôn. Vậy là vợ con ta không an toàn, hoàng thượng cũng không thể yên ổn. Vì vậy ta quyết không trao quyền lực cho bất cứ ai. Còn như đất đai mà hoàng thượng cấp, ta thấy không cần. Ta cần nhiều đất như thế để làm gì? Ta xin trả lại. Tóm lại, đất nước chưa yên thì chức vị này không thể nhường; còn như trang ấp thì có thể từ bỏ. Ta không thể vì hư danh mà quên cái hại nhỡn tiền!...”
Thuật chí lệnh - văn bản khiến “thiên hạ câm họng”
Những lời tuyên bố trên thẳng thừng đến mức không ai dám nói lại. Ai bảo ta không có tham vọng? Có chứ, ta cũng có tham vọng, hơn nữa, tham vọng lớn lên từng ngày. Ta không muốn làm vua, mà chỉ muốn làm Tề Hoàn công, Tấn Văn công, tập hợp chư hầu chín cõi, thống nhất Trung Quốc. Ai bảo ta thanh cao? Không, ta rất thực tế. Quyền lực của ta, lợi lộc của ta, ta quyết không nhường! Ai bảo ta không nhân nhượng. Ta nhân nhượng đấy chứ. Những thứ hư ảo như đất đai, chức tước, ta nhường tất. Nhưng quyền lực thì ta không nhường!
Tào Tháo cũng nói rõ vì sao có Thuật chí lệnh này, vì sao phải tuyên bố thẳng thừng những điều trên đây? Chính là để “thiên hạ câm miệng” (dục nhân ngôn tận). Thiết tưởng không còn gì minh bạch hơn. Nếu nói Tào Tháo là gian hùng, thì đó là phong độ hơn người của kẻ gian hùng.
Trong thực có dối, trong dối có thực
Tào Tháo rất thông minh, ở chỗ, trong thiên hạ đều nói dối, thì vũ khí tốt nhất là nói thật. Lời nói thật bao giờ cũng có sức mạnh vạch trần những gì giả dối, khiến bọn gian dối không thể tiếp tục giả dối được nữa. Vậy nên, thêm một khía cạnh nữa trong tính cách của Tào Tháo: Ông ta nói trơn tuột những điều mà về sách lược cần phải nói dối. Do đó trong thực có dối, trong dối có thực, ngay cả những điều nửa thực nửa dối, ông ta cũng phát biểu một cách tự nhiên, đàng hoàng. Đó là Tào Tháo, là chỗ khác người của ông ta.
Người đời gán cho Tào Tháo mười hai tính cách: Đàng hoàng, thâm trầm, cởi mở, hào sảng, thanh tao, hấp dẫn, nhậy bén, phục thiện, gian dối, xảo trá, lạnh lùng, tàn nhẫn. Ông ta vừa gian trá vừa thành thực, “gian trá” và “thành thực” thống nhất trong “hùng”, cái “thiện” và cái “ác” của ông ta cũng thống nhất trong “hùng”. Vì ông ta “ác” nên không thể gọi ông là “anh hùng”, mà phải gọi là “gian hùng”.
Nhưng phải chăng ngay từ đầu Tào Tháo đã “gian hùng”? Ông ta muốn trở thành bề tôi giỏi (năng thần), một lòng phụng sự nhà Hán, nhưng cái gì đã cản đường ông ta, đẩy ông ta vào con đường “gian hùng”? Xin xem phần sau sẽ rõ.
Xem thêm: Tào Tháo đòi "cướp vợ" Chu Du, chủ mưu là... Gia Cát Lượng?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận