Tây Tiến: Đừng viết và nên viết
Viết văn không đơn giản là tuôn ra những suy nghĩ của bạn về tác giả - tác phẩm. Viết văn đó là sự đào sâu, tìm tòi những "7 phần chìm" của tảng băng trôi...
Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ một bài viết khá ấn tượng về chuyện "đừng viết - nên viết" với tác phẩm Tây Tiến. Các bạn muốn "nâng trình" thảo văn của mình thì nên tham khảo bài viết này nhé:
01
- Đừng viết: Quang Dũng vừa tham gia cách mạng, vừa làm thơ. Vì thế chất thơ của ông luôn đong đầy những trải nghiệm.
- Nên viết: Lê Quý Đôn đã từng tâm sự chân thành về nghề viết của mình như sau: "Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có tất cả cảnh núi non của thiên hạ, thì chưa thể làm thơ được". Dường như từ lâu, "đi" đã là "thói đời" quá quen thuộc với bao thế hệ văn nghệ sĩ. Quang Dũng cũng thế, cũng đi nhiều, bàn chân ông đã in gót chân vàng của mình trên nhiều miền đất xa xôi của Tổ Quốc. Sau những ngày dài rong ruổi trên những chuyến hành trình gian nan ấy, ông chợt tìm thấy lý tưởng cách mạng như một mối "duyên kì ngộ". Trái tim ấm nóng của người nghệ sĩ này như bừng sáng và đặt trọn một tình yêu cho cách mạng. Có lẽ vì thế mà những trang thơ của ông luôn đong đầy chất trải nghiệm của một nhà thơ đã sống trọn với thơ và đời...
02.
- Đừng viết: Quang Dũng đã đưa nỗi nhớ của mình vào ngay trong những vần thơ đầu tiên. Và cũng vì nỗi nhớ ấy, kí ức Tây Tiến cứ thế mà hiện lên rõ nét.
- Nên viết: Từ xưa đến nay, vạn vật trong kí ức vốn chỉ như những tĩnh vật trong bảo tàng, dù là kí ức của một thời chưa xa. Nếu không có thần sắc của cảm xúc thổi vào, vạn vật dù có mỹ lệ trữ tình đến mấy cũng chỉ là hóa thạch. Và kí ức "Tây Tiến" trong Quang Dũng cũng thế, nó được xây đắp nên từ sự chân thành trong xúc cảm của tác giả. Để rồi mỗi lần tìm về những trang thơ Tây Tiến, ta như thêm một lần tìm về kỉ niệm người xưa, sống lại thời quá khứ hào hùng- quá khứ của những chàng trai Tây Tiến năm nào...
03
- Đừng viết: Hình ảnh hàng lau như hiện ra trước mắt mỗi người đọc, để họ hiểu rõ hơn về con người thi sĩ trong mỗi chiến sĩ.
- Nên viết: Lòng ta đã theo ai đó lên biên giới và giờ đây trước mắt ta, trong hồn ta đã thấy miên man những triền hoa lau trắng. Lớp lớp ngàn lau đong đưa trong gió lạnh. Lớp lớp ngàn lau nhấp nhô, trắng như sóng, như mây. Lau trắng với lau nơi xa xôi heo hút thưa vắng bóng người. Cái màu trắng của ngàn lau ấy đã trắng từ xưa và tới bây giờ vẫn trắng. Trắng như là sự mặc định truyền kiếp về một ranh giới:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…"
Cái màu trắng ấy như sự tồn sinh muôn đời của non sông đất nước. Cái màu trắng của ngàn lau nơi phên giậu dù hoang vắng đến bao nhiêu cũng là màu cỏ cây Tổ quốc, nó là một phần của đất đai thiêng liêng yêu dấu...
04
- Đừng viết: Giờ đây, Quang Dũng đã xa rồi những đêm dài hành quân, xa rồi những trận mạc đau thương. Để rồi nghĩ về quá khứ, lòng ông nhung nhớ khôn nguôi.
- Nên viết: Trong "Nỗi buồn chiến tranh" tác giả Bảo Ninh có viết:
"Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không lấy đi thứ gì hết tất cả vẫn cần đó y nguyên". Có lẽ điều còn lại sau mỗi cuộc chiến là những kỉ niệm ngày hành quân thiếu thốn mà căng tràn nhiệt huyết, là những nỗi lòng đang băn khoăn những niềm thương, nỗi nhớ... Chiến tranh rồi sẽ qua đi, nhưng nỗi đau người ở lại vẫn còn đó, vẫn gieo vào lòng của những lớp người của thời đại kia một thoáng buồn, một nhịp yêu nhớ khôn nguôi... Phải chăng, đó cũng là tiếng lòng của Quang Dũng...
05
- Đừng viết: Dẫu đã rời xa Tây Tiến, nhưng những kí ức với đồng đội của mình vẫn còn đó, y nguyên.
- Nên viết: Bằng chiếc radio cũ mèm đến từ những miền kí ức xa xôi, ta chợt nghe những câu thơ nồng thắm và ngọt dịu, đong đầy những tâm tư của kẻ sĩ vừa phải xa rời những gì mà tâm hồn từng quyện chặt. Đó là những khi dừng chân bên góc núi, phóng tầm mắt ra xa xăm, ặng nhìn những bản, những làng - nơi mà các anh sẽ đến, sẽ đem xương máu bảo vệ và giữ gìn; hay là những khi tâm hồn anh rạo rực nỗi nhớ nhà, trái tim anh xao xuyến bóng hình "những hàng me có gió mùa thu hương mới/ những phố dài xao xác hơi may"; hoặc cũng có thể... là một thoáng buồn khi người bên anh ra đi... Và rồi trong ký ức thời gian, những tâm hồn rồi sẽ mỏi mệt, những trái tim rồi cũng ngừng đập, những tương tư rồi cũng khắc khoải, u hoài. Nhưng ký ức thời đại, những kỉ niệm thời son trẻ vẫn sẽ còn đó, y nguyên...
06
- Đừng viết: Lịch sử sẽ mãi ghi tên những chiến sĩ đã hi sinh cho Tổ Quốc. Dẫu ra đi nhưng họ vẫn mãi sống trong lòng độc giả.
- Nên viết: Lịch sử ghi nhận chiến công của anh... ghi nhận chiến công của bao thanh niên tuổi 19, đôi mươi, là học sinh, sinh viên của các trường trung học, đại học đã theo tiếng gọi Tổ quốc, xông pha vào trận mạc, góp phần tạc nên bức tượng đài bi hùng về truyền thống “dựng nước, giữ nước”. “Các anh, những chàng trai Tây Tiến”, tôi và anh cảm thấy gần gũi, đồng cảm với nhau như có một sợi dây vô hình nào đó kéo gần khoảng cách, từ những người xa lạ trở thành gắn bó và biết ơn; khoảng cách về thời gian giữa thế hệ xưa và nay; khoảng cách tâm hồn giữa triệu triệu người đọc với những con người quả cảm. Với đồng đội, “anh” là động lực để họ vững tay súng hiên ngang đối mặt kẻ thù một sống một còn. Với tôi, “anh” là tấm gương sáng ngời soi mình kế tục và phát huy truyền thống dân tộc.
Xem thêm: Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận