"Thánh đường" của những "thiên thần" bị bỏ rơi

Mái ấm tình thương Vinh Sơn – Phaolô là nơi cưu mang những người thần kinh bị cưỡng bức đến có thai, cụ già bị con cái bỏ rơi, trẻ em mồ côi, tàn tật...

Đỗ Thu Nga
09:00 24/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nơi dang tay đón những hoàn cảnh éo le

Vào một chiều thu mát mẻ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô, thôn Trung Lao, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh (Nam Định). Hình ảnh khiến tôi ấn tượng không thể quên được là một em bé chạc 6 -7 tuổi đang núp sau cánh cổng nhà ròng. Khi được hỏi về đường vào mái ấm, ánh mắt em sáng rực lên và dõng dạc trả lời: "Đó là nhà của em và ở đó có mẹ Hiên của em".

Đập vào mắt tôi là những đứa trẻ đang nói cười, nô đùa vui vẻ trên hiên nhà. "Mẹ" là danh xưng được hàng chục trẻ mồ côi hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt trìu mến gọi nữ tu sĩ hay còn gọi sơ Hiên thân thuộc.

Ngồi lại tâm sự, sơ Hiên cho biết, mái ấm Vinh Sơn - Phaolô do sơ xây dựng từ năm 2007, đến nay đã được 16 năm. Mọi kinh phí để hoàn thiện ngôi nhà này được sơ đi xin ở nhiều nơi. Đến năm 2010, sơ mới chính thức bắt đầu vào đây ở và đảm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng những hoàn cảnh có số phận đặc biệt. Hiện trong ngôi nhà này, sơ Hiên cùng một số sơ khác đang chăm sóc cho hơn 30 hoàn cảnh éo le.

thanh-duong-cua-nhung-thien-than-bi-bo-roi
Nơi nuôi dưỡng hơn 30 hoàn cảnh éo le đặc biệt tại mái ấm tình thương Vinh Sơn- Phaolô

Chia sẻ về cơ duyên thành lập mái ấm, sơ Hiên cho hay: "Đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, có nhiều đứa trẻ đáng thương bị người thân bỏ rơi, nhiều cụ già hay những người tàn tật, bị bệnh thần kinh không có ai chăm sóc, tôi thấy đau xót và tội nghiệp lắm. Cùng là phận người, chúng ta được sống vui vẻ, hạnh phúc bên người thân, còn họ thì chịu cảnh vất vưởng, cô đơn. Vì suy nghĩ đó nên tôi đã quyết tâm thành lập nên mái ấm tình thương này".

Trong những ngày đầu thành lập mái ấm, sơ Hiên chủ yếu đón nhận các cụ già tàn tật, neo đơn và một số em nhỏ bị bỏ rơi về ngôi nhà này sinh sống, chăm sóc. Ban đầu cũng có rất nhiều người cho rằng đây là công việc "mang rơm nặng bụng", đã nghèo lại còn đèo bòng.

Những điều tiếng đó khiến sơ cũng trăn trở, mất giấc nhiều đêm. Thế nhưng làm sao bản thân có thể bỏ rơi những hoàn cảnh cùng cực như vậy. Sơ bỏ qua hết những lời đàm tiếu, lầm lũi từ từ xây dựng lên mái ấm này.

Khoảng thời gian đó, sơ Hiên đã là người bảo vệ và cứu rỗi hơn 40 đứa trẻ vô tội, đem lại cho họ cơ hội được ra đời an toàn và được nuôi dưỡng trong tình thương.

Sơ Hiên không cần biết họ quê quán ở đâu, ra sao mà chỉ cần 1 cuộc điện thoại gọi về xin nương nhờ mái ấm sẽ đồng ý ngay tức khắc. Khi đến đây ở, họ không cần phải đóng tiền sinh hoạt hàng ngày, bởi mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều một tay sơ "thu vén" hết.

Từ ngày thành lập ngôi nhà tình thương, chưa một đêm nào sơ được 1 giấc ngủ sâu, trọn vẹn. Cứ khoảng 3 giờ sáng, sơ tranh thủ dậy sớm để đọc kinh thánh, nấu bữa sáng, vệ sinh cá nhân cho 1 số cụ già, trẻ nhỏ. Buổi trưa hầu như là không được ngủ. Tối đến thì chăm lo miếng ăn giấc ngủ, trẻ học bài... sơ mới thở phào nhẹ nhõm.

thanh-duong-cua-nhung-thien-than-bi-bo-roi-0
Sơ Hiên cùng với các bạn nhỏ tại mái ấm Vinh Sơn

Chia sẻ về những khó khăn, sơ Hiên bộc bạch rằng: "Nhiều lúc trong nhà không còn gì, tiền cạn túi, phải ra chợ xin người dân mớ rau, ít gạo, thức ăn để về lo bữa ăn cho các cụ già và những đứa trẻ. Tôi nhịn đói còn được, chứ trẻ nhỏ, cụ già nhịn đói thì tôi lo lắm. Thời điểm lũ trẻ ốm đau hoặc các ông bà già đổ bệnh tôi đành phải bấm bụng, chạy vạy khắp nơi nhờ sự giúp đỡ... nhưng rồi cũng qua hết những ngày khó đó".

Để tiện chăm sóc cho mái ấm, sơ Hiên không dám đi đâu xa, từ bỏ mọi công việc bên ngoài, hy sinh hạnh phúc cá nhân để loanh quanh ở nhà trồng rau, nuôi gà chăm lo chu toàn cho các cụ và trẻ nhỏ.

"Tôi coi những đứa trẻ như con của mình, các cụ già là cha mẹ mình, vì vậy tôi sẵn sàng hi sinh mọi thứ, chịu thiệt thòi để ai sống trong mái ấm này đều được hạnh phúc", sơ Hiên xúc động.

Dưới sự quan tâm, đùm bọc của sơ Hiên, nơi này đã trở thành ngôi nhà của những trái tim bị bỏ rơi. Các cô cậu bé ở đây không chỉ có cơ hội để phát triển toàn diện mà còn được học hỏi về tình yêu, lòng vị tha và sự hy sinh.

... Và xây lên những nụ cười

Tại mái ấm Vinh Sơn, tình thương là không có giới hạn. Dù mỗi người có một số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng lại được sống chung dưới một mái nhà luôn đầy ắp tiếng cười.

Không chỉ được chăm sóc chu đáo, các em nhỏ ở đây cũng được đến trường học như bao đứa trẻ khác. Sơ Hiên thấu hiểu rằng giáo dục là chìa khóa để mở ra tương lai tươi sáng cho các em và luôn đặt sự phát triển của trẻ em lên hàng đầu. Như hiểu được nỗi vất vả của sơ nên bọn trẻ rất ngoan ngoãn, đoàn kết và yêu thương nhau.

"Các con sinh ra đã thiệt thòi nhiều lắm rồi. Giờ mình nhận nuôi thì phải có trách nhiệm với cuộc đời chúng. Dù khó khăn đến mấy, tôi cũng cho bọn trẻ đi học để sau này thành người, ra đời không cảm thấy tự ti", sơ Hiên nói.

Không chỉ tạo ra nụ cười cho trẻ thơ ở đây, sơ Hiên ngày ngày còn nuôi dưỡng những nụ cười trên khuôn mặt của các cụ già neo đơn, mong manh, yếu đuối.

thanh-duong-cua-nhung-thien-than-bi-bo-roi-7
Nữ tu sĩ luôn dành tình cảm yêu thương vô bờ bến cho những trẻ em bị bỏ rơi

Sơ Hiên chia sẻ thêm rằng: "Trước đây mái ấm do một tay sơ lo hết, nhưng mấy năm trở lại đây, có sơ Hảo (em gái của sơ Hiên) vào mái ấm cùng chăm sóc mọi người. Các em, các cụ già, mọi người ở đây cũng hỗ trợ sơ nhiều lắm, có em tàn tật hàng ngày giúp sơ nấu cơm, có cụ già thì giúp sơ chăm, coi các em bé sơ sinh".

Trong số các em nhỏ, sơ Hiên đặc biệt quan tâm đến một bé tầm 8 tháng tuổi bị mẹ bỏ rơi từ khi còn 1 tháng tuổi ở đây, đến giờ em vẫn chưa được làm giấy khai sinh. Em còn mắc căn bệnh hiểm nghèo là hở van tim. Căn bệnh ấy đã hành hạ em ấy suốt những đêm ngày qua, đỉnh điểm là vào tháng 9 năm ngoái, sơ tưởng chừng em đã rời xa mãi thế giới này, nhưng vì phép màu nào đó, em vẫn ở lại với sơ và mọi người ở đây.

Có nhiều cụ già chẳng thể nhớ nổi nơi mình sinh ra nhưng lại biết nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô sẽ là nơi mình "nằm lại". Và không chỉ là nơi che chở vật chất, mái ấm tình thương Vinh Sơn - Phaolô mà còn là nơi nuôi dưỡng, cưu mang tinh thần của những mảnh đời bất hạnh. 

Rời mái ấm Vinh Sơn, tâm trí tôi luôn đọng lại hình ảnh của các em nhỏ, các cụ già neo đơn, tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của các em trong mái ấm tình thương này. Thầm cầu chúc cho nữ tu sĩ cùng các em, các cụ và tất cả mọi người ở đây sẽ sống thật khỏe mạnh, bình an luôn giữ mãi trên khuôn mặt những nụ cười.

(Theo suckhoedoisong.vn)

Xem thêm: Học trò Ngọc Sơn cùng thầy đi làm từ thiện, ủng hộ 2 tấn gạo cho mái ấm tình thương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận