Quảng Trị "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 và ký ức không bao giờ quên của một người lính

Thành cổ Quảng Trị "mùa hè đỏ lửa" 1972 là một túi bom. Hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Xương máu của các anh đã hóa thân thành hình hài đất nước độc lập, tự do hôm nay.

Đỗ Thu Nga
10:00 11/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Quảng Trị "mùa hè đỏ lửa" năm 1972

Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20/7/1954, theo hiệp định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần của Quảng Trị từ Sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành cổ Quảng Trị trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội. Mỹ - Ngụy đã biến nơi đây thành khu quân sự, làm kho tàng trữ quân đội, trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh. Đồng thời cũng mở thêm nhà giam để đàn áp các phong trào cách mạng.

Trận Thành cổ Quảng Trị là một trận chiến giữa một bên là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được sự hỗ trợ về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam với một bên là Quân đội Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa tại khu vực thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972, một phần của Chiến tranh Việt Nam.

Thanh-co-Quang-Tri-nam-ay-va-ky-uc-khong-bao-gio-quen-cua-1-nguoi-linh-0
Các chiến sỹ giải phóng dũng cảm đánh phá đồn địch trên điểm cao 365 (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) - (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trận chiến kéo dài suốt 81 ngày đêm. Cụ thể, 30/3/1972, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch nhận định Tư lệnh chiến dịch nhận định: "Đây là thời cơ thuận lợi để nổ súng tấn công" và đúng 11 giờ 30 phút cùng ngày, các đơn vị nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Quảng Trị. Đòn tiến công bất ngờ, sấm sét, bão lửa giội xuống hệ thống phòng thủ quân ngụy, gây choáng váng cho đối phương ngay từ phút đầu.

Trước sức mạnh tiến công, nổi dậy và hợp đồng quân binh chủng, sau hơn 1 tháng, quân đội ta đã chọc thủng được tuyến phòng thủ Quảng Trị “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Mỹ - Ngụy. Ngày 1/5/1972, quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng gồm hơn 10 vạn dân.

Giữa tháng 6/1972, ngụy quyền phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa Hè đỏ lửa,” với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.

Cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được tiến hành trong bối cảnh ta vừa giành được thắng lợi lớn sau 2 đợt tiến công giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị. Nhưng không giành thắng lợi trong đợt 3 tiến công vào phía Nam sông Mỹ Chánh vì không còn yếu tố bất ngờ, địch đã huy động ra Thừa Thiên Huế đại bộ phận lực lượng tổng dự bị chiến lược của chúng.

Trong khi đó, Mỹ đã "Mỹ hóa" trở lại toàn bộ lực lượng trên chiến trường, từ không quân đến hải quân với quy mô và cường độ chưa từng có. Chính vì thế, đợt tiến công thứ 3 của ta từ ngày 20 đến 26/6/1972 đã không thành công.

Thanh-co-Quang-Tri-nam-ay-va-ky-uc-khong-bao-gio-quen-cua-1-nguoi-linh-8
Các chiến sỹ giải phóng dũng cảm giữ từng tấc đất của Quảng Trị (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đến giữa tháng 6/1972, ngụy quyền phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa Hè đỏ lửa,” với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.

Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này.

Ngày 16/9/1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch.

Chiến dịch tiến công và nổi dậy năm 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu chống địch tái chiếm vùng giải phóng Quảng Trị là chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử to lớn; là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

Đây cũng là sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hồi ức của người lính về những tháng ngày khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị

Tầm 10h đêm ngớt mưa, có lệnh vượt sông. Đồ đạc và trang bị gọn nhẹ được chúng tôi cho vào tấm tăng che mưa hoặc bao gạo Nilon, buộc túm lại thành phao ôm ra bờ nước. Một số cậu không chịu xuống nước, viện cớ không biết bơi. Anh Khả, cán bộ Đại đội người Hà tây, lồng lộn chửi bới mấy cậu này, quy cho tội hèn nhát đảo ngũ, phản bội Tổ quốc, thậm chí anh rút súng ngắn ra dọa: "Thằng nào không xuống bơi tao bắn vỡ sọ".

Mấy cậu A trưởng phải can vào, chứng nhận bọn ấy nó không biết bơi thật, anh mới hạ hỏa. Những người này được lệnh lui về hầm Nhan biều chờ đợi, đến khoảng 2-3 giờ sáng sẽ có thuyền Cao-su chở tiếp vào Thành (hóa ra các chú đó lại gặp may, vì 10h đêm 13/09/1972 là đợt vượt sông cuối cùng, sau đó có lệnh dừng mọi tiếp tế để chuẩn bị rút ra).

Tất cả chúng tôi chỉ mặc quần đùi lộn xuống dòng nước lạnh buốt, gác súng lên phao và bắt đầu bơi. Dòng sông mênh mông đen ngòm, bầu trời cũng đen ngòm, vô tận. Còn cách bờ  khoảng 30m thì bất chợt đất trời rực sáng, hàng chục quả Hỏa châu địch bắn lên, soi rõ từng lá cây ngọn cỏ. Rồi một trận mưa đạn chụp xuống đoàn người đang lóp ngóp bơi trên dòng sông.

Hàng trăm quả đạn pháo bắn cấp tập, mặt nước sôi lên sùng sục. Lại thêm hàng tràng Đại liên và đạn DKZ M40 bắn thẳng từ phía chiếc cầu sắt. Đạn kêu chiu chíu, mảnh pháo bay vù vù. Nước sông lập tức bị nhuộm đỏ  bằng máu của hàng chục chiến sĩ bị chết và bị thương. Họ chết vì đạn xuyên, mảnh chém, vì sức ép, bị thủng phao, sặc nước…

Thanh-co-Quang-Tri-nam-ay-va-ky-uc-khong-bao-gio-quen-cua-1-nguoi-linh-6
Đây là tấm hình chụp lại niềm vui vô bờ bến của những người lính trẻ khi chiếm được một cứ điểm của địch ở Thành cổ

Ôi những chàng trai trẻ của khu Hai bà và Hoàn kiếm Hà nội, họ chết khi còn quá trẻ, nhiều người chưa một lần biết yêu. Tiếng gọi cuối cùng trên môi là tiếng gọi "Mẹ ơi" trước khi chìm vào bóng đêm vĩnh cửu. Nhưng chẳng người mẹ nào có thể cứu được con mình trong cơn bão lửa trên dòng Thạch hãn ấy. Có thể qua thần giao cách cảm, họ sẽ khẽ giật mình, có biết đâu trong giờ phút đó, máu của những đứa con của họ đã thắm đỏ một khúc sông rồi...

Hoảng loạn, chúng tôi giãy đạp và khoải nước bơi như điên. May quá, ngón chân đã chạm đất, những người sống sót lóp ngóp bò lên bờ, nằm dúi vào mấy gờ đất ven sông. Hàm răng đánh lập cập, lạnh thấu xương, tôi nằm thẳng cẳng nhắm mắt thở, mặc đạn bay pháo nổ. Rồi cơn bão lửa cũng qua đi, chúng tôi được lệnh chạy thật nhanh về phía Thành cổ.

Qua khoảng vài trăm mét thì bóng một ngôi nhà lớn lờ mờ hiện ra. Ai đó nói: "Tòa Tỉnh trưởng đấy". Hình như đó là 1 tòa nhà 2 tầng, nhưng phía trên đã bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên tầng hầm kiên cố và khá rộng thì vẫn còn nguyên vẹn và được dùng làm Chỉ huy sở của lực lượng bảo vệ Thành. 

Chúng tôi tản ra ẩn nấp dọc những giao thông hào đào quanh nhà. Một số theo anh Khả vào bên trong xuống tầng hầm nhận lệnh. Bên trái cầu thang là nơi Ban chỉ huy làm việc, mấy cán bộ Tham mưu đang xúm xít quanh tấm Bản đồ trên chiếc bàn nhỏ, được rọi bằng đèn Măng-sông và đèn pin.

Chuông điện thoại đổ liên hồi. Vài chiến sĩ Thông tin vô tuyến nói liên tục vào ống Tổ hợp: "Tinh cầu đây Địa cầu đâu, nghe rõ trả lời" hoặc "Vạn tường gọi Plây-me, nghe rõ trả lời"…. Bên phải cầu thang là Phẫu quân y dã chiến, nơi thương binh nằm la liệt, nhiều người rên rỉ hoặc thở khò khè. Không khí đặc quánh mùi mồ hôi, mùi máu, cả mùi phân và nước tiểu nữa...

Được lệnh đi tiếp, tôi bám chặt anh Thiệu, người trực tiếp phụ trách Trung đội. Trong bóng đêm, thỉnh thoảng được chiếu sáng bằng ánh Hỏa châu, chúng tôi chạy men theo những bờ tường đổ, những đống gạch vụn, hoặc những đoạn hào nông choèn. Một mùi khăn khẳn xộc vào mũi, chỗ nào cũng ngửi thấy mùi này.

Về sau tôi mới hiểu đó là mùi xác chết. Xác chết ở khắp nơi, xác ta có, xác địch có. Có xác được vùi sơ sài, nhiều xác nằm phơi mưa phơi nắng, trương phềnh, thối kinh khủng. Có xác chỉ còn trơ xương, có xác đã khô đét. Nhiều xác bị chết đi chết lại nhiều lần, tức là bị bom pháo hết quăng lên lại quật xuống, không toàn vẹn.

(Tổng hợp)

Xem thêm: Lá thư "thiêng" từ Thành cổ Quảng Trị anh hùng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận