Tây Tiến - Hình tượng bất hủ về người lính vừa hào hùng bi tráng, vừa mạnh mẽ can trường, vừa lãng mạn tài hoa

Nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến vừa hào hùng bi tráng, vừa mạnh mẽ can trường, vừa lãng mạn tài hoa. Đây là tác phẩm nổi bật nhất về người lính thời kháng chiến chống Pháp.

Đỗ Thu Nga
10:00 12/12/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chiến tranh để lại những dấu tích đau thương và cay đắng của cả một dân tộc, nhưng nó cũng là bằng chứng cho sứ mệnh đã được gọi tên, cho những người lính đã hóa hồn thiêng để thành bất tử. Hình ảnh người lính trong năm tháng chiến tranh qua đi đã trở thành tượng đài bất diệt, là nhân vật của những tuyệt tác thi ca. Và bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng đã trở thành một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp viết về người lính. Nó đã khắc nên hình tượng bất hủ về người lính Tây Tiến vừa hào hùng bi tráng, vừa mạnh mẽ can trường, vừa lãng mạn tài hoa.

Chiến tranh để lại những dấu tích đau thương và cay đắng của cả một dân tộc, nhưng nó cũng là bằng chứng cho sứ mệnh đã được gọi tên, cho những người lính đã hóa hồn thiêng để thành bất tử. Hình ảnh người lính trong năm tháng chiến tranh qua đi đã trở thành tượng đài bất diệt, là nhân vật của những tuyệt tác thi ca. Và bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng đã trở thành một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp viết về người lính. Nó đã khắc nên hình tượng bất hủ về người lính Tây Tiến vừa hào hùng bi tráng, vừa mạnh mẽ can trường, vừa lãng mạn tài hoa.

Bài thơ Tây Tiến được sáng tác vào năm 1948 khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, cũng vì thế mà tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng đã viết bài thơ Nhớ Tây Tiến, sau đổi thành Tây Tiến. Tác phẩm được in trong tập “Mây đầu ô” (1986)

Rời xa nơi gắn bó chiến đấu, Quang Dũng để lại một nỗi nhớ thiết tha trải dọc con đường hành quân, cũng vì thế mà nỗi nhớ lại da diết và trở thành cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Ngay từ đầu bài thơ, nỗi nhớ vọng lên trong sự khắc khoải không nguôi.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Câu thơ là tiếng gọi âm vang đầy hoài niệm, như muốn níu kéo quá khứ đã qua đi không thể trở lại và giờ chỉ tồn tại trong ký ức. Sông Mã là con sông nơi gắn bó quãng thời gian Quang Dũng còn hoạt động trong binh đoàn Tây Tiến, nó chứng kiến biết bao cuộc chiến tàn khốc, những ngày đóng quân anh em xum vầy. “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”, từ "xa rồi" như nhịp sóng lòng dấy lên, bật ra tiếng gọi nhớ nhung “Tây Tiến ơi”. Chỉ có những thứ đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành nỗi đau đáu khôn nguôi mới có thể thốt ra tiếng gọi êm ái như vậy. Nỗi nhớ “chơi vơi” giữa rừng núi dường như lan tỏa khắp không gian và thời gian, nhớ về những ngọn núi, rừng cây mà binh đoàn Tây Tiến đã đi qua. Nỗi nhớ tầng tầng lớp lớp bủa vây không gian tạo nên chiều sâu, khiến lòng người hồi tưởng cũng trở nên nặng trĩu.

Nỗi nhớ ấy đã được cụ thể hóa bằng những địa điểm, trải nghiệm đầy nguy hiểm cũng đầy mơ mộng trên các vùng đất binh đoàn đã đi qua

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Binh đoàn Tây Tiến đi đến đâu, nơi đó trở thành nỗi nhớ in sâu vào tâm trí. “Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông”. Những cái tên gợi lên đầy trìu mến, trân trọng, nỗi nhớ trải dài khắp chốn. Mỗi địa danh đều gắn liền với những ký ức khó phai. Sương lạnh bủa vây khắp chốn Sài Khao, che lấp binh đoàn khỏi kẻ địch truy lùng. Hoa trong đêm hơi nơi Mường Lát, trông từ xa xa, màn mưa giăng mắc những mái nhà trên Pha Luông… Tất cả đều mang nét thi vị, mềm mại, đa tình và lãng mạn qua cái nhìn của một người lính vốn gan góc can trường. Nhưng cuộc hành quân còn phải vượt qua biết bao nhiêu chông gai. Với những từ láy sử dụng thanh trắc, âm điệu mạnh mẽ “Khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút”, sự biến đổi liên tục về độ cao “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” khắc họa con đường của người lính với biết bao gian truân, khó khăn. Những lối đi gập ghềnh, trèo đèo lội suối, những vực sâu hun hút không thể xảy chân… Tất cả những gian lao ấy đều không làm chùn chân người lính Tây Tiến, họ vẫn vững tin tiến về phía trước trong công cuộc kháng chiến trường kỳ. Quang Dũng còn viết một câu thơ đầy dí dỏm nhưng cũng đẹp đẽ vô cùng “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, câu thơ như là tiếng cười hóm hỉnh của những người lính không quản đường hành quân khó khăn. Ngoài chiến trường kia nguy hiểm, chết chóc đến đâu cũng không làm mất đi tinh thần lạc quan của các anh.

Đường đi trở ngại là một chuyện, người lính Tây Tiến còn phải đối mặt với thiên nhiên gai góc, chốn “rừng thiêng nước độc”.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Thiên nhiên núi rừng như một con thú khổng lồ và nguy hiểm, chốn reo rắc những khiếp sợ không lường. “Thác” chảy xối xả, dữ dội trong khu rừng im vắng, động từ mạnh “gầm thét” như thêm phần ồn ã và đáng sợ của chốn rừng thiêng. Không chỉ vậy, “cọp” là một giống loài ăn thịt, động từ “trêu” như khẳng định sự nguy hiểm đang rình rập không lường, lúc nào cũng chực chờ đe dọa đến tính mạng người lính.

Thế nhưng dù nguy hiểm lúc nào cũng bủa vây xung quanh nhưng đối với cái chết người lính Tây Tiến lại có cái nhìn nhẹ tênh không sốt sắng

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Quang Dũng đã vô cùng tinh tế khi sử dụng các từ nói giảm nói tránh “Không bước nữa”, “bỏ quên đời”. Những người lính Tây Tiện phải chịu đựng biết bao gian khổ khó khăn và cái chết đến với các anh chỉ nhẹ tựa lông hồng. Như một cuộc dừng chân không có ngày đứng dậy, câu thơ mang một giọng điệu xót xa, đau thương nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan của người lính, cái chết chỉ là bước chân nghỉ của các anh, là cái quên đời đầy phóng khoáng. Hai câu thơ là cái đẹp hoàn mỹ nhất được Quang Dũng khắc họa khi viết Tây Tiến.

Tay-Tien-Hinh-tuong-bat-hu-ve-nguoi-linh-0

Kết lại nỗi nhớ về sông Mã, về nơi hành quân của binh đoàn Tây Tiến, Quang Dũng đã viết hai câu thơ vô cùng đa tình:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Những ngày hành quân mệt nhọc quây quần bên bếp lửa thổi cơm, hình ảnh khói nghi ngút bay đã hằn sâu trong tâm trí người lính. Từ “nhớ” lại lần nữa được lặp lại, “nhớ ôi”, cái nhớ miên man, chìm đắm không dứt, cái nhớ khao khát được trở về với quá khứ. Và thứ gắn liền với tâm trí của vùng đất Mai Châu là hương “thơm nếp xôi”, thức quà giản dị mà ấm cúng. Những chi tiết, hình ảnh được Quang Dũng chọn lọc đều rất tiêu biểu và hấp dẫn.

Trong nỗi nhớ miên man, Quang Dũng nhớ đến những ngày tháng vui vẻ ca hát, khi mà những người lính quây quần bên doanh trại nhìn các cô gái Thái, Mường múa hát.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Cả khổ thơ là sắc màu rực rỡ của của đêm hội trại “hội đuốc hoa”, nhưng bó đuốc phừng phừng lửa sống, như hoa nở trong đêm. Những cô gái Thái dịu dàng, e ấp khoác lên mình váy áo người dân tộc nhảy múa trong tiếng khèn êm dịu. Thời khắc như dừng lại ở khung cảnh bừng bừng sức sống ấy để nhà thơ lần nữa được cảm nhận không khí sôi động ấm ấp của đêm hội khi còn ở binh đoàn Tây Tiến.

Nét đẹp của đêm hội khép lại, có lẽ đó là đêm hội của cuộc tiễn đưa nên mới khắc ghi ấn tượng đậm sâu như vậy trong lòng Quang Dũng. Nỗi nhớ trở về, dường như dài và sâu hơn, lãng mạn và khắc khoải hơn.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Những chiều sương khói trên cao nguyên Mộc Châu, ở đây màn sương lại lần nữa xuất hiện trong ký ức của tác giả. Dường như lớp sương giăng mờ ảo về những vùng đất lãng mạn đã mãi mê đắm người lính Tây Tiến. Điệp từ “có thấy”, “có nhớ” tạo nên lớp sóng tầng thương nhớ diết da. “Hồn lau nẻo bến bờ, dáng người trên độc mộc”. Hình ảnh về con người và thiên nhiên vẫn lãng mạn qua con mắt đa tình của người lính Tây Tiến. Sự vật tưởng chừng khoác lên mình cái hồn của non nước, nhớ người, nhớ cảnh, sinh tình. Người trên độc mộc trôi trên dòng nước lũ, nó chông chênh và khó khăn thế nào để có thể điều khiển được con thuyền. Thế nhưng bông hoa đong đưa trong cái hình ảnh mãnh liệt ấy làm nên nét thơ đầy bay bổng và phiêu bồng đưa người vào một cõi đẹp mơ hồ. Trong thơ như vẽ tranh, nét cảnh nhu tình và tuyệt diệu. Quang Dũng như hóa thân thành một nhà họa sĩ tài ba, biến những năm tháng khốc liệt thành câu chuyện ghi lại non nước hữu tình, con người đẹp đẽ.

Khép lại những lãng mạn đa tình trong cảnh nhớ mênh mông, Quang Dũng xây nên một tượng đài bất tử với cái ngông, kiêu hùng và bi tráng nhưng không kém sự trầm lắng, thi vị, hào hoa, tài tử của người lính Tây Tiến.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Khổ thơ là cái thật trần trụi và khốc liệt nhất lột tả những vất vả, gian lao mà người lính Tây Tiến đã trải qua. Những cơn sốt rét rừng khiến người lính trở nên tiều tụy, gầy mòn, tóc rụng hết. Nhưng Quang Dũng lại dùng từ “không” chắc nịch với ý khẳng định một phong cách riêng của người lính. Họ cắt tóc vì không muốn nhìn tóc rụng đi từng ngày và cũng muốn thấu hiểu bệnh tật của đồng đội. Cơn sốt rét rừng khiến người lính da mặt tái xanh trông rất đáng sợ và nhà thơ đã lấy hình ảnh đó để làm nên cái oai của người lính Tây Tiến “dữ oai hùm”. Nếu phía trước người lính phải chịu sự sợ hãi trước cảnh cọp dọa trêu ngươi thì bây giờ lại mang phong thái của chúa sơn lâm. Bên cạnh đó, hình ảnh “mắt trừng” cho ta liên tưởng đến một sức mạnh phi thường, oai hùng của người lính trước quân thù. Và các anh luôn mang trong mình trái tim, một giấc mộng công thành danh toại, báo ơn Tổ quốc. Nhưng những người lính Tây Tiến vẫn nhớ về một tà áo đẹp thướt tha, đường xưa phố cũ nơi Hà Nội hoa lệ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, nơi các anh đang hướng về và cố gắng chiến đấu để giữ gìn và bảo vệ.

Đối với các anh, thanh xuân và tình yêu đã giành trọn cho Tổ quốc, dâng hiến và hy sinh không nghĩ đến bản thân, sự ra đi của các anh được Quang Dũng khắc họa tuy xót xa nhưng lại như tiếp lửa cho các cuộc hành quân dài vô cùng mong tới ngày chiến thắng để tìm lại đồng đội.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Hàng trăm ngàn những chiến sĩ đã hy sinh trên con đường giải phóng dân tộc, trở về với đất mẹ bao dung. Nhưng nỗi xót xa là “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, các anh mất đi, thân xác nằm lại nơi đất khách quê người, lác đác từng chỗ không thể quy tập về với nhau. Trên con đường hành quân, các anh mất nơi nào chôn nơi ấy. Sự hy sinh của những người lính Tây Tiến đã gửi lại cả xuân xanh nơi chiến trường, có người chưa kịp báo tin về với gia đình, có người chưa kịp lấy vợ sinh con. Các anh trẻ lắm, nhưng không ngại gác lại những giấc mơ cá nhân mà hướng đến chiến trường khi tổ quốc lâm nguy. Trên đường đi có gì đâu, mỗi bộ quân phục chỉnh tề mặc khi chiến đấu lẫn khi tử trận. Quang Dũng sử dụng một từ cường điệu hóa “áo bào”. Chỉ có những vị tướng tài ba mới xứng đáng khoác lên áo bào, nhưng những người lính đã hy sinh vì độc lập dân tộc các anh đều đang khoác nó trên người. Thời chiến tranh đi hành quân khắp nơi, lấy đâu ra manh chiếu mà đắp. Áo bào ấy chính là lời an ủi trong ý thơ, rằng các anh đã nằm về đất mẹ trong vinh quang, nên chính quân trang các anh khoác lên là thứ tiễn đưa quý báu nhất. Và “Sông Mã” gầm lên, xuất hiện đầu và cuối bài thơ như minh chứng cho chặng đường những người lính Tây Tiến đã đi, như tiếng gầm tế vong linh và tiễn đưa các anh về với đất mẹ. Từng ý thơ mà Quang Dũng xây dựng đều toát lên một sự bi tráng và hào hùng khôn tả.

Kết lại bài thơ, âm vang về nỗi nhớ như một bản lề khép lại quá khứ trong sự luyến tiếc và mong ước quay trở về

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Từ biệt Tây Tiến, đoàn binh Tây Tiến, không biết bao giờ có ngày gặp lại. Đường xa cách biệt, khó lòng đoàn tụ. Dường như không gian và thời gian ở khổ cuối đã bị chia cắt, một nửa muốn về quá khứ, một nửa đành phải giã từ. Quang Dũng để lại những dòng da diết nhất “Hồn về Sầm Nữa chảng về xuôi.”. Mùa xuân ấy, người lính Tây Tiến đã để lại những nhiệt huyết cháy bỏng, sự dũng cảm, hào hùng, để lại những ký ức khó phai mờ trong tâm tưởng mỗi người. Họ lưu giữ điều đẹp nhất ở nơi ấy, như một tấm hồn phiêu linh với đại ngàn, lưu luyến không quên.

Khép lại bài thơ, âm hưởng bi tráng, hào hùng và lãng mạn đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Quang Dũng quả thực đã vô cùng thành công về đề tài viết về người lính khi sáng tác xong bài thơ Tây Tiến. Dư âm nỗi nhớ vẫn loang loang đâu đây, là tiếng gọi trìu mến của quá khứ, về một thời Tây Tiến oanh liệt.

Xem thêm: Nguyễn Bính là chất thi ca đậm "vị" Bolero

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận